Ukraine và Nga chiếm khoảng 1/4 thị phần thương mại ngũ cốc của thế giới. Điều này đang trở nên phức tạp và gây ra nhiều lo ngại về an ninh lương thực khi xung đột giữa 2 quốc gia này chưa tìm thấy hồi kết.
Trên khắp vành đai nông nghiệp của Ukraine, các kho chứa có tới 15 triệu tấn ngô từ vụ thu hoạch mùa thu. Hầu hết trong số đó lẽ ra đã được bán ra thị trường thế giới.
Khoảng một nửa số ngô nằm trong các kho chứa mà Ukraine dự kiến sẽ xuất khẩu trong mùa vụ đang ngày càng khó đến với người mua. Điều này cho thấy chiến dịch của Nga đã gây ra sự hỗn loạn trong thương mại ngũ cốc toàn cầu trị giá khoảng 120 tỷ USD. Giá cước vận chuyển tăng vọt bởi các nút thắt trong chuỗi cung ứng và các hiện tượng thời tiết. Các thị trường đang chuẩn bị cho những biến động lớn hơn khi việc vận chuyển hàng hóa từ Ukraine và Nga - chiếm khoảng 1/4 giao dịch ngũ cốc trên thế giới - ngày càng trở nên phức tạp và làm dấy lên nỗi sợ về cảnh thiếu lương thực.
Thương mại mới, giao dịch mới
Trước chiến dịch của Nga, ngô của Ukraine sẽ được đưa đến các cảng ở Biển Đen như Odesa và Mykolaiv bằng đường sắt và chất lên các tàu đi châu Á và châu Âu. Nhưng với việc các cảng bị đóng cửa, một lượng nhỏ ngô đang phải đi đường vòng về phía tây bằng đường sắt qua Romania và Ba Lan trước khi được vận chuyển ra ngoài. Một tình tiết quan trọng hơn: bánh xe trên các toa xe phải được thay đổi ở biên giới vì không giống như đường ray của châu Âu, các toa tàu của Ukraine chạy trên các đường ray có từ thời Liên Xô còn tồn tại.
Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nông nghiệp Ukraine Kateryna Rybachenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Đường sắt không thiết kế để vận chuyển ngũ cốc theo cách đó. Điều này làm cho toàn bộ hệ thống hậu cần rất tốn kém và không hiệu quả, và cũng rất chậm. Về mặt logic, đó là một vấn đề lớn."
Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngô, lúa mì và dầu hướng dương lớn nhất thế giới, dòng chảy của các mặt hàng này phần lớn bị đình trệ. Bộ nông nghiệp nước này cho biết xuất khẩu ngũ cốc hiện chỉ được 500.000 tấn/tháng, giảm đi so với 5 triệu tấn trước chiến sự, gây thiệt hại 1,5 tỷ USD. Các loại cây trồng từ Nga - nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - vẫn đang tiếp tục được lưu thông. Tuy nhiên, các câu hỏi vẫn còn tồn tại về cách thức giao hàng và thanh toán cho các chuyến hàng trong tương lai vẫn chưa có lời giải đáp.
Sự gián đoạn trong dòng chảy ngũ cốc và hạt có dầu đang khiến giá cả tăng vọt do đây là những mặt hàng chủ lực của hàng tỷ người và động vật trên khắp thế giới. Các quốc gia lo sợ tình trạng thiếu lương thực tiềm ẩn đang vội vàng tìm các nhà cung cấp thay thế và các giao dịch mới đang xuất hiện.
Ấn Độ là quốc gia trước đây giữ vụ thu hoạch lúa mì khổng lồ trong nước nhờ vào mức giá do chính phủ quy định. Hiện họ đang quay sang tham gia thị trường xuất khẩu với số lượng kỷ lục trên khắp châu Á. Xuất khẩu lúa mì của Brazil trong ba tháng đầu năm đã vượt xa so với cả năm ngoái. Các chuyến hàng ngô của Mỹ sẽ đến Tây Ban Nha lần đầu tiên sau khoảng 4 năm. Và Ai Cập đang xem xét đổi phân bón lấy ngũ cốc Romania và tổ chức các cuộc đàm phán về lúa mì với Argentina.
Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường nông nghiệp AgResource Dan Basse cho biết những nỗ lực đó có thể vẫn là chưa đủ.
"Hôm nay chúng ta có thể tạo ra một số thay đổi nhỏ. Nhưng nếu xung đột kéo dài đến mùa hè, khi xuất khẩu lúa mì từ Biển Đen thường tăng lên, thì thế giới sẽ gặp vấn đề. Đó là khi chúng ta bắt đầu thấy sự thiếu hụt." – ông Basse nói.
Xáo trộn xuất khẩu
Các nhà cung cấp thay thế đi kèm với cước phí đắt hơn, thời gian vận chuyển lâu hơn hoặc chất lượng khác nhau, làm tăng thêm lạm phát lương thực. Nguồn cung cấp trên thế giới đã quay cuồng vì hạn hán ở Canada và Brazil và tắc nghẽn vận chuyển ở nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ từ việc mắc kẹt của hệ thống đường sắt ở Mỹ cho đến các cuộc đình công của tài xế xe tải trên khắp Tây Ban Nha.
Liên Hợp Quốc đã cảnh báo giá lương thực có thể tăng thêm 22% khi nó vốn đã ở mức cao nhất mọi thời đại. Xuất khẩu ở Biển Đen sụt giảm nghiêm trọng có thể khiến thêm 13,1 triệu người bị thiếu dinh dưỡng, làm gia tăng nạn đói toàn cầu trong một thế giới vẫn đang phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch.
Hiện tại, nhiều nhà cung cấp khác đang vào cuộc. Bị ảnh hưởng bởi mức giá tăng cao, Ấn Độ đã tăng cường xuất khẩu. Đất nước này nước trồng lúa mì lớn thứ hai sau Trung Quốc. Họ có thể đạt kỷ lục 8,5 triệu tấn trong vụ mùa kết thúc vào tháng trước.
Các cảng Kandla và Mundra của Ấn Độ ở bang Gujarat, phía tây của bang Gujarat, là các cửa ngõ chính xuất khẩu lúa mì. Hai cảng này đã hoạt động sôi nổi khi doanh số bán hàng tăng vọt. Chính phủ Ấn Độ đang làm thêm các tuyến đường sắt để vận chuyển lúa mì. Trong khi đó, các nhà chức trách cảng đã được yêu cầu tăng số lượng bến và container dành riêng cho ngũ cốc. Một số cảng trên bờ biển phía đông Ấn Độ Dương và Cảng Jawaharlal Nehru ở Mumbai cũng đang chuẩn bị xếp dỡ hàng hóa là lúa mì.
Bộ trưởng Thương mại và Thực phẩm Ấn Độ Piyush Goyal cho biết hôm Chủ nhật. "Chúng tôi sẽ tiếp tục xuất khẩu lúa mì với lượng lớn để đáp ứng nhu cầu ở các quốc gia không nhận được nguồn cung từ các khu vực xung đột. Nông dân của chúng tôi đang tập trung vào việc tăng sản lượng."
Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết nước này đang đàm phán để tiếp cận các thị trường Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, ba trong số bốn nhà nhập khẩu lớn nhất, và những khách hàng tiềm năng khác bao gồm Bosnia, Nigeria và Iran. Allana Group là công ty đã kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp từ năm 1865. Giám đốc doanh nghiệp này là Fauzan Alavi cho biết xuất khẩu từ nước này có thể "dễ dàng" chạm mốc 12 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 bắt đầu vào tháng này.
Brazil là nước nhập khẩu ròng lúa mì. Họ cũng đang kỳ vọng lượng xuất khẩu ngũ cốc cao nhất trong một thập kỷ. Theo dữ liệu từ Secretaria de Comercio Exterior, tổng xuất khẩu lúa mì của nước này dự kiến đạt 2,1 triệu tấn trong ba tháng đầu năm, gần gấp đôi so với cả năm 2021. Các nước nhập khẩu bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Sudan.
Australia là một nước xuất khẩu lúa mì lớn. Doanh số bán hàng của họ đang đạt mức tối đa, với thứ tự giao hàng phải được đặt trước trong nhiều tháng và lượng người mua ngũ cốc nhiều hơn bình thường.
Một số chính phủ đang hạn chế giao dịch để ngăn giá lương thực tăng cao. Serbia là nhà cung cấp ngô lớn thứ chín, đã tạm thời cấm xuất khẩu. Argentina và Indonesia tăng thuế đối với xuất khẩu dầu thực vật, và Kazakhstan sẽ hạn chế các lô hàng lúa mì. Hội đồng ngũ cốc quốc tế ước tính, thương mại ngũ cốc toàn cầu, không bao gồm gạo, có thể giảm 12 triệu tấn trong mùa này, mức cao nhất trong ít nhất một thập kỷ qua.
Nhà phân tích cấp cao của Rabobank Michael Magdovitz cho biết: "Giá cao thường xuyên hơn không chỉ dẫn đến việc có nhiều nhà xuất khẩu hơn, mà còn dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ."
Trong khi đó, các nhà nhập khẩu đang giảm bớt các hạn chế để lấy ngũ cốc từ nhiều nguồn hơn. Tây Ban Nha là nước nhập khẩu ngô đứng thứ 2 của Ukraine, đã nới lỏng các quy định về thuốc trừ sâu để cho phép sự nhập khẩu từ Argentina và Brazil. Họ cũng đã nhận 145.000 tấn từ Mỹ vào tháng 3, chuyến hàng đầu tiên kể từ năm 2018. Trung Quốc là một khách hàng lớn khác của Ukraine, đã tăng cường mua hàng của Mỹ.
Tổng thư ký của tập đoàn công nghiệp thức ăn chăn nuôi châu Âu FEFAC Alexander Doring cho biết một số nhà máy thức ăn chăn nuôi ở miền nam nước Ý đã phải đóng cửa vì thiếu ngũ cốc.
Giá thức ăn chăn nuôi ở châu Âu đã tăng vọt sau chiến sự
Các nhà nhập khẩu Bắc Phi và Trung Đông đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga và Ukraine và đang vật lộn với việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Algeria, quốc gia mới mở cửa cho lúa mì Biển Đen vào năm ngoái, đã quay trở lại mua hàng hóa của Pháp. Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, với hơn 80% lượng nhập khẩu đến từ Nga và Ukraine trong 5 năm qua. Nước này đang phải cắt giảm lượng mua khi giá tăng cao. Điều này đã loại bỏ hai cuộc đấu thầu nhập khẩu thẳng do lượng hàng cạn kiệt và giá tăng khoảng 100 USD/tấn, bao gồm cả cước phí vận chuyển. Bộ trưởng Bộ Cung ứng cho biết họ đang dừng các cuộc đấu thầu tiếp theo cho đến ít nhất là giữa tháng Năm. Quốc gia này đang phải vật lộn để duy trì chương trình trợ cấp bánh mì được khoảng 70 triệu công dân sử dụng.
Không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng nguồn cung sẽ sớm giảm bớt, Rabobank dự báo vào tháng 3 rằng giá lúa mì tương lai sẽ trung bình từ 2,3 USD/kg trở lên vào cuối năm và ngô khoảng 2,4 USD/kg hoặc cao hơn. Đó là mức tăng từ 30% trở lên so với cuối năm 2021.
Nông dân đang vật lộn để có được phân bón cho cây lúa mì gieo vào mùa thu khi chúng nảy mầm sau giai đoạn ngủ đông. Việc trồng các loại cây trồng chủ chốt của mùa xuân như ngô và hoa hướng dương sẽ giảm xuống do các nhà sản xuất phải đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel và máy kéo bị mất cắp.
Minh Phương
Source: CafeF