Thursday, April 21, 2022

Dưỡng tâm quý ở Tĩnh tâm






Một vị giáo sư nọ đưa ra câu hỏi với các sinh viên: Theo em, thứ tốt đẹp nhất trong cuộc đời là gì? Các sinh viên đã đưa ra một danh sách dài: Sức khỏe, tình yêu, sắc đẹp, danh dự, của cải, năng lực… Giáo sư nhìn rồi mỉm cười và nói: “Thực ra các em đã bỏ qua một mục vô cùng quan trọng – sự tĩnh lặng của tâm hồn. Không có điểm này, tất cả những gì các em đã đưa ra ở trên sẽ mang lại rất nhiều đau khổ cho các em”.
Chúng ta biết rằng, “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là con đường để thực hiện lí tưởng nhân sinh của cổ nhân, nhưng trước đó còn có một tiền đề thường hay bị chúng ta bỏ qua, đó là “chính tâm”. “Thành ý, chính tâm, tu thân” là con đường nội ngoại kiêm tu mà cổ nhân đã đưa ra. Đối với con người sống trong thời đại ngày nay, cuộc sống căng thẳng bận rộn thường sẽ khiến thế giới tinh thần của chúng ta mất cân bằng. Nếu ta không thể nhìn nhận các cám dỗ, suy tính được mất bằng một tâm hồn “tĩnh” thì sẽ rất dễ cảm thấy mệt mỏi. Chỉ có sự tĩnh lặng của tâm hồn mới có thể giúp chúng ta không cảm thấy thèm thuồng, đố kị trước những thứ không thuộc về mình. Suy cho cùng, những cảm giác thèm thuồng, đố kị hay ngưỡng mộ ấy đều là tình cảm đơn phương của con người, chúng chỉ khiến tăng thêm gánh nặng cho cuộc sống, khiến chúng ta càng lúc càng rời xa sự vui vẻ, dễ chịu.
Trên con phố nọ có một xưởng rèn sắt, chủ nhân là một ông lão thợ rèn. Cùng với sự phát triển của thời đại, người cần gia công đồ sắt càng ngày càng ít, việc làm ăn của ông lão cũng ngày càng đi xuống, vì thế ông chuyển sang bán các thứ đồ sắt gia dụng như nồi sắt, xích chó…
Phương thức kinh doanh của lão thợ rèn vẫn tuân theo truyền thống, bao năm không thay đổi. Người ngồi trong cửa hàng, hàng bày ngoài cửa bên đường, không chào hàng, cũng không ghi giá, đến tối cũng không dọn hàng sớm, lúc nào bạn đi qua đây cũng đều có thể nhìn thấy ông lão đang nằm trên ghế tre, nheo mắt, ngân nga theo những giai điệu cũ phát ra từ chiếc đài bán dẫn, trên chiếc ghế băng bên cạnh đặt một chiếc ấm tử sa.
Việc buôn bán của ông thợ rèn cũng tàm tạm, thu nhập cơ bản hàng ngày đủ tiền trà nước và tiền ăn của ông. Dù sao thì ông đã già rồi, nhu cầu cá nhân không có gì nhiều, cuộc sống như vậy đối với ông có thể coi là đủ.
Một hôm, có một thương nhân buôn bán đồ cổ đi qua con phố đó, tình cờ nhìn thấy chiếc ấm tử sa bên cạnh ông thợ rèn. Tạo hình của chiếc ấm này cổ xưa, trang nhã, chất đất làm ấm tím đen như mực, rất có phong thái của danh gia Đới Chấn Công thời Thanh. Anh ta bèn tiến lại, cầm chiếc ấm tử sa ấy lên và xem xét kĩ lưỡng.
Quả nhiên, ở chỗ miệng ấm có một dấu ấn, đó chính là tác phẩm của Đới Chấn Công! Thương nhân này tỏ ra vô cùng thích thú. Phải nói thêm rằng, Đới Chấn Công vốn được truyền tụng có thể nặn bùn thành vàng, tác phẩm của ông còn lưu truyền lại cho đến ngày nay chỉ còn lại ba chiếc, một chiếc nằm ở bảo tàng New York (Mĩ), một chiếc nằm ở Bảo tàng Cố Cung (Đài Loan), còn một chiếc thì được một Hoa kiều người Thái mua với giá 160.000 đô-la trong cuộc bán đấu giá năm 1993 ở London. Không ngờ ở con phố cổ không có gì nổi bật này, trong tay một ông lão vô danh lại phát hiện được vật báu nhường kia!
Người thương nhân vô cùng thích thú, vì thế đã đề nghị ông lão thợ rèn bán lại chiếc ấm tử sa cho mình với giá 100.000 tệ. Ông lão nghe thấy cái giá này thì thoạt đầu cảm thấy rất ngạc nhiên, sau đó ông xua tay, từ chối không bán. Chiếc ấm này là ông nội của ông để lại, ba đời nay nhà ông đều uống nước trong chiếc ấm này, vì vậy dù thế nào đi nữa cũng không thể bán được. Thương nhân đành buồn bã bỏ đi.
Tuy giữ được ấm tử sa, nhưng cuộc sống vốn yên bình của ông thợ rèn đã bị đảo lộn. Đêm hôm ấy, ông nằm trên giường mà cứ trằn trọc mãi, không sao ngủ được. Chiếc ấm này đã theo ông suốt sáu mươi năm, vốn cứ tưởng rằng đó chỉ là một chiếc ấm bình thường, bây giờ lại có người trả giá cao ngất để mua nó, việc này không thể không khiến lão thợ rèn như có lửa đốt trong lòng.
Trước đây, lúc nào ông cũng có thể an tâm nằm trên ghế ngủ gật, ấm tử sa đặt trên ghế băng bên cạnh. Nhưng bây giờ chốc chốc ông lại ngồi dậy canh chừng, điều đó khiến ông vô cùng khó chịu. Đặc biệt, điều khiến ông không thể chịu đựng được đó là họ hàng gần xa sau khi biết ông có đồ quý trong nhà thì liền thi nhau tới, có người muốn xem tận mắt vật báu, có người hỏi ông còn giấu bảo bối nào khác không, có người còn bắt đầu hỏi vay tiền ông, khiến ông rất phiền não. Lần này, cuộc sống của ông lão đã hoàn toàn bị đảo lộn, khiến cho ông vừa buồn bực vừa không biết phải làm thế nào.
Vài hôm sau, thương nhân buôn bán đồ cổ hôm nọ lại mang 200.000 tệ tiền mặt tới nhà, bày tỏ nguyện vọng muốn được mua lại chiếc ấm này. Lúc này ông thợ rèn không thể chịu đựng thêm được nữa, bèn gọi họ hàng thân thích và hàng xóm láng giềng tới, vung rìu đập vỡ ấm tử sa trước mặt mọi người.
Bây giờ, ông lão vẫn sống ở con phố cổ, bán nồi sắt và xích chó, nghe nói năm nay ông đã 102 tuổi.
Ý nghĩa đích thực của cuộc đời nằm ở sự tĩnh lặng và thanh đạm, chỉ có hiểu được điều này thì cuộc sống của chúng ta mới có trật tự, không kiêu ngạo, không buồn bực, tìm ra được một khoảng trời riêng của mình. Chúng ta đều biết rằng, nếu muốn giữ cho hoa tươi lâu thì phải thay nước trong lọ cho hoa mỗi ngày, ngoài ra do cuống hoa ngâm trong nước dễ bị thối nát, nên mỗi khi thay nước phải cắt bỏ đi một đoạn cuống hoa. Việc duy trì sự sạch sẽ, thuần khiết cho tâm hồn cũng tương tự như vậy. Môi trường sống của chúng ta giống như nước trong lọ, mỗi người là một bông hoa cắm trong chiếc lọ ấy, chỉ có không ngừng làm sạch nội tâm, làm sạch tư tưởng của mình thì mới có thể không ngừng hấp thu được dinh dưỡng nhiều hơn, tốt hơn.
Một tâm hồn “tĩnh” có thể làm lắng đọng rất nhiều sự nông nổi rối ren phức tạp của cuộc sống, lọc bỏ những “tạp chất” của tính tình như sự nông cạn hay thô bỉ, giúp chúng ta có thể không vì được yêu chiều mà vênh váo quên mình, không vì cuộc đời không như ý mà thất vọng buồn chán, không vì sống trong phú quý mà ngạo nghễ xấc láo, không vì sống trong bần hàn mà tự ti. Khi được như ý thì không quên chú ý hình tượng, thời thế, thần thái của bản thân; khi không như ý cũng không buồn chán thất vọng, than thân trách phận. Sống khép kín, yên tĩnh, không làm loạn, cũng không để mình bị khuất phục. Tĩnh để tu thân, dưỡng tâm quý ở tĩnh tâm, “tĩnh” là một kiểu khí chất, một sự tu dưỡng, một loại cảnh giới mà ở đó, con người có thể thản nhiên như không, trầm tĩnh ung dung, hưởng thụ một cách sâu sắc và đầy đủ hơn nhiều so với trạng thái cuồng loạn, gào thét rát cổ bỏng họng.
(Trích sách "Sức mạnh của Tĩnh tâm")