Monday, October 14, 2024

Doanh nghiệp cuối năm – Nhìn lại cho những bước tiến nhanh hơn


Xuyên suốt một năm dài hoạt động, doanh nghiệp ở thời điểm cuối năm thường sẽ tập trung vào kết quả kinh doanh với những con số, cột mốc đáng chú ý. Và để tổng kết cho chặng đường vừa qua, người chủ doanh nghiệp hẳn sẽ cần nhìn lại tất cả mọi khía cạnh thành bại nơi “đứa con” của mình. Nhưng cần một góc nhìn cao rộng và tích cực hơn…

Đối với doanh nghiệp, giai đoạn cuối năm cũng là thời điểm để bạn nhìn nhận lại những mục tiêu đã đề ra và suy ngẫm về những thành tích đã đạt được. Đâu là những nhân viên mới mà bạn đã chào đón và có thể trở thành những “hạt giống” ưu tú. Đâu là những dự án đã triển khai thành công ngoài mong đợi và đâu là những đối tác tìm năng mà bạn đã kết nối được. Bên cạnh đó, những thất bại và sự cố mà bạn đã phải đối mặt là gì, hãy thẳng thắn rằng, đã bao giờ bạn nghĩ đến việc sẽ đóng cửa doanh nghiệp vì những thất thoát tưởng chừng không thể cứu vãn?

Tất cả mọi thứ liên quan đến hoạt động kinh doanh được tổng kết vào cuối năm, dù tốt hay xấu, đều là một “thành tích” đáng để bạn suy ngẫm vì nó đều chứa đựng những bài học quý giá. Từng cột mốc đều đánh dấu sự tiến bộ và truyền cảm hứng để bạn tiếp tục với hành trình của mình. Tất cả những người chủ doanh nghiệp đều sẽ trải qua những thăng trầm trong một năm, nhưng họ sẽ cảm thấy lạc quan nếu có thể giữ một bộ óc tập trung và những mục tiêu cụ thể nhất định. Bạn sẽ không ngừng tìm kiếm những mục đích mới, nhưng hãy nhớ rằng điều bạn luôn tìm kiếm phải xuất phát từ một nền móng vững chắc. Và, đừng bao giờ để những thứ bạn muốn làm bạn quên đi những thứ bạn đang có.

Những doanh nhân luôn mạnh dạn ra quyết định và thiết lập các thứ tự ưu tiên chính là những người ý thức và kiểm soát được năng lực bản thân và không bao giờ hối tiếc với những gì đã lựa chọn. Cho dù điều bạn lựa chọn tiếp theo là con đường hiện tại hoặc rẽ hướng sang một phương mới, thì một nền tảng vững chắc về kinh nghiệm và tâm lý sẽ giúp bạn đưa ra quyết định một cách chính xác dù có thể bạn không thể dự tính được tất cả những gì đang chờ bạn phía trước.

***

Phát triển trách nhiệm lãnh đạo

Để huấn luyện cho người khác biết cách chịu trách nhiệm, người lãnh đạo phải luôn cố gắng thể hiện phẩm chất này trong công việc lẫn cuộc sống. Trở thành một nhà lãnh đạo sở hữu mục tiêu mạnh mẽ có nghĩa là bạn phải rèn luyện và phát triển kỷ luật và sự tự giác để các quyết định và hành động của mình không thiên vị và trong tầm kiểm soát. Từ đó, bản thân bạn sẽ luôn có thể nhận thức đầy đủ và chuẩn bị cho những hệ quả của những hành động và quyết định đó.

Xây dựng khả năng hồi phục

Bằng cách luôn phấn đấu để tăng cường và đa dạng hóa kiến thức, năng lực của mình, một nhà lãnh đạo sẽ có thể xây dựng khả năng phục hồi khi gặp khó khăn. Khả năng phục hồi là đặc điểm cho phép chúng ta duy trì sự linh hoạt khi có biến đổi, và khả năng này cũng ảnh hưởng nhiều đến bản chất tài chính khi người lãnh đạo có thể quản lý dòng tiền mà không chịu khuất phục trước cám dỗ hay ảnh hưởng quá mức để hành xử liều lĩnh.

Quản lý tài nguyên cá nhân

Bộ não cũng giống như cơ bắp, có khả năng tạo ra một lượng hỗ trợ làm việc trong khoảng thời gian nhất định. Và cũng tương tự với việc nó cần phải nghỉ ngơi để tái tạo và tự phục hồi. Người lãnh đạo phải quan tâm đến tài nguyên cá nhân như năng lượng, cảm xúc và tâm trí, bởi những thứ này không phải là vô hạn và cần phải nạp lại một cách thường xuyên để luôn hoạt động một cách hiệu quả mà không dẫn đến căng thẳng hay quá tải.

Luôn nhìn thấy bức tranh tổng thể

Một nhà lãnh đạo vĩ đại luôn nỗ lực để suy nghĩ về bức tranh lớn hơn, để mắt đến các sự kiện và diễn biến hàng ngày để không đánh mất đi mục tiêu. Đây cũng là một phương pháp giải quyết vấn đề hiệu quả không chỉ trong công việc mà còn cuộc sống. Hãy cố gắng duy trì cảm giác rõ ràng và nhìn xuyên qua “màn sương mù” để không bị cuốn vào những trở ngại và thách thức hiện diện, từ đó bình tĩnh đối phó với những điều bất ngờ mà không bị văng khỏi đường đua.

1Một nghiên cứu của Edwin Locke và Gary Latham đã phát hiện rằng khi mọi người đặt ra những mục tiêu cụ thể chứa đựng thách thức sẽ dẫn đến hiệu suất thời gian công việc cao hơn 90%.

2Các nhà tâm lý học Ken Sheldon và Tim Kasser cho biết người sở hữu mục tiêu để theo đuổi dài hạn cũng là những người khỏe mạnh và hạnh phúc hơn so với những người không có thói quen đặt mục tiêu lâu dài trong công việc và cuộc sống.

3Hơn 80% trong số 300 chủ doanh nghiệp cho biết họ thường không theo dõi sát sao các mục tiêu kinh doanh và 77% vẫn chưa đạt được tầm nhìn của họ cho công ty. (Theo Cuộc khảo sát doanh nghiệp nhỏ của Staples năm 2010)

  • Bạn tự hào về thành tựu nào nhất trong năm qua?
  • Bạn có đang tận hưởng cuộc hành trình của hôm nay?
  • Bạn đã nhận được bài học gì từ những thất bại?
  • Có cơ hội nào đã bỏ qua khiến bạn hối tiếc?
  • Bạn sẽ làm gì khác đi nếu được quay lại?
  • Mục tiêu của bạn đang ở đâu?
  • Bạn cần dành nhiều thời gian hơn để làm gì?
  • Bạn cần có cần dừng lại điều gì đó?

_______________________*

“Luôn có rủi ro và may mắn trong bất cứ điều gì bạn làm. Nhưng nếu rủi ro xảy ra một cách có kỷ luật, bạn sẽ chiến thắng và đó cũng là nền tảng để phát triển doanh nghiệp.”

Nữ doanh nhân Shirley Chen, người sáng lập công ty Narrativ 

*________________________

 

Bài viết độc quyền của ấn phẩm Nữ Doanh Nhân

Illustration: VikesTan