Friday, March 4, 2022

MỘT CON CÁO KHÔNG NÊN LÀ QUAN TOÀ Ở PHIÊN XỬ CON NGỖNG




“Một con cáo không nên là quan toà ở phiên xử ngỗng” - ngày nhỏ tôi từng bật cười khi đọc câu danh ngôn này của nhà sử học Thomas Fuller, vì hình tượng ông đưa khá thú vị. Nay đầu hai thứ tóc, ngẫm lại câu này, tôi cũng cười, nhưng lại là nụ cười chua chát. Bởi trong đời thực, vẫn rất nhiều con ngỗng bị định danh, dán nhãn, kết tội bởi những con cáo làm “quan toà tự phong”. 

   

Một nhóm cô gái trẻ chê bai vẻ ngoài xồ xề của một bà mẹ. Bạn sinh viên thành phố cười người bạn ngoại tỉnh ăn mặc quê mùa. Anh thợ rèn gièm pha anh bán bảo hiểm làm công việc lừa đảo. Người ta dễ buông lời phán xét ở góc nhìn của con cáo, nhưng hiếm khi đặt mình vào vị trí của con ngỗng để có nhận định tường minh. 


Cái khác biệt nguy hiểm của một “quan toà tự phong” so với quan toà luật định nằm ở chỗ: Quan toà luật định gõ búa dựa trên pháp luật, “quan toà tự phong” kết luận dựa trên thiên kiến. Quan toà luật định nếu luận tội sai, sẽ có những phiên sơ thẩm, phúc thẩm để điều chỉnh. Còn “quan toà tự phong” thường không có bản lĩnh để đính chính. 


Một bài viết ném đá được đăng tải, nếu sau đó đối tượng bị ném đá có thể chứng minh trong sạch, người đăng bài cùng lắm là ẩn bài, gỡ bài. Tôi hiếm thấy ai đăng tải một bài mới để cập nhật thông tin chính xác và nghiêm túc xin lỗi. Điều này cũng giống như đóng một cây đinh vào tường, sau đó phát hiện đóng sai chỗ bèn nhổ cây đinh ra, nhưng trên tường đã in sâu một lỗ. Cái lỗ đinh ấy cũng chính là tổn thương đã gây cho người khác. Cây búa đóng sai có thể đóng lại. Nhưng không thể trả về một bức tường đẹp đẽ, vẹn nguyên. 


Ngày trước, đàm tiếu chủ yếu là hành động mua vui. Tuy nhiên bây giờ, khi mỗi cá nhân đều dễ dàng trở thành một kênh thông tấn, việc khoác áo “quan toà tự phong” để chĩa mũi rìu vào ai đó, còn có thể mang đến một số lợi ích khác. Như tờ Columbia Journalism Review đã dẫn câu chuyện của tạp chí online mang tên Slant: ngoại trừ lương cứng mỗi tháng, mỗi phóng viên sẽ được trả thêm 5 USD cho mỗi 500 lượt click vào các bài báo của họ. Đây không phải là trường hợp cá biệt trong ngành xuất bản trên thế giới. Cho đến khi mạng xã hội xuất hiện, lượt tương tác trên một bài đăng còn có thể biến một người vô danh trở thành người có tầm ảnh hưởng. Cái danh, cái lợi đã khiến không ít con cáo đưa những con ngỗng ra “toà án tự phong” bằng các tiêu đề giật gân, nội dung bề nổi, phiến diện. 


Trên thực tế, việc xuất hiện ngày càng nhiều những bài đăng như vậy, một phần cũng đến từ cách tiêu thụ thông tin từ công chúng. Tâm lý chung thường gặp là “thấy người ta hay thì ngờ, thấy người ta dở thì tin”. Những thông tin tích cực dễ bị nghi hoặc. Ngược lại, các bài đăng “bốc phốt” dễ “một phát ăn ngay”, nhanh chóng chiếm được sự đồng tình của số đông. 


Cái tệ hại không dừng lại ở đó, mà nó còn thể hiện sự “mất chất” của rất nhiều con người muốn “dùng ngòi bút, câu chữ, để kiếm tiền”. Họ có thể đưa một bài khen ngợi ai đó lên chín tầng mây. Và cũng chính họ, ngay giây sau đó, “đạp” người ta xuống tận đáy vực thẳm. Vì tiền! Họ bất chấp thông tin, không quan tâm bản chất sự việc, con mắt lý trí lúc đó không còn sáng nữa, cũng bởi có lẽ họ còn quá nhiều nỗi lo, nỗi sợ phải nghĩ đến mà quên mất “bản ngã”. Nhưng cũng có thể, họ chưa hề thay đổi, mà bản chất con người họ là như vậy. Việc nói xấu, gieo điều tiếng, bịa đặt, hạ nhục, … một ai đó “hơn họ” đã ăn vào máu. Họ lấy đó là “niềm vui”, vì họ ghen tức với những gì người khác có.  


Tôi nghĩ, để đấu tranh chống lại sự bất công, chưa cần đồng ký tên, giăng biểu ngữ, chỉ cần mỗi chúng ta cẩn trọng trước khi bấm một nút chia sẻ, nhập một dòng bình luận, là đã trở thành một chiến sĩ trên mặt trận thông tin rồi. Và cũng cẩn trọng kìm hãm sự đố kỵ của mình, đừng để rơi vào vòng luẩn quẩn đó mà không biết thoả mãn. Vì nếu cứ dành thời gian nhìn vào thành công của người khác, bạn sẽ chẳng nhận ra tiềm năng của bản thân. Ngay cả khi thành công, bạn vẫn nhìn đến người khác thay vì chúc mừng chính bạn.  


“Cư xử cung. Chấp sự kính. Dữ nhân trung” – khi nhàn cư thì khiêm cung, khi làm việc thì thận trọng, khi giao tiếp thì trung thực - là lời dặn của Khổng Tử. Tôi tin rằng nếu thực hành được ba điều này, dù bạn là ai, ở độ tuổi nào, làm công việc gì, cũng sẽ sớm trui rèn được bản lĩnh của bậc chính nhân, có khí chất của người quân tử. 


Và ngược lại...


#ĐỗLiên