Wednesday, March 16, 2022

Chuyện Phật đời xưa



● Niêm hoa vi tiếu

   Một hôm Phật đang thuyết giảng ở núi Linh sơn, người bỗng giơ lên một đóa hoa tươi, không nói gì. Các tín đồ đều không hiểu ý, duy có ông Ca-diếp cũng nhìn hoa mà mĩm cười, Phật gật đầu khen ngợi.

   Phật ấn dụ là khi đối diện với nỗi khổ của chúng sinh, điều duy nhất chúng ta luôn cần là nụ cười để giải thoát, vì ta đã hiểu lý " vô thường "

   Cười để xả bỏ hết, không bận tâm được, mất, thành, bại, vui, buồn ... Cười để cho qua mọi rắc rối của cuộc đời.  " Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ "

   Một nụ cười thay cho vạn lời nói, đã biểu hiện chân đế nhân sinh sâu sắc, nhưng người đời đôi lúc lại muốn biến đơn giản thành phức tạp, rồi để ưu tư ngự trị tâm hồn.

● Nghèo và giàu

   Trong thành Vương Xá có một bà lão cực kỳ nghèo khổ, không có đủ quần áo, phải lấy lá che thân . Một hôm, bà bệnh nặng, sắp chết thì có một nữ tì đem đổ một bát nước cơm, thấy vậy bèn lấy cái chén mẻ của bà sớt vào cho bà, bà định bụng lát nữa sẽ dùng cho đỡ đói thì ông Ca-diếp đi khuyến hóa ngang qua . Bà nhướng cặp mắt mỏi mệt nhìn và nghĩ thầm : " Trời ! ông này nghèo hơn ta hay sao mà đến đứng đây khất thực ? "

   Bà nói : thưa sa môn , lòng con rất muốn, nhưng con không có gì để cúng cả .

   Ca-diếp đáp : tôi biết bà rất khổ, tôi có thể tặng bà vài món nho nhỏ, nhưng điều này chỉ giúp bà bớt khổ trong nhất thời thôi. Bây giờ bà hãy bố thí cho tôi, là bà được công đức đó.

   Bà lão nghẹn ngào : thật con không có gì cả ngoài chén nước cơm này. 

   Ca-diếp nhẹ nhàng : bà ơi, ai có tâm bố thí thì người đó không còn nghèo nữa, ai biết hổ thẹn thì người đó đã mặc pháp y, bà đã có hai thứ đó rồi nên bà không còn nghèo nữa . Bà biết không, trong thành Vương Xá này có nhiều người giàu có nhưng không hề biết " cho " là gì , và cũng không hề hổ thẹn về điều đó, họ mới là những người bần cùng. 

   Nghe đến đây, bà lão mạnh dạn nhìn về chén nước cơm, Ca-diếp bước tới cung kính nhận vật cúng dường.

   Bà lão mĩm cười rạng rỡ, Ca-Diếp biết bà đã hiểu : bà đã giàu hơn nhiều người giàu khác.

   Một lúc sau , bà lão mệnh chung, nét mặt hoàn toàn mãn nguyện. Kinh nói là bà được lên cung trời Đạo Lợi và trở thành một thiên nữ xinh đẹp.

   Vậy ra : Bố thí không cốt ở số lượng, ở vật phẩm mà cốt ở lòng người. Người bố thí bằng cả tấm lòng chân thiện thì còn đáng quý hơn cả bạc vàng châu báu ngàn vạn lượng. Bố thí một nụ cười, một lời khích lệ, bố thí một ánh mắt, một cái giơ tay giúp đỡ, một tấm lòng thiện lương… đều có ý nghĩa như vậy cả.