Người Mỹ có rất nhiều điểm tương phản. Ví dụ, cái khoảng cách từ một anh nhân viên đến một anh CEO trong 100 hãng hàng đầu của Mỹ rất ư là xa. Về tiền lương không thôi thì độ chênh lệch 150 lần(*) là chuyện bình thường. Tức là, nếu anh nhân viên làm được 100 ngàn đô la một năm thì anh CEO làm được 15 triệu một năm. Thế nhưng, trong cách hành xử thì anh CEO lại ráng kéo mình xuống gần anh nhân viên như khả năng có thể. Anh tự lái xe, tự đi mua thức ăn trưa. Gặp ở quày tính tiền, gọi nhau bằng tên, tay bắt mặt mừng, kiểu như là bạn lâu ngày. Rồi lúc nói chuyện thì anh kể chuyện đi câu cá, đi trồng rau, đi lượm nấm hoang. Mới nghe, chắc ai cũng tưởng anh này gia cảnh khó khăn lắm lắm.
Bill Clinton là một người rất thông minh. Thuở thiếu thời, ông được một trong những học bổng cao quý nhất là Rhodes Scholarship. Báo chí Việt Nam hàng năm thường đăng bài ca ngợi những học sinh được học bổng tại một trường Ivy nào đó. Tất nhiên, rất tốt và rất may mắn cho các em. Nhưng, thật ra, các trường Ivy (**) không cấp học bổng cho học sinh giỏi, họ chỉ cấp học bổng cho học sinh nghèo, hay chính xác hơn là hỗ trợ tài chính cho sinh viên (student financial aid). Các trường ấy có cái triết lý là nghèo giàu gì cũng được đi học nếu năng lực cho phép. Có nghĩa là đủ tiêu chuẩn vào trường thì cũng sẽ đủ tiền bạc để theo học. (Lặp lại là tôi chỉ nó về những trường Ivy mà thôi).
Năm 30 tuổi Clinton trúng cử chức bộ trưởng tư pháp của bang Arkansas. Ở nhiều tiểu bang, bộ/ngành trưởng là chức vụ dân cử. Năm 32 tuổi ông được bầu vào vị trí thống đốc tiểu bang. Vậy chứ lúc đi ứng cử, ông đã dấu tiệt cái học bỗng Rhodes cao quý. Cực chẳng đã ông mới tự nhận là mình học luật ở Yale.
Obama là một câu chuyện không thể dấu. Mẹ ông da trắng, bố ông là du học sinh người châu Phi. Ông tốt nghiệp luật ở Harvard. Thế cho nên, khi đi tranh cử thì ông giả giọng nói như những người dân thường trong đời. Thay vì phát âm "working" thì ông nói "workin'", rồi cái âm ô tròn trịa trong chữ "downtown" thì ông bóp nó hơi méo một chút. Buồn cười nhất là cái âm "r" trong chữ nghèo, "poor". Ông giả nghèo đến độ không cưu mang nỗi nó mà nói thành "poo". Đáo để cho tay này.
Ở Mỹ, không có ai có dòng máu xanh hơn ông Bush con. Với người tây phương, chữ máu đỏ là để chỉ thường dân, còn ai thuộc dòng vua chúa thì họ dùng chữ máu xanh. Bố ông Bush làm tổng thống, ông nội làm thượng nghị sĩ, ngoại tổ mấy đời trước cũng làm tổng thống. Tự ông, ông tốt nghiệp tại hai nơi long đầm hổ huyệt là đại học Yale và Harvard. Vậy chứ ông hoàn toàn thành công trong việc "công nông hoá" chính mình. Ông nói giọng Texas quê mùa, đi giày boot cao bồi, lại ăn thị gà nướng bốc tay, uống bia đủ kiểu. Ông "hoá" hay đến độ khi đi ăn quốc tiệc với nữ hoàng Anh, báo chí Mỹ đâm sợ. Không biết ông có biết cách cầm thìa và nĩa, ăn soup, uống rượu vang hay không. Đúng là lo bò trắng răng!
Kể vài câu chuyện để kể, nhưng các bạn có thể thấy được cái mẫu số chung. Đó là thành đạt là một tham vọng nóng bỏng, nhưng người Mỹ lại không thích bị đặt để vào cái gọi là "tinh hoa" hay "quý tộc". Thế cho nên, gọi ai "elitist" là một sự miệt thị hơn là một sự kính trọng. Chỉ mỗi chữ "trí thức" chúng ta cũng khó mà tìm ra trong truyền thông báo giới, đừng nói đến chuyện vãn thường ngày. Tôi có bạn làm bác sĩ, giáo sư, giáo sĩ, thậm chí làm... thổ phỉ (hackers), nhưng chưa từng nghe ai tự xưng mình là trí thức.
Không biết từ đâu và chính xác là khi nào, nhạc cổ điển được xem như là "elitist", tinh hoa. Chẳng khác gì một bản án tử hình, thế là quần chúng càng ngày càng xa lánh. Đi nghe nhạc cổ điển thì lẳng lặng mà đi, chớ dại mà tự khai với đồng nghiệp. Có khi bọn nó sẽ cười mình đến thối mũi, kiểu như trưởng giả học làm sang.
Nếu tính về tiền, nhạc cổ điển chỉ chiếm khoảng 3% thu nhập trong kỹ nghệ nhạc. Nhưng cái may mắn lớn nhất là những nhạc viện, thính đường, các dàn nhạc không suy suyển cho mấy. Một trong những lý do chính là nhóm thính giả này tuy nhỏ nhưng là fan cứng và, có thể thôi, phần lớn họ là những người khá giả, nên chi họ có khả năng đóng góp một chút tiền bạc. Anh CEO hãng tôi mỗi năm cho dàn nhạc giao hưởng địa phương nửa triệu đô la. Mà hình như dàn nhạc nào cũng may mắn là được một vài anh như vậy chứ nơi tôi ở không phải là ngoại lệ.
Kimn Doan's FB
==
(*) - Thật ra, theo Liên Đoàn Lao Động Mỹ thì khoảng cách lương giữa một nhân viên trung bình và CEO cao đến 287 lần!
(**) -- Nhóm Ivy có tám trường đại học nằm trong top 20 trường ở Mỹ: Brown University, Columbia University, Cornell University, Dartmouth College, Harvard University, Princeton University, University of Pennsylvania, Yale University