Monday, January 17, 2022

Thú chơi thư pháp




 
 


Nghệ thuật thư pháp thường gắn liền với “sự di dưỡng tâm hồn”, người viết chữ phải dùng ý chí đặt vào đầu ngòi bút. Cái tâm phải tĩnh mới thổi được hồn cốt vào mỗi nét chữ


Để viết được thư pháp không khó nhưng người viết phải thật sự đam mê, hết sức kiên nhẫn và thường xuyên luyện tập. Khi mới làm quen cách viết chữ bằng bút lông, mực tàu, người viết thấy dễ nhưng càng tập viết càng khó. Học phí học thư pháp chỉ vài chục ngàn/tháng, vốn “đầu tư” cũng không nhiều: chỉ cần bút, giấy, mực là có thể học viết thư pháp. Tuy nhiên, người dạy viết thư pháp chỉ có thể hướng dẫn kỹ thuật viết, bao gồm: nét ngang, nét dọc, nét sổ, cách viết chữ cái, trình bày bố cục..., còn lại người viết phải tự sáng tạo nét riêng (nét riêng đó không giống ai nhưng phải được người khác công nhận).


Có người so sánh viết thư pháp cũng như viết chữ, mỗi người có cách cầm bút, cách “nhấn nhá” khác nhau sao cho thoải mái để dồn hết tâm lực vào con chữ, chuyển tải nội dung tư tưởng của mình. Có người lại ví von thư pháp cũng như âm nhạc, phải có những cung bậc bổng trầm, hài hòa âm dương và phải có sinh khí. Từng con chữ đều có hồn, thể hiện cảm xúc, ý nghĩ, quan điểm sao cho người xem nhìn vào đó có thể đoán được tâm ý tác giả. Cái khó của thư pháp là “tâm” phải “tại đầu bút”, chữ viết thể hiện tính cách con người. Bút khí chính là nét riêng của mỗi người, không thể nhầm lẫn với ai khác. Một bức thư pháp đẹp ra đời khi “tâm” người cầm bút “tĩnh”, người viết bỏ qua tất cả những vui buồn, hờn giận, lo toan của cuộc sống thường ngày, nhập tâm vào từng con chữ. 

(st)
------------


Sẽ có một lúc nào đó, khi bạn quá mệt mỏi với những lo toan, bận rộn thường ngày, muốn lắng mình một thoáng, bỏ quên hết tất cả bề bộn, ưu tư sau lưng, hãy trải lòng mình cùng trang giấy, đi dạo cùng ngòi bút, ngao du giữa miền tâm tư, để sẽ có người trầm trồ “chữ ai viết đẹp vậy ta?”:)

Posted on: 07/17/2008 09:20 pm