Wednesday, January 19, 2022

KINH ĐƠN MÙA CHẠP

 "Cách nào thì Tết cũng đến với những người xa, những người vì mưu sinh đã không còn thiết gì đến Tết..."



(Nguyễn Ngọc Tư)


Đã thấy cá, tôm, củ kiệu nằm phơi mặt uống nắng dọc xóm kinh. Ở một khoảng sân, rất khó phân biệt vàng của nắng và của những con ong lặc lè say mật chuối phơi giàn. Chuối xiêm chín cây ép miếng bằng bàn tay, tươm mật cũng vàng không sao tách bạch nổi. Cắn một miếng chuối, nghĩa là nắng đang liệm nơi đầu lưỡi.


Nhưng xóm vắng. Tháng Chạp ở kinh Đơn như vẫn đang thiếu gì đó, để thành một mùa hội thật sự. Đi hết xóm kinh ít nghe tiếng nói cười, bên hàng ba chỉ thấy vài ba người già bưng chén

cơm đút cho con nít. Không biết hồi chiến xóm có thưa người như vầy không, sách chẳng thấy ghi gì thêm ngoài mấy cuộc bom rải thảm, khiến kinh Đơn nổi tiếng. Nhưng có lần qua đây, bạn vẫn nhớ ngay mùa gặt, suốt

đường xóm nhìn đâu cũng thấy người, nào phơi lúa nào vô bao, con nít xúm lại chơi đùa quanh những đống rơm tươi. Giờ dẫn mặn nhập điền nuôi tôm rồi, bà con mình đâu phải ra đồng sao xóm vắng hoe? Hỏi chị chủ quán nước đang ngồi ngáp vời vợi, chị chùi nước mắt nói, đám nhỏ bỏ đi Bình Dương hết, còn đâu mà lai vãng ngoài đường nữa.


Cụm từ 'đi Bình Dương' nghe đã không còn lạ, hồi sửa nhà nghe mấy anh thợ hồ nói suốt, kiểu như 'con vợ ăn xài quá, chắc mai mốt trốn đi Bình Dương', 'mưa dầm kiểu này, không làm được đi Bình Dương sớm'. Nghe nhẹ tênh như nhà giàu xưa nói chút đi Cấp chơi, nhà giàu nay bảo xíu nữa bay qua Paris mua sắm. Nhưng đi Bình Dương với mấy anh thợ, có nghĩa là vỡ nợ, là hết đường kiếm sống, bỏ đi làm công nhân cho những công xưởng nào đó, xứ người.


Đám thanh niên kinh Đơn rủ nhau đi hồi tháng Tư, khi tôm mất mùa năm thứ hai liên tiếp, ngay vừa lúc mấy tờ giấy tuyển mộ công nhân được dán ngay đầu cầu, nội dung thơ mộng như lời thề của tụi đang yêu, 'việc nhàn lương cao, bao ăn ở'. Mỗi đợt lác đác vài ba đứa quảy giỏ đi, rồi một bữa giật mình ngó lại chỉ thấy xóm còn lại người già chăn trẻ nhỏ, cho ba má chúng rảnh tay đi làm kiếm tiền gửi về. Gần một nửa dân xóm kinh Đơn  giờ tản lạc trong những làng công nhân, vài cuộc điện thoại về kể rằng  hên gặp bạn cùng xóm, nhưng chẳng kịp nói gì vì đứa này vào đứa nọ ra ca.


(...)


Bạn kể hồi xưa có lần tới xóm ở hai ngày, cũng ngay mùa Chạp. Xóm vui lắm, cảm giác như đang ở trong một lễ hội tưng bừng. Đàn ông tính chuyện tát đìa kiếm cá se khô, làm mắm, rọng trong lu một mớ để mấy ngày Tết nướng trui nhậu chơi. Mấy chị đổi cho nhau thứ nếp ngon nhất gói bánh tét, quết bánh phồng. Trong những câu chuyện bên sân lúa đang phơi, lúc gặp nhau dưới bến, luôn xoay quanh chủ đề cái hội lớn sắp tới, xào nếp cho bánh dẻo hay ngâm với nước tro, miếng mứt gừng làm sao trong vắt mà vẫn cay, cách nào giữ mắm ong non không bị chua nhanh, sắm quần áo cho tụi nhỏ ở đâu thì rẻ đẹp. Không khí cái lễ hội mà dân Việt gọi là Tết đó, tràn ra cả cây cỏ ngoài vườn. Không biết tới cuối Chạp mai có kịp trổ bông không, bưởi đã kịp ngọt chưa, buồng chuối nào chín cây để làm nhưn bánh.


Bạn vẫn nhớ mùi sình tươi, nắng Chạp vừa hong ráo mặt sau đợt xáng múc nạo vét lòng kinh. Lúc ấy một chị đã cười, nào giờ mới nghe có người nói sình thơm, chứ dân ở đây toàn nghĩ, sình hôi rình.


Không biết có phải tại câu nói đó mà đất giận, mấy mùa nay đồng nước mặn chỉ ròng nước mặn, chẳng có tôm cá bao nhiêu. Chạp đã vào sâu mà không khí mùa hội chẳng thấy đâu.


Món Tết đang bày ngoài sân, chỉ người chưa về. Hỏi một ông già đang trở chuối khô, chắc con cháu đông nên món Tết đầy giàn phơi. Ông nhìn theo khói thuốc phà ra từ mũi mình, nói tụi nó mấy Tết nay không về đủ, nghe đâu làm mấy ngày đó sẽ dược trả lương gấp đôi gấp ba. Nhưng đầu Chạp thì vợ chồng ông chuẩn bị món này món nọ, tụi nhỏ không về thì đóng thùng gởi xe đò đi. Cách nào thì Tết cũng đến với những người xa, những người vì mưu sinh đã không còn thiết gì đến Tết.

----

Nhớ quê những ngày này....