Thursday, January 27, 2022

 THỊT KHO NGÀY TẾT CÓ PHẢI LÀ THỊT KHO TÀU?




Mấy ngày Tết,dù giàu hay nghèo,dù sang hay khó trong nhà phải có nồi thịt kho hột vịt nước dừa,nhà đông người thì kho một nồi bự chảng với năm bảy ký thịt,năm sáu chục trứng vịt cho hoành tráng,nhà ít người thì cở ký lô với chục hột vịt gọi là cho có cái ăn trong ba ngày Tết phố xá vắng hoe chợ búa đóng cửa,sáng mùng một con cháu đến đầy nhà,sau vài lời chúc Tết ông bà cha mẹ cô dì chú bác năm mới dồi dào sức khỏe cung chúc tân xuân là bữa cơm đoàn viên đầu năm,thịt kho hột vịt được dọn lên với món canh khổ qua(ăn cho khổ nó qua như ông bà ta xưa hay nói vậy)nhồi thịt hay nhồi cá thác lác,sang hơn thì nồi canh măng le rừng khô hầm xương ống giò heo,nồi cơm gạo mới mới nấu bốc khói thơm lừng,bánh tráng,rau sống,dưa giá,củ kiệu,củ hành chua,dưa món ăn kèm bánh tét Nam Bộ xắt khoanh,bữa cơm sum họp đầu năm là vậy,mấy ngày cận Tết các má các dì các chị tất bật với những món ăn truyền thống ngày Tết để bữa cơm đoàn viên chan chứa niềm vui tiếng cười cầu may mắn cho năm mới.

Món thịt kho nước dừa truyền thống đặc biệt chỉ có ở phương Nam,người Bắc,người Trung bữa cơm ngày Tết không dùng món này,xuôi về miền Tây sông nước món thịt kho hột vịt nước dừa và canh khổ qua là món được đưa lên bàn thờ cúng mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu trong ngày đầu năm,vậy tại sao người ta hay gọi món này là thịt kho tàu?

Nhà văn Bình Nguyên Lộc,một nhà văn đặc sệt miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với tác phẩm Đò dọc đã giải thích chữ tàu ở đây là chữ lạt theo phương ngữ của người Nam Bộ xưa chứ hỏng dính dáng gì tới món ăn của mấy anh tàu phương Bắc,cố giáo sư Trần Văn Khuê đã phát biểu trong một chương trình chuyên đề về ẩm thực đã phản đối chữ tàu gắn với món ăn tinh túy của người phương Nam,ngay cả ông già Nam Bộ học Sơn Nam cũng gay gắt,tàu có ăn nước mắm đâu mà kêu thịt kho tàu?

Đó là sự ngộ nhận khá nguy hiểm khi chữ tàu dính liền với món ăn của dân tộc,tôi có bà chị bạn mấy ngày Tết bận bịu quá alô gọi tôi nói,em ơi chị bận quá em qua giúp chị kho nồi thịt kho tàu nhé,nghe chữ tàu là tôi thấy quạu rồi nghen,nhưng cũng từ tốn trả lời,chị ơi em chỉ biết kho thịt nước dừa chứ không biết kho thịt kho tàu chị à,chị nhờ ai khác nha,chị nói trời ơi thịt kho tàu là thịt kho hột vịt ăn mấy ngày Tết đó em,em kho được mà,nghe chị nói vậy tôi quạu thiệt luôn,tàu nó có ăn nước mắm đâu mà kho tàu chị,món xứ mình mà cứ kêu tàu là sao? Chị biết tôi quạu nên cười giả lả,nào giờ chị nghe người ta gọi là thịt kho tàu không hà,giờ nghe em nói chị mới biết,hỏng lẻ kho thịt với nước tương?

Nhỏ bạn tôi,kho thịt ngon lành lắm,màu thịt kho rất đẹp,ửng màu vàng nâu,cắn miếng thịt mềm mụp,mỡ tan trong miệng,gọi là thịt kho rệu mà cũng gọi đây là thịt kho tàu,mùng một Tết đến nhà chơi nó múc tô thịt kho ra khoe với tôi,mày thấy món thịt kho tàu tao kho ngon không? Nhìn tô thịt ngon thiệt nhưng nghe nó nó làm tôi cụt hứng,sao gọi là thịt kho tàu? Nó nói thì món này là món tàu mà,tôi nổi điên,tàu con mắt mày,tụi nó có ăn nước mắm đâu mà kêu kho tàu má? 

Sự ngộ nhận rất bôi bác của một số người coi đây là món ăn của Tàu,tức là Trung Hoa,họ nghe  tàu là biết Tàu,là món ăn của người Hoa truyền vào Việt Nam chứ không nghĩ kho tàu là kho lạt như ông Bình Nguyên Lộc giải thích,tôi cự nự với nhỏ bạn về món thịt kho tàu xém chút nữa gây lộn mất vui,đúng là tào lao thiệt.

Vậy món thịt kho tàu là món gì?

Cô Dzoãn Cẩm Vân trong một chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình đã gọi món thịt kho với hắc xì dầu,nước tương,mật ong,rượu mai quế lộ,quế chi,hồ tiêu và hầm bà lằng gia vị khác rằng đây mới đúng là thịt kho tàu,thịt được kho trong cái tay cầm,kho đến cạn nước chứ không đầy nước như thịt kho xứ ta,tôi đã thử qua món này trong một quán ăn của người Hoa trong Chợ Lớn,cảm nhận lạ miệng,cũng hơi ngon đấy nhưng thịt ướp nhiều gia vị quá đánh lừa vị giác người ăn,ăn cho biết chứ ăn hoài thì tôi xin kiếu,thịt kho hột vịt xứ ta ngon hơn,ăn hoài được hoài.

Dông dài về món thịt kho ngày Tết,chỉ mong các mẹ các dì các cô các chị anh bảy anh ba thằng tư con tám đừng ngộ nhận đây là món thịt kho của người Hoa bởi chử tàu kèm theo,món thịt kho này của ông bà ta xưa,những bậc tiền nhân đi khai hoang mở cỏi đã chế biến ra món ăn này khi năm hết Tết đến trước để cúng ông bà sau để đãi đằng bè bạn con cháu khi xuân về  

giữa thời khắc chuyển giao năm cũ đi năm mới tới trên mênh mông sông nước hay trong rừng rú u minh. Hãy nâng niu những giá trị truyền thống của tiền nhân dù chỉ là một món ăn đơn giản nhưng chất chứa trong đó một phần lịch sử của dân tộc.

Thịt kho nước dừa hay thịt kho trứng,món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền cần có một cách gọi khác,trân trọng hơn,thông suốt hơn,ý nghĩa hơn để lớp hậu thế không lỗi đạo với bậc tiền nhân vậy.

Nào ta cùng thưởng thức món thịt kho Tết và chúc nhau năm mới hạnh phúc an khang vạn sự như ý nhé!


                         (Sài Gòn đêm 29 Tết)

                                 ĐAN NAM