Việt Nam sẽ là quốc gia chứng kiến sự tăng trưởng mua sắm trực tuyến mạnh nhất trong 5 năm tới, tăng gấp 3,7 lần từ 7 tỷ USD năm 2020 lên 25 tỷ USD năm 2025.
- 07-09-2020 Hơn 4.000 tấn vàng trên toàn cầu được sử dụng cho những mục đích gì?
- 03-09-2020 Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm trong tài sản ròng toàn cầu?
Theo báo cáo Digital Consumers of Tomorrow, Here Today do công ty Tư vấn Bain & Co công bố mới đây, trên khắp Đông Nam Á, lượng khách hàng thường xuyên mua sắm từ các kênh trực tuyến đã tăng vọt từ 30% lên 44% người tiêu dùng trên toàn khu vực. Trong đó, tại Việt Nam, có 46% khách hàng coi mua hàng trực tuyến là hình thức mua sắm phổ biến trong năm 2020, tăng từ 32% trong năm 2919.
Ở Đông Nam Á, GMV (Gross Merchandise Value - tổng giá trị giao dịch) năm 2020 dự kiến sẽ có kết quả tốt hơn dự báo được thực hiện vào năm 2019 của Bain & Co, cả về GMV trung bình trên mỗi người tiêu dùng kỹ thuật số và tổng GMV, bất chấp sự gián đoạn kinh tế do Covid-19.
Đến năm 2025, người tiêu dùng kỹ thuật số sẽ chi tiêu gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2018. Con số này cao hơn mức tăng 3,2 lần mà Bain & Co dự báo hồi năm 2019. Đồng thời, tổng GMV trên toàn Đông Nam Á sẽ tăng trưởng gần gấp 3 lần, từ khoảng 53 tỷ USD vào cuối năm 2020 đến 147 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, Việt Nam sẽ là quốc gia chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất, tăng gấp 3,7 lần từ 7 tỷ USD lên 25 tỷ USD.
Đến cuối năm 2020, GMV trung bình ở Đông Nam Á dự báo là 172 USD/người.
Theo báo cáo, người Đông Nam Á tương đối cởi mở với việc thay đổi giữa các thương hiệu khác nhau. 54% người tham gia khảo sát nói rằng họ đã thay đổi nền tảng mua sắm trực tuyến mà họ từng dùng nhiều nhất trong vòng ba tháng trước nghiên cứu.
Đối với các thương hiệu, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội. Một mặt, sự dễ thay đổi của khách hàng sẽ khiến các doanh nghiệp phải sáng tạo hơn để giữ chân họ. Mặt khác, khách hàng cởi mở với cái mới có nghĩa là các thương hiệu có nhiều không gian để sáng tạo và thử nghiệm các dịch vụ và cách tiếp cận mới.
Có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia trong trong khu vực. Người tiêu dùng ở Việt Nam, Thái Lan, và Malaysia sẵn sàng thay đổi mọi thứ hơn. Ở những nước này, 51% đến 69% người tiêu dùng đã đổi sang nền tảng mua sắm trực tuyến khác. Người Philippines và Indonesia cũng tương đối cởi mở. Chỉ có ngoại lệ là Singapore, 33% khách hàng cho biết họ đã thay đổi nền tảng mua sắm.
Trong số các lý do được đưa ra cho việc thay đổi thương hiệu, lý do quan trọng nhất với khách hàng Việt Nam là tìm thấy sản phẩm tốt hơn. Lý do quan trọng thứ hai là tìm thấy thương hiệu đem lại nhiều giá trị hơn (cho cùng một khoản chi tiêu). Lý do thứ ba của khách hàng Việt Nam là muốn có thêm thương hiệu cao cấp - chỉ có khách hàng Việt Nam đưa ra lý do này.
Đa phần ở các quốc gia Đông Nam Á khác, thương hiệu đem lại nhiều giá trị là lý do quan trọng nhất, sau đó mới là sản phẩm tốt hơn và cuối cùng là mức độ sẵn có của hàng hóa.
Báo cáo chỉ ra, khách hàng Thái Lan và Việt Nam là những người sẵn sàng mua nhất với những loại hàng hóa mà họ chưa bao giờ nghe ở ngoài cửa hàng.
Về hình thức thanh toán, thanh toán bằng ví điện tử ngày càng trở nên phổ biến ở Đông Nam Á khi đã tăng tới 8% trong năm 2020 so với cùng kỳ. Thẻ tín dụng chứng kiến sự giảm nhẹ 0,3%, chuyển khoản ngân hàng giảm 1% và thanh toán bằng tiền mặt giảm tới 6%.
Người tiêu dùng số ở Đông Nam Á mua sắm trung bình ở 5,2 trang web trực tuyến khác nhau (tăng 40% so với năm 2019).
Báo cáo cũng cho thấy, trung bình một khách hàng ở Việt Nam sử dụng 2 nền tảng giao đồ ăn khác nhau.