Thursday, October 3, 2024

Detox tư duy lãnh đạo_cần phải vậy!


Khi là một người lãnh đạo tài giỏi và đa năng, ngoài yếu tố tích cực chứng minh được khả năng của bản thân, bạn thường có khuynh hướng bị sa vào một số thói quen tiêu cực không mấy có ích cho sự nghiệp. Những thói quen này sẽ hạn chế chúng ta không thể chạm đến đỉnh cao của con đường thành đạt. Giống như việc detox cho sức khỏe cho bạn tinh thần sảng khoái, đầu óc tập trung và tràn đầy năng lượng, bước sang năm mới đã đến lúc chúng ta nên detox những thói quen lãnh đạo không lành mạnh để giữ vững phong độ và sẵn sàng chinh chiến cho mọi “cú hit” đang chờ đón.

Trên thực tế, có khá nhiều thói quen tiêu cực có thể kìm hãm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chạm đến thành công. Phần lớn chúng đều là những thói quen nhỏ dễ khiến ta không chú ý. Sau đây là ba điểm chung thường gây cản trở các nhà lãnh đạo đạt năng suất và tạo ra những sự khác biệt mang tính tích cực:

THIẾU TRỌNG TÂM: Hầu hết các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp đều phải đấu tranh để đưa ra được thứ tự ưu tiên cho các dự án và nhiệm vụ của mình, kèm theo đó là những áp lực bởi cảm thấy quá tải và kiệt sức khi không thể kiểm soát khối lượng công việc đang chồng chéo.

THIẾU GIAO PHÓ: Nhiều nhà lãnh đạo thường bị phân tâm trong việc tập trung điều hành công việc ở tầm chiến lược. Họ thường nghĩ rằng những giá trị mà họ mang đến cho doanh nghiệp là khả năng chuyên môn của họ. Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo lý tưởng còn phải là một người hỗ trợ và hướng dẫn chứ không phải là một người “nhúng tay” vào sửa chữa các sai sót chi tiết. Hãy tập trung vào việc tạo điều kiện cho nhân viên đạt được hiệu suất làm việc cao nhất thay vì đi vào từng ngóc ngách và khắc phục từng sự việc, hãy để cho nhân viên của bạn làm những việc đó.

THIẾU GẮN KẾT: Hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều quá bận đến mức không còn nhiều thời gian dành cho những hoạt động liên quan mật thiết đến hoạt động của một người điều hành như huấn luyện nhân viên, phản hồi thông tin, trao đổi định hướng cùng đội ngũ. Nhiều nhà quản lý còn cho rằng các nhân viên giỏi đương nhiên phải làm được việc và họ không cần dành thời gian để huấn luyện hoặc phát triển cho các nhân viên đó nữa.

Để bắt đầu quá trình “thải độc” ba thói quen lãnh đạo tiêu cực này và có thể thay thế chúng bằng những thói quen tích cực, bạn cần lưu ý những điều sau:

1. Đạt được sự rõ ràng

Khả năng tập trung là kỹ năng quan trọng nhất cho các lãnh đạo ngày nay. Để có thể tập trung, bạn cần phải rõ ràng. Nếu bạn không có sự rõ ràng, rành mạch về các mục tiêu chiến lược chung cũng như các mục tiêu hoạt động cho từng phòng ban và cho các công việc hằng ngày, bạn sẽ phải dành cả ngày để giải quyết và xử lý các sự vụ mà không đạt được bất cứ điều gì có giá trị cho sự nghiệp chung. Dù thấy rõ nhược điểm, nhưng đây là cách mà nhiều nhà quản lý đang sa đà trong hoạt động điều hành mỗi ngày.

Thêm một yếu tố nữa, đó là nhiều nhà lãnh đạo có thể định hướng công việc rất tập trung nhưng họ lại không tập trung vào kết quả công việc. Nếu bạn không rõ ràng những kỳ vọng của mình về các kết quả mong đợi, bạn sẽ khiến nhân viên thêm bối rối. Họ cũng sẽ băn khoăn trong việc chọn lựa thứ tự ưu tiên cho công việc và điều đó khiến họ bị giảm tập trung. Bạn có thể là nhà lãnh đạo thông minh nhất, chiến lược nhất, có chỉ số thông minh cảm xúc rất cao, nhưng nếu bạn không thể hoàn thành đúng công việc và lãnh đạo team của mình đạt được kết quả như mong đợi, bạn sẽ không bao giờ thành công.

2. Giao phó công việc thành công

Khả năng ủy thác công việc là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo thành công. Trong thực tế, giao việc không hiệu quả là nguyên nhân chính khiến các nhà lãnh đạo không thành công. Có nhiều lý do để các nhà lãnh đạo không ủy thác công việc cho nhân viên, nhưng một lý do phổ biến là vì họ cảm thấy hài lòng khi được trực tiếp thực hiện các công việc ở mức độ chi tiết chuyên môn.

Đối với nhiều người, các yếu tố chiến lược của công việc lãnh đạo như huấn luyện và phát triển nhân viên, xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp thực hiện, gắn kết và lãnh đạo đội ngũ là những công việc ít mang tính hữu hình. Trong khi đó, những công việc xử lý chi tiết chuyên môn lại đem đến kết quả ngay khiến họ hài lòng và cảm thấy mình có ích cho doanh nghiệp hơn. Thế nhưng, khi một người lãnh đạo biết ủy thác công việc, họ có thể giúp tăng năng suất làm việc của chính họ lên gấp nhiều lần, đồng thời đem đến cơ hội phát triển cho các thành viên trong đội ngũ.

3. Tạo sự gắn kết trong đội ngũ

Hầu hết các nhà lãnh đạo đều luôn cảm thấy quá tải và quá sức, và điều này thường khiến họ không ưu tiên cho việc huấn luyện và phát triển nhân viên, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thiếu gắn kết giữa lãnh đạo và đội ngũ.

Vậy sự gắn kết được định nghĩa là gì? Đó là khi một người đầu tư nhiều năng lượng vào công việc của họ, từ thể chất, tinh thần, đến cảm xúc. Một nhân viên có sự gắn kết sẽ là người có thể đưa ra được sự cam kết đầy đủ và sự nhiệt tình cao độ với công việc.

Nhiều nhà lãnh đạo đã nghĩ rằng sự gắn kết sẽ có được khi họ có những nhân viên vui vẻ và hạnh phúc, nhưng những nhân viên làm việc chăm chỉ với hiệu suất cao cũng đem đến điều đó. Vì, những nhân viên có sự gắn kết với doanh nghiệp, với lãnh đạo sẽ làm việc chăm chỉ hơn rất nhiều. Và một người làm việc với hiệu suất cao có thể đạt được 400% năng suất so với những người làm việc ở mức trung bình. Để xây dựng được một đội ngũ gắn kết, tham gia nhiệt tình trong công việc, bạn cũng cần là một lãnh đạo gắn kết chặt chẽ với họ qua việc tham gia nhiệt tình huấn luyện và đào tạo họ phát triển. Chỉ có như vậy, giữa bạn và các nhân viên sẽ hình thành sợi dây kết nối bền chắc đi xuyên suốt đến những mục tiêu cuối cùng của tổ chức.

Những thói quen tuy nhỏ nhưng là nền tảng vững chắc cho thành công. Nếu bạn detox được những thói quen lãnh đạo tiêu cực không phục vụ cho công việc của bạn và tập trung vào việc tạo ra những thói quen tích cực nhất, bạn sẽ nâng cao được khả năng lãnh đạo và tinh thần làm việc của đội ngũ, tất cả sẽ đem đến kết quả vượt cả mong đợi cho những tháng ngày đầy triển vọng.

st