Cái tỉ lệ phần trăm huê hồng
Trong một bài viết có tiêu đề là "Di cư", tôi từng viết: "... người ta chuyển nơi ở dù gần hay xa trước hết là tìm cho mình hay gia đình một tương lai phát triển. Đạt được rồi, có người không hài lòng, so sánh, rồi muốn hơn nữa, Đó là sự khác biệt giữa tĩnh và động, ngưng và chuyển, mưu cầu hạnh phúc. Từ xưa còn người di từ núi xuống đồng bằng, di dần về phương Nam. Thời hiện đại di từ tỉnh lên thành, di từ trong ra ngoài nước. Không cứ người Việt, làn sóng di dân đến nước phát triển, ai cũng muốn tìm hai chữ "an lạc"".
Ở một bài khác tôi lại viết:" Chợt nhớ người ta thường nói: “thành phố đáng sống nhất”, “nơi đáng sống nhất”... làm gì có, viễn vông. Chẳng đâu là thiên đường ở cõi này, dù được sống tiện nghi, vật chất thừa thãi. Mà để có phải cố làm việc, không thể đi ăn cắp, ăn trộm. Có thể nơi người ta cảm thấy vui, chính là nơi thuộc về mình, nơi quen thuộc nhất … Quen thì vui, đáng sống.". Đó là thiển ý của tôi về nơi mình sống.
Một người bạn hỏi tôi: "Từ bao giờ người ta bỏ làng mạc, bám theo các trục đường giao thông để sống, buôn bán…". Đây là một vấn đề lớn, hiện đại, chịu tác động bởi quan điểm, chính sách của nhà nước và suy nghĩ của người dân.
Làng vốn ban đầu là những công xã nông thôn - địa điểm tụ cư của những người dân gắn bó với nhau trên quan hệ địa vực là chủ yếu. Từ quan hệ láng giềng “bán bà con xa, mua láng giềng gần” nên người Việt với người Việt yêu thương nhau, gắn bó với xóm làng. Giá trị đó khiến làng xã xưa bình yên.
Lúc đầu, làng Việt Nam là những công xã nông thôn, là những kẻ, chiềng, chạ. Đứng đầu là các bô lão nhiều tuổi, có uy tín.. Họ "quyết định mọi công việc lớn nhỏ, quyết định việc dời làng,việc chiến hay hòa, giải quyết những việc giao dịch hay tranh chấp, phân xử những vụ vi phạm luật tục, định mức phạt vạ”. Trên cơ sở thống nhất các bộ lạc, liên minh bộ lạc, tộc Lạc Việt và tộc Âu Việt, nhà nước Văn Lang - Âu Lạc ra đời. Để quản lý bên dưới, vua dựa vào các Hội đồng bô lão do Bồ chính đứng đầu do dân làng bầu. Nhà nước ít can thiệp vào. Càng về sau, suốt thời Trung đại, Cận đại, tình nghĩa xóm làng được đẩy lên cao, thành tình yêu đất nước. Cặp đôi khái niệm làng - nước luôn thường trực trong tư duy và đời sống của người Việt. Tính cộng đồng của làng xã đã chuyển thành ý thức cộng đồng của quốc gia:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Tính cộng đồng làng xã là cơ sở tạo nên tính đồng nhất trong hàng loạt khía cạnh như đồng tộc, đồng niên, đồng hương, đồng nghiệp và tất yếu dẫn đến sự đồng nhất trong phạm vi quốc gia. Đồng bào cùng sinh ra từ một bọc trứng, từ đó giúp cho người Việt gắn bó, yêu thương, coi như ruột thịt.
Nếu như quan hệ giữa các thành viên trong làng mang tính cộng đồng thì trong quan hệ với các cộng đồng bên ngoài và với chính quyền cấp trên làng lại mang tính chất tự trị, tự quản cao. Tính tự trị là một đặc điểm lớn của làng xã Việt Nam truyền thống, đó là “tự điều chỉnh - tự điều khiển của làng xã trong quá trình vận động của kinh tế xã hội. Tự điều chỉnh, tự điều khiển là ít chịu sự can thiệp trực tiếp của các cấp chính quyền bên trên, là sự vận hành đa tuyến của xã hội dân sự”. Nhà nước chỉ can thiệp vào làng xã trong việc thu thuế, bắt lính, xử lý những vụ án hình sự, hay những vụ tranh chấp dân sự làng không hòa giải được, can thiệp khi có dịch bệnh lớn, còn lại thuộc quyền tự trị, tự quản của các làng xã. Do tính chất tự trị, tự quản cao nên người ta đánh giá làng xã cổ truyền “như một nước cộng hòa thu nhỏ”, với những thiết chế chặt chẽ, những quy định bảo đảm “dân chủ làng xã” và cố kết cộng đồng rất cao. Làng là một đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt ở nông thôn, có địa vực, cơ sở hạ tầng, cơ cấu tổ chức, phong tục, tập quán, tâm lý, quan niệm, tính cách và cả “hương âm”, "thổ ngữ" tức "giọng làng" riêng, hoàn chỉnh và tương đối ổn định. Đặc biệt, để duy trì trật tự, nền nếp, mỗi làng đều có hương ước, được coi như bộ luật của làng. Cơ cấu tổ chức làng xã xưa đơn giản nhưng chặt chẽ, hệ thống tổ chức gồm Hội đồng hương chính và Lý trưởng do dân làng tự bầu, Nhà nước phê chuẩn, nếu vị chức sắc nào thực hiện trách nhiệm kém cỏi hay có sai phạm, dân làng sẽ bầu người khác thay thế. Làng có đội ngũ tuần phiên, có trách nhiệm bảo vệ an ninh, trật tự trong làng và ngoài đồng.
Một thực tế từng tồn tại ở làng xã “là đơn vị sở hữu và điều tiết, phân phối nguồn tài sản lớn nhất của cộng đồng là ruộng đất công trên cơ sở phép nước lệ làng, còn nhà nước chỉ nắm ruộng đất xã thôn trên danh nghĩa với mục đích chính là thu thuế”. Dù trên nguyên tắc nhà nước thực hiện chế độ chuyên chế trung ương tập quyền. Nhưng khi các làng khai báo ruộng đất công lên cho nhà nước làm sổ điền bạ đã giữ lại một bộ phận để làm ruộng hậu thực hiện các công việc chung của làng xã hay là những ruộng đất khai hoang thêm của dân trong làng sau đó cũng nằm ngoài sổ quản lý của nhà nước. Đó là ruộng cho giáp, cho chùa, cho đình, cho hội Tư văn, cho các chức dịch từ xã trưởng đến mõ, mà nhà nước trung ương không thể kiểm soát nổi”. Tình hình này phổ biến nhiều hơn ở các tỉnh ở Đàng trong khi diện tích chưa khai khẩn còn một lượng lớn. Như thế làng vẫn có sức mạnh riêng, phần nào mang tính tự trị quản lý về tư liệu sản xuất, "phép vua thua lệ làng".
Nhìn chung làng trước đây dân trí thấp, phần lớn không biết chữ nhưng “nếp sống văn hóa lại khá cao”, những người có chữ nghĩa trong làng rất được tin cậy và tôn trọng. Người có chữ nghĩa tham gia Hội đồng, được bầu làm chức dịch. Do vậy mà người dân rất trọng học, mong con cháu được học hành, đỗ đạt thành tài. Làng nước trọng văn, trọng đức nên trong xã hội coi trọng "kẻ sĩ", được xếp đầu các nghề trong xã hội: sĩ, nông, công, thương. Biểu tượng truyền thống của tính tự trị là lũy tre. Rặng tre bao bọc quanh làng trở thành một thứ thành lũy kiên cố, bất khả xâm phạm.
Ở miền Nam, tôi cho rằng làng xã hơi khác miền Bắc. Dân làng ở rải rác trên địa phận làng, không hợp nhau thành xóm, chung quanh làng không có lũy tre xanh, ở miền Tây có thể phân chia ranh giới qua kênh rạch, con sông. Làng ở miền Nam thường rộng lớn hơn, chia làm nhiều ấp. "Đất lề quê thói", sự khác biệt là tất nhiên để phù hợp với hoàn cảnh địa lý, với khí hậu và với dân tình. Tuy nhiên dân quê hiền lành chân chất vẫn đậm đà tình làng nghĩa xóm. Nhưng là nơi đất mới, sống phóng khoáng, ít chịu ràng buộc, có thể đây cũng là một trong những yếu tố, "tụ" và rã", "rã" và "tụ" của quá trình tụ cư, buôn bán trở nên quan trọng. Như ta thường thấy ở đồng bằng sông Cửu Long vốn chằng chịt sông ngòi kênh rạch, nhất là thời Cận đại, chỗ nào có cầu là có chợ, tụ họp buôn bán, có thể hình thành thị tứ sầm uất, như là một quy luật quần cư của vùng. Có thể xuất phát từ quan điểm "phi thương bất phú", nghĩa là không làm kinh doanh, buôn bán, không thể phất lên, không thể giàu sang, mãi mãi nghèo hèn. Trước đây các phú thương, những người mua đi bán lại đã trở thành những người giàu có với nhiều của cải, đất đai gọi là thương gia.
Ở thời phong kiến, trên là vua quan, xã hội hình thành "tứ dân", bốn thành phần trong xã hội. Cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn, một bác học cuối triều Lê tổng kết. Thực ra cụ ấy nói đầy đủ là: “Phi sĩ bất hưng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt”, như là một phương châm phát triển đất nước. Bốn thành phần ông nói đó là: sĩ, nông, công, thương. Sĩ là tầng lớp trí thức được trọng vọng nhất, những người hiểu biết về chữ nghĩa như thầy đồ, thầy thuốc, quan lại, thầy tướng số. Nông là những người trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá, đốn củi. Công là chỉ những người làm thủ công nghiệp, làm thuê trong các làng nghề truyền thống như dệt, chạm bạc, khâu nón, làm tranh, mộc, rèn…Thương là thương nhân buôn bán, phân phối của cải trong xã hội.
Những giá trị quý báu của văn hóa làng xã như như tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc “tắt lửa tối đèn có nhau” có thể rồi sẽ trở nên lợt lạt. Nhà phố thị thành, nhiều khi sát vách nhau cũng chẳng buồn chào hỏi, "đèn nhà ai nấy sáng". Thực tế ngày nay, thứ tự "tứ dân" hình như bị đổi ngược lại: "thương, công, nông, sĩ". Người trí thức muốn phát triển phải gia nhập vào đội ngũ viên chức, làm công bộc với đồng lương "ngáp ngáp". Nông dân thì vẫn vất vả, thiếu thốn, thu hoạch thì bị con buôn thu mua ép giá. Công nhân thì tăng ca làm giàu cho chủ. Thương nhân nhiều tiền thì được sum suê, trọng vọng.
Về đường sá ở Việt Nam, tôi nghe nói chi phí làm đường cao hơn 1,5 - 2 lần so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Ví dụ như riêng về đường cao tốc, đường Sài Gòn - Trung Lương chi phí 9,9 triệu USD/km. Đường Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây chi phí 18,3 triệu USD/km. Đường Bến Lức - Long Thành chi phí dự kiến lên tới 28,2 triệu USD/km. Trong khi tại Mỹ chỉ khoảng 8 triệu USD/km. Lẽ ra nhân công rẻ, mọi thứ ở Việt Nam cũng rẻ hơn thì chi phí làm đường phải thấp hơn các nước, nhưng thực tế thì lại cao hơn. Có người cho là do tiền bù đất cho dân. Đúng là giải phóng mặt bằng và nền đất yếu chiếm một phần lớn trong chi phí xây dựng, khiến đội cao chi phí. Nhưng nếu tách hai loại chi phí này, vẫn cao hơn thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân chính dẫn đến chi phí làm đường cao. Thứ nhất là do sử dụng kỹ thuật lãng phí. Ở nước ngoài, cần làm bao nhiêu thì họ thuê hoặc mua bấy nhiêu, làm xong thì bán để thu hồi một phần vốn. Còn ở Việt Nam "chơi sang", máy móc làm xong bỏ, thanh lý. Thứ hai thuộc năng lực quản lý. Dự án thường trễ tiến độ dẫn tới tăng chi phí bởi trượt giá, trả lãi vay, trả lương nhân công. Việc trễ tiến độ thường làm tăng tới 50% chi phí xây dựng. Nguyên nhân cuối cùng là do tiêu cực từ những phần trăm hoa hồng, một hình thức hối lộ hợp pháp.
Ở giai đoạn 2010 - 2020, Việt Nam hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 1.757km đường cao tốc và có 6.000km đường quốc lộ. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hiện tại, những người lãnh đạo ở Việt Nam nhận định: “Kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển”, xác định cần: “phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông”. Mục tiêu là phải đưa đất nước có nền kinh tế phát triển, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và từ giai đoạn 2021 - 2030 đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược.
Với bất cứ quốc gia nào cũng vậy, hệ thống giao thông nói chung cũng có vai trò kết nối sản xuất với tiêu thụ, giữa vùng này với vùng khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác và đáp ứng nhu cầu đi lại của con người, đảm bảo được mối liên hệ kinh tế, phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng, các quốc gia, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng, của địa phương.
Ở Mỹ, hệ thống đường cao tốc, freeway thường ở xa khu dân cư, hai bên đường nhiều chỗ được bao che kiên cố, nghiêm ngặt cấm người đi bộ ra, từ freeway khi vào khu dân cư thì có các làn đường exit xẻ vào và ra thuận lợi, nhanh chóng. Sát đường lớn, highway trong nội đô, người dân ít thích làm nhà ở, bởi xe de vào, ra hơi bất tiện khi đường đang có nhiều xe lưu thông, lại ồn ào. Chỉ có cơ sở kinh doanh, buôn bán, họ có bãi xe, parking lot riêng, lối vào lối ra cho khách. Cơ sở buôn bán, dịch vụ ven đường phải có giấy phép, licence hoạt động, mà giấy phép thì gắn với học nghề, đào tạo, có chuyên môn. Ngay cả cơ sở buôn bán, dịch vụ hoạt động phải được thiết kế theo quy định đặc trưng ngành nghề. Chứ không thể cứ lấy nhà ở sử dụng, buôn bán ven đường như ở Việt Nam. Nhà ở thì nói chung, tất cả đều nằm ở sát mặt đường, đường nhỏ hơn. Hầu như không có hẻm. Nhà ở xa, nơi heo hút, núi cao thì càng mắc, bạc triệu.
Ở Việt Nam, nhiều tuyến đường, tỉnh lộ, quốc lộ, có đoạn ở cả đường cao tốc, dù phương tiện có trọng tải lớn như xe tải, container, xe khách chạy rầm rập, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên họp chợ, thậm chí mua bán bát nháo dưới lòng đường. Nhiều chợ tự phát tồn tại, phát triển như ở Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 22. Còn các con đường liên tỉnh, liên huyện nội địa thì tình trạng chợ cóc, chợ tạm dày đặc, là nơi mua bán nhộn nhịp, dù rất nguy hiểm. Thực trạng này chủ yếu do nhu cầu mua sắm của người dân theo thói quen, muốn tiện lợi, mua nhanh đỡ gửi xe, hoặc hàng hóa rẻ, phù hợp. Người bán đa số là người có thu nhập thấp, bán ven đường để đỡ tiền mặt bằng, thuế, vì mưu sinh nên bất chấp.
Ven trục lộ giao thông vừa xây dựng, thường nhiều nhà mới được cất. Hàng quán, các dịch vụ phục vụ nhanh chóng mọc lên, dân cư tụ đến, mặc dù không phải tất cả các đoạn đường mới đều có thể kinh doanh, ai buôn bán cũng đều có thể giàu. Một thực tế là nhà mặt phố được hiểu đơn giản là những căn nhà nằm ở ngay mặt đường lớn chỉ ở những nơi có mật độ dân cư đông thì chủ nhà mới có cơ hội kinh doanh thành công hoặc bất động sản có giá trị.
Nhưng từ quan niệm "phi thương bất phú", một phần bởi cuộc đời nông dân quá lam lũ, không được cải thiện. Sự phát triển của kinh tế thị trường nhiều mặt đã tác động đến nông dân, nông thôn rất khốc liệt. Những chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp đã làm biến dạng không ít làng xã cổ truyền, nhiều người hoàn toàn không có tư liệu sản xuất hoặc không có tay nghề, khiến họ càng chuộng đô thị, tự phá hủy chính môi trường sống của mình để kiếm ăn. Nhiều nông dân tụ cư ven đường, lao vào cuộc sống hối hả, rồi thành thị dân, âu cũng là quy luật. Từ đó cơ chế làng khép kín của Việt Nam bị phá vỡ. Kéo theo văn hóa, tập quán tốt đẹp lâu đời của người Việt bị mất đi, dẫn đến hệ quả là sự suy thoái đạo đức, văn hóa nông thôn ngày càng trầm trọng, là điều khó tránh được.
Và tôi vẫn nói, "nơi đáng sống" "có thể là nơi người ta cảm thấy vui, chính là nơi thuộc về mình, nơi quen thuộc nhất … Quen thì vui, đáng sống."
(Nguyễn Đông A)