Thursday, October 3, 2024

Tri kỷ

Trong cơn đắm đuối mê tưởng, nhiều đàn ông tin rằng kẻ hào hoa phải có vợ, người tình và tri kỷ.

Thật ra, đó chỉ là khao khát của các cây bút chuyên viết ngôn tình, dẫu ở cõi tạm này, nhiều người vẫn thầm thì gọi nhau là tri kỷ.

1. Có lần, tôi viết trên facebook: “Khi còn trẻ, bạn sẽ cảm thấy hiu hắt buồn nếu nhận ra một cô gái gần đó xinh hơn bạn gái đang ngồi sát bên cạnh. Tất nhiên, bạn sẽ không nói ra điều này. Đặc tính của loài người là mê cái đẹp, đàn ông hay đàn bà đều vậy. Còn đam mê cái đẹp thì mới còn khởi sinh được những cảm xúc hướng thiện, tích cực.

Thế nhưng, có tuổi một chút, bạn sẽ hiểu phù phiếm nhất trên đời chính là nhan sắc. Trong chừng mực nào đó, đây là chuyện hoàn toàn không còn quan trọng. Điều bạn thật sự cần là một tri kỷ, tri âm.

Đó là người mà bạn có thể nói vạn chuyện vụn vặt không cần e dè. Người mà vì bạn có thể ngồi mỉm cười lắng nghe, mặc cho thế giới bên ngoài đang vỡ vụn vì giông gió. Người mà có thành tro bụi, bạn vẫn muốn được ngồi cạnh để thủ thỉ những thứ viển vông, những câu chuyện không thể nói cùng ai. Người mà dẫu có trôi trong ảo mộng rồi, bạn vẫn cảm thấy như đang lẩn khuất đâu đó những lúc bạn mỏi mệt, chán chường hay tuyệt vọng”. Đoạn viết ngắn trên đã gây ra một cuộc tranh luận giữa những người bạn trên facebook của tôi.

Có người bảo: “Đúng là có tri kỷ”. Có người gạt đi: “Đây là chuyện trong mơ”. Thậm chí, một bà chị còn đằng đằng sát khí tuyên bố: “Đàn ông thường nhầm lẫn giữa người tình và tri kỷ. Hay đơn giản hơn, đó chỉ là một thủ thuật để tán gái”.

Tôi thường đứng ngoài các cuộc tranh luận bởi tôi nghĩ, mỗi cá nhân luôn có một đời sống riêng; dù yên bình hay bão táp, hạnh phúc hay đớn đau, phong phú hay tẻ nhạt cũng sẽ có những niềm tin riêng. Việc có hay không có một tri kỷ cũng chẳng có gì quan trọng để mà tranh cãi.

Đêm qua, tôi một mình đi nghe nhạc phòng trà. Cô ca sĩ hát bài Chỉ chừng đó thôi, do nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên. Bài thơ dài dằng dặc ấy có mấy câu khiến tôi đọc một lần là ám ảnh mãi “Chỉ là chuyện đong đưa/ Đời luôn là cơn gió/ Thay áo cho tình ta/ Chỉ là chuyện thiên thu”.

Ái tình là thứ lằng nhằng nhất trong đời sống này. Bao sướng khổ, buồn vui đều vận vào đấy cả. Lại thêm nỗi đằng đẵng ký ức không thể phai mờ. Có khi muốn quên mà quên không được, có khi quên được lại không nỡ mà quên. Trong lưng chừng nhớ nhớ quên quên đó, trong vị đắng yêu đương không trọn vẹn, đành muộn màng gọi nhau hai tiếng “tri kỷ” được chăng? Nỡ lòng phản bác hoặc không chấp nhận chăng?

2. Kể chuyện mình thì khó, kể chuyện bạn bè lại sợ bị giận, thôi thì kể chuyện sách vở cho… lành.

Có người đàn bà là điệp báo của Nhật cài cắm vào Trung Hoa. Bà yêu một người đàn ông cả đời phụng sự cho Trung Hoa. Người đàn ông đó cuối cùng phải lựa chọn giữa bà và quốc gia. Ông quyết định bắn chết bà.

Lúc hấp hối bà vẫn đau đáu: “Nếu như không có phân tranh, ông có muốn cùng tôi ngắm mặt trời mỗi sáng không?”. “Tôi muốn điều đó”, người đàn ông trả lời. Rồi ông đắp cho bà chiếc áo ông đang khoác trên người. Đó không phải là khoảnh khắc tri kỷ sao?

Một người đàn ông khác nói với người đàn bà: “Tôi đợi em khi 25 tuổi, năm nay tôi đã 42 tuổi rồi, đã gần 20 năm trôi qua rồi. Trong quãng thời gian đã qua đó, chưa bao giờ tôi nguôi nỗi nhớ em. Đến giờ phút này, em có muốn đi cùng tôi không?”.

Người đàn bà đồng ý đi cùng người đàn ông, nhưng trước khi đi, bà nói với một người đàn ông khác, người mà cũng chừng ấy năm bà luôn dõi theo: “Tôi phải đi với người đàn ông yêu tôi rồi, tôi không còn ở bên cạnh chăm sóc ông được nữa. Nhớ chăm sóc tốt cho mình”. Đó không phải là lời tạm biệt của người tri kỷ sao?

3. Thật ra, điều quan trọng nhất không phải là có được người yêu thương mình, mà hạnh phúc chính là tìm được người mình cảm thấy yêu thương. Chỉ vậy thôi đã đủ đầy rồi, còn yêu thương có được đáp lại đủ đầy hay không thì còn tùy vào hai chữ duyên phận. Đủ duyên phận thì thành ấm êm, không đủ duyên phận thì xem nhau là tri âm, tri kỷ.

Không được thấy mặt nhau mỗi ngày, không được ngồi cạnh nhau những lúc mây sớm mưa chiều thì bóng hình vẫn vẹn nguyên trong nỗi nhớ. Nỗi nhớ chỉ riêng mình biết, không nhất thiết phải chia sẻ hay tâm sự cùng ai. Đó không phải xứng đáng gọi là tri kỷ sao?

Chẳng lẽ chúng ta lại cay nghiệt đến mức không chấp nhận cả một tri kỷ đã trôi trong miền miên viễn nào đó không quay về nữa.

Đâu nhất thiết chuyện gì cũng phải bày tỏ thành lời!

Ngô Nguyệt Hữu