Bài: Nguyễn Ngọc Thạch
Hồi xưa chú nói:
"Sau này chú mất, đừng thờ cúng làm chi, tro cốt cứ thả ra biển cho chú được ngao du sơn thủy, sống một đời đủ mệt mỏi rồi, lúc thảnh thơi hết vướng hồng trần này thì cho chú du lịch đó đây.
Khỏi lập bàn thờ, khỏi để hình ảnh, khỏi vái van lạy lục, chú không rảnh để phù hộ con cháu đâu, ai trách thì chú chịu, chứ số mệnh tụi bây thì tụi bây tự mà quyết định, chú chết rồi thì để chú yên, làm sao giúp đỡ gì được mà vái van, rồi không được lại quay qua kêu ông bà không thương con cháu.
Cũng đừng giỗ chạp làm gì, tụ tập lại đàn đúm ăn nhậu rồi lại có chuyện sinh sự cãi vã, đánh nhau, hay ho gì. Nói chung cứ lãng quên chú đi rồi sống tiếp cuộc đời của mỗi người, nếu có nhớ thì nhớ lời chú dạy, sống tử tế với cuộc đời, với con người, vậy là mừng rồi".
Rồi chú mất, thím lại không nghe lời, thím biểu phải có chỗ đặt hũ tro, tấm hình để con cháu ghé mà tưởng nhớ về. Thím muốn để chú trong chùa, để ngày ngày nghe câu kinh kệ.
Thím lên chùa hỏi, ông thầy chùa nói giờ hết chỗ rồi, nếu muốn thì cứ xếp hàng chờ từ từ, có rồi thầy nhắn cho.
Thím tiu nghỉu ra về, thầm nghĩ chùa chiềng giờ đông đúc quá, khi tới cửa chùa thì có người kéo lại hỏi, có cần chỗ để hũ tro không, người ta có quen, nhường lại cho, giá đâu tầm hai ba chục triệu. Chùa to mà, nên giá cao.
Thím từ tốn lắc đầu rồi về, chiều đó nói với mấy đứa nhỏ, thôi cứ làm theo lời chú dặn năm xưa. Thím sai rồi.
Chú năm xưa còn dạy ba việc.
- Từ thiện thì phải nhìn người nhà mình hết khổ mới đi giúp tới người ngoài.
- Không đi chùa lớn. Không bái tượng Phật to.
- Một lòng trọn đạo hiếu trung là đủ.
Phật tại tâm, chứ Phật không nằm trong bức tượng.
Từ fb Phuong Tran