Thursday, December 9, 2021

Có ai 30 tuổi mà vẫn còn đòi mẹ bế?



Bài: Linh Phan


Người Trung Quốc có một câu đại khái là "Nếu một con mèo không được vuốt ve, xương sống của nó sẽ bị gãy". 

Con người thì không phải mèo, nhưng là sinh vật phụ thuộc vào xúc giác. Chúng ta không thể sống bình thường khỏe mạnh mà không có sự đụng chạm, đặc biệt là khi còn nhỏ. 

Nhiều người nói "Ôm con nhiều cho nó quen đi", "Ôm ấp nhiều rồi dính lấy mẹ suốt ngày, chẳng tự lập gì cả" theo ý rất tiêu cực. 


Hãy bắt đầu với ý "quen"!


Trẻ sơ sinh chưa có thời gian để làm quen với bất kỳ điều gì nhưng mỗi em bé lại có hành vi khác nhau. Có đứa trẻ ngủ 5 tiếng mới tỉnh hẳn, có em bé chỉ 20-30 phút và lại đòi mẹ quan tâm. Bất kể thời gian ngủ là bao lâu thì khi thức dậy, trẻ sẽ luôn muốn có được sự quan tâm của mẹ hoặc người chăm sóc. 


Có lần ở VN mình từng tham gia một hoạt động từ thiện và tới thăm những đứa trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện. Cứ 2-3 tiếng một lần y tá sẽ đến tắm rửa, thay tã, thay đồ và cho bé bú. Mỗi trẻ chỉ mất khoảng 5-10 phút. Rồi sau đó những đứa trẻ lại bị bỏ lại một mình trong khoảng 3 giờ. Chắc chắn chẳng có ai dạy chúng phải vượt qua tình cảnh đó ra sao. Có những đứa nằm im thin thít, nhưng hầu hết chúng sẽ đều gào khóc. 


Trẻ em cần có trải nghiệm cảm giác xúc giác. Trẻ càng nhỏ nhu cầu càng cao. Sự động chạm này rất cần thiết cho hệ thần kinh. Nó là thứ để điều chỉnh cảm xúc của trẻ. Chạm vào là một cách tự nhiên để thể hiện tình yêu với con mình. Còn chạm là còn sống. Và chạm vào là sự sống còn, không phải là nên hay không nên. 


Các nghiên cứu khoa học hiện đại đã khẳng định những đứa trẻ thường xuyên được chạm vào có khả năng sống sót cao hơn những đứa trẻ ít được động chạm. Trẻ được vuốt ve, không ngại ôm, hôn, vuốt ve sẽ phát triển thể chất mạnh khỏe hơn, tinh thần mạnh mẽ hơn và ít gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống hơn so với những bạn được nuôi dưỡng trong điều kiện thiếu thốn về xúc giác. 


Mình sẽ cho bạn thêm 1 ví dụ, đây là ví dụ mình đã được nghe trong khi học Tâm lý học Trẻ nhỏ. 


Một trại trẻ mồ côi ở châu Âu có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh rất cao. Tuy nhiên, một đứa trẻ có cũi ở gần cửa sổ lại phát triển khá tốt. Con tăng cân và là đứa trẻ hoà thuận nhất trong toàn bộ trại trẻ mồ côi. Hóa ra người phụ nữ dọn phòng ở trại trẻ thường ngồi bên cửa sổ trong giờ nghỉ trưa. Cô cũng thường cho đứa trẻ ăn, nói chuyện và ôm ấp bé. 


Cũng có một nghiên cứu khác nữa về việc 2 đứa trẻ sinh đôi trong đó có 1 bé bị hở hàm ếch. Bé bị hở hàm ếch không thể tự bú bình và nhân viên phải đỡ bé để cho bé bú. Em bé này phát triển tốt hơn trong khi người anh em còn lại được cho tự nằm bú thì tăng cân chậm hơn và có dấu hiệu trầm cảm rõ rệt. 


--

Bế đứa trẻ trên tay, âu yếm, vuốt ve, ôm, vỗ về. Trong suốt cuộc đời chúng ta, tiếp xúc và động chạm cơ thể vẫn luôn quan trọng. Chúng ta cần ôm ấp ai đó mỗi ngày để tồn tại khỏe mạnh và cân bằng hơn. 


Nhiều loài động vật liếm con non ngay sau sinh, không phải chỉ là để cho "sạch", mà đó là sự động chạm mạnh mẽ của tự nhiên.


Tự nhiên vô cùng khôn ngoan. Tiếng khóc của trẻ là tiếng gọi của tự nhiên. "Đừng có bế lên nếu không con sẽ quen và trở nên hư hỏng" - đây chính là ảo tưởng sai lầm của lý trí. 


Có ai 30 tuổi mà vẫn còn được mẹ bế hay đòi bố mẹ bế không? Đừng có cho bú nữa không lại suốt ngày đòi bú - có ai 30 tuổi mà vẫn bú mẹ hay đòi bú mẹ không?


Nếu con còn đang có mẹ, hãy tận dụng hơi ấm và sự yêu thương của mẹ. Vì trẻ nhỏ chỉ cần vậy thôi là hạnh phúc. Thời gian sẽ trôi đi. Thời gian mẹ ôm con trên tay sẽ trôi qua rất nhanh. Con sẽ học cách đi, cách chạy và rời xa khỏi vòng tay mẹ. Con sẽ lớn lên, nặng hơn và mẹ không còn bế con được nữa. 


Vì vậy, nếu còn có cơ hội để làm những việc này, hãy tận hưởng nó. 


Bạn có biết James W. Prescott, Tiến sĩ nổi tiếng từ Viện sức khỏe Trẻ em và Phát triển con người Mỹ nói gì không? 

"Cách dễ nhất và nhanh nhất để làm cho một đứa trẻ nảy sinh sự chán nản đó là KHÔNG CHẠM VÀO VÀ KHÔNG BẾ CHÚNG".

--

Nếu được hỏi điều gì khiến mình thèm khát hay thiếu thốn nhất cho tới bây giờ, mình nghĩ đó là những cái ôm của bố mẹ. Đến giờ dù đã ngoài 30, mình vẫn còn nhớ được cái cảm giác muốn được ôm mà không thể khi còn bé. Nhiều bạn bè cùng thế hệ mình chắc cũng vậy, do một phần văn hóa gia đình và xã hội của người Á Đông nó vậy. Thương đấy nhưng lại không thích nói ra. Thương đấy nhưng lại không muốn thể hiện. Thương đấy mà lại "thương cho roi cho vọt". 

Vậy nên mình luôn cố gắng ôm những đứa trẻ của mình. Em bé 5 tuổi vẫn thi thoảng "Mẹ ơi bế con lên xem nào", "Mẹ ơi mẹ có thể nằm cạnh con một chút được không?". Con sẽ luôn lao đến để ôm mẹ kể cả khi con đang trong cơn tức giận, cáu bẳn hay sợ hãi. Con cần ôm để có thể dịu đi những cảm xúc lớn đang choán hết tâm trí và mình thực sự rất hạnh phúc vì điều đó. 

Dẫu chuyện bế một đứa trẻ trên tay chẳng phải dễ dàng gì, nhất là khi chúng ốm đau mệt mỏi nhưng tất cả rồi sẽ thay đổi và đến một ngày mình có muốn cũng không thể nhấc con lên được nữa.


🌐


st.