Trong Truyện Kiều có câu:
..."Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên".
Và trong tiếng nói hàng ngày, ta thường nói: "nổi tam bành" hay "nổi cơn tam bành". Vậy mấy từ này từ đâu mà có?
Trong dân gian người ta quan niệm rằng ẩn chứa sâu trong mỗi người đều có 3 vị thần – Tam bành (三澎) cai quản sai khiến tâm tính con người làm những điều sai trái.
- Bành Kiều (彭喬): Vương Bột – 王勃 là tên hiệu, ở tại trên trán. Thân người đầu bò, tay trái cầm lá cờ màu xanh, tay phải cầm kiếm. Sai khiến làm cho con người kiêu ngạo, lười biếng.
- Bành Cư (彭琚): Vương Hãm – 王陷 là tên hiệu, ở trong lồng ngực. Thân người đầu bò, tay trái cầm lá cờ đỏ, tay phải cầm đao. Sai khiến làm cho con người tính thích ngao du, đi lại.
- Bành Chất (彭質): Vương Diễn – 王演 là tên hiệu, ở dưới rốn. Thân người đầu người, tay trái cầm quyển sổ màu xanh, tay phải cầm cờ. Sai khiến làm con người luôn thích dâm dục.
Dân gian xưa còn quan niệm rằng ba vị thi thần ấy một mặt ở trong bụng người chuyên xúi giục làm điều xằng bậy, mặt khác đến ngày canh thân lại lên ton hót với đức Ngọc Hoàng để ngài trị tội.
Người ta tin rằng khi người ta nổi giận là do ba vị thần giữ thần xác xúi giục. Nhân thế để nói sự nổi giận, người ta hay nói "nổi tam bành" hay "nổi cơn tam bành".