Monday, December 20, 2021

Trí tuệ của sự nhượng bộ




“Ôm giữ chậu đầy, chẳng bằng thôi đi; dùng dao sắc bén, không bén được lâu. Vàng ngọc đầy nhà, không giữ được lâu; giàu sang mà kiêu, tự vời họa ưu. Thành công biết lùi, đó là đạo trời.”(1)
Những lời dạy của Lão Tử trên đây, ý muốn nói với chúng ta về đạo lí biết dừng đúng lúc, đúng chỗ trong mọi việc, nếu đã đạt được trạng thái viên mãn thì phải biết cách rút lui một cách thích hợp. Điều này cũng phù hợp với quy luật tự nhiên, đạo lí tự bảo toàn. “Công thành, danh toại” nằm trong phạm trù “phi thường đạo”, còn “thân thoái” lại ở từ phạm trù “phi trường đạo” rút về “thường đạo”.
Trong thực tế cuộc sống, con người khi nói chuyện, làm việc thường theo quan điểm “thà gãy chứ không cong”, chịu đựng rất nhiều áp lực và phiền não từ công việc và cuộc sống, nhưng lại không biết cách nào để hóa giải nó, thế là liền rơi vào nỗi đau khổ và mịt mù vô hạn.
Khám phá bí ẩn trong thung lũng kể với chúng ta một câu chuyện như sau: Thành phố Québec của Canada có một thung lũng trải dài từ nam chí bắc, điểm độc đáo của thung lũng này nằm ở chỗ, phía tây của nó mọc đầy các loại cây như săng xanh, tùng bách… còn phía đông thì chỉ có tuyết tùng.
Bao nhiêu năm nay, chưa ai lí giải được hiện tượng kì lạ này, vì thế nơi đây được mệnh danh là “bí ẩn trong thung lũng”. Không ngờ vào mùa đông năm 1993, một cặp vợ chồng bình thường đã vô tình giải được bí mật của thung lũng này.
Năm ấy, tình cảm của hai người có dấu hiệu rạn nứt, để hàn gắn lại tình cảm vợ chồng, họ quyết định tổ chức một chuyến du lịch lãng mạn, hi vọng có thể tìm lại những cảm xúc say mê thuở ban đầu, còn nếu không thể thì coi như chuyến du lịch này là kỉ niệm đẹp cuối cùng cho tình yêu của hai người. Khi họ tới thung lũng thì tuyết đang rơi rất dày, hai người dựng lều bạt rồi cùng ngồi thưởng thức cảnh tuyết rơi tuyệt đẹp trong thung lũng. Dần dần họ nhận thấy hướng gió trong thung lũng rất đặc biệt, khiến cho tuyết ở phía đông lúc nào cũng rơi dày hơn ở phía tây. Chẳng bao lâu sau, trên những cây tuyết tùng đã phủ kín một lớp tuyết trắng. Tuyết đè lên cành cây, cùng với sự tích tụ của tuyết, cành tuyết tùng – do có độ đàn hồi cao nên dần dần cong xuống theo độ nặng của tuyết, đến khi trên cành đã tích lũy được một lượng tuyết nhất định thì tuyết lại rơi bớt từ trên cành xuống đất. Cây tuyết tùng lại lấy lại được dáng vẻ cũ, sẵn sàng đón đợt tuyết mới. Chính nhờ cơ chế rất hài hòa này nên mặc dù tuyết rơi lớn nhưng vẫn không thể vùi dập được tuyết tùng. Còn các loài cây khác thì không có được sự dẻo dai này nên nhanh chóng bị gãy đổ, thậm chí là chết dưới sức nặng của tuyết. Còn tuyết ở phía tây rơi khá thưa, sự ảnh hưởng của tuyết đối với các loài cây cũng không nghiêm trọng như ở phía đông, cây cối có thể sống sót được qua đợt tuyết rơi, vì thế số lượng cây ở phía tây khá nhiều, ngoài tuyết tùng còn có sự hiện diện của các loài cây khác nữa.

(Sức mạnh của Tĩnh tâm)
Người vợ ngồi trong lều bạt quan sát và phát hiện ra hiện tượng này, liền nói với chồng: “Sườn dốc ở phía đông cũng đã từng có sự tồn tại của các loài cây khác, nhưng vì cấu tạo thân của chúng không dẻo dai nên đã bị tuyết vùi dập”. Người chồng cũng gật đầu đồng tình, dường như anh chợt nghĩ ngợi điều gì. Một lúc sau, dường như hai người lĩnh ngộ được triết lí cuộc sống từ cây tuyết tùng, và quay sang ôm nhau đầy trìu mến.
Đúng vậy, khi phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài, đôi khi chúng ta không cần cứ phải đẩy mọi việc lên tới mức tranh đấu một mất một còn, chỉ cần tĩnh tâm lại, biết nhún nhường một cách thích hợp, “uốn mình” giống như những cây tuyết tùng kia, dùng sự dẻo dai để hóa giải áp lực là sẽ có thể giống như cây tuyết tùng tràn đầy sức sống, sừng sững đứng trong gió tuyết dữ dội, không dễ dàng bị vùi dập.