Biết đủ là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ?
Biết nhàn là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn?
Biết nhàn là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn?
📖
Bạn tôi kể về một đứa cháu gái, họ hàng ở quê. Nhà cháu rất nghèo. Khi hỏi “Kinh tế thế nào” thì cháu nói “Ổn chú ạ. Ruộng cấy đủ thóc ăn quanh năm, mảnh vườn sau nhà, mùa nào có rau đó. Chả thiếu thứ gì. À, mà tháng chín này, cu Tý nhà cháu đến trường, cháu đang thiếu tiền để mua cho nó một đôi dép”. Số tiền mà cô cháu này thiếu chỉ là mấy chục ngàn.
Tôi chợt nhớ tới một người bạn cùng quê, hiện đang sống ở Hà Nội. Gia đình anh khá giả hơn. Vợ chồng anh có hai cậu con trai. Họ đã lo được cho một đứa du học ở Mỹ. Giờ họ đang phải lo cho đứa thứ hai du học như anh nó. Số tiền họ thiếu mỗi năm là… hàng tỷ đồng.
Có cái gì đó như là nghịch lý: người nghèo thiếu ít hơn, người khá giả thiếu nhiều hơn!
- Khi đi bộ, bạn thiếu xe đạp.
- Khi có xe đạp, bạn thiếu xe máy.
- Khi có xe máy, bạn thiếu ô tô.
- Khi chưa có nhà, bạn chỉ thiếu tiền mua căn hộ.
- Khi có căn hộ, bạn sẽ thiếu tiền mua biệt thự…
Càng giầu, thì cái thiếu càng lớn hơn, cho tới khi… bạn ngộ ra đạo lý: biết đủ là đủ.
Tuy nhiên, không dễ ngộ ra đạo lý này. Chính lòng tham vô đáy của con người là trở ngại lớn nhất, như câu chuyện ngụ ngôn dưới đây:
- Một vị tướng quân có công lớn, được Vua ban thưởng theo cách sau: tướng quân có thể phi ngựa liên tục không ngừng nghỉ; ngựa phi tới đâu thì đất Vua ban tới đó. Và thế là vị tướng quân này đã lên ngựa, phi liên tục trong nhiều ngày không nghỉ. Ngựa của ông đã đi qua những vùng đất bao la rộng lớn. Ông thấy đất vẫn chưa đủ rộng. Phi tiếp. Khi người và ngựa đã rất mệt, ông vẫn cố gắng. Ông muốn lãnh địa của mình phải rộng lớn hơn tất cả. Cuối cùng sức lực cũng cạn kiệt, cả người và ngựa đã gục ngã xuống mặt đất. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông mới hiểu rằng, thực ra mình không cần nhiều đất như thế (mà chỉ cần có sáu tấc).
Người không biết đủ, dù giầu mà vẫn nghèo. Họ luôn nhìn lên những thứ người khác có mà mình không có. Họ chẳng bao giờ hài lòng với những gì mình đang có.
Người biết đủ, dù nghèo mà không nghèo. Họ không dằn vặt vì những thứ mình không có. Thay vào đó, họ trân trọng và hạnh phúc với những gì mình đang có.
📖
GIỮ CÂN BẰNG GIỮA ĐỦ VÀ KHÁT VỌNG
GIỮ CÂN BẰNG GIỮA ĐỦ VÀ KHÁT VỌNG
Tri túc thường lạc là “biết đủ thường vui”. Đây cũng là một ý với hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ trong bài “Chữ nhàn”:
- Trí túc tiện túc, đãi túc hà thời túc
- Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn
Nghĩa là:
- Biết đủ là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ?
- Biết nhàn là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn?
cách sống “đủ” nghe qua rất hay. Nhưng vấn đề nảy sinh là:
- Chúng ta đang sống trong một thế giới cạnh tranh dữ dội, và mọi người hầu như chạy đua rất nhanh hàng ngày. Nếu ta sống đủ sống nhàn thì có lẽ là chúng ta thì vui, nhưng con cái ta có thể bị bỏ lại sau vì thiếu rất nhiều cơ hội giáo dục (rất tốn tiền) trong đời, và nếu nhiều người trong quốc gia không chạy nước rút hàng ngày thì quốc gia sẽ nghèo đói, và sẽ bị các nước khác chà đạp xâm lấn. Trên trường chính trị thế giới, nghèo là một cái tội, người nghèo nước nghèo thì thường bị hiếp đáp.
Vậy chúng ta phải giải quyết vấn đề này thế nào?
nếu ta còn trẻ, đường còn dài, thì ta chẳng có cách nào khác hơn là nhập cuộc chạy đua cùng tất cả mọi người khác. Nếu ta không đi theo được vận tốc của đời, ta sẽ bị bỏ lại phía sau với những hệ quả nghèo đói của nó.
Điều chính là tìm cách giảm stress trong cuộc chạy đua đó:
1. Nhắm vào năng suất hơn là nhiều giờ:
- Không nên làm việc quá nhiều giờ, cho đến nỗi năng xuất mỗi giờ của mình bị giảm xuống. Làm nhiều giờ vừa phải, dành thời giờ nghỉ ngơi và vui với gia đình, thiền, cầu nguyện, thể thao Các giờ nghỉ này, sẽ làm cho ta giảm stress và giữ năng xuất làm việc cao.
2. Đừng ganh ghét với mọi người đang trong cùng cuộc đua với mình:
- Đây là lỗi lầm lớn nhất của nhiều người. Họ làm việc mà giành giật và ganh ghét với bạn cùng phòng, cùng lớp. Chẳng lý do gì mà các vận động viên trong một cuộc chạy đua lại ganh ghét nhau. Chằng lý do gì mà các vận động viên không thân thiết với nhau. Mỗi chúng ta chỉ cần nghĩ là mình làm việc nhanh, làm việc tốt là vì mình luôn cố dùi mài và nâng cấp kỹ năng làm việc của mình, mình đang tự chiến thắng mình mỗi ngày, chứ chẳng tranh giành gì với ai cả. Cố gắng của mình sẽ đưa mình đến đâu là tự nó.
3. Luôn cố gắng nhìn mọi người chung quanh với cặp mắt cảm thông và nhân ái.
- Một cái nhìn dịu dàng về thế giới luôn làm cho lòng ta dịu dàng nhân hậu. Giảm stress, giảm căng, mà không giảm vận tốc làm việc.
4. Và chạy theo dòng chảy không nhất thiết là phải chạy đầu.
- Nếu trời cho mình vận tốc nhanh, chạy đầu, thì tốt. Không thì chạy ở khoảng giữa cũng là tốt, không thụt lùi là được rồi. Cố chạy quá sức của mình thường là lý do chính của stress và trăm loại bệnh giết người khác.
Nói chung là nếu ta phải ở trong cuộc chạy đua, thì tìm cách quân bình, giảm stress, nhân ái, và dịu dàng, hơn là phải căng thẳng, mệt mỏi, ganh ghét, giành giật… Thường thì stress hay thoải mái đến từ thái độ, cách làm việc và cách quân bình thời gian của ta hơn là chính vận tốc công việc.
📖
HOÀNG MINH CHÂU