Thursday, August 29, 2024

... is what you need

 



"Staying in a relationship just because you love someone is not worth it. love is not all you need. Respect is what you need. Time is what you need. Reassurance is what you need. Happiness is what you need. A bestfriend is what you need."

(quoted)

Wednesday, August 28, 2024

Nhưng ai mà chẳng...

 

"Người lớn dặn, uống rượu đừng uống quá sáu phần say, ăn cơm đừng ăn quá bảy phần no và yêu ai cũng đừng yêu quá tám phần tình. Nhưng ai mà chẳng uống tới khi nôn, ăn đến lúc trương cả bụng và yêu người đến khóc đến sầu." 



Nguồn: Weibo 

Bình luận nào trên NetEase music khiến bạn cảm động nhất?





1. Tối hôm trước, thầy chủ nhiệm đã hơn 30 tuổi của lớp tôi kể về mối tình đầu của thấy bằng cái giọng nhẹ nhàng thoải mái, thầy nói: “Thầy và người ấy gọi điện từ khi pin 100% cho tới khi còn 5%, gọi ròng rã 9 tiếng. Trước khi sắp cúp máy, người ấy hát cho thầy nghe bài hát “Sau này”. Cuối cùng sau này cũng không còn liên lạc với nhau nữa, khi học đại học, thầy có tới trường tìm cô ấy vài lần nhưng lần nào cô ấy cũng cố tình tránh mặt. Cho tới bây giờ thầy cũng chẳng hiểu nguyên nhân tại sao.” Kể xong, thầy gấp sách lại, tôi đã trông thấy nước mắt thầy tuôn rơi.


2. Năm 1999, bố tôi chặt mất cây quýt trong sân nhà, tôi hỏi bố sao lại chặt đi? Bố bảo rằng, để đấy dễ nhớ tới chú con.


Năm 2000 mấy đó, bố tôi đốn hạ gốc cây táo mà tôi thường leo trèo khi còn nhỏ. Tôi hỏi ông ấy sao mà lại đốn mất? Bố bảo rằng, để đấy dễ nhớ tới ông nội con.


Năm ngoái, tôi chặt hết hoa cỏ trong vườn, con trai tôi hỏi sao tôi chặt đi? Tôi nói rằng, để đấy dễ nhớ tới ông nội con.


3. Trả mình lại cho mình,


Gửi lại người khác cho người khác


Để hoa nở thành hoa, để cây mọc thành cây.


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《再见只是陌生人 - Gặp lại chỉ là người lạ》 trên NetEase Music.

4. Buổi tối khi bắt taxi về nhà, tôi rảnh rỗi nên ngồi nói chuyện phiếm cùng bác tài, tiện miệng hỏi bác tài cuộc sống là gì?


Bác tài chậm rãi nói rằng: "Trước đây tôi không thích lái xe đâu."


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《涩 - Đắng chát》 trên NetEase Music.

5. Không có rất hạnh phúc, cũng chẳng có không hạnh phúc. Giống kiểu như không nên như vậy, nhưng cũng chỉ được vậy thôi. Có lẽ trưởng thành là thế, đứng bên bờ vực của sự sụp đổi rồi lại dần tự chữa lành mình.


6. Tôi không nhớ lần đầu tiên gặp em


Em mặc bộ quần áo màu gì,


Ngày hôm ấy trời hửng nắng hay đổ mưa,


Bởi vì lúc ấy tôi chưa bao giờ nghĩ tới


Từ đó về sau tôi lại thích em đến vậy.


7. Hy vọng đời này em có một chỗ dựa đáng tin cậy,


Có nơi để trú, có người thương em,


Trải qua bốn mùa xuân hạ thu đông,


Thưởng hoa xuân, hóng gió hè, leo núi mùa thu, quét tuyết ngày đông.


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《春夏秋冬的你 - Em của xuân hạ thu đông》 trên NetEase Music.

8. Có lẽ bây giờ em vẫn về nhà một mình, đi tàu điện ngầm một mình, lên tầng một mình, ăn cơm một mình. Mình em đi ngủ, mình em ngẩn ngơ. Nhưng em có thể về nhà một mình, đi tàu điện ngầm một mình, lên tầng một mình, ăn cơm một mình. Mình em đi ngủ, mình em ngẩn ngơ. Có nhiều người rời khỏi một người khác thì đã đánh mất bản thân, còn em chỉ có một mình nhưng đã vượt qua tất cả. Em cô đơn, tuy thất bại nhưng lại vinh quang.


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《一个人 - Một mình》 trên NetEase Music.

9. Sao phải khóc nhỉ? Em dễ thương thế này, thú vị làm sao, chẳng cần kiễng chân lên cũng có người cúi đầu yêu em.


10. Hôm nay mây rất đẹp, muốn chụp một tấm gửi anh xem, bỗng nhớ ra đã lâu ta không còn liên lạc với nhau. Em ngẩng đầu lên nhìn lại áng mây, đột nhiên cảm thấy mây chẳng còn đẹp như trước nữa.


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《再见 - Tạm biệt》 trên NetEase Music.

11. Rõ ràng người ấy còn sống, nhưng người ấy đã biến mất trong thế giới của em rồi. Em biết rằng người ấy đang ở nơi đó, có lẽ cũng sống ở cùng một thành phố với em. Có lẽ người ấy vẫn sinh hoạt theo thói quen mà em hiểu, hoặc có lẽ cuộc sống quen thuộc của người ấy sẽ thay đổi vì sự xuất hiện của một người, nhưng rốt cuộc em sẽ không bao giờ được gặp lại người ấy nữa.


12. Con người ấy à, không có ai không xứng với ai cả. Hai tệ một gói muối có thể cho ra được vô số những món ăn. Nhưng vô số những món ăn ấy không có muối thì cũng chỉ nhạt nhẽo vô vị mà thôi.


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《Fade》 trên NetEase Music.

13. Bạn tôi bảo: Trong tình yêu thì cần gì liêm sỉ, chia tay thì níu giữ, thích thì theo đuổi người ta. Nhưng câu nói này chỉ áp dụng được trong trường hợp hai người yêu nhau thôi.


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《开始懂了 - Bắt đầu hiểu rồi》 trên NetEase Music.

14. Chu Nhân nói: Nếu người ấy thật sự yêu em như vậy, em muốn thoát cũng không thoát nổi, trừ phi người ấy cố ý để em đi. Em còn không hiểu hay sao?


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《桥豆麻袋 - Đợi Một Chút (Chottomatte)》 trên NetEase Music.

15. Tôi từng thấy một bài viết trên Weibo thế này: "Nếu cậu nhìn thấy tin nhắn của người ấy mà tim vẫn đập nhanh, mỉm cười trong vô thức. Vậy dù khó khăn đến đâu, xin cậu nhất định hãy giữ lấy người ấy, ôm chặt cả một đời."


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《陷阱 - Cạm bẫy》 trên NetEase Music.

16. Không sao đâu, chúng ta sẽ nhìn những hòn đá lăn xuống bên dưới trong một buổi tối nào đó. Ai cũng sẽ nghi ngờ bản thân có quá kém cỏi hay chăng? Cũng sẽ cảm thấy cô đơn trong một khoảnh khắc nào đó, thất vọng bởi tình yêu, bị cuộc sống đánh bại. Nhưng những chuyện này cũng không ảnh hưởng đến một ngày nào đó chúng ta trông thấy đóa hoa khô, thấy bánh bao hấp nóng hổi ở bên kia đường, nhìn thấy đôi bàn tay nứt nẻ ở chợ đang đếm từng đồng tiền lẻ nhăn nhúm, gặp được tình yêu nhỏ bé trong cuộc sống vụn vặt này, đáy lòng lại cuồn cuộn sóng trào, yêu cuộc sống này thêm lần nữa.


17. Tớ đã từng nghĩ về căn nhà tương lai có tớ và cậu biết bao nhiêu lần, đóng cửa lại, ngồi lên chiếc ghế sofa chiếm hơn nửa phòng khách, đệm dựa không cần đắt lắm, nhưng nhất định phải rất mềm rất mềm. Trong bếp có tiếng nồi canh đang sôi sùng sục, hương thơm từ canh sườn trong nồi quanh quẩn khắp nơi. Đột nhiên cậu mở cửa ra, mang theo hơi lạnh lại gần tớ, cười bảo "Anh về rồi". Tớ chạy lại ôm lấy cậu, tựa như ôm cả thế giới vào lòng.


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《Million Years Ago》 trên NetEase Music.

18. Hy vọng rồi anh ấy sẽ cưới một cô gái như tớ,


Như vậy anh ấy sẽ nhớ mãi về tớ.


Nhưng tớ cũng sợ anh ấy cưới một cô gái giống tớ,


Nếu đã giống tớ đến thế, vậy tại sao lại không phải là tớ?


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《心安理得 - Yên lòng》 trên NetEase Music.

19. Tin tức ngày 11 tháng 2 năm 2016: "Tìm thấy t.h.i t.h.ể một cặp đôi trong trận động đất ở Đài Nam, hai người ôm chặt lấy nhau, chàng trai ôm cô gái bằng hai tay, cong vai lại bảo vệ bạn gái. Các nhân viên cứu hộ không thể tách hai người ra, xúc động nói: "Cậu đã bảo vệ cô ấy hết sức rồi!" Nhìn đôi mắt hạnh phúc của đôi trẻ trong ảnh, tôi nghĩ tới một câu nói: "Nếu kiếp sau có đổi thân phận và danh tính, chỉ mong nhận ra ánh mắt của người.""


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《星月神话 - Thần thoại trăng sao》 trên NetEase Music.

20. Trưa hôm đấy đang ăn cơm, tôi bỗng trông thấy một cô gái đang cãi nhau với chủ quán cơm, hỏi sao trong cơm không có thịt. Ông chủ mới bảo là có, cô gái bảo không có rồi bật khóc. Ông chủ quán cơm rất ngạc nhiên, mới bảo "Có gì thì chúng ta từ từ nói, không có thì xào thêm một đĩa là được rồi, cô đừng khóc như thế." Cô gái kia nói. "Không phải tôi khóc vì trong thức ăn không có thịt, mà vì tôi đã 30 tuổi rồi, tại sao phải vì mấy đồng tiền cơm trưa mà sống mệt mỏi đến vậy."


Trích từ phần bình luận trong bài hát 《像我这样的人 - Người như tôi》 trên NetEase Music.

Hyeyangs Dịch | Tumblr: ichliebedich0923

Nói nôm na là cam chịu,...

 

Tới tuổi, người ta không khóc ròng ròng được nữa. Người ta chỉ cúi mặt thở dài trước muôn trận cuồng phong trong lòng mình. Nói nôm na là cam chịu, chờ ngày bão tan.





— AN TRƯƠNG

Tuesday, August 27, 2024

Ấm thì ta giữ, lạnh thì ta buông...

 


Đậm cũng là trà, nhạt cũng là trà

Nóng thì hương tỏa, nhạt thì hương bay,

Cuộc đời xưa nay lòng người ấm lạnh

Ấm thì ta giữ, lạnh thì ta buông...

st

...là vào thời điểm đó đã có thể tận tâm tận lực, thành thật chân thành.

 



“Tình yêu đúng nghĩa đôi khi không phải là nắm tay nhau đi đến cùng trời cuối đất, vĩnh viễn không thay lòng mà chỉ đơn giản là vào thời điểm đó đã có thể tận tâm tận lực, thành thật chân thành.”

st

Ngôn ngữ là một thứ rất đáng sợ

 



"Ngôn ngữ là một thứ rất đáng sợ, nó có thể làm thương tổn người khác một cách sâu sắc. Nhưng điều đáng sợ hơn chính là những câu chữ bạn nói ra cũng dễ dàng vạch trần bản chất con người bạn"

Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ

 


Có người hỏi Đức Dalai Lama:

"Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?"

Ngài trả lời:

"Con người … bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe.

Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai.

Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết … Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ".

st

...cũng không khiến bạn say mê

 


Khi bạn có một nơi chốn thuộc về riêng mình thì những nơi chốn khác dù có xinh đẹp đến đâu cũng không khiến bạn say mê nữa...

st.

𝑪𝒐́ 𝒏𝒆̂𝒏 𝒕𝒊̀𝒎 𝒎𝒐̣̂𝒕 𝒏𝒈𝒖̛𝒐̛̀𝒊 𝒈𝒊𝒐̂́𝒏𝒈 𝒎𝒊̀𝒏𝒉 đ𝒆̂̉ 𝒚𝒆̂𝒖?




*Thử thách 100 ngày chia sẻ suy nghĩ. Ngày 11


Gần đây mình có xem bộ phim: We made a beautiful bouquet - bộ phim lãng mạn kể về câu chuyện của một cặp đôi có rất nhiều điểm chung. Hai người có cùng gu ăn mặc, cùng đọc một cuốn sách, thích những bài hát giống nhau… Họ cảm thấy nhau là định mệnh. Và định mệnh ấy khiến hai con người vốn xa lạ trở thành một cặp.


Thật tuyệt nếu hai người có cùng sở thích yêu nhau, vì họ có thể cùng trải nghiệm nhiều điều, dễ thấu hiểu và chia sẻ nhiều điều.


Nhưng thật sự ấy, làm gì có sở thích nào là mãi mãi, làm gì có tồn tại 2 người luôn luôn giống nhau, đúng không mọi người? Đến bản thân mình đây, có những cái mình nay thích mai thôi, chứ đừng nói là trong thì tương lai của một người khác.


Chưa kể, nếu thứ duy nhất gắn kết tình cảm của hai con người chỉ là sở thích mà lại thiếu đi sự cảm thông, chấp nhận và chia sẻ. Thì sự rạn nứt và grow apart là không thể tránh khỏi.


Nhận thức được điều này cũng khiến mình thôi “mộng mơ” nhiều về tình yêu. Việc chấp nhận không còn là một điều gì quá khó nữa, nó khiến mình thấy hài lòng, kể cả “người ấy” không thích xem Ghibli và đi phượt giống mình =))))


Ps: Cái kết của bộ phim trên mọi người đoán sẽ như thế nào nhỉ? Mình không spoil để mọi người tự cảm nhận nhe!

(source: 1gocthenhthang's tumblr)

Sunday, August 25, 2024

SỐ LỖ BAN & DỊCH KINH

 Bạn có biết 



Sách Lỗ Ban có một câu: “Ghế đi với số 3, cửa đi với số 5, giường đi với số 7, quan tài đi với số 8, bàn đi với số 9”, thực chất đó chính là nguyên lý của “Dịch kinh”, nhằm mang đến những điều may mắn, tốt lành.


1. Ghế đi với số ba, ngụ ý là cuộc sống hòa thuận.


Những chiếc ghế gỗ dài ngày xưa, có thể để cho nhiều người cùng ngồi một lúc. Chiều dài của chiếc ghế gỗ không thể là một số nguyên, số đuôi của nó nhất định phải chứa số 3, ví dụ như 2,3 xích, 4,3 xích (1 xích = 1/3m).


Bởi vì con số 3 thuộc về quẻ Ly, Ly là hỏa, hỏa đối ứng với “Lễ”. Ba người tạo thành số đông, bởi vậy mọi người muốn bình an vô sự ngồi cùng một chỗ với nhau, thì phải tuân thủ “lễ tiết” giữa người với người.


2. Cửa đi với số năm, ngụ ý là cả nhà tài phúc


Làm cửa bất kể là lớn nhỏ, dài rộng thế nào đều phải có số 5 ở đuôi. Bởi vì số 5, thuộc về quẻ Tốn, phương vị của quẻ Tốn là hướng Đông Nam.


Đối với người xưa, xây dựng nhà cửa, sẽ quay lưng về hướng Bắc, quay mặt về hướng Nam, như vậy sẽ dễ dàng lấy được ánh sáng.


Bởi vì người xưa cho rằng phương vị của quẻ Tốn (hướng Đông Nam) là hướng phát tài, mà cửa chính là cái “miệng khí” của cả gia đình, như vậy dễ dàng thu hút tài vận. Cho nên “Cửa đi với năm” cũng có nghĩa mang 5 loại phúc tới nhà.


3. Giường đi với số bảy, ngụ ý là cuộc sống an ổn


Giường ngày xưa dù dài rộng lớn nhỏ thế nào, thì số đuôi phải có số 7, như 2,7 xích; 3,7 xích v.v. Bởi con số 7, thuộc về quẻ Cấn, quẻ Cấn đại biểu cho núi, mang lại ổn định và an tĩnh.


Giường mà an ổn, chính là biểu tượng cho một cuộc sống bình yên. Cuộc sống thế nào là an ổn? Chính là buổi tối có thể ngủ ngon, tâm không lo lắng, không phải suy tư về ngày mai. Cũng có câu tục ngữ “Tâm an ổn, giường an ổn”, “Ngủ không yên, không thể oán giường nghiêng”.


4. Quan tài đi với số tám, ngụ ý tích đức làm việc thiện để lại phúc cho con cháu


Thợ mộc xưa đóng quan tài, bất kể là người qua đời cao thấp ra sao, tất cả quan tài đều làm tám thước, không nhiều hay ít hơn. Bởi vì con số 8, thuộc về quẻ Khôn, quẻ Khôn đại biểu cho quả đất, đức dày có thể chuyên chở vật.


Người đã chết, cái gì cũng đều không mang theo được, tích lũy tiền bạc ngược lại sẽ làm cho thế hệ sau ham ăn lười biếng, mang đến tai họa. Cho nên người khi còn sống, chi bằng tích đức làm việc thiện, để lại phúc báo cho con cháu.


5. Bàn đi với số chín, ngụ ý là gia đình thịnh vượng


Bàn ở đây là bàn vuông để ngồi ăn cơm, cái bàn dù là dài rộng cao thấp ra sao, cũng đều phải có số 9 ở đuôi, ví dụ như 2 xích 9 thốn, 3 xích 1 thốn 9 phân…


Trong “Dịch kinh”, số 9 đại biểu cho “Dương”, là một con số thần thánh và may mắn, có thể dùng để tượng trưng cho trời cao.


Người một nhà cùng ngồi chung với nhau, ăn uống sum vầy, cơm áo không phải lo nghĩ, gia đình như thế chính là thịnh vượng.


Bài sưu tầm

Yêu thôi chưa đủ...



(Bài dài không dành cho người đang bận)


1. Mẹ tôi thích trồng những loại cây thân thảo, nhanh ra hoa, vóc dáng mảnh mai, mềm yếu. Ngược lại, ba tôi lại thích những loại cây thân gỗ, cứng cáp, vững chãi hoặc ít nhất đó là những loại hoa lâu tàn, chịu được cái khắc nghiệt của nắng gió miền Trung. 


Hồi còn nhỏ, tôi vẫn thấy ba mẹ đôi khi cự nhau chỉ vì người muốn trồng hoa, người muốn trồng cây. Nhưng rồi ba tôi vẫn hay nhượng bộ mẹ, chừa một khoảnh vườn nhỏ để mẹ trồng rau, trồng hoa. Ông thường trồng cây men theo bờ đất quanh nhà. Hồi đó, quả thực tôi cũng thích trồng hoa hơn là những thân cây mà phải lâu rất lâu ta mới thấy nó chuyển mình.


Khi bão tràn về, ba tôi luôn là người đội mưa gió ra che chắn vườn cho mẹ, luôn là người đầu tiên ra dọn đám hoa rũ xuống vì gió. Khi mảnh vườn của mẹ tôi xác xơ,  ông luôn hối thúc mấy chị em tôi gieo hạt lại hoặc đi tìm giống hoa cho mẹ. 


Và mẹ tôi thì những ngày ba tôi vắng nhà, bà vẫn lẳng lặng vun gốc cây cho ba tôi. Hễ thấy đám con nít nào quấy phá mấy cây của ba là thể nào mẹ tôi cũng hù dọa chúng (dù chẳng đứa nào sợ vì mẹ tôi rất hiền). 


Giờ đây, khi trở về nhà, tôi thường ngồi dưới bóng cây ba trồng, nhìn ngắm vườn hoa của mẹ. Tôi nghĩ, nếu thiếu một trong hai thì tôi đều cảm thấy hụt hẫng. Và ba mẹ tôi, dù họ không giống nhau về sở thích nhưng rất tôn trọng người còn lại. 


2. Dạo này tôi nhận được nhiều tin chia tay của bạn bè. Tất cả đều là lý do không hợp nhau. Hợp ở đây là phù hợp. 


Khi ta gần nhau hơn, mới thấy có những điều không thể dung hòa được giữa hai cá thể; đặc biệt là quan điểm sống. Sau khi chính mình chia tay và chứng kiến nhiều cặp đôi chia tay, tôi cũng hiểu được phần nào. 


Vì để một mối quan hệ bền vững, yêu thôi chưa đủ. Sự dung hòa tính cách, tôn trọng những điều riêng và quan điểm sống rất quan trọng. Nói nghe có vẻ lớn lao nhưng sự “phù hợp về quan điểm sống là điều mà tôi cho là cực kỳ quan trọng. Tôi đã từng mất thiện cảm vì người yêu đã có thái độ không tôn trọng khi nói về một người bạn mà tôi rất tôn trọng. Những điều rất nhỏ thôi nhưng sẽ quyết định rất nhiều đến thái độ, góc nhìn ta dành cho nhau. 


Trong tình cảm, có những lý do chia tay tưởng chừng vô lý nhưng thực ra nhiều cái nhỏ gom lại thành một cú nổ lớn. Người muốn chia tay đa phần không thể nói được lý do chính xác nhưng nó như sợi tơ mỏng vô hình làm người ta thấy bị ràng buộc, khó thở. Tôi nghĩ ai từng rơi vào cảm giác đó sẽ hiểu rất rõ.


3. Giờ đây, mỗi khi tôi nhận được một tin nhắn bất ngờ trong đêm từ vài người bạn rằng: “Tụi tao chia tay rồi. Không hợp nhau”, tôi luôn im lặng. Không muốn khuyên nhủ hay hàn gắn gì. Bởi người trong cuộc chắc hẳn đã phải cân nhắc, đắn đo, cắn rứt lắm mới đưa ra được quyết định đó. 


Bản thân tôi, dù bạn tôi đúng hay người yêu của bạn đúng, thì đó vẫn là quyết định của hai người. Rất độc lập. Vài hôm sau, khi bạn ổn, tôi chỉ biết nhắn “Vậy cũng tốt cho cả hai.” 


Chứ không còn hiểu tiếng lòng nhau mà cố chấp bên nhau làm chi?


Và cái lý do nghe hết sức vớ vẩn “không hợp nhau” kia, tôi luôn rất coi trọng. Để nhìn hai người đã đi với nhau dài đến đâu, nó nằm ở chữ “hợp nhau” đó.


Khi người ta thấy “không còn phù hợp”, nghĩa là một trong hai người đã có góc nhìn, thái độ sống, quan điểm sống khác người đồng hành. Mà những gì thuộc về hệ tư tưởng, cố gắng chỉ là “đồng sàng dị mộng”. 


Chất keo có thể giữ mối quan hệ là sự chia sẻ và cùng nhau điều chỉnh. Nhưng tỷ lệ một người “muốn đi” điều chỉnh là rất thấp! Ta không nên trách họ hay dằn vặt mình. 


“Duyên phận lắm mới cùng đi một đoạn

Còn so đo chi kể ngắn hay dài…”


Rốt cùng, cuộc sống này không có tốt nhất hay tệ nhất. Chỉ có phù hợp với mình - ở thời điểm đó!


4. Đôi khi, bạn cảm ơn người đã ngồi uống cùng bạn đến lúc say xỉn một phần thì phải cảm ơn người đã dịu dàng pha cốc chanh nóng cho bạn mà không một lời phàn nàn mười phần. Đó là khi ta hiểu mối quan hệ nào cũng có rắc rối cả. Nhưng người ta chấp nhận nó. Và điều chỉnh.


Sẽ hạnh phúc hơn nếu người ngồi uống và người pha cốc chanh ấy là một. Tôi nghĩ vậy. 


Nên ta hãy biết cách khơi men và cả giải rượu nếu cần. 


Uyển chuyển mà sống!


(Bài viết mang góc nhìn cá nhân, có thể không phù hợp với quan điểm của các bạn. Ta đọc trong sự tôn trọng và văn minh nhé!)


Hạ's Facebook



Saturday, August 24, 2024

Tình mưa ngâu

Tháng Bảy âm lịch, những cơn mưa ngâu bất chợt dai dẳng cho hồn người lãng đãng. Bỗng nhiên thấy lòng mình nhẹ bẫng, muốn viết điều gì đó để ghi lại những cảm xúc mà lâu nay đã “cố tình” bỏ quên. Tháng bảy mưa ngâu. Mưa xoa dịu mặt đất nóng hổi đã cằn khô. Mưa thổi làn gió mát cho không khí trong lành dễ chịu. Mưa mang những giọt nước trong veo cho cây cối xanh mướt, đầy sức sống. Và mưa rót vào lòng người những cảm xúc bâng quơ với những suy nghĩ nào đó… 

alt

Dường như mưa ngâu luôn đến vào buổi chiều cho mây giăng mờ mờ trời buồn. Con đường trứơc nhà vắng lặng chìm khuất trong làn mưa nhạt nhòa. Tôi ngồi một mình nhớ lại những ngày xưa cũng tháng Bảy và ngôi trường học cũ, nơi tôi học cách đây hơn 40 năm. Những ký ức xưa trở về gợi lại biết bao nhiêu nỗi nhớ thời cắp sách mà từ lâu chìm nổi giòng đời làm tôi quên lãng. Tôi xách xe đạp chạy lại con đường đi học khi xưa rồi đứng lặng giữa con đường mà ngày nào cùng bạn bè ngắm nhìn các bạn học nữ tha thướt gót mềm giờ tan học và tà áo dài tung bay với gió. Nhớ đến những cái nắm tay nhẹ tênh ấm áp thay cho lời tỏ tình êm ái khi hai đứa che chung tấm áo mưa nhỏ cũng đủ làm nên kỷ niệm ngọt ngào.
alt

Mưa Ngâu luôn là dấu hiệu buồn và chia xa những cuộc tình không thành. “Giọt mưa ngâu” hay là “giọt nước mắt” nhớ nhau? Phải chăng, nỗi nhớ được đan dệt trên bầu trời để tạo thành những cơn mưa, để tình yêu ấy sẽ là hạt mưa đến với hai đầu nỗi nhớ. Để chúng ta nhận lấy những yêu thương, cho khoảng cách xích lại gần hơn, cho tình yêu cứ đong đầy theo năm tháng.

alt

Người ta nói: “Tình yêu của hai người xa nhau giống như ngọn lửa. Gió có thể sẽ thổi tắt ngọn lửa nhỏ nhưng sẽ thổi bùng ngọn lửa lớn”. Hãy nuôi dưỡng tình yêu dù phải xa nhau nhé!

alt

Sau này tôi biết vậy, nhưng thuở đó tôi cứ mải mê đắm chìm yêu đương cho trái tim vỡ tan cảm xúc. Yêu nào biết cuộc tình sẽ như Ngưu Lang-Chức Nữ tràn ngập những giọt nước mắt mong manh chia lìa xa cách. Các đôi lứa yêu nhau thủơ học trò là thế, tình dễ tan khó bền như những giọt nước mưa ngâu lạnh lùng tiễn biệt nhưng đẹp tuyệt vời... Ngày ấy, tuổi học trò mơ mộng cứ rong rủi những cuộc tình “đến rồi đi cho nước mắt ly biệt đong đầy”, bao vầng thơ chan chứa nồng nàn khi tình bắt đầu và đắng cay khi chia xa là vậy. Tôi nhớ những lời tâm sự nồng thắm của bạn bè khi tình yêu bắt đầu, lời thổn thức đẫm nước mắt khi cuộc tình tan vỡ, tất cả chỉ đơn giản là tình mong manh, tình mưa ngâu đau đớn mà cũng dễ quên sẽ sớm thay bằng cuộc tình khác do tuổi trẻ nóng vội bồng bột. Cuộc tình mưa ngâu hệt như tên gọi của nó.
alt
Dù sao thì tình yêu tuổi học trò vào mùa nắng, mùa mưa ngâu thế nào cũng là tình một thời vụng dại khi trái tim ngỡ mật ngọt thiên đường lãng đãng, tình của hàng giờ bên nhau cùng học ráng nhớ những phương trình đại số khó hiểu, những hình học không gian mơ hồ huyễn hoặc, những câu ca dao, thơ văn bất tận mà chúng tôi không dứt, kết cuộc là giận hờn rồi làm hòa rồi rủ nhau đi picnic cho “thư giãn”. Nhưng buổi đi dạo chơi đó dù trời có mưa khiến cả hai lạnh run mà vẫn thích. Dĩ nhiên, cái nắm tay đủ ấm áp nhẹ nhàng và cái choàng vai mà chúng tôi đều rụt rè đến nay tôi nhớ lại cứ thấy nôn nao huyền hoặc. Tình học trò ngày ấy đơn sơ lạ lùng, đứa nào cũng sợ không dám chạm đến một làn ranh giới mơ hồ nào đó dạn dĩ như tuổi trẻ ngày nay. Tình chỉ mách bảo bằng nhịp đập trái tim, bằng ánh mắt và cái nắm tay là đủ cho lòng xốn xang mất ngủ.

alt

Trời vẫn mưa, cơn mưa ngâu đầu mùa lãng đãng trên hàng cây, cảnh cũ thay đổi nhưng không nhiều, ngôi giáo đường vẫn êm ắng và ngôi trường trung học Tây Ninh tôi học đang được sửa chữa sau bao nhiêu năm xuống cấp như lòng người cũ kỹ!. Nhớ lại những tà áo dài trắng tan trường mấy mươi năm xưa giờ người còn, người mất, người đã xa ẩn hiện trong tôi niềm nuối tiếc, nào ai đoán được trước đây đời mình sẽ ra sao ngày sau khi còn cặp sách trên tay? Tôi cũng vậy, khi hoàng hôn đời mình chạm tới, sau bao năm lãng quên chốn cũ trường xưa bởi dòng đời mê mải mới nhớ lại trong một chiều mưa ngâu. Chợt lắng lòng, mơ hồ nhớ lại mà lặng thầm biết đời đã như: “viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi”.

alt

Mưa ngâu còn là vị mặn ngọt mềm môi của viên xí muội ngập tràn thương nhớ, là viên kẹo bạc hà thơm mát, là chút nắng ấm cuối trời khi mưa vừa dứt khiến trái tim yêu thổn thức, hoặc như là ly chanh muối nóng nồng nàn gieo mãi tiếng sóng cồn cào nơi quán cà phê. Tất cả đều trữ tình lãng mạn lạc vào trang vở khiến văn chương nhớ mãi sau mấy mươi năm nhạt nhòa xa vắng. Các bạn ơi, tất cả những gì của tình yêu học trò đều giống nhau, giống nhau đến nỗi bây giờ nhắc lại kỷ niệm vẫn thấp thoáng bóng hình mình, tình yêu mình trong đó mới kỳ lạ. 

alt

Với tôi, kỷ niệm thời trung học mãi đẹp như mơ, ngay cả cuộc tình tan vỡ vào tháng mưa ngâu ngày nào vẫn lâng lâng. Mới hay con tim có lý lẽ riêng tưởng chừng đã quên mà vẫn nhớ đến nao lòng. Tháng bảy mưa ngâu. Tôi thầm cầu mong mưa mang theo hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà. Mưa mang theo yêu thương đến khắp mọi nẻo đường để cuộc sống này không còn ai phải khổ đau, bất hạnh, để nụ cười hiện hữu khắp muôn nơi…

alt


(via bacsingan's blog)

Hãy nhớ rằng, cho dù mất đi tất cả, bạn vẫn còn lại bản thân mình.

 Mất mát là lẽ đương nhiên ở đời. Có được thì phải có mất. Nếu không có “mất”, dựa vào đâu để định nghĩa “được” (và ngược lại)?


Lòng người rộng lớn bao nhiêu cũng không thể chứa hết biển hồ. Cái hộp đã đầy, cứ giữ khư khư rồi ra sức nhồi nhét, dần dà cái hộp sẽ biến dạng, méo mó. Tình cảm đã đi đến giới hạn thì nên học cách buông bỏ, để dành lại khoảng không cho những điều tốt đẹp sau cùng.


Mất đi kỳ thực không đáng sợ. Đó là một phần của đời sống. Đáng sợ ở chỗ con người đắm chìm và cố chấp, cứ nghĩ hoài về những cái đã mất nên vô tình bỏ lỡ rất nhiều điều sẽ được.


Kẻ ngốc cầm ô chờ cơn mưa, chỉ vì một lần cảm lạnh bất ngờ. Khôn ngoan phải biết tìm chỗ trú. Hoặc kiên cường, cứng cỏi đến mức mưa nắng không làm khó được mình.


Hãy nhớ rằng, cho dù mất đi tất cả, bạn vẫn còn lại bản thân mình.


| Xu | 


CHUYẾN XE ÔM KỲ LẠ CỦA CHÀNG TRAI VÀO LÚC 9 GIỜ TỐI

  


Chuyến xe ôm kỳ lạ ấy đã để lại trong chàng trai ấy nhiều xúc cảm không thể nào quên.


Được chia sẻ trên trang facebook có tên Hải Hồng, câu chuyện với tiêu đề “cuốc xe ôm nhớ đời” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và tình cảm của người đọc. 

Đó là câu chuyện về một người xe ôm tật nguyền, nhưng không chịu đầu hàng số phận, ngày ngày bất kể nắng hay mưa vẫn chạy xe trên các nẻo đường để kiếm tiền phụ nuôi gia đình.


Ông có một mối tình đẹp nhưng đầy gian khó với một người phụ nữ . Nghèo khó và bị gia đình phản đối, thế nhưng họ vẫn luôn bên cạnh nhau, cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Sự nỗ lực, sự yêu thương và biết vươn lên trong cuộc sống của họ khiến người đọc phải cảm phục.


Người đọc nhận xét rằng nhân vật chính là chàng trai đi xe ôm đã có môt chuyến đi kỳ lạ – kỳ lạ bởi từ khách, anh đã trở thành người đèo, từ 1 chuyến xe vội vã trở thành 1 chuyến xe chậm rãi để 2 người cùng lắng nghe, sẽ chia.


Câu chuyện cảm động ấy được kể lại như thế này:


“9 giờ tối, Xa Cảng Miền Tây.


Xách túi đồ dợm bước ra taxi, nhận một cái níu tay, tui quay lại, chú xe ôm đứng cong người nài nỉ “Đường giờ này mát mẻ lắm, con đi giúp chú cuốc xe đi. Ai thấy chú tật nguyền vầy cũng ngại đi nên chú chạy ế lắm. Con yên tâm đi, chú chạy được, chạy cẩn thận lắm”.


- Dạ được rồi, con đi. 


Và cái đoạn đường hơn chục cây số từ đó về Tao Đàn, tui đã được nghe một chuyện đời, một chuyện tình đẹp tái lòng. 


Chú năm mươi tám, ở quận 7, mỗi chiều năm giờ ra bến, chạy đến năm giờ sáng hôm sau. Ráo cũng như mưa, chục năm nay không dám nghỉ ngày nào. Mỗi đêm thường kiếm được trăm mấy hai trăm, mỗi tháng đóng tiền bến hết chín trăm. 


Cô thì đi nấu cơm cho công an phường, lương có triệu mốt nhưng được cái họ hay bỏ bữa, cô mang thức ăn về, nhà khỏi đi chợ. 


Cô đòi đi kiếm chỗ làm thêm, chú không cho. Chú biểu để mình chú cực là được rồi. Kể tới đây, chú cười hịch hạc: Đàn ông mình, cỡ nào cũng phải sống mà lo cho gia đình được, há con? 


Tui bắt đầu thấy ngưỡng mộ chú rồi đây, sau cái câu này. 


Bạn bè đang đợi, tui thì trễ hẹn nhưng bị cuốn vào câu chuyện tươi sáng của chú nên nghĩ mình cũng chẳng cần phải nhanh hơn. Tới đâu đó Thuận Kiều, thấy vai chú run run, tui hỏi thăm, chú biểu cái chân tật của chú, hễ trời lạnh lại nhức. 


- Thôi chú dừng xe lại đi, con chở cho.


- Đâu có được, ai làm vậy được con? Chú không sao , ráng chạy chút nữa, về bóp dầu. 


- Chú sợ con cướp xe hả? Xe chú cà tàng lắm rồi nha. Với lại con sẽ đưa túi xách con cho chú đeo. Chú dừng lại đi. 


Tui cũng chạy chậm, như chú. Thanh thản lắm, như đang chở ba mình đi dạo vậy.


Ngồi sau lưng tui, chắc ấm được chút đỉnh nên chú trải lòng hơn. 


Chú khoe hồi trẻ cô đẹp lắm, con gái Cai Lậy mà. Cô lên Sài gòn ở mướn cho nhà chủ mà chú làm bảo vệ. Ba má cô đâu có chịu chú bởi họ chê thằng này mồ côi mồ cút, nghèo mà còn què quặt nữa.


Họ sợ cô khổ khi về với chú. Nhưng cô hổng sợ, cô bỏ nhà theo chú. Ba má cô từ con gái. Ngày ba cô nhắm mắt, ông còn chưa tha cho cô mà. Chú phải đưa cô về, nửa đêm quỳ ngoài hàng rào lạy vọng vào. Rồi đi. 


- Chú biết cô thương chú lắm nên chú muốn cô được sung sướng. Mà muốn vậy thôi chứ tới giờ cô cũng chưa được sướng ngày nào. 


_Sướng chứ chú. Làm lụng thì ai cũng phải làm thôi, chỉ cần có người chồng thương mình như chú, con nghĩ cô sướng trong dạ lắm đó chớ. 


- Thiệt hôn con?


- Hổng tin, bữa nào chú về hỏi cô đi.


- Ừ. Mà tết nhứt tới bên nách rồi con há. Chắc chú phải ráng cày thêm chút đỉnh, vài bữa mua cho cô cái áo kiểu đẹp đẹp mặc Tết với người ta…


Tui nghe chừng trong lam lũ một trời yêu thương. Cái yêu thương không phải đôi vợ chồng đủ đầy nào cũng có được. 


Rồi chú khoe hai thằng con, thằng lớn hai mươi, thằng nhỏ mười ba, thằng nào cũng ngoan. 


- Em lớn đang còn đi học hay đi làm rồi chú?


- Nó học giỏi lắm con, học năm ba Đại học Sư Phạm. Mà thằng đó đẹp trai à nha, nó giống cô. Nó có hiếu lắm, hổng bao giờ dám xài tiền. 


- Nói vậy thôi chứ con nghĩ hồi trẻ chú cũng đẹp trai mà. Nghe em nó được vậy, con cũng mừng cho cô chú. 


- Ừ…thì…


Sao tui nghe câu trả lời như vướng đâu đó trong cổ họng. 


Câu chuyện còn đang dang dở, hai chú cháu đã tới nơi. Xuống xe, chú biểu bớt hai chục ngàn, cho cái công tui chở chú. 


- Chú bớt phân nửa luôn đi. Hehe


- Sao cũng được mà con.


Trả tiền xe xong, tui dắm dúi một ít vô tay chú, dặn dò:


- Chú về mua cho cô cái áo đi, áo màu tím nghen chú. Con tin cô sẽ thích. Mà cũng phải mua thêm cho chú một cái nữa. Cô mặc áo đẹp mà áo chú cũ quá, hổng xứng đâu nha. À quên, hai thằng nhỏ, mỗi thằng một cái nữa nhe. 


Chú cúi sát nhìn thứ tui vừa đưa, tay run run. 


Chào nhau, chú lại níu tui. Tui ghẹo:


- Tính cám ơn con nữa hay gì đây? Thôi khỏi, mai mốt có gặp nhau, chú chở rẻ cho con là được rồi. 


- Hổng có, hồi nãy chú hổng dám kể hết. Thằng con lớn của chú đó, là chú…nhớ nó quá nên chú tưởng tượng vậy thôi chứ sau khi thi đậu đại học, nó bị tai nạn…mất rồi con ơi.


Tới giờ mà chú còn chưa tin là nó hổng còn… Đêm nào cha con chú cũng nói chuyện… Nhưng con yên tâm, chú cũng sẽ lấy tiền này mà mua cái áo mới, để lên bàn thờ cho nó. 


HẢI HỒNG

Từ FB thầy Lê Văn Thông

"Chim Việt Ngựa Hồ"_ Điển xưa tích cũ



Để diễn tả những tình cảnh, nỗi niềm ly hương mà tấm lòng còn luôn đau đáu nhớ về quê hương, cố quốc… trong thi ca và thành ngữ dân gian truyền thống vẫn thường hay sử dụng điển cố: “Chim Việt ngựa Hồ”. Vậy câu chuyện này bắt nguồn từ đâu và từ khi nào?…

Điển tích kể lại rằng vua Hồ ở phương bắc khi xưa có đem dâng tặng Hán Vũ Ðế một con ngựa hay, nhưng từ khi sang đất Trung Nguyên được nuôi ở vườn Thượng Lâm thì ngựa Hồ liền bỏ ăn, điệu bộ vô cùng buồn thảm và mỗi độ đông về, gió Bắc thổi lạnh thì chú ngựa tha phương lại hí lên thê thiết.

Lại có tích truyện kể rằng vua nước Việt ở phía nam Trung Nguyên khi xưa có tặng cho Châu Thành Vương một con chim trĩ trắng, mặc dù đã được triều cống sang phương Bắc, sống trong khu vườn thượng uyển nhưng con chim này chỉ chọn cành nào hướng về phương Nam mà đậu.

Kể từ đó hình ảnh “Chim Việt ngựa Hồ” thường được dân gian quen dùng như một thành ngữ để diễn tả những tình cảnh, nỗi niềm ly hương mà tấm lòng còn luôn đau đáu nhớ về quê hương, cố quốc. Trong Ðường thi có câu:

‘Hồ mã tê Bắc phong

Việt điểu sào Nam chi’

Tạm dịch:

‘Ngựa Hồ hí gió Bắc

Chim Việt đậu cành Nam’.

Tuy nhiên trước Đường thi, hình ảnh ‘Chim Việt ngựa Hồ’ đã đi vào thơ ca từ rất sớm. Theo cổ thư còn ghi chép lại thì thi tứ: “Chim Việt ngựa Hồ” được xuất hiện sớm nhất trong hai câu thơ trích từ tập ‘Cổ thi thập cửu thủ’ – tức: ‘Mười chín bài thơ cổ’. Đây là tập thơ không ghi tên tác giả (vô danh thị), sau được Chiêu Minh Thái Tử – Tiêu Thống, con trai trưởng của Lương Vũ Đế biên tập lại trong ‘Chiêu Minh văn tuyển’, nguyên văn bài thơ như sau:

“Hành hành trùng hành hành

Dữ quân sinh biệt ly

Tương khứ vạn dư lý

Các tại thiên nhất nhai

Đạo lộ trở thả trường,

Hội diện an khả tri?

Hồ mã y Bắc phong

Việt điểu sào Nam chi

Tương khứ nhật dĩ viễn

Y đới nhật dĩ hoãn

Phù vân tế bạch nhật

Du tử bất cố phản?

Tư quân linh nhân lão

Tuế nguyệt hốt dĩ vãn

Khí quyên vật phục đạo

Nỗ lực gia xan phạn”.


Tạm dịch:

“Chàng cứ đi, đi mãi

Thiếp với chàng sinh ly

Xa nhau muôn ngàn dặm

Mỗi người một phương trời

Đường gian truân xa thẳm

Tái ngộ biết khi nao?

Ngựa Hồ trông gió Bắc

Chim Việt đậu cành Nam

Xa nhau ngày càng dài

Áo mặc ngày một rộng

Mây trôi che khuất nắng

Chàng nhớ chăng ngày về?

Tiều tụy vì nhớ chàng

Năm tháng càng trôi nhanh

Tâm tư không nói hết

Chỉ mong chàng yên thân”.

Được biết, bài thơ trên ra đời vào khoảng từ năm 140 đến 190 – sau Công Nguyên, tức khoảng cuối đời Thuận Đế đến trước đời Hiến Đế nhà Đông Hán, diễn tả một cách sinh động tâm tư của người thiếu phụ xa chồng trong hoàn cảnh xã hội loạn ly, khiến cho người đọc không khỏi xúc động và xót xa trước tâm tư của người trong cuộc. Bài thơ cũng được Trần Dịch ngợi ca trong ‘Thi phả’ là: “tình chân, cảnh chân, sự chân, ý chân” – Tình thật, cảnh thật, chuyện thật, ý thật.

Sau này, để diễn tả nỗi niềm của biết bao sinh mệnh ly hương và những tấm chân nguyện thiết tha mong mỏi được hồi thăng trở về miền Cố quốc trong thơ của tác giả Đường Phong cũng có đoạn viết:

‘Hoa cỏ ngóng gió Đông

Ngựa Hồ gầm đất Bắc

Chim cành Nam vẫn hát

Nguyện khúc mong ngày về’…

Đường Tân

(Tài liệu tham khảo: “Điển xưa tích cũ”; và một số nguồn tư liệu khác.)

Liệu một cuộc hôn nhân tồn tại sau nhiều năm có giữ được chữ “tình”?


Giống như những câu chuyện cổ tích mà chúng ta từng xem thường kết thúc khi hoàng tử và công chúa đến được với nhau. Những phần cuộc sống hôn nhân sau đó có lẽ không còn là cổ tích nữa, đó là khi chúng ta quay về với hai chữ “thực tế” với nhiều bất ngờ khó đoán.

tình yêu là gì sau hôn nhân

Khi còn độc thân, bạn có lẽ từng bị hỏi khi nào kết hôn. Khi có gia đình, bạn sẽ được hỏi thăm khi nào định có con. Sau khi sinh em bé, sẽ có ai đó hỏi khi nào bạn sẵn sàng cho đứa tiếp theo. Hôn nhân cứ thế vội vàng, chạm đến ranh giới của nhiều người mà đôi khi bạn nghĩ mình đã chuẩn bị đủ vẫn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng. Kèm theo đó là những hoang mang về sự biến đổi của tình yêu, điều thiêng liêng nhất đã đưa hai người lẻ bóng đơn chiếc cùng đến có nơi có tên gọi là nhà để tìm về. Không cần biết bạn đã sẵn sàng thế nào trước khi kết hôn, cuộc sống sau hôn nhân vẫn sẽ mang đến nhiều bất ngờ mà bạn không thể chuẩn bị.Ngay sau khi lời thề nguyện trong đám cưới được trao đi, bạn đã bước lên chuyến xe đi về hướng một con đường sống hoàn toán khác, vội vã hơn, nhiều ràng buộc và trách nhiệm hơn. Ở đó, những rắc rối lần lượt xuất hiện và tình yêu được lãng mạn hóa từ những ngày yêu nhau dần biến mất. Hôn nhân mang hai người đến gần nhau hơn, nhưng cũng bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết của nhau khiến cho mọi cái nhìn không còn được đẹp đẽ như ngày đầu.

Đây sẽ là lúc bạn dừng lại và tự hỏi, liệu tình yêu sẽ là gì trong hôn nhân? Liệu một cuộc hôn nhân tồn tại sau nhiều năm có giữ nhiệt được chữ “tình” bên cạnh chữ “nghĩa” trong mối dây tơ hồng vợ chồng?

tình yêu và kết hôn

Mặc dù những điều khó có được luôn là những điều đáng trân quý, nhưng quy tắc này có vẻ không hữu dụng trong hôn nhân. Bản chất của sự gắn bó lâu dài của hôn nhân khiến hai người dần quên đi những gì khó khăn họ đã phải vượt qua để gìn giữ tình yêu và rồi cảm thấy lung lay khi những biến cố tìm đến. Và biến cố sớm nhất với nhiều cặp đôi là đến từ gia đình chồng hay vợ của mình. Khi còn yêu hay mới kết hôn, bạn có thể rất hòa thuận với gia đình của người bạn đời, nhưng khi gắn bó với họ nhiều hơn, mỗi người phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm không chỉ với gia đình nhỏ của mình mà còn là với cả gia đình lớn của thông gia. Chỉ cần một chút va chạm dù nhỏ cũng có thể gây hiểu lầm đôi bên và ảnh hưởng đến mối quan hệ tình cảm của hai vợ chồng. Vì vậy, vai trò trung gian của mỗi người trở nên rất quan trọng trong việc kết nối giữa gia đình mình với người chồng hay người vợ.

Đặc biệt, đối với phái đẹp, dù là một người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi hay làm mẹ tốt đến đâu cũng có thể trở thành người bị bỏ rơi trong cuộc hôn nhân nếu người chồng không biết cách giữ hòa khí giữa gia đình anh ta và vợ. Đứng về phía ai: gia đình cha mẹ hay người vợ của mình sẽ là tình huống mà không ai mong đợi. Người phụ nữ đừng bao giờ đặt người đàn ông của mình vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan như thế, và người đàn ông cũng đừng bao giờ để vợ và gia đình phải đứng về hai chiến tuyến đối nghịch nhau. Không chỉ đặt bản thân vào tình cảnh của người kia mà những người chồng hay người vợ khéo léo còn biết đặt bản thân mình vào vị trí của những người thân trong gia đình chồng hay vợ của mình. Để duy trì tình yêu trong hôn nhân, sự dung hòa chính là chiếc chìa khóa vạn năng. Sau những cuộc cãi vã vì con cái, cãi vã về kinh tế, cãi vã vì người thân,… thì tình yêu dần biến thành tình cảm gia đình. Tình yêu trong hôn nhân sẽ không biến mất, nó chỉ thay đổi từ dạng này sang dạng khác nếu hai bạn luôn suy nghĩ rộng lượng và đồng cảm với chồng/vợ của mình, cũng như với những người có thể tác động tới suy nghĩ hay hành động của họ.

tình yêu và kết hôn

Vợ chồng khác với người yêu và bạn bè, bạn và nửa kia của mình hẳn không cần phải quá giữ khoảng cách và phép lịch sự để gìn giữ… hình tượng cá nhân. Có một phân cảnh trong bộ phim This is 40, khi nhân vật của Paul Rudd yêu cầu vợ của anh ta kiểm tra giúp phần mông. Nó có thể là một phân cảnh thô thiển, nhưng đối với cặp đôi đã kết hôn sau một thời gian dài, chuyện này chỉ rất bình thường trong cuộc sống thực tế mà thôi. Đừng ngại khi nhờ người thương lấy phần rau thừa nơi kẽ răng, nhắc bạn đời cắt giùm móng tay hoặc làm sạch vùng mũi, hay nói một điều gì đó trong sinh hoạt chung, miễn là khéo léo và tế nhị. Thật tuyệt vời khi luôn có ai đó ở bên và cho bạn biết những điều bạn không nhìn thấy nhưng không đánh giá hay khiến bạn xấu hổ. 

Tình yêu trong hôn nhân tồn tại trong sự tươi mới của khoảnh khắc, chứ không phải là một tiêu chuẩn lâu dài. Yêu, là khi nhìn thấu tất cả những điều chưa hoàn hảo của nhau mà vẫn chấp nhận. Vì vậy, hãy tìm kiếm những điều nhỏ nhặt và lãng mạn hóa nó bằng tất cả sự tôn trọng và tình yêu, bởi trong cuộc sống hôn nhân ngày qua ngày, những điều nhỏ nhặt sẽ hiện dần như thói quen cắn móng tay, dễ làm rơi vỡ đồ đạc thay vì hình ảnh xinh đẹp thu hút khiến bạn phải lòng nửa kia buổi ban đầu.

tình yêu và kết hôn

Nắm tay nhau cùng già đi là mong ước tốt đẹp nhất của tất cả những ai bước vào hôn nhân. Khi tóc đã bạc, em vẫn là em, anh vẫn là anh, ta vẫn ở bên nhau. Hôn nhân suy cho cùng, chính là một sự đồng hành. Và tình cảm chính là nền tảng vững chắc nhất khi cả hai biết cách trân trọng lẫn nhau và quản lý mối quan hệ một cách gắn kết. Có câu ngạn ngữ cũ rằng, bạn không thể thay đổi ai đó bằng cách kết hôn với họ, điều này vẫn luôn đúng. Bạn không nên rơi vào tình trạng điều khiển hành động của ai đó và có lẽ bạn cũng không muốn ai thay đổi mình. Tuy nhiên, sự thật là có lẽ cả hai bạn vẫn sẽ phải thay đổi hoặc thích nghi như một sự lựa chọn để duy trì năng lượng tình yêu.

Tình yêu trong hôn nhân suy tàn vì một số suy nghĩ rằng, anh không còn là anh và tôi cũng không còn là tôi ngày ban sơ. Người ta vẫn thường thắc mắc, người ta yêu lúc trước đi đâu mất rồi. Nhưng thật ra, liệu đã bao giờ bạn từng hỏi bạn có thể chấp nhận khuyết điểm lớn nhất của người đó, hoặc phiên bản tệ nhất của đối phương. Hôn nhân có thể bộc lộ rõ ​​nhất sự mong manh và bất lực của một người, bạn không thể che giấu khuyết điểm của mình thì sẽ bị đối phương soi mói. Điểm mạnh và điểm yếu của một người sẽ trở nên rõ nét hơn sau thời gian chung sống, nếu nửa kia của bạn có những khuyết điểm mà bạn không thể chấp nhận như hay cáu kỉnh, thích uốn nắn, bạn sẽ khó vững vàng vượt qua những thời điểm khó khăn. 

Mỗi cặp đôi nên trải qua ít nhất một thời gian thực sự khó khăn cùng nhau trước khi kết hôn, chỉ để xem đối phương xử lý những việc lộn xộn của mình như thế nào. Và hãy không ngừng giao tiếp, đón nhận và thể hiện tình yêu đúng mực để mối quan hệ hôn nhân mà cả hai mong chờ sẽ luôn có thể thích ứng và ngày càng bền chặt hơn ngay cả khi cuộc sống ném vào những thăng trầm. 

Lối sống của hầu hết các cặp vợ chồng có lẽ rất giống nhau, đi làm về, lướt điện thoại, gọi món hoặc tự nấu ăn rồi giải quyết công việc riêng, ngày này qua ngày khác nằm trên một chiếc giường nhưng lại mơ về những giấc mơ khác nhau. Bạn có thể nghĩ rằng sau khi ổn định cuộc sống, bạn có thể thư giãn và sống hạnh phúc mãi mãi, nhưng không hề. Mặt khác, bây giờ bạn phải đặt cuộc hôn nhân lên trên mọi thứ khác, và thậm chí có thể quên mất bạn đã như thế nào khi còn độc thân và “tự do”. Nó không phải là một điều xấu, chỉ là bạn phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, và chịu trách nhiệm không chỉ với bản thân mình. Chỉ “yêu” thôi thì không đủ để hôn nhân thành công. Chúng ta phải luôn giữ được cảm giác bí ẩn, phấn khích và tươi mới trong hôn nhân. Đối với hầu hết mọi người, hôn nhân chiếm hơn một nửa cuộc đời của họ. Có thể nói hôn nhân là một trường học. Nó dạy chúng ta trách nhiệm, nó dạy chúng ta lòng khoan dung, nó dạy chúng ta hiểu biết. Và tiết học sau cùng mà nó dạy ta, là biết yêu thương ai đó và thương lấy cả chính mình.

Hôn nhân có thể được ví von như một điệu nhảy, và cả hai bạn phải theo kịp nhau. Và nó có thể là một điệu nhảy đẹp nếu hai bạn không ngừng cố gắng và phấn đấu để hoàn thiện. Con người lúc nào cũng sẽ phải tồn tại trong một mối quan hệ nào đó, và hôn nhân là mối quan hệ an toàn và vĩnh cửu nhất khẳng định tình yêu mà bạn luôn khao khát. Mặc dù, tình yêu không phải là tất cả, nhưng một cuộc hôn nhân có tình yêu sẽ khiến cả hai luôn thoải mái và muốn cùng nhau bước tiếp trong cuộc sống tương lai.

***

Dù có rất nhiều người trên thế giới này, nhưng ông trời chỉ sắp đặt cho ta gặp một người, và họ sẽ là người đi về cùng ta trong ngày mưa lẫn ngày nắng. Dù bạn đang ở giai đoạn nào trong hôn nhân, hãy nhớ đáp ứng nhu cầu tình cảm của đối phương, đây là sợi dây cơ bản nhất của mối quan hệ. Nếu không có điều này, cuộc hôn nhân sẽ trở thành một cái vỏ rỗng, và ai sống trong cái vỏ này sẽ cảm thấy lạnh lẽo và tổn thương. Tình yêu của bạn có thể là nụ hôn duy nhất, sự chờ đợi mãi mãi, là bất cứ điều gì, miễn là hãy cảm nhận bằng trái tim, thì tình yêu tự khắc vẫn còn đó.

Text: H.D | Thiết kế: Quốc Huy | Ảnh: Louis Nguyen, Unplash

CẦN NGÔN LÀ SỰ HÀM DƯỠNG HIẾM CÓ



Ngôn luận của một người thể hiện sự hàm dưỡng của bản thân người ấy. Cẩn ngôn nghĩa là nói năng phải cẩn trọng, lời quan trọng phải nghĩ thật kỹ ngẫm thật sâu mới nói ra miệng. Không nói lời làm tổn thương tới người khác, không nói chuyện chẳng thể với tới. Lời nói ắt phải có chữ tín, phải làm được mới hay, nếu không thà rằng đừng nói.


Cách bạn đối đãi với người khác thể hiện sự hàm dưỡng của bạn. Những lời đàm luận không có trách nhiệm hay những lời khen ngợi tán dương tuỳ tiện sẽ khiến bạn thất tín, hại mình hại người.



Trong “Luận Ngữ – Vi Chính” có chép rằng: Tử Cống hỏi Khổng Tử làm thế nào mới có thể trở thành một người quân tử. Khổng Tử bảo rằng: “Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi”, nghĩa là hãy thực hiện trước khi nói, khi công việc hoàn tất rồi hãy nói.


Làm người cần cố gắng giữ được ngôn hành đồng nhất, tâm khẩu như một. Người có thể quản được cái miệng của mình ắt là bậc trí huệ. Bệnh từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra, lời đã nói ra như mũi tên đã bắn, chẳng thể thu hồi. Vậy nên nghĩ kỹ rồi mới nói, xem lời nào nên nói, lời nào không.


Người có nội tâm phong phú thường trầm ổn. Những người thích ca ngợi tán tụng người khác lên mây thường là người không có nội hàm. Vậy nên cẩn ngôn là một cách thể hiện học thức và tầm nhìn của bản thân.


Một người biết cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, sẽ không động một chút là nói tôi thế nọ tôi thế kia, như vậy sẽ bất cẩn bộc lộ ra hư vinh và sự tự ti của bạn. Lại càng không nên chỉ trích người khác quá nhiều, nói lắm ắt lỡ lời, những lời đàm luận thô tục chỉ chứng tỏ sự nông cạn của bản thân mà thôi.


Trong cuộc sống, chúng ta sẽ thường gặp một số người không ngừng oán trách. Họ oán trách cuộc sống chẳng như ý, oán trách người khác đối xử với mình không tốt, oán trách số phận bất công, hễ gặp ai cũng than vãn không dứt. Kỳ thực người đó không chỉ không ước chế được cảm xúc tiêu cực của mình, mà còn khiến nó trở thành một gánh nặng với người khác. Mỗi người đều có một quỹ đạo cuộc sống, đều sẽ gặp phải những phiền muộn, hà tất cứ phải thở than? Chẳng ai có nghĩa vụ thay bạn gánh vác bất cứ điều gì.


Vậy nên, bạn có quyền kể lể với người khác để xoa dịu áp lực của bản thân. Nhưng nhiều khi giữ im lặng cũng là một quá trình tự mình hàm dưỡng và lắng đọng. Nếu tấm lòng bạn đủ thoáng đãng hà tất phải nói lời oán trách làm chi? Biển có thể dung nạp trăm sông, nên sức chứa mới rộng lớn như vậy.


Tục ngữ có câu: “Thiện ngôn một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, sẽ có một số người cả ngày chuyên bới lông tìm vết, đổi trắng thay đen, khiến mọi chuyện rối tung cả lên. Họ chỉ e thiên hạ không loạn thì chẳng có trò vui. Người như vậy thường khiến người khác phải tránh xa. Bởi vì những lời bàn luận không phù hợp, những cách nói chẳng hợp thời, đôi khi giống như mũi dao găm vô tình làm người khác bị thương.


Cẩn ngôn còn thể hiện khi bạn tranh luận với người khác. Nếu có thể lấy thiện làm gốc, đừng làm tổn thương tới bản thân, cũng đừng cố tình làm tổn thương tới người khác, thì đã là cẩn ngôn rồi.


Đôi khi, một lời khích lệ của bạn có thể khơi dậy khả năng tiềm ẩn của một ai đó, một câu thiện lành của bạn thậm chí có thể thay đổi số phận của một con người Nếu trong nội tâm mỗi người đều gieo xuống hạt giống lương thiện và từ bi, vậy thì sinh mệnh của chúng ta sẽ như gió mát vây quanh, mỗi bước chân đi như sen nở rộ.


Những người thích nhìn vào sở trường của người khác và biết cách tán dương người khác, ở gần họ bạn cũng sẽ cảm thấy ấm áp. Lời nói, cử chỉ thiện lương như những tia nắng, chiếu sáng bản thân, cũng khiến người khác rạng ngời.


Con người sống trên đời đâu nhất định cứ phải vì một ý nghĩa lớn lao nào đó. Hãy nỗ lực làm một người tốt, dốc toàn lực hoà nhập với mọi người, không ngừng tu dưỡng, mở rộng tầm nhìn và sức dung chứa của bản thân. Không lo phiền vì chuyện vặt vãnh, không so đo tính toán vì việc nhỏ nhặt, thời thời khắc khắc luôn chú ý lời nói và hành vi của bản thân mình. Nói năng cẩn thận, làm việc thiết thực, thì sẽ được người khác yêu mến mà bản thân lại vui vẻ, hạnh phúc.


ST

GÓI TIỀN ĐÁNH RƠI


.
Hắn đi uống nước với bạn về muộn. Từ trạm xe buýt về nhà hắn trong ngõ chỉ 5 phút đi bộ. Trời hơi lất phất mưa. Mùa hè năm nay đỏng đảnh, thoắt nắng như lò nung rồi thoắt mưa gió lạnh lùng.
Hắn bước trong ngõ, chú ý tránh các vũng nước trên con đường bê tông không phẳng phiu. Bỗng hắn thấy có gói nilon nằm sát chân tường. Cảm giác có cái gì đó bất thường, nhìn quanh không một bóng người, hắn cúi xuống nhanh tay nhặt gói nilon lên, sờ nắn thấy giống một xấp tiền.
Đứng nép sau cột điện, hắn mở mấy lần túi ni lông thì đúng là một tập tiền thật, toàn tờ 500. Áng chừng cỡ 30 triệu. Áng chừng thôi, giữa các tờ tiền có một tấm ảnh, hắn chưa kịp nhìn rõ. Hắn vội nhét tập tiền vào túi quần, áo mưa che phủ không ai nhìn thấy.
Hắn vẫn mơ chiếc máy ảnh nhỏ gọn Sony RX10 mark 6, giá chưa tới 30 triệu. Có cái máy đó xách đi đâu cũng tiện, ảnh lại nét như Sony. Chắc ông trời thương hắn nghèo, hôm nay gửi cho hắn tiền mua máy ảnh đây?
Rồi hắn nghĩ thế thì mình tham quá. Tiền không phải của mình không nên lấy. Nhưng biết đâu tiền này của bọn mua bán ma tuý, mình có lấy cũng chẳng sao, lương tâm không cắn rứt. Rồi lại nghĩ bọn buôn bán ma tuý phải tiền tỷ chứ đâu thèm vài ba chục triệu.
Cái đầu hắn nghĩ lung lắm. Có thể nói như có cái chong chóng xoay tít trong đầu. Mang nộp công an ư? Công an biết trả cho ai, một khi đi kèm số tiền không có bất kỳ một giấy tờ gì khả dĩ nói lên nhân thân người đánh rơi tiền? Có khi lại béo mấy chú công an cũng nên.
Hay mình nộp thẳng Chính phủ nhỉ, bảo nhà em nộp phần trách nhiệm trả nợ công bổ trên đầu người dân. Thông cảm, đoàn kết xung quanh Chính phủ, không tham của rơi, thế là được chứ gì?
Kể ra thì lâu chứ mọi suy nghĩ trong đầu hắn không quá một phút.
Bỗng có người đàn bà còn trẻ dắt chiếc xe đạp cà tàng vừa đi vừa ngó nghiêng tìm kiếm gì đó. Dưới ánh đèn vàng, đôi mắt cô ta như thâm quầng hơn. Áo mưa giấy đã rách, te tua như cánh cò.
Hắn buột miệng:
⁃ Cô tìm gì?
⁃ Cháu... cháu tìm cái chìa khoá đánh rơi.
Có lẽ cô ta lo ngại nói đánh rơi tiền thì cả chục người sẽ mang đèn ra soi tìm.
Một phút im lặng trôi qua. Hắn lại là người đầu tiên lên tiếng:
⁃ Cô đánh rơi tiền?
⁃ Vâng ạ.
Tiếng vâng rất rụt rè, nhưng hai mắt đã đẫm nước. Hai con mắt thâm quầng đó nhìn hắn hy vọng:
⁃ Bác nhặt được ạ?
Hắn không trả lời mà hỏi tiếp:
⁃ Tiền để trong ví?
⁃ Không ạ, cháu cháu quấn trong túi nilon.
⁃ Nilon màu gì?
⁃ Màu xanh.
⁃ Trong nilon có bao nhiêu tiền?
⁃ 28 triệu toàn tiền 500 ngàn.
⁃ Ngoài tiền ra còn có giấy tờ gì nữa không?
⁃ Không ạ, à có một tấm ảnh bé trai 8 tuổi.
Hắn tin chắc đây đúng là người đánh rơi tiền, thò tay vào túi quần lôi cái gói nilon màu xanh ra:
⁃ Của cô đây, còn nguyên không thiếu tờ nào.
Người đàn bà gầy gò mừng rỡ, hai tay chộp lấy gói tiền. Cô ôm ghì gói nilon vào ngực, một lúc lâu mới thốt lên:
⁃ Con cảm ơn ông vô cùng ạ!
Mừng quá, nước mắt cô ta lại dàn dụa:
⁃ Ông thật là người phúc đức, đã nhặt được tiền còn đứng dưới mưa đợi để trả lại cho người đánh rơi.
Hắn ngượng nghịu:
⁃ Có gì đâu, ai cũng sẽ xử sự như tôi thôi. Cô về đi kẻo mưa lạnh.
Người đàn bà gầy gò cảm ơn một lần nữa rồi lên xe đạp đi. Hắn bỗng gọi giật lại:
⁃ Này cô, sao trong gói tiền lại có ảnh một đứa bé?
⁃ Đó là ảnh con trai cháu, bé bị ung thư giai đoạn cuối. Số tiền này là cháu vay mượn bạn bè người quen để lo thuốc men tiếp cho con. Ảnh là cháu định mang ra hiệu ảnh nhờ phóng to.
⁃ ???
⁃ Phòng khi con cháu không qua khỏi thì có cái ảnh thờ ạ, nhưng nãy mưa to quá cháu chưa kịp ghé hiệu ảnh mà đạp vội về nên đánh rơi gói tiền.
Bỗng dưng hắn đổi cách xưng hô:
⁃ Thôi con về đi kẻo ốm!
Người đàn bà trẻ dạ một tiếng thật nhẹ rồi đạp xe rời đi.
Hắn vẫn đứng ở đó, cạnh cột đèn. Ánh đèn vàng vọt làm hiện lên những hạt mưa rơi trong đêm.
Mình cũng là người tốt ư? Người tốt là người chưa kịp làm việc xấu, như hắn?
Còn những người không làm việc gì xấu mà sao lại bất hạnh như người mẹ trẻ kia?

Truyện : Phan Chi



Một thảo am...



Có lúc tôi nghĩ, cuộc sống "12 tiếng công ty" của mình như vậy đến bao giờ mới kết thúc đây. Nhưng tôi cũng không còn ngốc nghếch ngớ ngẩn để mơ có một ngày, một người đàn ông đột nhiên xuất hiện, nói với tôi rằng,"Để anh đưa em đi,cho em một gia đình,hàng ngày em chỉ cần uống trà,phơi nắng và đọc sách…"

Hahaha... Tôi không ngủ mơ giữa ban ngày từ lâu lắm rồi. Dù nói thật lòng, tôi là người thích hưởng thụ vật chất. Tôi công nhận điều đó! Tôi không ham làm giàu, dù tôi đủ tri thức và năng lực để thực hiện điều đó! Tôi luôn mơ tới một ngày có thể trốn tránh hết tất cả gương mặt của những người xa lạ, không cần nhìn ngó họ nhiệt tình hay lạnh lùng,vui sướng hay phẫn nộ. Chỉ vì tôi không quan tâm.

Tôi chỉ muốn có một không gian cho riêng mình,được nghe đi nghe lại loại nhạc mình yêu thích, đọc truyện, viết lách, vẽ vời, dạy con học Anh Văn, hoặc đơn giản, chỉ là được dậy muộn, nằm trên giường ngắm vệt nắng nhảy múa trên tấm rèm cửa sổ.
 
Tôi thèm có một thế giới riêng của tôi tĩnh mịch không lời, bình yên, nhẹ nhàng, thanh trong như tiếng chuông gió, trong gian thảo am nhẹ mùi hoa cỏ, không dung nạp bất kỳ ồn ả, bon chen, mệt mỏi, toan tính nào... Để bạn có thể nhẹ đến, yên lặng ngồi cạnh, không cần nói gì...cùng bình yên...

 


Hành lý hư vô



Cả khi xe chuyển bánh rồi bạn vẫn còn kinh ngạc, thì ra chỉ cần chừng này thứ mang theo. Chục ngoài bộ quần áo, mùng mền, đôi gối,  vài cái khăn choàng cổ. Mà cũng không chắc chúng cần thiết với mình.
Có quá nhiều thứ để nhìn nhận lại trước và trong những cuộc chia tay, như cái chị khóc mếu kia chưa chắc sẽ nhớ về bạn nhiều hơn người vẻ như tỉnh bơ cà rỡn (nuốt trộng nỗi buồn vào lòng vốn là chuyện chẳng dễ gì), hay đằng sau câu “sẽ gọi điện thường xuyên” là một rừng lừa phỉnh bởi mai đây hít thở thứ không khí khác, sẽ chẳng còn gì chung để chia sẻ cho nhau. Và xứ sở bạn tưởng như đậm đặc trong từng tế bào máu, không sống nổi nếu thiếu vắng, ngay khi rời đi đã có nơi chốn mới thay vào.
Hiểu cách những mối quan hệ biến dạng sau mỗi cuộc chuyển dời, nhất là giữa người với người, nhưng sau vài lần chuyển nhà, đồ đạc mới là thứ khiến bạn ngạc nhiên. Những thứ bạn phục thuộc vào, như thể chúng là tai, là mắt, là oxy, hóa ra buông bỏ được. Và có thể buông nhẹ không.
Vẫn nhớ lần chuyển nhà đầu tiên, trước buổi rời đi căng đầu nghĩ coi bao nhiêu thứ cồng kềnh này xe tải hạng nào, bao xe thì chở hết. Gì cũng muốn mang theo. Sao thiếu được cái tủ lạnh dành trữ đồ ăn, hay bộ bàn trà, vốn là kỷ vật của bà nội. Kệ sách, với tín đồ gặm chữ không thể không có. Mớ đồ sứ tinh tế nhặt nhạnh được từ những phiên chợ cuối năm. Phải nhấc bổng căn nhà lên được bạn cũng không bỏ rơi nó. Trên tường vách vẫn còn những cây đinh xiêu vẹo được đóng bởi tay của ông chồng quá cố, chục ngoài cái vạch đánh dấu cuộc nhổ giò của thằng con.
“Phải mua giấy dán tường che hết chỗ tèm lem này mới được”, bà khách đầu tiên tới coi nhà ngay sau bữa bạn treo bảng reo bán, đã phán luôn khi nhìn thấy những vạch sơn vàng. Tự tin với mớ vòng vàng xủng xẻng trên người, khách xông vào tận buồng trong, nói phá luôn cái cửa này cho thoáng gió, bếp kê cao thêm hai cục gạch là vừa, cây bàng ngoài sân đốn luôn khỏi mất công quét dọn mùa lá rụng. Như thể ngôi nhà đã thuộc về bà, ngay khi cuộc mua bán còn chưa bắt đầu, mặc cả chưa đến đâu. Trong giây lát bạn cảm giác mình là khách, đi đứng sẽ sàng, đến bà kia phải mời ngược lại kìa chị uống nước đi, ngại khỉ khô gì. Khách về rồi mới dám tin nhà này là nhà mình, trường kỷ bạn đang ngồi nín thở sợ nó đau đây chính mình đánh đổi từ những buổi dạy thêm khản giọng.
Mớ đồ này phải đánh đổi thanh xuân mới sắm được đó, bạn bảo vậy, khi cuộc chuyển nhà làm hao kiên nhẫn của mấy chị tới dọn phụ. Chúng cho bạn cảm giác sống, là nôn nao ngay khi gặp lần đầu, là khắc khoải chờ đón về, là mãn nguyện khi nhìn chúng chễm chệ giữa nhà. Cho nên cả cái ấm sứt vòi cũng được cưu mang tới cùng. Bạn chứng minh câu “một lần dọn nhà bằng ba lần cháy” là ứng vào ai đó, không liên quan gì mình. Sau cuộc chuyển dời bụi là bị bỏ rơi, cùng những góc trần nhà bị ngấm nước, những tờ nhật báo mục rã.
Hồi đó bạn đã qua bốn mươi, tự hào sống trong một căn nhà tiện nghi, và gặt hái vô số trầm trồ từ những người khách lần đầu tới chơi, “một mình nuôi con đã giỏi, mà còn sắm sửa vầy thì không phải giỏi vừa”. Ở giữa những thứ đáng giá khiến cho mình đáng giá.
Mấy khuya mất ngủ đi lại trong nhà, phát hiện ra đồ đạc tưởng nhiều nhưng góc này, ngách nọ vẫn trống trơ. Lại phải nghĩ coi sắm thứ gì làm đầy nó. Phải rất lâu sau đó mới nhận ra bao nhiêu đồ đạc cũng chẳng lấp nổi biển khơi trong lòng.
Đó là khi chuyển nhà cuộc nữa, tới một nơi chốn xa xôi nghĩ thôi đã ngại, muốn hay không cũng phải bỏ lại mấy món cồng kềnh. Bạn gọi người bán bớt tủ giường, lúc họ tới lấy đi, bạn chợt nhận ra những khoảng trống không còn đáng sợ. Dễ chịu nữa là khác. Giây phút hít hà khoảng không gian thoáng đãng trong nhà, bạn bỗng nghĩ về tự do. Mặc dù ý nghĩ đó dường như không đúng, mớ tủ giường kia cầm tù bạn hồi nào đâu, mà giờ lại thấy thoải mái như chim sổ lồng.
Nhưng phải tới chuyến đi mà bạn tin là cuối cùng này (đêm qua có một bà già bên xóm ngồi bên bạn thì thầm, “giờ thì con nhỏ chịu nghỉ ngơi rồi”), bạn mới thật sự nhìn đồ đạc như một giấc mơ. Cái máy điều hòa bạn không cách nào thiếu nó khi đi qua những mùa khô sôi nắng, giờ không có bạn vẫn ngủ ngon lành. Và ngủ sâu đến mơ cũng nhẹ đến không thể chạm vào. Hay cái điện thoại kia, thứ kết nối bạn với thế giới, dính cứng bạn vào những mối quan hệ vô hình, giờ nằm một xó. Từ bạn đi phần lớn thời gian nó ngủ lơ mơ vậy, nhưng đôi lúc vẫn run lên, ngay thời khắc ấy bạn có thể nhìn thấy kẻ đã đánh thức nó đang tự vỗ vào trán mình kêu “mình mất trí thiệt rồi, người đã đi mất biệt có gọi cũng chẳng thể nghe”. Chị ta không tiết lộ thêm gọi bạn để nói chuyện gì. Nhưng chuyện gì thì cũng không ngoài cái sự chị ta nhớ bạn, và quên chị từng tiễn bạn đi.
Sáng đó trời mưa, người đưa tiễn không đông lắm. Bạn ngó coi mấy chiếc xe chạy sau mình có chất đầy những hư vô, thứ hành lý duy nhất bạn có thể mang theo, thứ khiến bạn cảm thấy cần thiết hơn cả những áo khăn được gói chặt bên mình, cả lúc mục rã đi còn chưa xài tới.


Tản văn
Nguyễn Ngọc Tư

TRUYỆN RẤT NGẮN.




1. Quyển sách


Tôi dạy Anh Văn, luôn dặn các em không ᵭược ghi tɾước lời giải vào sách. Hôm qua phát hiện một quyển sách ᵭầy nét bút, tôi quát:

– Sαo em giαn dối với thầy?

Nó không nói, òα khóc. Đứα bạn bảo:

– Nhà nó nghèo, muα sách cũ ᵭó thầy.

Tim tôi như ɾạn nứt. Ở tɾường sư ρhạm tôi ᵭâu có học ᵭiều này.


2. Mẹ và con


Con lên ba, chơi Ьên nhà dì, bị xe ᵭạρ ngã, tɾúng ᵭầu chảy máu. Mẹ ᵭαng nấu cơm, hốt hoảng Ьế con chạy ngαy ᵭến Ьệnh viện. Hú víα. Vết thương chỉ nhẹ Ьên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không déρ, quần ống cαo ống thấρ, áo loαng lổ vết máu. Chả giống αi! Mẹ cười.


3. Bàn tay


Anh luôn chê tαy vợ mình thô ɾáρ và so với người này người khác. Rồi một ngày, αnh theo người mới có ᵭôi tαy tɾắng ᵭẹρ, mịn màng.

Nhưng Ьàn tαy ᵭẹρ thì chẳng thể làm gì, dù chỉ một ngày ôsin nghỉ ρhéρ. Mọi việc nhà ᵭều ᵭến tαy αnh.

Bàn tαy ᵭẹρ không tết tóc cho con αnh. Khi αnh ốm ᵭαu, Ьàn tαy ấy cũng không Ьuồn nấu cháo. Chỉ miệt mài giũα móng sơn hoα.

Nằm liệt giường, αnh mơ có một Ьàn tαy thô ɾáρ sờ tɾán αnh âu yếm sẻ chiα.


4. Bà tôi


Thủα ấy khổ lắm, hàng năm vào tháng Ьảy mưα dầm, nhà túng thiếu ρhải vαy hàng xóm từng Ьơ gạo. Mẹ thường nấu cơm nhão cho Bà dễ ăn. Tôi cằn nhằn mẹ. Bà Ьảo ᵭi xin miếng vôi tɾầu. Tôi ấm ứ. Bà lọm khọm chống gậy ᵭi. Khi về tɾời mưα Bà ốm cả tuần. Mẹ nấu cháo cho Bà, khói se mắt, chặc lưỡi: Bà già ɾồi mà còn khổ!

Bà mất. Tôi xα nhà, ăn cơm Ьụi chợt thấy dáng αi còng – miếng cơm Ьỗng khô khốc, quán không khói mà cαy cαy.


5. Sinh nhật cô gái


Sinh nhật cô gáι, chàng tɾαi tặng cô một ᵭóα hồng tuyệt ᵭẹρ. Tiếc thαy, không ρhải hoα thật.

Cô gáι tỏ vẻ thất vọng:

– Đến hoα tặng em αnh cũng chọn hoα giả, thì tình yêu củα αnh liệu có thật chăng?

– Hoα thật sẽ úα tàn, còn tình yêu αnh dành cho em vĩnh viễn thắm tươi như Ьông hoα này, em ạ!

Họ kết hôn, ɾồi sαu ᵭó chiα tαy vì chàng tɾαi ρhản Ьội.

Bông hoα vẫn thắm tươi.


6. Ánh sáng nơi trái tim Mẹ


Hoàng hôn nơi ρhố ρhường chợt le lói, nhắc con nhớ lại những ngày thơ ấu. Thời giαn này chị em con lại dắt dìu nhαu ɾα ᵭầu làng ngóng mẹ. Chị thα em như mèo thα chuột. Ai nhìn cũng tҺươпg. Mẹ thường nhắc chuyện ngày xưα, mắt Ьαo giờ cũng ngân ngấn lệ:

– Đời mẹ nghèo, các con gắng học!

Hành tɾαng theo con vào ᵭời chỉ có những ngày thơ ấy, với hoàng hôn và Ьóng tối. Nhưng con Ьiết, có một thứ ánh sáng nơi tɾái tim mẹ vẫn luôn dõi theo từng Ьước con ᵭi.


7. Ngày ko nhiều nắng


Bα ᵭi làm về mồ hôi ướt ᵭẫm vαi áo. Má tất Ьật nấu Ьữα cơm tɾưα lấm lem tɾo Ьếρ.

Tôi Ьuông sách ᵭứng dậy lấy cho Bα ly nước, và quαy xuống Ьếρ ᵭịnh ρhụ cho Má nấu cơm tɾưα, thì Ьị cả hαi nhắc “Con lên học Ьài ᵭi, ngày mαi thi ɾồi, ôn thêm ᵭược chữ nào thì ôn con ạ, mười hαi năm ᵭèn sách, ɾáng nghen cưng.”

Giờ ᵭây tôi ᵭαng làm ở một công ty lớn nhưng mỗi lần ᵭến ngày thi Đại học là mọi kỷ niệm xưα lại ùα về, lại ɾơm ɾớm nước mắt. Nhà tôi giờ chỉ còn tôi và má, Ьα ᵭã mất sαu một tαi пα̣п Ьất ngờ khi tôi còn là sinh viên năm nhất.

Những ước mơ củα Ьα mẹ, con ᵭã thực hiện ᵭược..

Ước mơ củα con sαo Bα không ở lại mà nhận Bα ơi ?


8. Cây bàng


Đêm mùα ᵭông se lạnh, cây Ьàng giữα sân tɾường Ьồi hồi nhận ɾα ᵭã nhiều ngày không thấy thằng Ьé ngoαn hiền vẫn thường ngồi học dưới gốc cây.

Nhớ lại những gì diễn ɾα hôm tɾước khi thằng Ьé Ьị nhóm Ьạn vây quαnh Ьắt nạt, dồn éρ dưới chân mình, cây Ьàng Ьứt ɾứt. Một chiếc lá heo héo lìα cành. Chαo liệng tɾong không tɾung.

Rồi thằng Ьé tɾở lại, ngồi dưới cây một lần cuối tɾước khi nghỉ học. Cây Ьàng thả những chiếc lá mềm mại xoα dịu vuốt ve.

Quα hôm sαu, chẳng hiểu sαo tɾên khắρ tán cây, lá Ьỗng ɾực một màu ᵭỏ ối.


9. Trang viết về cuộc đời


Tɾong những tác ρhẩm củα chị, giα ᵭình có sự mất mát chiα lìα thì nhân vật “người chồng” luôn Ьị cҺết tɾước vợ. Anh giận, cho ɾằng chị ám chỉ mình. Chị Ьảo: “Nếu tɾαng viết là cuộc ᵭời thì em chỉ muốn αnh không ρhải chịu nỗi Ьuồn củα người còn lại.”

Vậy mà chị ɾα ᵭi tɾước αnh. Tɾơ tɾọi một mình, αnh mới thấm thíα nỗi chống chếnh, quạnh hiu củα một tâm hồn lẻ Ьạn.


Gia Nguyễn.

Friday, August 23, 2024

CHÁO TRẮNG

 



Gạo là gạo nếp, nồi là nồi nung từ đất sét, bếp là bếp than. Ngày nào cũng vậy, cứ 4h20’ sáng là anh trở dậy, chuẩn bị nhóm bếp, đổ nước vào nồi, vo đãi lại gạo đã được ngâm sẵn trong nước từ trước.


Đợi nước sôi, anh cho gạo vào nồi, đun to lửa 10 phút rồi để lửa liu riu. Nước trong nồi thỉnh thoảng lại trào ra, anh đứng cạnh khom lưng, dùng muôi quấy nhẹ…


Nửa tiếng sau, anh một tay bưng bát cháo nóng hổi, một tay bưng đĩa rau xào thái chỉ thơm phức vào phòng ngủ, gọi cô dậy.


Cô xoay người lại, lẩm bẩm câu gì đó rồi lại quay vào ngủ tiếp. Anh không nỡ gọi tiếp.


Ngồi trên đầu giường, nhìn đồng hồ rồi lại nhìn cô, rồi lại nhìn đồng hồ. Cô đột nhiên đang nằm liền bật dậy như lò xo nhìn đồng hồ, vội vã mặc quần áo rồi ra khỏi giường, trách móc: “Muộn mất rồi, sao anh không gọi em dậy?”


Anh lại đưa bát cháo về phía trước: “Không phải vội, vẫn còn thời gian, em cứ ăn hết bát cháo này trước đi đã.”


Cháo chỉ có gạo nấu thành, không cho thêm bất cứ thứ gì. Những bát cháo như thế, cô đã ăn suốt 5 năm nay. Khi anh và cô kết hôn, nhà không có tiền để tổ chức tiệc mừng, hai người về ở với nhau, thế là thành một nhà.


Đêm tân hôn, anh mang một bát cháo trắng cho vợ và nói: “Dạ dày em không tốt, ăn nhiều cháo trắng một chút, có lợi cho dạ dày.”


Cô ăn, bát cháo trắng thanh đạm không chỉ làm ấm dạ dày mà còn làm sưởi ấm cả trái tim cô.


Họ cùng làm việc trong một nhà máy, cô là nhân viên ca sáng thường niên, anh là nhân viên ca đêm thường niên. 4h sáng anh hết giờ làm, 5h30 sáng cô đi làm, thời gian họ ở cùng nhau chỉ có hơn một tiếng đồng hồ.


Việc đầu tiên khi anh đi làm về là nhóm bếp, nấu cháo. Anh chỉ biết nấu cháo trắng. Điều kiện kinh tế của họ có lẽ cũng chỉ cho phép anh nấu được cháo trắng mà thôi.


Cứ mỗi ngày một bát cháo trắng như thế, anh làm cho nét mặt vợ ngày càng nhuận sắc, lúc nào cũng tươi đẹp như hoa.


Về sau, tình hình kinh tế của nhà máy không được tốt, anh nghỉ việc nhưng sống thì vẫn phải sống. Anh rút tiền tiết kiệm, cô bán chiếc nhẫn mà mẹ cho khi cưới, gom góp lại mở một tiệm tạp hóa nhỏ bán nồi niêu bát đĩa.


Lợi nhuận không đáng là bao nhưng anh vẫn cần mẫn làm việc. Cô tan làm cũng ra phụ anh bán hàng. Những lúc không có khách, hai vợ chồng ngồi cạnh đống đồ, nhìn nhau hạnh phúc.


Anh nói: “Đợi anh có tiền, chúng ta sẽ mở hẳn một chuỗi cửa hàng, ở đâu cũng có.”


Cô nghe vậy liền nói: “Đến lúc đó, em sẽ không đi làm nữa, ngày ngày ở nhà làm đồ ăn ngon cho anh.”


“Cần gì em phải nấu, muốn ăn gì chúng ta cứ ra thẳng nhà hàng thôi”, anh nói.


Nhưng cô gạt phắt: “Không, em chỉ thích ăn cháo trắng anh nấu…”


Anh liền ôm lấy vai cô, ánh mắt họ nhìn nhau đầy ấm áp và trìu mến. Anh vẫn giữ thói quen cũ, đúng 4h20’ dậy nhóm bếp, vừa nấu cháo vừa nhẩm tính hàng hóa.


Có những lúc phân tâm, nồi cháo cạn đến gần đáy nồi; có những lúc mệt quá ngủ gật, cháo tràn hết cả ra ngoài.


Một hôm, cô dậy khá sớm, thấy nồi cháo trên bếp đang sôi sùng sục, chuẩn bị trào ra ngoài. Anh đang gục đầu trên gối, ngủ ngon lành.


Cô nhẹ nhàng ôm đầu chồng, trong lòng xót xa. Từ đó về sau, cô quyết định không cho anh nấu cháo cho mình nữa. Người đàn ông của cô quả thực đã quá vất vả rồi.


… và thói quen bị quên lãng


Công việc làm ăn của anh ngày càng thuận lợi, đến đầu năm thứ 7, quả nhiên chuỗi siêu thị của anh đã được mở khắp nơi.


Cô cũng đã nghỉ việc, ở nhà chuyên trách làm vợ. Họ đã mua được nhà, bếp cũng được sửa rất đẹp, thứ còn thiếu chỉ là mùi vị của cái bếp than ngày xưa. Thời gian anh ở nhà ăn cơm càng lúc càng ít, anh bận lắm, có những hôm một buổi tối phải tham dự 3, 4 bữa cơm khách.


Ban đầu, cô cũng trách nhưng anh nói: “Chẳng phải là vì gia đình này sao, chẳng phải là muốn em sống tốt hơn một chút sao?”


Về sau, cô cũng mệt mỏi, dần cũng thành quen. Lâu lắm rồi, cô không ăn cháo trắng do anh nấu.


Một hôm, anh đột nhiên được thông báo đi dự đám tang của một người bạn. Lòng anh u sầu, ủ dột. Vài ngày trước còn khỏe mạnh, sao hôm nay đã đi rồi.


Tại nhà tang lễ, nhìn thấy vợ bạn, đó là một người phụ nữ nho nhã xinh đẹp, chỉ một đêm đã tiều tụy vì thương chồng. Cô khóc như chết đi sống lại, luôn miệng nói: “Sau này ai đưa đón em đi làm, ai buộc dây giày cho em…”


Bất giác, anh nghĩ đến vợ, nhớ đến những buổi sáng nấu cháo trắng cho cô, nhớ đến cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện khi ngày ngày cô nhận bát cháo trắng từ tay mình.


Dự tang lễ xong, anh lái xe như bay về nhà. Mở cửa, anh thấy cô đang nằm cuộn tròn người trên sofa ngủ quên. Ti vi vẫn mở, rạp chiếu phim trong nhà cũng mở, các loại tạp chí để la liệt trên mặt bàn trà. Anh quỳ xuống cạnh sofa, tay vuốt nhẹ những sợi tóc của vợ.


Nét mặt cô nhợt nhạt quá, trên những nếp nhăn nhỏ hiện rõ sự cô đơn. Anh xót xa, kéo chăn đắp cho vợ, cô chợt tỉnh ngủ. Thấy anh, cô dụi dụi mắt, biết chắc là chồng, cô nở một nụ cười ấm áp rồi vội vã trở dậy: “Anh chưa ăn gì phải không, để em đi nấu.”


Anh quàng tay ôm lấy cô từ phía sau. “Không, để anh làm, anh sẽ nấu cháo cho em.”


Cô im lặng một hồi không nói gì, hai hàng nước mắt nóng hổi trào ra, rơi xuống tay anh. Hôm đó, anh mới nhận ra một sự thật, rằng giờ đây, đã có không biết có bao nhiêu loại cháo được tạo ra nhưng loại nào cũng phải lấy cháo trắng làm cốt.


Hạnh phúc gia đình cũng vậy, phải có cái cốt là sự vun vén của cả hai phía vợ và chồng.


Hạnh phúc là gì?


Hạnh phúc không phải là ăn sung mặc sướng, ăn ngon mặc đẹp, không phải là vinh hoa phú quý, ở nhà lầu đi xe hơi.


Hạnh phúc là lúc bạn khóc có người xót xa, khi bạn mệt có người để tựa nhờ.


 Hạnh phúc là có một người hiểu mình, yêu mình, không cần biết anh ta có bao nhiêu nhưng vẫn luôn dành cho bạn những thứ tốt nhất, nhiều nhất có thể.


Hạnh phúc là chỉ cần trong tim người đó có bạn, dù anh ta có phải là người giàu có hay nghèo khó.


Hạnh phúc rất đơn giản, chỉ cần vui vẻ là đủ!


Cảm động thực ra cũng là một dạng hạnh phúc. Trong cuộc sống, mỗi người rồi cũng sẽ có lúc mệt mỏi, muốn thu mình lại. Nhưng chỉ cần bạn còn được người khác nghĩ đến, còn có người quan tâm, đó cũng là một niềm vui quá lớn!


Hạnh phúc như thế trong mắt nhiều người có lẽ quá bình thường, nhưng đó có thể lại là niềm mơ ước của rất nhiều người khác…


---------

Bài sưu tầm cũ đăng lại