Giống như những câu chuyện cổ tích mà chúng ta từng xem thường kết thúc khi hoàng tử và công chúa đến được với nhau. Những phần cuộc sống hôn nhân sau đó có lẽ không còn là cổ tích nữa, đó là khi chúng ta quay về với hai chữ “thực tế” với nhiều bất ngờ khó đoán.
Khi còn độc thân, bạn có lẽ từng bị hỏi khi nào kết hôn. Khi có gia đình, bạn sẽ được hỏi thăm khi nào định có con. Sau khi sinh em bé, sẽ có ai đó hỏi khi nào bạn sẵn sàng cho đứa tiếp theo. Hôn nhân cứ thế vội vàng, chạm đến ranh giới của nhiều người mà đôi khi bạn nghĩ mình đã chuẩn bị đủ vẫn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng. Kèm theo đó là những hoang mang về sự biến đổi của tình yêu, điều thiêng liêng nhất đã đưa hai người lẻ bóng đơn chiếc cùng đến có nơi có tên gọi là nhà để tìm về. Không cần biết bạn đã sẵn sàng thế nào trước khi kết hôn, cuộc sống sau hôn nhân vẫn sẽ mang đến nhiều bất ngờ mà bạn không thể chuẩn bị.Ngay sau khi lời thề nguyện trong đám cưới được trao đi, bạn đã bước lên chuyến xe đi về hướng một con đường sống hoàn toán khác, vội vã hơn, nhiều ràng buộc và trách nhiệm hơn. Ở đó, những rắc rối lần lượt xuất hiện và tình yêu được lãng mạn hóa từ những ngày yêu nhau dần biến mất. Hôn nhân mang hai người đến gần nhau hơn, nhưng cũng bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết của nhau khiến cho mọi cái nhìn không còn được đẹp đẽ như ngày đầu.
Đây sẽ là lúc bạn dừng lại và tự hỏi, liệu tình yêu sẽ là gì trong hôn nhân? Liệu một cuộc hôn nhân tồn tại sau nhiều năm có giữ nhiệt được chữ “tình” bên cạnh chữ “nghĩa” trong mối dây tơ hồng vợ chồng?
Mặc dù những điều khó có được luôn là những điều đáng trân quý, nhưng quy tắc này có vẻ không hữu dụng trong hôn nhân. Bản chất của sự gắn bó lâu dài của hôn nhân khiến hai người dần quên đi những gì khó khăn họ đã phải vượt qua để gìn giữ tình yêu và rồi cảm thấy lung lay khi những biến cố tìm đến. Và biến cố sớm nhất với nhiều cặp đôi là đến từ gia đình chồng hay vợ của mình. Khi còn yêu hay mới kết hôn, bạn có thể rất hòa thuận với gia đình của người bạn đời, nhưng khi gắn bó với họ nhiều hơn, mỗi người phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm không chỉ với gia đình nhỏ của mình mà còn là với cả gia đình lớn của thông gia. Chỉ cần một chút va chạm dù nhỏ cũng có thể gây hiểu lầm đôi bên và ảnh hưởng đến mối quan hệ tình cảm của hai vợ chồng. Vì vậy, vai trò trung gian của mỗi người trở nên rất quan trọng trong việc kết nối giữa gia đình mình với người chồng hay người vợ.
Đặc biệt, đối với phái đẹp, dù là một người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi hay làm mẹ tốt đến đâu cũng có thể trở thành người bị bỏ rơi trong cuộc hôn nhân nếu người chồng không biết cách giữ hòa khí giữa gia đình anh ta và vợ. Đứng về phía ai: gia đình cha mẹ hay người vợ của mình sẽ là tình huống mà không ai mong đợi. Người phụ nữ đừng bao giờ đặt người đàn ông của mình vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan như thế, và người đàn ông cũng đừng bao giờ để vợ và gia đình phải đứng về hai chiến tuyến đối nghịch nhau. Không chỉ đặt bản thân vào tình cảnh của người kia mà những người chồng hay người vợ khéo léo còn biết đặt bản thân mình vào vị trí của những người thân trong gia đình chồng hay vợ của mình. Để duy trì tình yêu trong hôn nhân, sự dung hòa chính là chiếc chìa khóa vạn năng. Sau những cuộc cãi vã vì con cái, cãi vã về kinh tế, cãi vã vì người thân,… thì tình yêu dần biến thành tình cảm gia đình. Tình yêu trong hôn nhân sẽ không biến mất, nó chỉ thay đổi từ dạng này sang dạng khác nếu hai bạn luôn suy nghĩ rộng lượng và đồng cảm với chồng/vợ của mình, cũng như với những người có thể tác động tới suy nghĩ hay hành động của họ.
Vợ chồng khác với người yêu và bạn bè, bạn và nửa kia của mình hẳn không cần phải quá giữ khoảng cách và phép lịch sự để gìn giữ… hình tượng cá nhân. Có một phân cảnh trong bộ phim This is 40, khi nhân vật của Paul Rudd yêu cầu vợ của anh ta kiểm tra giúp phần mông. Nó có thể là một phân cảnh thô thiển, nhưng đối với cặp đôi đã kết hôn sau một thời gian dài, chuyện này chỉ rất bình thường trong cuộc sống thực tế mà thôi. Đừng ngại khi nhờ người thương lấy phần rau thừa nơi kẽ răng, nhắc bạn đời cắt giùm móng tay hoặc làm sạch vùng mũi, hay nói một điều gì đó trong sinh hoạt chung, miễn là khéo léo và tế nhị. Thật tuyệt vời khi luôn có ai đó ở bên và cho bạn biết những điều bạn không nhìn thấy nhưng không đánh giá hay khiến bạn xấu hổ.
Tình yêu trong hôn nhân tồn tại trong sự tươi mới của khoảnh khắc, chứ không phải là một tiêu chuẩn lâu dài. Yêu, là khi nhìn thấu tất cả những điều chưa hoàn hảo của nhau mà vẫn chấp nhận. Vì vậy, hãy tìm kiếm những điều nhỏ nhặt và lãng mạn hóa nó bằng tất cả sự tôn trọng và tình yêu, bởi trong cuộc sống hôn nhân ngày qua ngày, những điều nhỏ nhặt sẽ hiện dần như thói quen cắn móng tay, dễ làm rơi vỡ đồ đạc thay vì hình ảnh xinh đẹp thu hút khiến bạn phải lòng nửa kia buổi ban đầu.
Nắm tay nhau cùng già đi là mong ước tốt đẹp nhất của tất cả những ai bước vào hôn nhân. Khi tóc đã bạc, em vẫn là em, anh vẫn là anh, ta vẫn ở bên nhau. Hôn nhân suy cho cùng, chính là một sự đồng hành. Và tình cảm chính là nền tảng vững chắc nhất khi cả hai biết cách trân trọng lẫn nhau và quản lý mối quan hệ một cách gắn kết. Có câu ngạn ngữ cũ rằng, bạn không thể thay đổi ai đó bằng cách kết hôn với họ, điều này vẫn luôn đúng. Bạn không nên rơi vào tình trạng điều khiển hành động của ai đó và có lẽ bạn cũng không muốn ai thay đổi mình. Tuy nhiên, sự thật là có lẽ cả hai bạn vẫn sẽ phải thay đổi hoặc thích nghi như một sự lựa chọn để duy trì năng lượng tình yêu.
Tình yêu trong hôn nhân suy tàn vì một số suy nghĩ rằng, anh không còn là anh và tôi cũng không còn là tôi ngày ban sơ. Người ta vẫn thường thắc mắc, người ta yêu lúc trước đi đâu mất rồi. Nhưng thật ra, liệu đã bao giờ bạn từng hỏi bạn có thể chấp nhận khuyết điểm lớn nhất của người đó, hoặc phiên bản tệ nhất của đối phương. Hôn nhân có thể bộc lộ rõ nhất sự mong manh và bất lực của một người, bạn không thể che giấu khuyết điểm của mình thì sẽ bị đối phương soi mói. Điểm mạnh và điểm yếu của một người sẽ trở nên rõ nét hơn sau thời gian chung sống, nếu nửa kia của bạn có những khuyết điểm mà bạn không thể chấp nhận như hay cáu kỉnh, thích uốn nắn, bạn sẽ khó vững vàng vượt qua những thời điểm khó khăn.
Mỗi cặp đôi nên trải qua ít nhất một thời gian thực sự khó khăn cùng nhau trước khi kết hôn, chỉ để xem đối phương xử lý những việc lộn xộn của mình như thế nào. Và hãy không ngừng giao tiếp, đón nhận và thể hiện tình yêu đúng mực để mối quan hệ hôn nhân mà cả hai mong chờ sẽ luôn có thể thích ứng và ngày càng bền chặt hơn ngay cả khi cuộc sống ném vào những thăng trầm.
Lối sống của hầu hết các cặp vợ chồng có lẽ rất giống nhau, đi làm về, lướt điện thoại, gọi món hoặc tự nấu ăn rồi giải quyết công việc riêng, ngày này qua ngày khác nằm trên một chiếc giường nhưng lại mơ về những giấc mơ khác nhau. Bạn có thể nghĩ rằng sau khi ổn định cuộc sống, bạn có thể thư giãn và sống hạnh phúc mãi mãi, nhưng không hề. Mặt khác, bây giờ bạn phải đặt cuộc hôn nhân lên trên mọi thứ khác, và thậm chí có thể quên mất bạn đã như thế nào khi còn độc thân và “tự do”. Nó không phải là một điều xấu, chỉ là bạn phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, và chịu trách nhiệm không chỉ với bản thân mình. Chỉ “yêu” thôi thì không đủ để hôn nhân thành công. Chúng ta phải luôn giữ được cảm giác bí ẩn, phấn khích và tươi mới trong hôn nhân. Đối với hầu hết mọi người, hôn nhân chiếm hơn một nửa cuộc đời của họ. Có thể nói hôn nhân là một trường học. Nó dạy chúng ta trách nhiệm, nó dạy chúng ta lòng khoan dung, nó dạy chúng ta hiểu biết. Và tiết học sau cùng mà nó dạy ta, là biết yêu thương ai đó và thương lấy cả chính mình.
Hôn nhân có thể được ví von như một điệu nhảy, và cả hai bạn phải theo kịp nhau. Và nó có thể là một điệu nhảy đẹp nếu hai bạn không ngừng cố gắng và phấn đấu để hoàn thiện. Con người lúc nào cũng sẽ phải tồn tại trong một mối quan hệ nào đó, và hôn nhân là mối quan hệ an toàn và vĩnh cửu nhất khẳng định tình yêu mà bạn luôn khao khát. Mặc dù, tình yêu không phải là tất cả, nhưng một cuộc hôn nhân có tình yêu sẽ khiến cả hai luôn thoải mái và muốn cùng nhau bước tiếp trong cuộc sống tương lai.
***
Dù có rất nhiều người trên thế giới này, nhưng ông trời chỉ sắp đặt cho ta gặp một người, và họ sẽ là người đi về cùng ta trong ngày mưa lẫn ngày nắng. Dù bạn đang ở giai đoạn nào trong hôn nhân, hãy nhớ đáp ứng nhu cầu tình cảm của đối phương, đây là sợi dây cơ bản nhất của mối quan hệ. Nếu không có điều này, cuộc hôn nhân sẽ trở thành một cái vỏ rỗng, và ai sống trong cái vỏ này sẽ cảm thấy lạnh lẽo và tổn thương. Tình yêu của bạn có thể là nụ hôn duy nhất, sự chờ đợi mãi mãi, là bất cứ điều gì, miễn là hãy cảm nhận bằng trái tim, thì tình yêu tự khắc vẫn còn đó.
Text: H.D | Thiết kế: Quốc Huy | Ảnh: Louis Nguyen, Unplash