Tuesday, August 6, 2024

CÂY NHANG TRÊN NÓC TỦ.

 





☘Tâm trí người Việt bao đời thì chuyện thờ cúng ông bà tổ tiên luôn được chú trọng. Nhà nào cũng vậy, hiện diện trên gian thờ luôn có bó nhang và mấy cây nhang cháy đỏ. Cọng nhang làm bằng tre, bột nhang làm bằng bột vỏ cây bồ lời và bột cám cưa. Màu vàng được tạo bằng bột cây huỳnh đàn và mùi hương được tạo từ bột cây trầm gió nên thường được gọi là hương trầm. Mỗi lần nhang được gia chủ thắp lên thì không gian thêm ấm cúng. Còn có nhiều viện dẫn, khi khói nhang bốc lên sẽ là gạch nối giữa thần linh đất trời, giữa người đã khuất và người phàm tục.
Nhà tôi cũng vậy ! Mỗi lần có dịp giỗ quải hay sự kiện gì quan trọng thì mẹ đều đứng ra thắp nhang trình cáo với ông bà tổ tiên. Sau này lớn, ngày hai buổi sáng tối tôi lại là người đi thắp nhang quanh nhà. Mùi nhang thơm bốc lên nghi ngút an ủi lòng người đã khuất và nhắc nhớ cho người ở lại.
Tôi hay hỏi mẹ rằng sao đốt nhang người ta thường vung tay thật mạnh cho ngọn lửa được tắt, chứ không bao giờ chu mỏ thổi. Mẹ nói với tôi rằng, theo làn khói mỏng ông bà sẽ về chứng giám cho lòng thành cháu con, thăm nom nhà cửa cũng như ra sức bảo vệ gia đình. Nên khi mình dùng miệng để thổi lửa đang cháy trên đầu ngọn nhang thì nước bọt có thể vô tình bay vào, sẽ bất kính với những vong linh thụ hưởng làn khói đó. Lớn một chút thì dưới góc nhìn khoa học tôi lí giải được do nhang được làm từ bột vỏ cây bồ lời và bột cám cưa, sau làm theo kiểu công nghiệp toàn hóa chất, khi mình chu mỏ thổi thì cũng sẽ nhận lại những luồng khói kèm theo hóa chất độc hại ngược lại vào cơ thể. Như vậy sẽ không tốt và sẽ không ổn cho cả về thể xác lẫn tinh thần của người còn ở lại.
Nhà còn có một điểm lạ không hiểu có xuất hiện ở nhà nào không. Đó chính là bố mẹ tôi thường rút ra mấy cây nhang mỏng, để thật gọn trên nóc tủ thờ. Để con cháu đi xa về muốn thắp nhang cho ông bà tổ tiên chỉ cần với tay là đụng được chúng. Bó nhang vẫn để ngay ngắn đàng hoàng sau lưng tủ thờ nhưng không phải đứa nào cũng nhớ và cũng biết cả. Vì thế, lo lắng cho mấy đứa đi làm ăn xa về muốn tìm “sự kết nối” với tổ tiên nên đã đặt ra quy ước ngầm như thế ! Cũng hay, cũng tiện và thể hiện sự chăm chút đến những điều nhỏ nhặt mà người trong nhà dành cho nhau.
Lâu lâu dọc tuyến đường trước cửa nhà, tôi chợt thấy những xuất hện những nam nữ phật tử đã trọng tuổi đi bộ đem các loại nhang thơm đến mời mua. Đó là lòng thành, tâm phước, tiền lời bán được từ cây nhang đem về Phật đường sử dụng vào mọi việc từ thiện. Mẹ tôi thường lấy một ít tiền ra để mua ủng hộ và lần nào cũng vậy mẹ còn kính cẩn gửi thêm nhiều hơn. Tôi có quen biết với một vị Thầy tu tập trong chùa, Thầy nói với tôi đã từ lâu lắm Phật Giáo ở phía Nam đã không còn cho tu sĩ – cư sĩ tại gia đi khất thực hay là đi bán nhang nữa. Đa phần giờ nếu có chỉ là lừa đảo. Nhưng mẹ tôi vẫn quả quyết và chắc nịch với hành động đó của mình. Mẹ nói trong sự ôn tồn “mẹ biết những chuyện đó và mẹ còn biết cả những thiện nam tín nữ đó là ai”. Thì ra họ là những người hàng đêm vẫn năng đến Chùa gần nhà để cùng sư thầy tụng kinh nhật. Họ đều là những người có cơ ngơi hẳn hoi, cháu con có điều kiện kinh tế nhưng cơ bản là họ phát tâm để cầu 1 sự bình an trong tâm hồn. Đi bán nhang để góp chút tiền mang về thùng công quả trong Phật đường mà thôi. Và những cô chú trọng tuổi ấy cũng đang giúp chúng ta gieo một phước báu vào cuộc đời rộng lớn này. Tôi phục và nể mẹ tôi quá !
Cây nhang từ lâu đã ngự trị ở mọi nơi thờ phụng, từ chùa chiền, đình miếu cho đến mọi gia đình, bất kỳ sướng khổ, sang hèn. Đối với người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung, thắp một nén nhang mang ý nghĩa thiêng liêng và là nếp văn hóa trong cuộc sống hàng ngày. Càng lớn, càng đi nhiều càng thấy nhiều điều hay và mới lạ tuy nhiên cũng thu vào tầm mắt nhiều sự tréo ngoe. Mỗi lúc buồn, bế tắc, hay mất phương hướng tôi không sa đà vào rượu chè mà lại quay về nhà. Bộ ghế sofa nhỏ, bình trà con con, hai mẹ con nói vài chuyện bâng quơ và trên bàn thờ là mấy cây nhang đang nhàn hạ cháy trong lư hương.
Cuộc đời biết đủ là đủ !
🍁🍁🍁
Sài Gòn-Còn chút điều vương vấn .
Bùi Quang Minh .
VuLe St