Tôi nghĩ chúng ta đang sống trong một thời đại của rất nhiều thứ mới.
Điều ấy đồng nghĩa với việc quá nhiều thứ cũ đã không còn có thể tiếp tục sử dụng được nữa. Và có quá nhiều thứ mới, cũng chưa được thời gian kiểm chứng về giá trị thật sự.
Nhân gian luôn lưu truyền rất nhiều câu nói đại loại kiểu: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Nếu hà tiện thực sự có thể giàu hơn cả buôn to bán lớn thì vĩ nhân thế giới đã đầy rẫy những người tiết kiệm chứ không phải những kẻ liều lĩnh hay những thiên tài trí tuệ. Thời đại thay đổi, kinh tế thay đổi thì cách làm giàu cũng từ ấy mà thay đổi. Có thể ở một thời điểm nào đó, câu nói ấy đã từng “nghe cũng hợp lý”, nhưng đến giờ thì nó không còn như vậy nữa.
Nhân gian của thời hiện đại cũng lưu truyền một câu nói thâm thuý chẳng kém là “người hay nói đạo lý thường sống như ***”. Thực hư câu nói ấy đến đâu vẫn chưa thể kiểm chứng. Chỉ có thể chắc chắn được một chuyện là cộng đồng mạng rất thích những câu nói nghe có mùi nguy hiểm nhưng thực sự lại chẳng có chút nào thực tế hay sâu sắc.
Ngày trước coi chuyện đọc sách là một trong những việc quan trọng nhất để phát triển trí tuệ. Nhưng từ khi internet ra đời, những người hiếu kỳ và chăm sục sạo tìm kiếm trên mạng có lẽ đã tiếp nạp một lượng kiến thức còn lớn hơn cả số sách vở họ học trong đời rất nhiều. Đọc sách sau cùng cũng chỉ là một cách để học. Có người học bằng việc giao tiếp, người khác học bằng cách tự vấp ngã và trải nghiệm. Sau cùng, không thể đem một chuẩn mực duy nhất là sách ra để so trí tuệ, nhận thức hay đạo đức của bất cứ ai cả.
Việc đọc sách giống như mua thẻ gym của phòng tập đắt tiền. Nhiều người bị mắc vào bẫy tiêu dùng, nghĩ rằng bỏ ra chi phí mua thẻ tập 1 năm là sẽ có thân hình đẹp. Nhân loại vốn là vậy, thích những thứ dễ dàng, chỉ cần mua là có được. Họ không lường trước được chuyện, thật ra vế sau của mua thẻ tập là đi tập đầy đủ, đổ mồ hôi, chịu đau đớn chấn thương, liên tục nghiên cứu và tập tiếp dù ngày hôm trước thất bại mới thực sự là những gì tạo ra một thân hình đẹp.
Có người đọc sách một cuốn sách cũng chỉ hiểu làng màng. Liệu thật sự họ đã lĩnh ngộ được hết kiến thức với trải nghiệm trong đó chưa thì chưa biết. Cũng không biết khi nào thì họ có thể áp dụng được những trí tuệ ấy vào việc thay đổi cuộc sống của bản thân. Thế nên đọc nhiều sách mà tâm trí không mở rộng hoặc không cảm thụ được cũng là phí hoài.
Tử vi ngày trước nhận định về số phận con người dựa trên cơ cấu xã hội với các giai cấp là sĩ nông công thương. Bây giờ thời đại 4.0, đã có một loạt trường lớp dạy kỹ năng mềm, kỹ năng cứng, xã hội cũng phân hoá và hình thành rất nhiều kiểu công việc mới, loại người mới và cơ hội mới. Nếu bạn muốn biết trước số phận của bản thân, giờ có đi xem bói cũng chẳng thể xem nổi (trừ phi thầy bói có thêm chuyên môn uyên bác về kinh tế học).
Ở một phương diện nào đấy, xã hội bây giờ không phải là một con đường rộng mở của tự do hay sao?
Bạn không cần phải có một thiên phú, cũng chẳng cần biết trước mình sinh ra là để làm gì. Hãy cứ khám phá, thất bại và tiếp tục khám phá. Đến một ngày khi thời điểm hợp lý thì tự chọn cho bản thân một công việc hợp ý, một sự nghiệp để đeo đuổi, hoặc một trách nhiệm để cố gắng.
Sau cùng, thắng mà chẳng cần cậy nhờ ai, thua cũng chẳng đổ thừa là vì ai, mới thật sự là sống cuộc đời “của mình”.
– Wick –