Nhiều lúc, ta cứ đắn đo giữa giá trị tinh thần và giá trị vật chất, loanh quanh giữa đúng và sai, chiếm hữu và buông bỏ. Chúng ta sống giữa những nghịch lý, vừa khác thường, vừa rất đời thường
Con người ta sống phần lớn cuộc đời theo các “bộ sưu tập thói quen” đặc trưng cho thân phận, hoàn cảnh và lối sống mỗi cá thể. Vì con người không ai giống ai nên thế giới có ít nhất hơn sáu tỉ “bộ sưu tập thói quen”. Trong ngần ấy gương mặt khác nhau, không ngừng đi đi lại lại, tạo thành ấn tượng thay đổi bất tận, như nhìn vào ống kính vạn hoa. Sự thay đổi khiến ta tự thấy mình trong đó, nhưng dường như chẳng bao giờ nhận ra bản thân đôi khi đang lặp lại hành vi hay lời nói của chính mình. Thật không dễ nhận ra các thói quen đã và chi phối ta đến mức nào. Con người cứ đi, như được thói quen dẫn đường vậy. Và cũng vì vậy, chúng ta không mấy khi nhận ra cuộc sống hay việc sống trên đời là những chuỗi nghịch lý đồng hành, bất tận.
1
Một anh bạn tôi quen làm kỹ sư kết cấu, vào miền Nam lập nghiệp vài năm sau ngày đổi mới. Cùng một lúc, anh làm việc cho ba đơn vị khác nhau trong ngành xây dựng. Buổi trưa, mọi người thường thấy anh ngả người trên ghế, gác hai chân lên bàn, lim dim ngủ. Những lúc nghỉ ngơi hay trong cuộc nhậu “xả xú páp”, anh không nói chuyện làm ăn, chỉ trừ khi để bảo cho các “chiến hữu” rằng anh sẽ làm được, sẽ kiếm đủ nhiều như mức anh mong muốn. Tiền ấy, anh dự định xây một tòa nhà lớn trong một khuôn viên lớn rồi dành riêng một căn phòng với một cái chòi đọc sách giữa vườn. Anh sẽ sống cuộc sống gần gũi tự nhiên, xa hẳn ồn ào, bụi bặm. Anh đọc như ngốn sách mỗi khi ngơi tay việc. Anh đọc theo lối nghiên cứu về văn hóa phương Đông, về Phật học, và về văn chương thơ phú. Khi nói chuyện, anh nói về những kiến giải, những lời khuyên sáng suốt, những biện luận của các bậc minh triết cổ. Anh nói đến sự soi sáng của những ánh hiền minh ấy vào cõi trần gian bất an với bê tông, gạch, cát, xăng, điện, nước, vàng này. Đôi khi cao hứng, anh tiết lộ sẽ làm một nhà hiền triết. Thế nhưng, trước mắt, anh phải làm giàu đã!
Trong giới quản lý và doanh nhân khi đó, anh là người hiếm. Anh nhăn nhó cũng nhiều mà cười ha hả cũng lắm. Khỏi phải nói, anh đã thành công, cũng như thành đạt. Chỉ hiềm một điều, thân hình gầy gò hồi nào nay mập ra quá nhanh. Bạn bè thiện ý bảo anh béo nhưng béo gọn! Tuy nhiên, như thế rất khó chịu. Tay bác sỹ quen bảo béo là nguy hiểm. “Ông có điều kiện”, bác sỹ khuyên, “nên chữa béo bằng bơi”. Ngoài tòa nhà lớn, anh còn có trang trại ở mạn Gò Dầu với vườn trái mãng cầu xiêm ôm quanh một bể bơi đủ rộng. Kẹt cái là anh chưa khi nào đủ rảnh để bơi lấy chỉ vài giờ trong tuần. Ước mơ dựng cái chòi để đọc sách ở ngay trong vườn nhà cũng chưa rảnh để thành hiện thực. Anh bảo đôi lúc trong giấc ngủ, anh vẫn mơ thấy được yên tĩnh và thanh thản.
——————-
“Trong thế giới hiện đại, tiện nghi hay sự an nhàn phải đổi bằng tiền, mà tiền đôi khi phải đổi bằng sự thanh thản, an nhàn”
——————-
2
Trong thế giới hiện đại, tiện nghi hay sự an nhàn phải đổi bằng tiền, mà tiền đôi khi phải đổi bằng sự thanh thản, an nhàn. Nó nghịch lý như anh bạn kỹ sư của tôi, vừa muốn trở nên thật giàu có, vừa muốn làm một hiền triết lánh xa cõi tục. Điều đáng nói là dù hết mực khôn ngoan, học nhiều hiểu lắm, con người vẫn thường không nhận thức được tính nghịch lý đang đưa dẫn đời mình. Hoặc giả, dù nhận thức được, ta vẫn không cách nào thoát ra khỏi những vướng mắc lạ lùng ấy.
Từ cổ xưa, nhiều triết gia đã tìm cách đánh thức lý trí trong thế gian đương thời bằng những lối hành xử dị kỳ, đột ngột. Diogenes ở Sinope thời cổ Hy Lạp chẳng hạn. Cuộc đời kỳ dị của ông ngay từ thời đó đã thành giai thoại. Nhà hiền triết lập dị này từng xách một cây đèn đi ra phố giữa ban ngày, có ai hỏi để làm gì, ông đều bảo để tìm lấy “một người”, một người thành thật tự nhiên, không bị xã hội làm hỏng. Diogenes giảng dạy chống lại niềm tin vào số mệnh, chống lại mọi quy ước xã hội ràng buộc bản tính người, chống lại những đam mê cảm tính về sở hữu, của cải, danh vọng. Tương truyền, ông từ bỏ mọi vật sở hữu, chỉ giữ lại một cái bát gỗ. Khi thấy một đứa trẻ khum bàn tay vục nước uống, Diogenes bèn vứt nốt cái bát. Triết lý chủ yếu ông thuyết giảng là hãy sống theo tự nhiên, điều mà ông thực hành cực đoan đến tận cùng.
Con người trong các thế kỷ sau và cho đến ngày nay vẫn nhắc lại triết lý của Diogenes như một khởi nguồn của minh triết. Song, lại cũng có vài hệ quả nghịch lý, người ta đem tên ông đặt cho một chứng tâm thần trong xã hội hiện đại: Hội chứng Diogenes, cách gọi khác cho tình trạng một hay nhiều người, đặc biệt là những người già hay lão suy, có xu hướng thích sống ẩn dật, khổ hạnh, đôi khi sống đời sống động vật. Vậy là, hậu thế lại tiếp tục có ý hoài nghi Diogenes?! Người ta tìm kiếm sự thanh thản nội tâm nhưng không dám tin việc từ bỏ đam mê danh tiếng, tiền bạc sẽ đưa lại sự thanh thản ấy. Diogenes xử sự cực đoan đến vậy, hẳn vì ông muốn bảo: Đừng sợ! Vì lòng ham muốn của các bạn cũng cực đoan đến thế đấy, tôi chỉ đơn giản làm ngược lại cho các bạn thấy mà thôi. Đã ai biết có bao nhiêu người tin Diogenes? Lòng tin là một điều rất khó có được. Bertrand Russell, một trong những triết gia lớn thế kỷ 20, có một câu cách ngôn hài hước về điều ấy: “Tôi sẽ không chết cho những niềm tin của mình vì rất có thể tôi nhầm. Cho nên, đôi khi, mong muốn sống theo lời khuyên Diogenes rồi người ta lại phân vân: Nếu lỡ ta lầm thì sao?”.
st