Monday, September 23, 2024

‘Năng lực’ tuyệt vời nhất của một người là gì?

 Điện thoại dùng lâu rồi, cần phải dọn rác mới không bị chậm hoặc dừng hoạt động. Tương tự như vậy, con người cũng cần dọn dẹp những thứ hỗn tạp trong trái tim mới có thể thoát khỏi gông cùm xiềng xích, và nhẹ nhàng tiến về phía trước. Vậy nên, năng lực tuyệt vời nhất của một người chính là: bước qua quá khứ và bắt đầu lại một hành trình mới. 

Buông bỏ những thành bại trong quá khứ

Tục ngữ có câu: “Hảo hán bất đề đương niên dũng”, nghĩa là: Anh hùng chân chính sẽ không khoe khoang những chiến công uy mãnh trước đây của mình.

Một người có chí tiến thủ thường không quá lưu luyến với những gì đã qua, càng sẽ không mãi hoài niệm về ‘thành tựu’ của mình trong quá khứ.

Tuy nhiên, cũng có người cứ luôn đắm chìm trong những thất bại mà họ từng trải qua, để rồi khiến mình cảm thấy tự ti, cam chịu và không còn ý chí tiến thủ.

Thất bại của một người, có nguyên nhân khách quan, cũng có nguyên nhân chủ quan.

Nếu như phát hiện thất bại đó là do nguyên nhân khách quan, vậy tại sao chúng ta lại phải tự xem thường bản thân, mãi dừng lại ở đấy mà không bước tiếp? Nếu như là do nguyên nhân chủ quan, vậy thì chúng ta liền chỉnh sửa lại những chỗ còn thiếu sót của mình.

hông nên lún sâu vào những thành công hay thất bại trong quá khứ, chúng sẽ khiến ta hoặc là tự mãn buông thả bản thân, hoặc là chán nản đánh mất tinh thần. Dù là cái nào cũng đều đem lại tác động tiêu cực cho bạn.

Chỉ có buông xuống những thành bại trong dĩ vãng, bắt đầu hành động, ta mới có thể bước tiếp tới những cảnh giới nhân sinh mới. 



Quên đi những tổn thương trong quá khứ

Có người nói: “Bạn phải cảm ơn những người đã từng thương tổn bạn, chính họ đã khiến cho bạn trở nên mạnh mẽ”.

Có người, sau khi trải qua tổn thương, xác thực sẽ càng trở nên kiên cường. Tuy nhiên, cũng có người sau khi trải qua những chuyện đau lòng không muốn nhắc lại trong quá khứ, lại trở nên mẫn cảm và yếu đuối.

Lựa chọn từ bỏ và khoan dung với những người đã từng làm chúng ta bị tổn thương, cũng chính là đang buông tha cho chính bản thân mình. Một người, nếu cứ mãi bị vây khốn trong quá khứ bi ai mà không thể thoát ra được, thì sẽ vẫn tiếp tục bị những gì đã xảy ra làm thương tổn, khiến cho bản thân cực kỳ đau khổ. 

Một người cần học được cách yêu thương bản thân mình. Buông xuống những thương đau trong dĩ vãng, không tiếp tục ‘làm tổn thương chính mình’ mới là biểu hiện của sự trân trọng bản thân. 


Buông xuống những sai lầm trong quá khứ 

Người xưa nói: “Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá”, nghĩa là: con người không phải là thánh nhân, ai có thể chưa từng phạm qua sai lầm.  

Chúng ta thường dùng câu nói này để bỏ qua cho những lỗi lầm của người khác, nhưng lại cứ mãi canh cánh trong lòng những sai phạm của chính mình. 

Việc quá mức tự trách bản thân sẽ khiến chúng ta sinh ra cảm giác vô cùng hổ thẹn, từ đó mất đi sức mạnh để tiến về phía trước.

Những chuyện đã qua đều là quá khứ, dù chúng ta có chỉ trích bản thân thế nào chăng nữa, cũng đều chẳng thể thay đổi được gì. Vậy nên, ta cần học được cách nhìn về phía trước. 

Chỉ khi chúng ta trút xuống được “gánh nặng tâm lý” của quá khứ, chúng ta mới có thể nhìn thấy những cơ hội được trời cao mang đến cho chúng ta để bù đắp những lỗi lầm trước đây của mình. 

Lời kết

Trong ‘Liễu Phàm Tứ Huấn’ có viết: “Tùng tiền chủng chủng, thí như tạc nhật tử; dĩ hậu chủng chủng, thí như kim nhật sinh”. Nghĩa là: những chuyện trước đây cũng giống như ngày hôm qua, tất cả đều đã trôi qua rồi; còn những chuyện sau này sẽ coi như bắt đầu từ hôm nay. 

Chỉ khi một người học được cách làm phép trừ, và để những chuyện trong quá khứ theo gió bay đi, người đó mới có thể chào đón một cuộc sống mới.

Bỏ được, bỏ được, bỏ rồi mới có được.

Bỏ đi những thứ đã quá hạn, vô dụng mới có thể nhận về những thứ mới và có giá trị.

Mong rằng bạn và tôi, chúng ta đều có thể sở hữu năng lực ‘lật sang một trang mới của cuộc đời sau những chuyện đã qua’. 


Theo Secret China

Trường Lạc biên dịch