1. Sẽ không sao nếu bạn cảm thấy chênh vênh giữa cuộc đời
Cảm thấy chênh vênh không có nghĩa bạn là người yếu đuối bởi ai cũng phải có lúc thấy mình không vững lòng giữa hàng ngàn cám dỗ của cuộc sống. Bạn càng trốn tránh sự chênh vênh, nguồn năng lượng âm tính phát ra từ chúng càng bao trùm lấy tâm hồn bạn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khác và chấp nhận “con quái vật” đang ở trong mình, cảm giác chênh vênh sẽ nhanh chóng qua đi. Hãy cho phép bản thân được thấu trọn vẹn loại cảm xúc này. Sẽ chẳng sao nếu một ngày bạn cảm thấy gục ngã, thậm chí còn rơi nước mắt chỉ vì bất lực ở bản thân.
2. Chênh vênh không có nghĩa bạn đang tụt lại phía sau
Một ngày thức dậy, bạn cảm thấy bản thân thật kém cỏi vì ở độ tuổi này, trong khi bạn bè đồng trang lứa đều đã có sự nghiệp vững chắc, đam mê riêng, còn bạn vẫn chưa có thành tựu nhất định nào. Đây cũng là lúc cảm giác chênh vênh ghé ngang tâm hồn bạn. So sánh bản thân mình với cuộc đời của người khác luôn là “quả tạ” nhấn chìm năng lượng sống của chúng ta. Bởi chưa bao giờ tồn tại lịch trình thời gian chuẩn cho cuộc đời của bất kỳ ai. Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn không nhất thiết phải tìm ngay cho mình một công việc, hay từ 24 – 26 tuổi bạn phải kết hôn. Mỗi người đều có một “múi giờ” phát triển khác nhau. Sự chênh vênh khi chưa tìm được lý tưởng sống không có nghĩa bạn đang thua thiệt người khác và tụt lại phía sau. Đơn thuần chỉ vì thời điểm vàng của bạn vẫn chưa đến.
3. Bạn không chỉ một mình
Không thể phủ nhận rằng, đôi lúc, cảm giác mông lung không điểm tựa có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng cô đơn và lạc lõng. Tuy nhiên, bạn không phải là người duy nhất trên thế giới này đang gặp phải cảm giác chênh vênh. Để hoàn thành hết chu kỳ sống một đời người, mỗi chúng ta đều phải chứng kiến các cuộc khủng hoảng tinh thần ở mỗi giai đoạn phát triển. Sự chênh vênh khi đứng giữa cái mới và cái cũ ở độ tuổi trưởng thành là điều hết sức hiển nhiên.
4. Chênh vênh là cơ hội để bạn hiểu hơn về chính mình
Cảm giác chênh vênh không định hướng là một cách hữu hiệu giúp bạn khám phá chính mình. Chỉ khi rơi vào tình huống bế tắc, chúng ta mới thấy được bản chất thật sự của một người. Vào những giây phút tuyệt vọng, tưởng chừng như muốn từ bỏ tất cả, bạn sẽ thấy được nhiều khía cạnh khác trong tính cách của mình. Nếu không biết làm gì tiếp theo, hãy cho phép bản thân thử những điều mới mẻ. Đừng sợ bước một mình, hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Biết đâu, bạn sẽ bất ngờ bởi một tài năng nào đó bạn chưa từng biết hoặc tìm được những điều từng là giá trị sống của bạn chẳng hạn.
5. Đừng sợ thay đổi
Tuy tạo nên cảm giác an toàn, thói quen là một “quả tạ” khác cản bước bạn đến với thành công, hạnh phúc của riêng mình. Việc rời bỏ các thói quen thân thuộc để đến với những điều xa lạ mình chưa từng thử tạo nên sự phân vân không hề nhỏ trong đầu những người trưởng thành. Nếu một ngày, cảm giác chênh vênh gõ cửa tìm bạn, đừng e ngại nhấn nút F5 cho cuộc đời mình. Nếu sợ thay đổi, có thể bạn đang kéo dài cảm giác trống rỗng không hồi kết.
6. Không bao giờ là quá trễ để bắt đầu lại
Sự thất bại tạm thời có thể che mờ tâm trí bạn bằng cảm giác chán nản, nghi ngờ và một chút chênh vênh khiến những phép thử tiếp theo chỉ còn là suy nghĩ viễn vông. Dù bạn bao nhiêu tuổi, từng nếm qua bao nhiêu trái đắng của cuộc đời, không bao giờ là quá trễ để làm lại từ đầu.
- sưu tầm -