Bạn có bao giờ cảm thấy cô đơn khi đứng giữa đám đông? Có đến hàng triệu người ở thành phố này, làm sao chúng ta có thể cảm thấy như không ai nhìn thấy mình cơ chứ. Thật là một nghịch lý.
Nhóm bạn tôi gồm những cô gái quanh độ tuổi 30, mỗi người đang theo đuổi công việc riêng. Nhìn từ bên ngoài, họ là những cô nàng hãnh tiến với thu nhập cao và trên đường phát triển sự nghiệp. Một số trong nhóm đang khởi nghiệp và có những chuyển biến lạc quan. Nhưng đằng sau nhịp sống năng động đấy, điều khiến chúng tôi tìm đến nhau, chia sẻ dịp cuối tuần chính để xoa dịu cảm giác trống rỗng thường trực mà phần lớn cư dân thành thị mắc phải. Cuối năm ngoái, một báo cáo cho thấy 52% người dân London rơi vào tình trạng u uất, thiếu sự chia sẻ và thấu hiểu, biến London trở thành thành phố cô đơn nhất nước Anh. Bởi cảm xúc có hiệu ứng lan tỏa, nên căn bệnh này đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cộng đồng nghiêm trọng đến mức chính quyền đã dấy lên chiến dịch chấm dứt tình trạng cô đơn của cư dân thành thị (campaigntoendloneliness.com). Không riêng gì London, cô đơn là căn bệnh chung của New York, Tokyo, Thượng Hải… Nếu có khảo sát tương tự, tôi nghĩ TP.HCM cũng không nằm ngoài hiện tượng này. Thật kỳ lạ khi sinh sống trong khu cư dân đông đúc với muôn vàn thú vui giải trí, chúng ta lại thấy mình cô lập hơn bao giờ hết. Một vài giải mã bên dưới có thể gợi mở cho bạn cách chữa lành căn bệnh cảm xúc nhức nhối này.
Đối diện cô đơn với cảm xúc tích cực
Theo một nghiên cứu, cô đơn là “căn bệnh” chung của người thành thị. Nhưng sự cô đơn ấy là điều chúng ta cần vượt qua để trưởng thành. Bộ não được thiết kế để chú ý đến cơn đau và nguy hiểm, và đó bao gồm những cảm giác sợ hãi, vì thế sự cô đơn được chúng ta để ý. Chúng là một hiện tượng tinh thần và cảm xúc phức tạp. Gốc rễ của nó có thể bắt nguồn từ trải nghiệm thời còn thơ ấu, sự bỏ rơi, và đến tận ngày nay chúng ta vẫn nhớ cảm giác đau đớn và đáng sợ đi kèm với nó. Hoặc giả, cảm xúc trống rỗng và lạc lối này đến từ việc thiếu kết nối với bản thân, với người xung quanh bởi lẽ bạn đã không lắng nghe và giải tỏa nhu cầu thực sự của cảm xúc. Bất cứ khi nào được gợi nhớ đến cảm giác này hay biết nó sắp xuất hiện, chúng ta thấy nhói lên cảm giác khó chịu khi bị bỏ rơi mà ta biết là nỗi cô đơn. Nó gây hoang mang và có thể làm bạn mất tinh thần nếu bạn không thể định hướng cho cảm xúc của mình.
Bạn có thể phản ứng theo cách thu mình vào những suy nghĩ và cảm xúc riêng của bản thân để thấu hiểu nó. Song đôi lúc, bạn cần dùng nó như động lực để bồi đắp tình cảm bạn bè. Nếu nhận thấy mình đang đối mặt với một thói quen về cảm xúc, bạn có thể lập một kế hoạch để học cách đẩy lùi nỗi cô đơn như trao đổi với bạn bè, hãy cố gắng trò chuyện với người khác, ngay cả khi nỗi cô đơn và cơn trầm cảm phản đối. Đúng là phiền phức, nhưng nó rất có lợi cho sức khỏe tinh thần, giống như tập thể dục khi bạn đang cảm thấy lười biếng.
Học cách cho đi và không mong nhận lại
“Ở đây không có ai khác ngoài bọn hèn nhát như chúng ta.” Đây là một trong những trích dẫn nổi tiếng của Thaddeus Golas. Bên dưới bề mặt đáng nể của những người thành công cũng là những cảm xúc y hệt như chúng ta. Họ cũng phải chịu đựng chứng sợ đứng trước đám đông và trầm cảm. Bạn có khả năng trao tặng sự tốt bụng và tinh thần rộng rãi cho tất cả những người mà bạn tiếp xúc. Tốt với người lạ hay những người làm bạn sợ không phải là bản năng. Đó là một lựa chọn. Và khi bạn có một, hai người bạn, hãy nuôi dưỡng tình cảm bằng thời gian và sự quan tâm. Đầu tiên đừng quá so đo về việc mình cho đi nhiều hơn nhận lại. Nếu bạn có nhiều bạn hơn và một số người trong số đó là những kẻ chỉ biết lấy, bạn có thể chọn dành nhiều thời gian hơn cho những người đền đáp tình cảm của bạn.
____
KHÔNG RIÊNG GÌ LONDON, CÔ ĐƠN LÀ CĂN BỆNH CHUNG CỦA NEW YORK, TOKYO, THƯỢNG HẢI… NẾU CÓ KHẢO SÁT TƯƠNG TỰ, TÔI NGHĨ TP.HCM CŨNG KHÔNG NẰM NGOÀI HIỆN TƯỢNG NÀY. THẬT KỲ LẠ KHI SINH SỐNG TRONG KHU CƯ DÂN ĐÔNG ĐÚC VỚI MUÔN VÀN THÚ VUI GIẢI TRÍ, CHÚNG TA LẠI THẤY MÌNH CÔ LẬP HƠN BAO GIỜ HẾT.
____
Kết nối với chính mình & gia đình
Cuối cùng, tôi vẫn cho rằng cô đơn xét ở một mặt nào đó cũng có lợi cho bạn. Đấy là một dấu hiệu để nhắc nhở bạn quay trở về lắng nghe cảm xúc bên trong, để mang đến những điều giúp bạn thật sự cân bằng và vui vẻ. Khi có thể tự tạo hạnh phúc cho mình, đó sẽ là một hạnh phúc không dễ dàng lay chuyển. Đừng quên, hạnh phúc bắt đầu ở thời điểm bạn yêu thương và chấp nhận con người thật của chính mình. Quan trọng hơn, trở về với gia đình và những người yêu thương cũng là một liệu pháp tốt bạn dành cho bản thân khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Tình thân và yêu thương vô điều kiện có thể giúp bạn gỡ bỏ những áp lực hay trách nhiệm, giúp bạn trở về chính mình và vui sống.
st