Tết thì năm nào cũng có, nhưng tết năm xưa là tết duy nhất.
Cứ mỗi mùa tết tới là tôi lại nằm dài người nhìn bâng quơ lên trần nhà để hồi tưởng lại cảm xúc của những cái tết xưa. Có năm khi tôi còn nhỏ, khoảng 8,9 tuổi, nhà buôn bán nên tới tận mùng 30 mới gọi là chính thức dọn dẹp nhà cửa. Cả 1 ngày quần quật của cả gia đình đông đúc, tới chiều bố tôi mang về cây mai cao khoảng 1m5 đã đầy ụ nụ là nụ thì không khí tết thật sự ùa về. Nhớ năm đó đóa hoa mai bung nở đầu tiên vào thời khắc giao thừa, không cần phải nói là cả nhà tôi phấn khích tới cỡ nào. Bà ngoại mặc áo dài đi bộ qua xông đất rồi lì xì cho các cháu. Năm đó nhà tôi đúng thiệt là ăn nên làm ra. Rồi có năm bố tôi không chơi hoa mai mà chơi cây tắc. Hôm ấy trời còn sáng, các cô bên nội của tôi cũng đang ở nhà tôi chơi, bố mang về cây tắc cao 2m hình dạng thân to chóp nhọn như kiểu cây thông noel, trái xanh xum xuê hết cả cây, nhìn rất vĩ đại. Bố tôi tự hào ghê lắm vì mua được cái cây dáng đẹp như vậy. Đám con nít tụi tui mắt tròn mắt dẹt, khỏi nói là chưa mùng 1 mà lòng vui như tết. Có năm mùng 5 bố tôi cùng tôi đi về Buôn Mê thăm nhà các cô bên nội, rồi đi thăm mộ ông bà nội, rồi loanh quanh hưởng cái lành lạnh của phố núi. Tôi còn nhớ là tôi xin đi bộ ra ăn sáng ở hàng bún của cô tôi mà bố không cho, bố bắt đi đâu thì kêu xe hơi mà đi. Bố sợ tôi bị bắt cóc vì ông biết tính tôi hay… đi lang thang. Rồi tôi xin ở lại chơi thêm 1 ngày, ông đi về trước mà ông không cho, cũng tại sợ tôi phóng xe đi đâu lạc mất, các cô phải xúm vào năn nỉ dùm rồi bố bắt các cô hứa là trông chừng tôi, không được để tôi tự lấy xe chạy đi phượt thì ông cho ở lại. Sau, các cô nói vui là các cô phải thề thốt, lấy uy tín ra mà bảo lãnh cho tôi nên tôi làm ơn đừng đi đâu bị thương bị trầy trụa gì không thôi bố tôi dỡ nhà các cô ra. Tôi cười, nghĩ nhà các cô dễ bị dỡ vậy à. Bố tôi trai trưởng gốc Bắc, từng đi lính, ông nghiêm và nóng tánh lắm, ông mà hừ giọng 1 cái là ai trong nhà cũng phải nên biết ý mà liệu. Ôi.. mệt lắm, gia trưởng nhưng nhiều lúc ấm áp, cái ấm áp mà sau khi ông mất vài năm sau tôi đột nhiên hồi tưởng lại các kỷ niệm thì mới nhận ra. Nói chung ra, so với mặt bằng chung của đàn ông thời xưa thì bố tôi ổn, còn so với tiêu chuẩn đàn ông bây giờ thì bố tôi khá tốt, ít ra ông đã tạo được những truyền thống ký ức đẹp về mùa tết cho tôi, mà sau năm ông mất tôi luôn cố tạo dựng lại bằng cách này hay cách khác cho gia đình nhưng không bao giờ có lại được.
Mùng 1 là đi chùa. Cả nhà hẹn nhau xúng xính đi chùa. Đi 3 cái chùa rồi về nhà, sau đó mọi người cùng qua bà ngoại để chúc tết bà rồi ăn trưa. Bà ngoại không chịu được chỗ đông người, đi đứng chậm chạp nên cũng không thích đi, bà ở nhà lui cui nấu đồ ăn, có mẹ tôi phụ nữa, sắp bàn cúng này nọ, rồi ngồi ghế quạt phe phẩy chờ các con cháu về. Năm nào bà cũng lì xì cho, dù ai có chồng vợ hay có con rồi cũng lì xì. Cái nhà nào nhỏ thì nhỏ chứ cái nhà của bà là phải to, vì con, cháu, chắt khá đông. Bà cứ bảo mang hết đồ ăn này tới đồ ăn khác lên và thúc mọi người ăn, bà nói “đói ngày giỗ cha no 3 ngày tết, cứ ăn đi đứa nào buồn ngủ thì lên giường nằm ngủ, ngủ dậy lại ăn”. Được vài tiếng xôm tụ đông đúc bà cười hoài luôn. Có năm bà còn khỏe bà còn khoe cây khoe chuyện con hay cháu ông này bà nọ ở trong nhánh dòng họ. Nghe thì có hỏi han cho bà kể thôi chứ nói thiệt tôi không biết ai trong dòng họ hết. Bà ngoại gốc Bắc 1945, đi buôn bán dọc Bắc chí Nam, ở qua bao nhiêu vùng rồi mới định cư lại đây, từ cái tủ gỗ nhỏ xíu tự làm tự đóng bán mấy mẫu thuốc lá con con rồi từ từ làm nên cái sạp tạp hóa, cứ nghe ai hỏi cái gì là đi kiếm mang về bán, rồi xây cất nhà, mua đất, xây chùa… Cái nhà tôi lớn lên là cũng nhờ bà ngoại xây cho, mẹ từng kể nếu không nhờ bà ngoại thì bố mẹ không bao giờ có nổi 1 cái nhà. Năm nay tôi 33 tuổi, thì cái nhà này cũng đã 33 năm. Bà giỏi làm ăn và tính toán sâu xa. Mỗi khi đấm bóp cho bà, bà hay thủ thỉ nói tôi phải biết thủ cho thân mình, vì phận là con gái chắc chắn có phần thua thiệt hơn các anh, rồi nhà thì đông con mà con là út thì hổng chừng anh chị giành hết tới phiên con không còn bao nhiêu, cho nên làm gì cũng phải tính, làm mà không tính là làm lính suốt đời. Tôi nhớ hoài luôn mấy cái bài học bà thủ thỉ. Nhưng mà tôi tính không tới, nên tôi còn thiệt luôn cái nhà mà bà định để lại cho tôi, bà giận thì không nỡ giận, chỉ thở dài, tôi phải thủ thỉ lại là bà đừng lo, mai mốt con mua 1 cái nhà khác cho mình, con sẽ sống tốt, bà đừng sợ con bơ vơ. Bà mất 8 năm rồi mà tôi vẫn chưa mua nổi cái móng nhà. Cái hành trình này nó còn gập gềnh, gian truân lắm, nhưng tôi vẫn hy vọng là mình làm được.
Tết thì có muôn vàn trò để chơi, bầu cua cá cọp, đánh bài, cá ngựa… có trò cờ Phật hồi trước hay chơi với mẹ và sư cô bên chùa gần nhà nữa. Cờ đó cũng vui, mô phỏng theo cờ tỷ phú. Hồi nhỏ đâu có smartphone như bây giờ, coi lại mấy cái album hình chụp bằng máy phim hồi đó nhân dịp tết nó lạ lắm, chỉ có coi lại cái cảnh đó, cái người đó cũng là người trong nhà mình, cũng là mình mà bé xíu hay trẻ măng, rồi cái góc nhà mình mà giờ đổi khác bao nhiêu bận rồi… mới thấy ký ức là thứ gây nghiện còn mạnh hơn thuốc phiện. Mà giờ ai cũng điện thoại chụp, nhưng không có thấy hình nhau, không thấy “cái màu”, “cái dáng” của những ngày chộn rộn tết. Như điện thoại của tôi lưu bao nhiêu là hình, chỉnh bao nhiêu là màu, mà mở ra coi cảm thấy nó vô tri. Đi chùa xong sáng mùng 1, mà năm nay không đầy đủ, người thì đi đêm giao thừa rồi nên muốn ngủ, người thì trễ nãi mãi không tới, người thì phải tranh thủ kiếm cơm ngày mùng 1, mẹ thì không ở nhà, bố và bà thì đi rồi, mình thì cũng không còn nồng ấm háo hức vui vẻ như ngày xưa nữa. Đi chùa xong sáng mùng 1, là về nhà, rồi ai ở phòng nấy, trời nắng hanh hao, mình nằm xuống ngủ mơ. Bạn bè gửi tin chúc mừng năm mới. Vâng, chúc mừng chúng ta tới được năm mới.
Tôi có buồn không? Không. Cảm xúc cũng là thói quen, cứ một vài năm giống vậy thì không còn gọi tên nó là buồn nữa, nó là trống rỗng. Mà trống rỗng là trạng thái của vô ưu. Con người luôn hoảng loạn, lo lắng khi mình không có gì để suy nghĩ, khi có cái để suy nghĩ thì trăn trở, vật vã vì có nhiều thứ chạy trong đầu quá. Con người không bao giờ hài lòng, con người chỉ biết đòi hỏi cái mình nghĩ là mình muốn. Cuộc sống chúng ta bị kiểm soát bởi cảm giác thiếu thốn thường trực. Chúng ta nhầm lẫn những đối tượng thỏa mãn nhu cầu của chúng ta với bản thân những nhu cầu đó. Như tôi không cần người yêu, tôi cần được yêu thương. Tôi không cần công việc, tôi cần một cảm giác an toàn. Tôi không cần là người xinh đẹp, nổi tiếng hay cá tính, tôi cần được trân trọng. Vế 1 là cái “muốn”, nhưng cái “cần” thật sự là vế 2. Thế giới trống rỗng khi nhận ra những thứ mình đeo đuổi để đạt được lại là vế 1, cứ chấp chới chụp rồi vuột rồi chụp rồi vuột những thứ vốn bản chất của nó là để thay đổi. Ngày 1 của thế giới trống rỗng để cho bản thân mình được trống, được dọn dẹp tâm tư suy nghĩ, để nội tâm mình thênh thang hít vô thở ra nhẹ bẫng, buông những mặc nhiên thường tình nặng nề, nhìn cây cỏ mây trời thong dong như gió như bụi. Không chấp sẽ không phiền không khổ.
Ngày 1 của thế giới trống rỗng, dặn bản thân thực hành KHÔNG CHẤP.
(duongthungoc's blog)