Thursday, July 28, 2022

Từ Hồng Kông đến Ukraine: Nghĩa là việc nên làm, thành hay không là do Thiên mệnh –

 Người dân Hồng Kông chiến đấu vì tự do, dân chủ, bầu cử phổ thông; người dân Ukraine chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga. Họ biết rằng có thể… không thành công, nhưng tại sao vẫn làm? Bởi vì đây là việc ‘nghĩa’, là việc nên làm, còn thành hay không là...

Cuộc chiến ở Ukraine gợi nhớ đến tinh thần của biểu tình Hồng Kông năm 2019

Sự kiên cường của Ukraine

Trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, nếu đặt mọi thứ lên bàn cân thì Ukraine không thể chống lại Nga. 

Các nhà quân sự tính toán rằng, quân đội Nga chỉ mất tầm 4 tiếng để chiếm được Kiev. Còn về lãnh đạo, thì Tổng thống Ukraine Zelensky 44 tuổi, trước là một diễn viên hài, khó có thể so sánh với một Putin gần 70 tuổi với sự lão luyện trong chính trị.

Về quân đội thì Nga dù suy yếu nhưng vẫn là cường quốc quân sự, trong khi Ukraine đã giải giáp hết vũ khí hạt nhân vào năm 2006.

Nga xâm lược Ukraine, tổng thống và người dân nơi đây sẽ ứng phó như thế nào?



Mỹ từng đề nghị ông Zelensky rút khỏi Ukraine, nước Anh cũng đồng ý che chở cho ông lưu vong, nhưng Zelensky nói: “Tôi cần đạn chứ không cần ‘xe sơ tán’ (rider)”. Zelensky đã cùng với người dân Ukraine chiến đấu để bảo vệ thủ đô Kiev. Một diễn viên hài trở thành một ‘đại trượng phu’ đúng nghĩa khiến những nhà lãnh đạo châu Âu trở thành… ‘diễn viên hài’. 

Điều này khiến những người dùng mạng người Hoa phải thốt lên rằng: “Thiên tử tồn vong cùng xã tắc”.

Chính phủ Ukraine đã cấp hơn 20.000 súng cho công dân. Điều này khiến một số chuyên gia bình luận người Hoa rất cảm khái, bởi vì chính phủ là dân tuyển nên người dân rất tín nhiệm. Chính phủ đưa súng cho người dân thì không sao cả, người dân sẽ sát cánh chiến đấu, còn nếu điều này xảy ra ở Trung Quốc, thì khả năng cao người dân sẽ cầm súng đến… Trung Nam Hải.

Tổng thống trước đây của Ukraine là Poroshenko, ông là một tỷ phú. Trước cảnh biến loạn này, ông không bỏ chạy mà cũng ở lại chiến đấu. Vào ngày 25/2, ông được CNN phỏng vấn trong khi trên tay vẫn cầm một khẩu tiểu liên biểu thị rằng người dân Ukraine đã chuẩn bị bảo vệ quốc gia mình.

Trên mạng lưu truyền một video lan toả, trong đó quay cảnh người phụ nữ Ukraine đứng trước người lính Nga có vũ trang, bà nói rằng: “Hãy lấy những hạt hướng dương này cho vào túi các anh, để hoa hướng dương có thể nẩy mầm trên đất Ukraine sau khi chúng tôi chết”.

Ukraine có một hòn đảo ở Biển Đen tên là Đảo Rắn (đảo Serpent hay đảo Zmiinyi) đã bị Nga chiếm lĩnh. Vốn dĩ ban đầu có 13 binh sĩ Ukraine đóng trên đảo, nhưng không một ai đầu hàng khi được quân Nga khuyên, và họ đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng…

Bản thân chúng ta không ai muốn chiến tranh, ‘Xưa nay binh đao là điềm gở, Thánh nhân chẳng đặng mới dùng thôi‘. Trong chương Thiên kế thuộc sách Binh pháp Tôn Tử, Tôn Vũ viết: “Việc binh là đại sự quốc gia, là đường sinh tử, nên không thể không suy xét kỹ”. Còn trong Đạo đức kinh, Lão Tử viết: “Động binh là việc không lành, không phải khí độ của người quân tử, bất đắc dĩ mới dùng”.

Nhưng chiến sự ở Ukraine đã xảy ra, ở đây tôi chỉ xem hiện tượng và chia sẻ một số nhìn nhận của mình.

Có người thắc mắc rằng tại sao tổng thống Zelensky và người dân Ukraine lại kiên cường đến như vậy? Trên tính toán quân đội Nga mạnh hơn, người dân không sợ thua hoặc bản thân mình phải bỏ mạng hay sao?

Trước khi trả lời câu hỏi trên, tôi có nhìn nhận rằng, sự ngoan cường của người dân Ukraine rất giống với tinh thần bất khuất (không khuất phục) của người dân Hồng Kông trong biểu tình năm 2019.

Biểu tình Hồng Kông chống lại Luật dẫn độ năm 2019

Năm 2019, Đặc khu trưởng Hồng Kông chuẩn bị ban hành Luật dẫn độ về Trung Quốc (Tống Trung điều lệ – 送中條例) sau khi nhận ý chỉ từ trung ương ĐCSTQ. Điều này dẫn đến một loạt các cuộc biểu tình sau đó. 

Ngày 9/6/2019 hơn 1 triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình, đến ngày 12/6/2019 thì 2 triệu người xuống đường, trong khi dân số Hồng Kông chỉ tầm khoảng 7 triệu người (ít hơn cả Sài Gòn).

Ban đầu người biểu tình yêu cầu rút luật dẫn độ, nhưng sau khi căng thẳng leo thang giữa người biểu tình đụng độ với cảnh sát vào ngày 12/6/2019 và việc vào ngày 15/6/2019 Đặc khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) tuyên bố đình chỉ dự luật, thì người biểu tình đưa ra “5 yêu cầu lớn, thiếu 1 không được” gồm: 

  • Rút dự luật dẫn độ ra khỏi quy trình lập pháp.
  • Rút tội trạng của người biểu tình.
  • Rút cáo buộc kháng nghị là ‘bạo động’.
  • Điều tra hành vi lạm quyền của cảnh sát.
  • Thực hiện bầu cử phổ thông ở Hội đồng lập pháp và tuyển chọn Đặc khu trưởng.

Kết quả chỉ có yêu cầu đầu tiên được đáp ứng. Điều này dẫn đến các cuộc biểu tình âm ỉ kéo dài và đỉnh điểm là việc cảnh sát Hồng Kông bắt giữ người biểu tình ở Đại học Bách khoa Hồng Kông vào ngày 17/11/2019.

Cuộc đụng độ này khốc liệt đến nỗi có nhiếp ảnh gia chụp lại khung cảnh khi đó không khác gì thảm sát Lục Tứ 1989 năm xưa.

Cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông có thành công hay không? Kết quả là không. 

Vào ngày 30/6/2020, ĐCSTQ thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Trong luật này có một số thủ đoạn thâm độc:

  • Nếu có mâu thuẫn với Luật cơ bản (giống Hiến pháp Hồng Kông) thì ưu tiên dùng Luật An ninh Quốc gia. Điều này nghĩa là luật ở Hồng Kông khắc nghiệt giống Trung Quốc Đại lục.
  • ĐCSTQ thiết lập một văn phòng an ninh quốc gia ở Hồng Kông, có thể bắt người trực tiếp ở Hồng Kông rồi đưa về Đại lục xét xử.

Trong cuộc biểu tình của người ở Hồng Kông, người ở Đại lục không ngừng thắc mắc: “Tại sao các bạn phải đấu tranh như vậy? Thu nhập bình quân đầu người ở Hồng Kông rất cao (hơn 45 nghìn đô / năm, khoảng 1 tỷ đồng), nếu ‘im lặng phát đại tài’ chẳng phải tốt hơn hay sao? Với lại các bạn có biết rằng, lúc đỉnh điểm cuộc biểu tình, Tổng Bí thư Tập Cận Bình của chúng ta đã đưa 1 triệu binh sĩ được ‘trang bị đến tận răng’ áp sát Thâm Quyến (giáp Hồng Kông), còn các bạn chỉ là những Nho sinh ‘trói gà không chặt’, làm sao có thể ‘lấy trứng chọi đá’?”.

Biểu đồ tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của ‘4 con rồng châu Á’ từ năm 1960 đến 2014 (ảnh Wikipedia).

Cả người dân Ukraine và Hồng Kông đều biết: có thể việc mình làm sẽ không thành công, nhưng vẫn tận sức vì họ biết rằng đây là điều nên làm, tức là việc nghĩa; còn thành công hay không là do Thiên mệnh; đồng thời biết rõ hậu quả khi ‘thất thủ’.

‘Nghĩa’ (義) là việc nên làm, thành hay không là do Thiên mệnh

Người Hồng Kông sống dưới sự cai quản của Anh khoảng 150 năm (từ thời Chiến tranh Nha phiến 1840), họ hiểu được giá trị của dân chủ và tự do, đồng thời cũng thấy được bản chất của ĐCSTQ. 

Người Hồng Kông không muốn đất Hương Cảng trở thành một ‘nhà tù lớn’ như Đại lục, không có tự do ngôn luận, không có bầu cử phổ thông, ngay cả nghĩ cũng bị cấm vì dễ bị chụp mũ phản cách mạng hoặc bôi nhọ lãnh tụ quốc gia. Thấy được những điều đáng sợ ấy, cho nên người Hồng Kông quyết tâm bảo vệ nền dân chủ nơi đây bằng mọi giá.

Còn đối với người Ukraine, họ là người Slav, từ đầu họ đã rất phản cảm với người Nga. Nguyên nhân chủ yếu là trong thời Liên bang Xô viết, Stalin làm đại thanh trừng sau đó gây ra nạn đói lớn khiến hàng chục triệu người chết. Để không muốn điều đó lặp lại một lần nữa, người dân Ukraine đã đứng lên chiến đấu vô cùng ngoan cường khiến thế giới phải ngả mũ thán phục.

Cả người Hồng Kông và Ukraine cho rằng việc đứng lên bảo vệ tự do dân chủ là việc nghĩa, việc nên làm. Vậy thì có người sẽ thắc mắc: họ không sợ mất đi sinh mệnh hay sao? 

Cá nhân tôi có nhìn nhận như thế này. Trong Phật giáo giảng lục đạo luân hồi, thế gian con người chỉ là một trạm trung chuyển, việc đi đến đâu là phụ thuộc vào hành động trong đời này. Hiểu được điều này nên cả người Hồng Kông và Ukraine mới dám xả bỏ và xem nhẹ sinh tử để có thể chiến đấu vì ‘nghĩa’ như vậy. Đây là tác dụng có tín ngưỡng.

Trên thực tế, người Hồng Kông, cả bạn và tôi đều thấy rằng Hồng Kông đã ‘thất thủ’ vì thông qua Luật An ninh Quốc gia vào 30/6/2020; cuối năm ngoái tức 2021 còn đóng cửa tờ Apple Daily, Stand News, còn tờ Epoch Times bản Hồng Kông thì bị ĐCSTQ thuê người đốt phá liên tục, phóng viên của họ còn bị đánh bầm cả người… Còn cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, kết quả vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhưng ‘việc nên làm’ và ‘kết quả’ là 2 chuyện khác nhau. Trong Nho gia có khái niệm Nghĩa và Thiên mệnh.

Trong từ điển Thiều Chửu, Nghĩa (義) là việc nên làm. Trong truyện Lục Vân Tiên, cụ Nguyễn Đình Chiểu phải hiểu về khái niệm Nghĩa trong Nho gia mới viết được câu như thế này:

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

Hai câu thơ lục bát trên có nghĩa là: nếu thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải ‘anh hùng’. ‘Anh hùng’ theo ý hiểu của người viết chính là người ‘quân tử’, tức là người có đạo đức. Cụ Chiểu dùng ‘phủ định của phủ định’ (‘bất vi’, ‘phi anh hùng’) chính là là ‘khẳng định’. Do đó hai câu thơ trên dịch thuận là: Người quân tử (anh hùng) nên làm việc nghĩa.

Thấy Lễ băng Nhạc hoại, Khổng Tử muốn khôi phục Chu lễ (lễ thời nhà Chu), thế là lúc 55 tuổi ông rời nước Lỗ để chu du liệt quốc (chu du các nước). 14 năm sau, tức 69 tuổi Khổng Tử trở về lại nước Lỗ. Khổng Tử có thay đổi cục diện không? Câu trả lời là không và ông… đã biết điều đó. Trong ‘Luận ngữ – Vi tử’, Khổng Tử nói: “Quân tử muốn ra ngoài làm quan là vì muốn thực hành lý tưởng, nhưng đạo đức đã không được nữa rồi, và ta đã biết được việc đó”.

Văn Thiên Tường biết mình không chống lại được quân Mông Cổ nhưng ông vẫn kháng cự đến cùng. Khi bị bắt, người Mông Cổ hỏi ông rằng tại sao biết không chống nổi mà vẫn làm. Trong Tống sử, Văn Thiên Tường trả lời rằng: “Tôi chỉ muốn làm hết trách nhiệm của đại thần mà thôi. Giống như cha mẹ lâm bệnh, biết rõ mắc bệnh nan y, uống thuốc không khỏi, nhưng con cái lẽ nào không sắc thuốc cho cha mẹ uống?”. 

Vậy thì ở đây nếu cha mẹ của bạn lâm bệnh biết rằng không qua khỏi, liệu bạn sẽ chăm sóc hay là buông tay?

Chuyện người Hồng Kông chiến đấu cho tự do, dân chủ, phổ thông đầu phiếu; hay người Ukraine chiến đấu để bảo vệ tự do cũng như vậy. Họ cho rằng đây là việc đúng đắn, là việc nên làm, còn thành hay không là do Thiên mệnh. 

‘Thiên mệnh’ được giảng ở đây chính là chỉ Thiên ý, quy luật vũ trụ, hoặc an bài của Thần… đây là việc vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Tin vào Thiên mệnh không làm con người tiêu cực, trái lại còn khiến người ta cởi mở và thông suốt. Chỉ cần tận sức làm thì không phải hối tiếc, không phải ưu lo, bởi vì làm không phải vì kết quả mà là vì chính nghĩa.

Mạn Vũ