"Thời gian cứ rót mỗi lần, tí tuổi, tí tuổi, đầy dần thì người ta cũng tỉnh táo dần, vụn dần."
---
(Nguyễn Ngọc Tư)
.
Trên tay người đàn bà, cô bé nhoẻn cười. Mắt to đen và mi cong rợp. Mười ba tuổi, bé không biết ngồi, không biết nói, chỉ cười, và thật may, bàn tay khẳng khiu xương biết khe khẽ chìa ra, khi bé thấy đói, muốn ăn. Chiều nay, ly nước ép bưởi mà cô gái bán dạo ở công viên thương tình cho hai mẹ con người ăn xin kèm theo một hệ lụy: đói. Bàn tay em nhỏ chao như bướm phía tôi.
Tôi nghĩ đến một hộp cơm. Quán cơm nằm ngay bên kia đường. Khi đứng trước dòng xe xuôi ngược, bỗng nghĩ, người đàn bà đó là mẹ, hay chỉ là một kẻ chăn dắt nhẫn tâm, phần cơm đó con bé sẽ được no lòng hay bị tước đoạt mất. Câu hỏi làm tôi chùn bước. Thấy người bị vụn đi, khi bận lòng chỉ vì số tiền nhỏ bé cho một món quà nhỏ bé.
Lúc năm bảy tuổi chắc là tôi còn nguyên vẹn. Tin là có ma có tiên có Phật. Nồi khoai trên bếp do chính tay má luộc, nhưng bà tiên thì bí mật vùi sẵn củ khoai trong đất. Ma thường ở trên những cái cây cao lớn nên không dám trèo. Dưới sông, trong ao thì cũng nhiều ma nêm chưa biết lội thì đừng ra đó, ma nó kéo chân. Bỏ phí một hạt cơm thì lúc chết linh hồn bị đói.
Hồi nhỏ tôi ngoan ngoãn, vì biết tin và biết sợ. Thời gian cứ rót mỗi lần, tí tuổi, tí tuổi, đầy dần thì người ta cũng tỉnh táo dần, vụn dần. Giờ có yêu thì cũng chẳng buồn hỏi anh ơi yêu tôi nhiều ít, chắc chắn là… không nhiều đâu, cho nên mình yêu lại cũng vừa vừa thôi. Giờ thì nghe chuyện trả lại tiền hối lộ tôi nghĩ ngay, hay là họ… chê ít. Giờ cho em bé tật nguyền một chén cơm thấy boăn khoăn.
Cũng làm trái tim mệt mỏi. khi có một bàn tay đặt lên vai mình, mà mình lại chỉ nghĩ tới nguy cơ mất…sợi dây chuyền vàng, khi có một ánh mắt xa xa dõi theo mà mình thì lúi húi ghì cái túi sách trong lòng, thì đời còn gì là thi vị nữa. Đường phố không còn vui với tôi, mà công sở cũng buồn, nghe người nọ nói ê a trong cuộc họp mà trong lòng nghĩ, nói cho có vậy thôi, chớ có thay đổi được gì đâu.
Nên nhiều lúc thấy thương mình, cũng như chiều nọ, khi trao phần cơm cho mẹ con người đàn bà gầy gò đó. Tự an ủi, thôi kệ, đỡ hơn về nhà cứ áy náy lương tâm.
Nhưng chiều sau khi tập thể dục ở công viên, tôi nhận ra không chỉ mình là nhẹ dạ mủi lòng, cô Nước Bưởi lam lũ kia cũng vậy. Cứ thấy hai mẹ con bồng bế nhau lại là cô mang nước cho họ. Con bé vẫn cười trong veo chìa tay ra. Tôi nửa thương, nửa giận, tôi đã tới cái trường học mà bà mẹ nói là họ đang lăn lóc tạm bợ ở đó. Nó trống không.
Vậy mà tôi đã được kể cho nghe những chi tiết xót lòng, đứa nhỏ nằm trên chiếc chiếu rách tả tơi, bà mẹ đi mua lon gạo nấu cháo, dưới chân nước ngập lõm bõm…
Chuyện nhỏ, nhưng đủ gây thương tổn nhỏ. Tôi phàn nàn với cô Nước Bưởi, “thấy mẹ cũng mạnh giỏi, cũng đi làm thuê, làm mướn được, sao phải ăn xin”. Cô ngó tôi, mẹ đi làm thì bỏ con cho ai. Tôi dè dặt, biết có phải con thật không? Nước Bưởi ngạc nhiên “Không phải mẹ con thì là gì, mắt mũi giống hệt mà, tui nhìn qua là biết liền…”.
Tin vào mắt, vào tai, vào tim mình, chiều nào Nước Bưởi cũng giúp mẹ con họ qua cơn khát. Cô nói, “đẻ đứa con tật nguyền mà không vứt bỏ, chạy trốn thì quý lắm rồi…”. Hai mươi tám năm trước, một bữa mở cửa nhà ra, người ta thấy Nước Bưởi lạc lõng ngo ngoe nằm đó, mắt thao láo ngơ ngác giữa đời.
Tôi sẽ sàng nghe câu chuyện về thân phận bị bỏ rơi, nhưng không bao giờ ngưng tin yêu cuộc đời. Tôi lẳng lặng vá lại lòng mình đang có chỗ vừa nát. Chiều nay, hai mẹ con họ không biết có bồng bế qua công viên này…
(Ảnh: Quỷ Cốc Tử)