Làm cha mẹ cũng giống như cách một doanh nhân điều hành doanh nghiệp. Bạn sẽ có muôn vàn thử thách phía trước và việc định hướng cho đứa con bé bỏng, yêu dấu của mình cũng sẽ tương tự với việc lèo lái một con thuyền doanh nghiệp đi đúng lộ trình của nó.
Bản chất của những người doanh nhân giỏi bao gồm đức tính tháo vát, sáng tạo và ham học hỏi. Và việc này hoàn toàn đóng góp rất nhiều trong quá trình hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con trẻ khi trưởng thành. Là những bậc cha mẹ doanh nhân, việc chia sẻ những nguyên tắc độc đáo của doanh nhân với con cái có thể giúp chúng thành công trong thời đại mới hiện nay.
Nhiều doanh nhân ngày nay thành công ở tuổi đời khá trẻ cùng với quyết tâm khởi nghiệp của mình. Với tinh thần kinh doanh ngày càng gia tăng, thật hợp lý khi giáo dục cho các thế hệ tiếp theo sự nỗ lực để con trẻ có thể bắt đầu hành trình trưởng thành sớm hơn chúng ta ngày trước. Là một gia đình doanh nhân, bạn có thể áp dụng 5 cách sau trong việc giáo dục con cái.
1. Xem con là một đối tác chiến lược
Hầu hết các doanh nhân trẻ tuổi thường vội vàng và không chú trọng vào những kế hoạch kinh doanh đường dài. Thay vào đó, họ hành động dựa trên một ý tưởng phát khởi và sẽ điều chỉnh từng bước nếu điều đó xảy ra trúc trắc. Các bậc cha mẹ thiếu tư duy kinh doanh có thể phân tích quá mức những vấn đề không cần thiết hoặc không dạy con cách đối diện và giải quyết các rủi ro, vốn là điều cơ bản của tinh thần kinh doanh.
Ví dụ, nếu con bạn muốn bắt đầu kinh doanh bằng cách dựng một quầy bán nước nhỏ, hãy khuyến khích và hỗ trợ chúng như một nhà đầu tư. Đưa ra một thỏa thuận chia sẻ doanh thu hoặc làm rõ kế hoạch hoàn vốn dựa trên ý tưởng kinh doanh này. Để con trẻ tự mình thực hiện các ý tưởng đồng thời dạy chúng tầm quan trọng của các mối quan hệ trong hệ sinh thái doanh nghiệp sẽ giúp con tiếp thu những kiến thức nền tảng và gia tăng sự tự tin trên hành trình kinh doanh tương lai. Khi con trẻ có được sự tự tin và ủng hộ từ những “nhà đầu tư”, cụ thể là cha mẹ. Chúng sẽ ngày càng trưởng thành và phát triển được động lực nội tại. Và động lực này có thể đưa giúp con vượt qua những khó khăn, thử thách ở trường lớp hay khi chập chững bước ra xã hội.
2. Đừng lạm quyền trong việc “điều hành” con trẻ
Các doanh nhân biết rằng họ không thể quản lý vi mô những vấn đề nhỏ nhặt của doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bao công việc vẫn đi đúng đường ray của chúng. Đó là lý do vì sao những doanh nhân giỏi luôn xem trọng phương pháp dạy con độc lập và quản lý từ xa. Một số bậc phụ huynh thường lạm dụng “quyền cha mẹ” để áp đặt con cái sẽ khiến con trẻ kém tự tin vào năng lực của mình, thường xuyên trốn chạy rủi ro và phụ thuộc vào người khác nhiều hơn. Vì vậy, khi bạn đã giao “khoản đầu tư” vào quầy bán nước nhỏ của chúng, hãy lùi lại và để con tự mình vận hành. Bạn nên cho các con nhiều cơ hội để tìm ra cách thức vận hành cho “doanh nghiệp đầu đời” của mình. Nếu con trẻ cần sự trợ giúp, hãy trở thành những nhà cố vấn chiến lược cho con thay vì bắt ép chúng phải làm gì theo định hướng của bạn. Khi tự mình “giải” được một bài toán khó, các con sẽ học cách giải quyết vấn đề của riêng mình và ít phụ thuộc vào cha mẹ hơn.
3. Không bao giờ là quá sớm để dạy con về tài chính
Một doanh nhân sẽ dạy con cái của họ cách đối mặt với những thử thách và khó khăn. Đừng che giấu những thực tế tàn khốc khi bắt đầu vận hành và phát triển một doanh nghiệp với con bạn. Chúng cần hiểu rằng bản thân mình phải có trách nhiệm và đôi khi còn là sự hy sinh không nhỏ để gầy dựng nên một sự nghiệp lớn lao. Sẽ không bao giờ há miệng chờ sung hay đợi chờ một phép màu xảy đến với mình!
Ngay cả một doanh nghiệp gia đình nhỏ cũng đề cao đến những khái niệm quan trọng như: lợi nhuận, doanh thu hay tiết kiệm. Và con trẻ có thể hiểu được những khái niệm cơ bản này nếu bạn bắt đầu giải thích và truyền dạy cho các con từ những năm tháng đầu đời. Từ đơn giản đến phức tạp, con trẻ sẽ lớn lên với những kiến thức thực tế quý báu từ những người cha mẹ doanh nhân của chúng, mà đôi khi không có trường lớp nào có thể truyền dạy được.
4. Dạy con thất bại không phải là chấm hết
Hầu hết chúng ta thường tỏ ta tránh né và sợ hãi khi đề cập đến thất bại và trẻ em cũng tương tự như vậy. Nhưng các doanh nhân thành công hiểu rằng thất bại là một phần thiết yếu của thành công. Và một doanh nhân giỏi sẽ dạy con cách sử dụng thất bại để thúc đẩy sự tiến bộ và nỗ lực liên tục của chúng. Biến thất bại thành cơ hội học hỏi và đừng chê trách con trước những sai lầm chúng mắc phải. Chẳng hạn, nếu quầy nước của con bạn ngày hôm nay có một kết quả không khả quan, hãy động viên con trẻ rằng: “Không sao cả! Chúng ta sẽ có những thay đổi mới và sẽ bán đắt hàng hơn vào ngày mai!”. Điều quan trọng trong việc dạy con kinh doanh đó là hãy cho chúng biết mình đang thiếu sót ở điểm nào và có thể khắc phục được gì trong tương lai.
Nếu chúng ta gieo vào tâm trí của con trẻ những suy nghĩ cho rằng thất bại là đáng sợ và không có cơ hội để vực dậy, chúng sẽ luôn ở trong trạng thái sợ hãi và dễ dàng bỏ cuộc trước những cơ hội và thử thách mới. Về cơ bản, điều này dần dần sẽ dẫn đến kỹ năng cải thiện cuộc sống của các con sẽ ngày càng trở nên hạn chế. Ngược lại, nếu con trẻ xem thất bại là một cơ hội cho những chiến lược và con đường mới, chúng sẽ trở nên tự tin và phát triển toàn diện hơn so với những đứa trẻ luôn sợ hãi mắc sai lầm.
5. Yêu thích học tập suốt đời
Các doanh nhân thành đạt luôn nỗ lực để cải thiện bản thân và doanh nghiệp của mình. Xuất sắc không phải một khái niệm hoàn hảo. Nhưng sự ưu tú và xuất sắc có thể được tạo ra từ những thói quen lành mạnh và sự kỷ luật bản thân cao độ. Bạn cũng không cần thúc ép các con phải đọc hết những cuốn sách kinh doanh dầy cộm.
Đôi khi, một gia đình doanh nhân có thể truyền dạy và chia sẻ cho con cái họ những kiến thức về doanh nghiệp, khách hàng thông qua những cuộc trò chuyện bình thường mỗi ngày. Hãy xem phương pháp giáo dục này là một hành trình dài và xuất hiện một cách tự nhiên và thường trực trong cuộc sống đời thường của các thành viên trong gia đình. Bằng cách trau dồi sự cải tiến liên tục, bạn sẽ truyền dạy cho con sự tự tin để vượt ra ngoài vùng an toàn của mình, cũng như sự tự nhận thức những hạn chế của bản thân để trở nên ưu tú hơn mỗi ngày.
***
Con cái của bạn sẽ nhận được nhiều lợi thế trên đường đời khi được truyền dạy lượng kiến thức quý giá từ gia đình doanh nhân của mình. Nhưng bạn cũng sẽ thấy rằng những bài tập đó cũng làm phong phú thêm cuộc sống của bạn trong việc dạy con kinh doanh. Những giá trị mà các bậc phụ huynh doanh nhân bồi đắp và truyền dạy cho con cái không chỉ đảm bảo một mối quan hệ gia đình gắn kết sâu sắc giữa cha mẹ và con cái, mà còn giúp trang bị cho con trẻ những hành trang quý báu trong hành trình trưởng thành của chúng trong tương lai.
st.