Tình trạng lạm phát ngoài tầm kiểm soát đang đẩy hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới vào cảnh túng thiếu.
Úc
Những tuần gần đây, vài bức ảnh chụp cây rau diếp (hay còn gọi là xà lách Iceberg) bày bán trong siêu thị với giá lên tới 11.99 đô la Úc (tương đương 199.000 VNĐ) khiến cộng đồng mạng xôn xao. Người tiêu dùng thì "đứng ngồi không yên" trước việc giá thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng tăng.
Chỉ riêng với mặt hàng rau củ, giá cả đã tăng lên 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Những trận lũ lụt gần đây đã làm hỏng mùa màng ở 2 bang lớn của Úc là New South Wales và Queensland. Trong khi đó, chi phí phân bón tăng 120% so với 24 tháng trước.
Các quầy rau diếp trống rỗng tại siêu thị Camp Hill Woolworths ở Brisbane, Úc.
Giá điện tăng cao cũng có nguy cơ gây thêm áp lực lạm phát. Tình trạng thiếu khí đốt và giá điện bán buôn leo thang ở vài bang có thể dẫn đến một mùa đông "vô cùng" ảm đạm đối với một bộ phận người dân Úc.
Những người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian này. Ví dụ như trường hợp của Jeff Laming, một người cha đơn thân và bị khuyết tật 42 tuổi ở vùng Victoria. Ông không có đủ tiền để ăn khoảng 5 ngày trong mỗi 2 tuần.
Jeff Laming, sống ở vùng Victoria, không thể mua bất kỳ loại trái cây hoặc rau tươi nào.
"Chúng tôi đã không ăn trái cây hoặc rau tươi kể từ tháng 2", Jeff nói và cho biết thêm rằng mình đang bị suy dinh dưỡng. "Bữa ăn toàn đồ đông lạnh, thịt băm chất lượng thấp, mì pasta rẻ tiền, mì ống không nhãn hiệu, thuốc giảm đau paracetamol, hoặc đôi khi xà phòng nằm trong danh sách mua sắm của tôi".
Bỉ
Lạm phát đang ở mức 9%, cao nhất trong 40 năm. Một nhà kinh tế hàng đầu đã dự báo, mỗi hộ gia đình có thể phải đối mặt với mức tăng trung bình 500- 600 Euro (12-14 triệu đồng) chi phí sinh hoạt vào cuối mùa hè.
Ngân hàng Quốc gia Bỉ cho biết người tiêu dùng sẽ được bảo vệ một phần thông qua các chính sách điều chỉnh giữa tiền lương và giá cả. Tuy nhiên, mặt trái là các chính sách này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Altamirano Zoila Palma, bà chủ lâu năm của một quầy bán đồ ăn có tên Saint-Josse tại thủ đô Brussels, cho biết các hóa đơn đã "thực sự vượt mức khả năng chi trả". Vừa múa máy tay chân làm việc, bà vừa nói: "Mọi thứ đều tăng giá: dầu ăn, khoai tây, bao bì, điện, ga, giấy ăn, giấy thấm dầu, nĩa".
Người phụ nữ nhập cư từ Ecuador này hiện làm việc 6 ngày 1 tuần, 12 giờ mỗi ngày.
Giá cả leo thang nhưng bà Palma chưa muốn tăng giá đồ ăn tại quầy bán hàng của mình. Nó nằm ở xã nghèo nhất ở Brussels, nơi một chiếc bánh rán cũng lên tới 3 Euro/chiếc (tương đương 73.000 đồng).
"Tôi vẫn chưa quyết định tăng giá vì tôi sợ khách hàng của mình sẽ không đến nữa. Mọi người đều coi quán của tôi là địa chỉ tin cậy", bà Palma nói.
Đức
Lạm phát, được đo bằng sự thay đổi hàng năm của chỉ số giá tiêu dùng, đã tăng lên 7,9% vào tháng 5. Đây là mức kỷ lục thứ ba liên tiếp kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990.
Tại quốc gia châu Âu này, cuộc khủng hoảng đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt nhất tại các trạm xăng, nơi các tài xế đã phải trả hơn 2 Euro (49.000 đồng) một lít kể từ tháng 3, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm kéo giá nhiên liệu xuống.
Công nhân tại bến cảng Hamburg đình công đòi lương cao hơn với biểu ngữ: "Hãy ngăn chặn con 'quái vật' lạm phát".
Trong tháng 5, các sản phẩm năng lượng đắt hơn trung bình 38,3% so với cùng tháng năm ngoái. Hàng tạp hóa tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nal Kayan, chủ một cửa hàng rau nhỏ trên một con phố mua sắm sầm uất ở trung tâm Berlin, cho biết: "Đôi lúc tôi cảm thấy tội lỗi khi nói với khách hàng của mình giá mới nhất cho một bông súp lơ hoặc một chai dầu hạt cải. Cảm giác thật tồi tệ, và tôi sợ rằng tình hình sẽ còn khó khăn hơn".
Vì giá thành các sản phẩm vẫn chưa bắt kịp sự gia tăng trong chi phí sản xuất nên giá các mặt hàng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng sắp tới.
Ấn Độ
Tỷ lệ lạm phát bán lẻ hàng năm trên 7% đã và đang tàn phá "ngân sách nhỏ bé" của các gia đình vốn đã kiệt quệ sau đại dịch Covid-19. Ngoài các loại ngũ cốc như gạo và lúa mì, được chính phủ cung cấp miễn phí cho người nghèo, giá của hầu hết mọi mặt hàng thực phẩm đều tăng mạnh. Giá rau tăng 56% chỉ trong tháng trước, một phần do đợt nắng nóng và một phần do chi phí đầu vào tăng.
Giá nhiên liệu tăng khiến người dân Ấn Độ gặp khó khăn khi muốn đổ đầy bình xăng để đi làm. "Tôi chọn cách đi chợ mua rau vào buổi tối muộn để mua bất cứ thứ gì người bán hàng muốn bỏ đi. Chúng không tươi chút nào nhưng tôi không có lựa chọn nào khác", chị Ankita Singh ở Delhi cho biết.
Ireland
Tại một trong những quốc gia giàu nhất EU, 1/5 dân số được cho là đang phải vật lộn với tình trạng giá cả tăng vọt. Giá thuê nhà, nhiên liệu và thực phẩm tăng đã đẩy các gia đình vào cảnh nghèo đói và gây áp lực lên chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và cắt giảm thuế.
Một tổ chức hoạt động xã hội có tên Social Justice Ireland (Công lý Xã hội Ireland) ước tính tỷ lệ nghèo ở nước này đang là 19%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ do chính phủ công bố trước đó. Mức tăng giá 7,8% trong tháng 5 - mức tăng cao nhất trong 38 năm - đã trở nên trầm trọng hơn do giá bất động sản tăng 15% và giá nhiên liệu cũng tăng mạnh.
Vivienne, một sinh viên kiến trúc dự định rời Ireland, cho biết: "Tôi không thể sống ở Dublin nữa, thật là mệt mỏi".
Theo số liệu của Hiệp hội Người tiêu dùng Ireland, trong 12 tháng qua, khí đốt đã tăng 54%, dầu diesel 40%, điện 28% và xăng 24%. Tất cả đều ảnh hưởng đến đời sống các hộ gia đình và doanh nghiệp. Không ai không bị ảnh hưởng.
Một số nhà cung cấp bữa ăn di động đã tăng gấp đôi giá mỗi bữa ăn lên mức 10 Euro (tương đương 245.000 đồng). Số lượng các cuộc gọi đến tổ chức từ thiện St Vincent de Paul tăng 20% so với năm ngoái.
Israel và các vùng lãnh thổ của người Palestine
Israel, nơi chi phí sinh hoạt vốn đã rất cao, không bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng như các quốc gia có thu nhập cao khác. Tuy vậy, quốc gia này lại có mức chênh lệch thu nhập lớn nhất trên thế giới, với 50% dân số nghèo nhất có mức thu nhập ít hơn 19 lần so với 10% dân số giàu nhất.
Chi phí nhà ở và xăng dầu tăng cao đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên đường phố ở Tel Aviv và Beersheba trong tháng 6 này.
Lạm phát đã tăng gần 4% trong năm qua - cao nhất trong gần 11 năm. Giá hàng gia dụng tăng trung bình 2,3% vào năm 2022 cho đến nay. Cuộc khủng hoảng nhà ở của Israel cũng trở nên trầm trọng hơn. Giá nhà tăng 13% vào năm 2021 so với năm 2020 và hiện tăng hơn 1% mỗi tháng.
Đối với nhiều người dân ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, nơi tỷ lệ nghèo đói là khoảng 31,3%, việc tăng giá dù chỉ vài shekel cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người nông dân và công nhân nông nghiệp, vốn đang gặp khó khăn.
Bác nông dân tên Abu Fadi (52 tuổi), ở phía bắc Jericho, cho biết: "Mọi người đang phải bán cừu của họ vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là để trang trải tiền thức ăn. Một tấn thực phẩm có giá 1.300 shekel (8,8 triệu đồng), và bây giờ là 2.000 shekel (13,6 triệu đồng)".
Italy
Lạm phát giá tiêu dùng đã tăng lên 6,8% trong tháng 5 - mức cao nhất trong hơn 23 năm - và giá năng lượng đã tăng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều người Italy không có việc làm hoặc làm việc với mức lương hầu như không tăng kể từ đầu những năm 2000. Họ đã cảm nhận rõ sức ép của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong nhiều tháng nay.
Alessandra Lupo, một người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật ở Rome, hiện đã nghỉ việc cho biết: "Xăng tăng giá từ lâu và một số mặt hàng thực phẩm cũng thế. Ngay cả khi giá chỉ tăng vài đồng lẻ, bạn cũng thực sự cảm thấy sự khác biệt. Nhưng sự khác biệt lớn nhất là chi phí năng lượng - điều này thực sự bất thường".
Alessandra cho biết hóa đơn tiền xăng 2 tháng gần đây nhất của cô là 216 Euro (tương đương 5,3 triệu đồng), so với 55 Euro trước khi xảy ra khủng hoảng năng lượng. Còn tiền điện, cô phải trả 150 Euro (tương đương 3,6 triệu đồng), cao gấp đôi số tiền cô từng phải trả.
New Zealand
Lạm phát ở mức cao nhất trong 30 năm, với mức lạm phát lương thực 6,8%, trái cây và rau quả là 10%.
Chi phí sinh hoạt tăng cao đã "thế chân" Covid-19 trở thành vấn đề cấp bách nhất trong tâm trí người dân New Zealand. Cuộc thăm dò của Ipsos vào tháng 6 cho thấy mọi người đánh giá chi phí sinh hoạt là mối quan tâm số 1 của họ. Các vấn đề liên quan như chi phí nhà ở và giá xăng dầu xếp sau. 1/5 người được hỏi gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính và 85% lo ngại về chi phí hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng.
Kết quả là, mọi người đang dần chuyển dịch sang lối sống của tiền nhân, chẳng hạn như trồng trọt, hái lượm, tự làm pho mát và sống tự cung tự cấp. Tất cả nhằm duy trì được chiếc ví tiền đang dần cạn kiệt.
Một phụ nữ tên Katherine Riddell nói: "Mọi người đang gặp khó khăn. Giá trái cây và rau quả thật là đắt đỏ đến mức kinh khủng".
Ở độ tuổi 50, bà Katherine Riddell có thu nhập cố định và hiện tại bà đang mở lớp chia sẻ cách bảo quản thực phẩm. Bà chia sẻ cho mọi người cách sử dụng rau quả sắp hỏng, biến chúng thành tương ớt, dưa chua và nước sốt.
Đôi khi, việc tiết kiệm chi phí khiến người ta liên tưởng tới chuyên mục lời khuyên cho các gia đình những năm 1950.
"Một người bạn đã cho tôi 4kg mỡ bò. Tôi đã chế biến thứ đó trong vài ngày để thay thế dầu ăn", bà Katherine nói.
Nigeria
Ngân hàng Trung ương Nigeria tuần trước cho biết lạm phát gia tăng có thể trở thành một "xu hướng phi mã". Ngân hàng này đã công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2016, theo sau các động thái ở Ghana, Ai Cập và nhiều nơi khác.
Lạm phát lương thực đã tăng trở lại vào tháng 4 lên 19%, với việc đồng Naira tiếp tục mất giá so với đồng đô la. Giống như nhiều quốc gia khác trong châu lục, nền kinh tế lớn nhất châu Phi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực và do đó rất dễ bị biến động giá.
Tuy nhiên, những tai ương kinh tế của đất nước còn kéo dài hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng hiện tại. Lạm phát cao, thị trường việc làm suy thoái và đồng tiền mất giá. Tất cả đã tạo ra một đám mây u ám cho nền kinh tế.
Theresa Aderele (24 tuổi), thường giúp mẹ bán nước tại nhà ở Onikan, thành phố Lagos, cho biết: "Ở đâu cũng vậy, giá đã tăng chóng mặt. Mọi người phàn nàn nhưng có thể làm gì được bây giờ?".
Chi phí đi lại, thực phẩm, giá điện và khí đốt đều tăng đều đặn trong 6 năm qua, và còn tồi tệ hơn nữa trong năm nay. "Tất cả mọi người, bất kể giàu hay nghèo, đều cảm nhận được thực tế đó", Theresa nói.
Philippines
Giá nhiên liệu đã tăng nhanh đến mức những người lái xe ba bánh và xe jeepney (xe chở khách du lịch đi tham quan) nói rằng họ gần như không đủ khả năng để tiếp tục công việc.
Các tổng đài điện thoại vì lo ngại nhân viên của mình không đủ chi phí đi tới chỗ làm đã cho phép làm việc từ xa.
Chương trình Lương thực Thế giới, vào tháng 4, đã báo cáo chi phí nhiên liệu tăng 40% kể từ đầu năm, cảnh báo hoạt động của chương trình sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo thống kê của chính phủ Philippines, giá ngô đã tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, rau tăng 15,2% và dầu mỡ tăng 13,6%. Theo Social Weather Stations, hơn 12,2% gia đình Philippines đã phải trải qua cơn đói ít nhất 1 lần trong 3 tháng qua .
Orlando Garcia, một người lái xe ba bánh 60 tuổi đến từ Manila, từng được trả 1.300 Php/ngày (550.000 đồng), vẫn cảm thấy may mắn biết bao nếu kiếm được 700 Php (296.000 đồng). Không chỉ có ít khách hơn mà giá xăng còn tăng vọt. Anh không thể đổ đầy bình xăng để di chuyển phục vụ khách.
Thu nhập của ông Orlando chỉ đủ trang trải chi phí ăn uống cho bản thân và gia đình. Ông cũng chỉ dám ăn những món đơn giản, như cá rán và các món ăn từ đậu xanh vì nó rẻ. "Đôi khi tôi chỉ chọn nấu những món ăn cần ít nguyên liệu", ông nói.
Nam Phi
Tất cả, trừ những người rất giàu có, đều bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá ở Nam Phi. Đối với tầng lớp trung lưu, chi phí nhiên liệu, điện, viện trợ y tế và giáo dục tăng cao chỉ làm giảm sức chi tiêu của họ.
Nhưng với hàng chục triệu người luôn phải vật lộn với mức lương thấp, công việc bấp bệnh, thiếu trợ cấp của chính phủ, thì mức lạm phát cao nhất trong nhiều năm đã khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Giá các mặt hàng chủ lực như bột ngô và dầu ăn đã tăng mạnh do nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu bị thiếu hụt. Ở nhiều khu phố nghèo, giờ đây đang hình thành nên một thị trường bán dầu cọ đã qua sử dụng.
"Bạn có thể mua 20 lít với giá 350 rand (514.000 đồng), bằng một nửa so với giá dầu cọ mới. Vì vậy, chúng tôi đang suy nghĩ về việc làm điều đó", Precious Chawalala, một nữ phục vụ 37 tuổi sống tại thành phố Cosmo ở phía Tây Bắc Johannesburg cho biết.
Giống như nhiều nhân viên nhà hàng ở Nam Phi, Precious Chawalala không có tiền lương, mà phụ thuộc vào tiền típ của khách. Giá vé xe buýt, phương tiện đưa cô đi làm hàng ngày, vừa tăng 20% sau khi giá nhiên liệu trên toàn quốc tăng.
"Tôi trộn bột ngô và gạo để giảm chi phí. Mọi người đều đang gặp khó khăn", cô nói. "Chúng tôi phàn nàn về điều đó mỗi lần đi lễ ở nhà thờ nhưng không thể giúp đỡ nhau như chúng tôi đã từng làm vì mọi người đã sử dụng tất cả tiền tiết kiệm trong đợt đại dịch Covid-19".
Mỹ
Trên khắp nước Mỹ, người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng đang phải vật lộn với những vấn đề tương tự. Nhu cầu tăng vọt do sự thiếu hụt nguồn cung liên quan đến đại dịch và giá xăng tăng cao khiến chi phí tăng lên.
Vào tháng 5, tỷ lệ lạm phát hàng năm là lên tới 8,6% , mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981. Tiền lương của người dân cũng được chính phủ nâng lên, nhưng không đuổi kịp mức lạm phát.
"Tôi vừa ném 70 USD (1,6 triệu đồng) cho chiếc xe tải của mình. Trước khi tất cả điều này xảy ra, tôi chỉ phải chi khoảng 45 USD", cô Anna Diggs, một nhân viên khách sạn tại Westgate ở Las Vegas cho biết. "Mọi thứ đang tăng lên, duy nhất chỉ có tiền lương của tôi vẫn dậm chân tại chỗ".
Con trai út của Anna muốn chuyển ra ngoài sống nhưng do chi phí thuê nhà tăng cao. Anh buộc phải hủy bỏ dự định của mình.
Tuần này, giá trung bình của 1 gallon (khoảng 3,8 lít) xăng tại Mỹ đã vượt mốc 5 USD từ mức 3 USD vào năm 2021. Những gián đoạn do Covid-19 và các vấn đề liên quan đến thời tiết cũng đã khiến giá thực phẩm tăng lên. Lạm phát đang tăng cao cũng ảnh hưởng đến chi phí nhà ở, giá vé máy bay, khách sạn và quần áo...
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố mức tăng lãi suất cao nhất trong 28 năm vào thứ Tư (15/6) khi cơ quan này tìm cách kiềm chế lạm phát.
Nguồn: The Guardian
(cafeF)