Trong mấy ngày Tết, mở facebook thấy có rất nhiều status (dòng trạng thái) và comment đại loại giống nhau ở một lời ta thán:
Đang yên bỗng… Tết!.
Người viết vẫn chưa cảm nhận được trạng thái này vì còn đang say sưa với Tết mà đại diện rõ nhất là đường sá vắng vẻ đến độ tưởng chừng như đang lạc lối ở cung đường nào chứ không phải đang ở Sài Gòn.
Phóng xe chạy ào ào sáng 30 để tìm một quán ăn lót dạ, một quán cà phê để ngồi tám cho qua buổi sáng bỗng dưng không biết làm gì. Hai thằng bạn già chạy vòng vòng và tự an ủi đi để tận hưởng một buổi sáng Sài Gòn không kẹt xe hửi khói. Không tìm được quán ăn, quán cà phê theo ý bèn cảm thán “đang no bỗng… Tết”.
Lướt trên “phây”, thấy có bạn viết:
“Tưởng ngày Tết có gì đặc biệt. Sáng, trưa, chiều tối… hết một ngày. Qua mùng hai cũng vậy. Qua mùng ba cũng vậy. Hết Tết. Đi thăm người quen lại sợ người quen đến mà không gặp nên ở nhà. Ở nhà chờ người quen tới mà không ai tới”.
Một facebooker than thở:
“Đáng lẽ mỗi khi Tết về, ta được đón một kỳ nghỉ dài, ta về với gia đình, ta làm những gì ta muốn trong quãng thời gian hiếm hoi mà ta tích cóp được ít tiền, tích cóp được ít niềm vui. Nhưng thay vào đó, qua nhiều lễ nghĩa của cuộc sống đã lấy hết của ta không chỉ sức lực, tiền bạc mà còn làm cho ta thấy mệt nhoài. Có lẽ với nhiều người, nó còn mệt hơn cả khi ta đi làm trong suốt năm qua. Một tỉ thứ cho Tết. Chắc chỉ có sáng mùng một là chúng ta được sống trong Tết, bình yên, đi chùa và không ai khó chịu với ai. Nhưng có đáng phải chịu tất cả một lô thứ áp lực ở trên để chỉ được 1-2 ngày Tết?”.
Đọc những lời cảm thán trên đây ta có cảm tưởng như họ đang thở khói ra đằng mũi.
Thương nhất là những chàng trung niên công chức, nhất là những kẻ “cùng một lứa bên trời lận đận” mỗi chiều sau giờ công sở thường gặp bạn bè chén chú chén anh bên chén rượu để bàn chuyện trên trời dưới đất. Bắt đầu từ chiều 30 đành thui thủi ở nhà cun cút vì ới lên một tiếng chẳng thấy tiếng hò reo đáp ứng “Ai kêu tui đó?”.
Bạn bè kẻ thì về quê cha, quê vợ, còn kẻ đang ở lại Sài Gòn thì cũng cùng cảnh ngộ như mình. Nhưng nếu có cùng bạn nhậu ra đường thì đường sá vắng hoe, tìm đâu ra quán nhậu cho ta cùng lai rai, trò chuyện. Thôi đành hú mùng 1 nhà mày, mùng 2 nhà tao, mùng 3 nhà thằng Năm, mùng 4 nhà thằng Sáu, mùng 5 nhà thằng Bảy, sau khi đi làm chiều mùng 6 thì ra quán mừng cho hết Tết.
Những người được đề cập ở đây là những bậc “chính nhân” tìm vui trong niềm vui bạn bè, chỉ dùng bia để đưa đẩy chút tình tri ngộ, chứ không phải những kẻ ép nhau nhậu banh xác để sau đó gặp nhau ở… phòng cấp cứu. Chưa kể những “sòng nhậu” đã trở thành karaoke lộ thiên với cái loa bự chảng đưa những giọng ca nhừa nhựa đến từng lỗ tai người cùng xóm từ trưa đến khuya.
Theo báo cáo của Bộ Y tế thường trong sáu ngày Tết, các bệnh viện cả nước đã khám và cấp cứu cho gần 40.000 bệnh nhân bị tai nạn giao thông và đánh nhau, trong đó đánh nhau là trên 4.000 bệnh nhân!
Tết nào có muốn mọi người vui đến ra nông nỗi vậy đâu hay người ta dựa dẫm vào Tết để vượt thoát chính thân xác của mình.
Những bậc hiền nhân thuộc loại lão tướng ngồi nhà nhìn mai vàng nở rộ nhớ mẹ cha xưa mà cảm thấy buồn như Tết rồi thầm nhắc một câu thơ “xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua”. Chiều mùng 5 coi như là hết Tết. Bỗng thấy chộn rộn lại niềm vui. Niềm vui hết Tết. Ai bảo đang vui bỗng Tết làm gì cho rộn chuyện.
Sau cùng, suy đi nghĩ lại mồm chợt thốt lên:
“Chà, chỉ còn 360 ngày nữa là Tết rồi!”.
Rồi lại thấy vui như trẻ thơ… Ngộ vậy á!
--------
Trích "Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ" - Lê Văn Nghĩa.
Từ fb Bao Nguyen Quang