Thursday, October 3, 2024

VÌ SAO MỖI NGƯỜI CẦN XÂY DỰNG NETWOKING CHO RIÊNG MÌNH ?





(Ghi chép case-study của a Minh Tâm, chuyên gia Marketing của dầu ăn Neptunes, dài, nhưng đáng đọc, bởi nó bằng cả một quyển sách)
[Anh Chinh]: Các bạn có từng nghe về ông Keith Ferrazzi chưa? Ổng có viết 2 quyển tên là “Đừng bao giờ đi ăn một mình” và “Ai che lưng cho bạn”. Ở trong ngành networking còn có nhiều tài liệu khác nữa, nhưng mà kinh điển nhất là 2 quyển đó. Ngày xưa bên BNI cũng có nhiều tài liệu về networking, tuy nhiên hôm nay anh muốn chia sẻ với các bạn cách tư duy về mặt HỆ THỐNG nhiều hơn là về mặt kỹ năng. Bởi vì, nếu chúng ta có kỹ năng mà không hướng được hệ thống chuẩn ngay từ đầu thì mình sẽ đi mất thời gian, đi lòng vòng nhiều hơn. Còn về kỹ năng thì thực ra cũng tương đối dễ chứ không khó nếu chúng ta chịu khó làm.
CÁC HỆ THỐNG NETWORKING HIỆN NAY
Nói về HỆ THỐNG, điều đầu tiên chúng ta cần quay nhìn lại các hệ thống networking hiện nay. Trong hệ thống networking đó có một mảng tên là MLM hay còn gọi là kinh doanh đa cấp. Mảng đa cấp là một mảng xây dựng hệ thống cực tốt về networking. Đây là một system mà chúng ta nên học, vì đó là một hệ thống được bày ra bởi rất nhiều chuyên gia chứ không chỉ do riêng một người. Tuy nhiên, cái hư của nó ở VN chỉ là cách triển khai mà thôi, chứ còn ở các nước khác anh thấy họ làm rất thành công. Ở đây, chỗ mình cần học hỏi là cách tư duy của nó về hệ thống. Khi hệ thống xung quanh mình càng nhiều thì công việc của mình sẽ càng nhẹ.
Mảng hệ thống thứ hai là một mảng hệ thống cũng gần gần như đa cấp. Nó là hệ thống dành cho những người làm công việc kết nối kinh doanh, có tên là BNI, có nghĩa là mỗi một người xây xung quanh mình những vệ tinh.
Mảng hệ thống thứ ba ở VN là những hội đoàn, ví dụ: đoàn thanh niên, công đoàn, hội liên hiệp phụ nữ… Đó cũng là những hệ thống về networking. Và mỗi hệ thống đó hoạt động theo một cách khác nhau.
NETWORK NÀO CẦN CHO BẠN 
Còn đối với mình thì mình sẽ làm gì? Điều quan trọng là chúng ta xác lập được cái chúng ta cần. Ví dụ như trong những mảng cuộc sống mình thì mình cần những mảng nào, và mỗi mảng đó mình đã có ĐỦ NGƯỜI để hỗ trợ cho mình hay chưa? Ở đây, tại sao anh lại dùng từ “đủ người”? Bởi vì sẽ có những người, sẽ có những lĩnh vực, hoặc sẽ có những lúc các bạn sẽ thấy đuối quá không biết làm gì. Vậy thì điểm lợi của nó là gì? Trong mỗi lĩnh vực mình đều có những người thầy của mình. Đừng nghĩ rằng họ chỉ là những người bán hàng cho mình. Cũng đừng nghĩ rằng họ chỉ là những người nằm trong hệ thống của mình, họ phải theo mình. Thế thì, “họ có thể giúp được gì cho mình” . Khi mình bí điều gì thì sẽ có những người thầy ở xung quanh mình. Đó là lợi ích đầu tiên nhất.
Và lợi ích thứ hai của nó là, khi chúng ta đã đạt được mức độ thân thiết hơn rồi thì người thầy đó sẽ giúp chúng ta có thêm những người thầy khác nữa. Ở đây anh quan niệm là, nếu anh ngồi được với các bạn, thì các bạn sẽ ngồi được với các bạn trẻ hơn các bạn, hoặc là các bạn khác nữa, hoặc là những người cao hơn mình.
NGƯỜI ĐẾN SAU PHẢI HỌC HỎI NGƯỜI ĐẾN TRƯỚC : NGHĨ VẬY LÀ SAI 
Theo anh nghĩ, các hệ thống đa cấp hiện nay đang bị một tình trạng là, họ coi người đến sau là người phải đi học hỏi. Anh thì anh không nghĩ vậy. Vì mỗi người đến với chúng ta đều có điều gì đó hay, và anh trân trọng điều đó. Sau này các bạn làm kinh doanh sẽ thấy có một từ người ta gọi là resource, nghĩa là nguồn lực của mình, nội lực của mình. Thế thì nội lực của mình đến từ đâu? Đến từ những người xung quanh mình (nếu nói riêng từ lĩnh vực networking), vì bản thân mình chẳng làm được gì cả.
Vậy nên ở đây, điều quan trọng là quan điểm của chúng ta cần được set-up ngay từ đầu, cần thấy được CÁI TỔNG QUAN, giữ được thái độ CỞI MỞ. Khi đó chúng ta sẽ nhận ra: chắc hẳn người này sẽ giúp được mình điều gì đó, và mình cũng sẽ giúp được cho họ điều gì đó. Và rồi dần dần tự nhiên networking của mình sẽ theo đó ngày càng vững hơn.
Ngày xưa khi anh đặt mục tiêu, do công việc đòi hỏi như vậy (huấn luyện nhân sự), anh thì khác một chút là anh không coi những người khác là học trò, anh cũng chẳng coi họ là những người đến sau, ngay cả những bạn trẻ anh vẫn coi ngang hàng, với quan điểm là bạn có thể giúp anh được điều gì đó. Điều quan trọng là anh có muốn hay không thôi. Điều đó giúp cho network của chúng ta ngày càng đầy lên.
NHỮNG NGƯỜI TRONG NGÀNH CHỈ MONG MUỐN QUEN VỚI NGƯỜI TRONG NGÀNH 
Thí dụ như Hiền, Hiền làm trong ngành nhân sự, thì thông thường những người làm nhân sự chỉ mong muốn quen với những người làm nhân sự mà thôi. Vì họ nghĩ rằng cùng ngành nghề thì họ dễ chia sẻ hơn. Điều đó nó là một cái hay, nhưng nó cũng là một cái dở. Trước đây anh cũng đã từng tham gia những nhóm nhân sự trong ngành. Nhưng cuối cùng rồi cũng chỉ lòng vòng nhiêu đó thôi, không bứt phá được. Thế thì ở đây cần có sự chấp nhận mình đối với người khác.
Trong mặt hệ thống networking thì mình có thể đặt ra mục tiêu hoặc không mục tiêu cũng được, nhưng chí ít cần có những định hướng. Thí dụ như Tâm, Tâm đang nghiên cứu lĩnh vực thiền chẳng hạn, và Tâm đi theo con đường đó, thì trong số những người thuộc hệ thống, mạng lưới đó, có bao nhiêu người sẵn sàng giúp đỡ mình bất cứ lúc nào? Điều đó rất quan trọng.
Về mặt hệ thống, chúng ta không cần suy nghĩ nhiều, chỉ cần định hướng được, và định ra được con số mà mình mong muốn. Thí dụ như anh, anh làm về kinh doanh thì anh cần có những cái đầu, ngoài ra anh không thể nào nhìn xa được, thì xung quanh anh phải có bao nhiêu người họ đã từng đi con đường đó rồi, hoặc chí ít là họ chưa đi nhưng họ cũng có những kinh nghiệm, thì anh lấy được những thông tin đó, và phần đó rất quan trọng. Nó sẽ giúp anh đi nhanh hơn. Anh xem họ như những người thầy giùp anh đi nhanh hơn.
NHÓM CÀNG NHỎ, KHẢ NĂNG CHIA SẺ THỰC DỤNG SẼ CÀNG HIỆU QUẢ  
Và điều thứ hai mà mình cần đặt ra, ngoài mục tiêu, là hệ thống networking của mình nó ở đâu? Chúng ta đã có con số rồi, vậy thì giờ họ ở đâu? Điều này liên quan đến việc sau này chúng ta đi làm kinh doanh bất cứ điều gì. Ngày xưa chúng ta đi học có bạn bè cấp 1, cấp 2, cấp 3, lên đại học tạm gọi là cấp 4, ra đời gọi là cấp 5, thế thì mạng lưới của mình nằm ở đâu? Giống như 5W vậy đó. Tại sao chúng ta cần có mạng lưới (Why), chúng ta biết rồi. Nó là cái gì (What), chúng ta biết rồi. Giờ nó ở đâu (Where). Điều này rất là quan trọng chúng ta. Thế thì, trên những vùng miền, hoặc trên thế giới, chúng ta có network hay không? Hiện nay, mục tiêu của anh trong những năm tiếp theo là sẽ vượt ra, vươn ra bên ngoài, chứ không còn nằm trong phạm vi ở đây nữa. Vừa xây vững trong này, vừa cần vươn ra ngoài. Sau này, em đi đến nơi đâu cũng có được sự hỗ trợ và giúp đỡ. Điều này rất là quan trọng.
Về mặt hệ thống, nếu chúng ta không nghĩ đến chuyện này, mà chúng ta đi đầu tư về mặt kỹ năng nhiều quá thì sẽ mệt lắm. Chúng ta nghĩ thoáng hơn, đây là những người bạn của tôi, những người đồng hành cùng với tôi. Chứ không phải đi đến một địa phương nào đó chỉ là du lịch không thôi. Cần có cái gì đó để chia sẻ với nhau. Thì đó là về phần nó ở đâu (Where).
Còn đến phần như thế nào (How), nghĩa là chúng ta phát triển hệ thống này như thế nào? Người ta khuyên rằng nên phát triển, tổ chức thành những nhóm nhỏ như anh em mình đang ngồi. Những nhóm này sẽ dần dần lan ra giống như vết dầu loang. Thay vì chúng ta làm những buổi rất là hoành tráng, cũng được về mặt số lượng, ví dụ như tụi em có tiềm lực gì đó, khả năng gì đó chia sẻ cho mọi người. Nhưng ở đây có một điểm rất là quan trọng trong xây dựng hệ thống, đó là BƯỚC TỪNG BƯỚC NHỎ.
MẮC XÍCH GIỮA CÁC NETWORK 
Hiện nay công cụ Facebook là một công cụ cực hay, hay Goolge plus, các mạng xã hội mà mọi người biết, nhưng mắt xích giữa các node (nốt mạng) với nhau, mình thấy nó dầy vậy chứ thực ra nó không dầy. Nếu như những người ở trong mắt xích của mình họ không hiểu mình là ai, mình đang làm gì, thí dụ như trước đây tài khoản cũ facebook cá nhân của anh có 5.000 người, nhưng những người hiểu được anh làm cái gì thì không đến con số 1.000. Thế thì cái chất sẽ không có. Rồi anh convert tài khoản đó sang fanpage, giữ ở đó, không làm gì hết.
Vậy nên ở đây, cái chất lượng của từng node, từng node ở đây nghĩa là từng mắt xích (về hệ thống mà nói). Người ta nói rằng, để mình thành công tốt hơn, người ta có một nguyên tắc là cứ đi tìm, đi tìm người, rồi đi train, train là gì, là chia sẻ những gì tốt đẹp cho họ, những gì có lợi cho họ, thì họ cũng sẽ feedback lại cho mình – đó là một nguyên tắc. Nguyên tắc thứ hai là khi train xong rồi thì đừng có sợ họ lấy của mình, họ sẽ train cho những người khác. Những cái đó chắc chắn nó thuộc về mình. Trong quá trình đó, về mặt hệ thống nó sẽ đào thải những người không thuộc phong cách, không cùng style với các bạn. Chuyện đó là chuyện nhỏ. Và chúng ta lại tiếp tục đi tìm. Dần dần hệ thống chúng ta sẽ có những node thật chắc. Khi đó các bạn alô làm chuyện gì cũng được. Còn nếu các bạn không alô được ai thì lúc đó các bạn mệt.
LUÔN TÌM KIẾM NHỮNG NGƯỜI MỚI 
Phần tiếp theo là về mặt tổ chức theo nhóm, và ứng dụng nguyên tắc là luôn luôn tìm kiếm những người mới, xem xem đằng sau đó họ có thể giúp được mình điều gì, thì dần dần hệ thống của mình sẽ nở ra, và có từng nhánh. Thì sau này dù bạn không làm đa cấp hay bạn bán cái gì đó, thì cũng sẽ bán được. Hay chí ít là về mặt cuộc sống, người ta cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn. Điều quan trọng là làm sao để họ biết được mình đang làm cái gì, mình có làm hại người ta hay không. Đó là những điều về mặt phương pháp.
Rõ ràng là không ai muốn mình thất bại cả, tuy nhiên cái thất bại lớn nhất là tự cho mình làm được nhiều thứ. Thực ra cũng có những lúc anh nghĩ rằng chuyện nào đó chỉ có anh giải quyết được thôi, nhưng rồi càng giải quyết thì càng ngày càng bí. Nên mình lật ngược thế cờ lại, đẩy nó ra, dành cho người khác xử lý. Điều quan trọng là người khác có sẵn sàng xử lý giúp mình hay không. Chuyện đó rất là quan trọng. Ở đây về mặt hệ thống, các bạn lưu ý là nếu như những node xung quanh chúng ta, những người xung quanh chúng ta họ không biết chúng ta làm cái gì, thì khi họ đi ra ngoài họ sẽ nói về mình một cách rất là hời hợt, họ không biết nói cái gì hết. Thí dụ anh sẽ không biết nói về Tâm ra sao, anh không biết nói về Hiền ra sao, nói về Thành ra sao. Tại vì anh đâu có chăm đâu, anh để mặc các bạn tự làm gì thì làm thì sẽ rất là mệt. Các bạn cũng không biết nói về anh ra sao, thì làm sao anh thành công được?
TẬP TRUNG THỜI GIAN CHO NHỮNG NODE CHÍNH 
Thế thì ở đây, thêm một nguyên tắc nữa, nguyên tắc tập trung mà người ta hay gọi là 80/20 đó, là mình cần dành thời gian cho những node chính, những mối quan hệ chính yếu nhất trong từng lĩnh vực xung quanh mình. Khi lên facebook, các bạn sẽ thấy anh Chinh đi hội nghị này, hội nghị kia, gặp rất nhiều doanh nhân, nhưng thực sự các mắt xích ở trong đó là bao nhiêu, chỉ có anh Chinh mới biết được thôi. Nhưng nói luôn với các bạn là nó không có nhiều. Thí dụ như mình nhìn thấy một event nào đó, một nơi nào đó người ta đi đông thật đông, nhưng thật sự các mắt xích ở trong đó không có nhiều. Lý do là gì? Vì mình đã yếu ngay từ tư duy hệ thống networking. Và lý do những người làm đa cấp thất bại là vì họ không có nền tảng về mặt tư duy, về mặt hệ thống, nên họ cứ mong muốn đi bán cho bằng được, chứ không phải là đi xây.
Nếu các bạn muốn đi từ điểm này đến điểm kia, thì điều đầu tiên là cần vẽ được con đường trước đã, và con đường đó có những người cùng xây với mình, thì mình mới đi được. Thế nhưng có những người mới đi đến đây là đã muốn bán rồi, muốn bán liền. Thì điều đầu tiên mà người ta hay lo lắng là, tự dưng tôi phải trả tiền cho ông này. Người ta sẽ thắc mắc tại sao tôi phải trả tiền cho ông này? Ông này có cái quái gì mà tôi phải trả? Thế thì ngược lại, việc xây ở đây ở là gì, chúng ta đưa cho họ một lợi ích gì đó để họ sẵn sàng chơi với chúng ta. Khi có nhiều người cùng chơi với chúng ta thì ở nhánh này chúng ta sẽ thành công. Tiếp đến nhánh bên này cũng thế, mình đi mình có giúp được người ta điều gì không? Nên về mặt quan điểm kinh doanh mà nói là chúng ta đang đi giúp người ta làm một việc gì đó mà người ta sẵn sàng trả ngược lại. Thí dụ như kem đánh răng là để giúp chúng ta đánh sạch miệng.
1 CÂU CHUYỆN NHƯNG MỖI NGƯỜI SẼ CHIA SẺ THEO KIỂU KHÁC NHAU. NHỎ TUỔI CHƯA CHẮC DỞ MÀ GIÀ ĐỜI CHƯA CHẮC GIỎI 
Nên tinh thần của anh em mình  là thực ra chúng ta đang đi chia sẻ, chứ không phải đi bán. Chúng ta đi sharing information, những cái hay. Thực ra, anh nói thiệt luôn, về mặt nguyên tắc thì chỉ có mấy nguyên tắc đó thôi , nhưng đối với mỗi một người bạn, mỗi bạn ở đây sẽ có cách diễn giải khác nhau hay hơn anh nhiều. Hay hơn anh là vì sao? Vì em có thể nói được cho bạn kia nghe, còn anh thì không nói được. Ví dụ như cỡ tuổi của em (Hiền), anh đâu có nói được. Cỡ tuổi ngang anh hoặc cao hơn anh thì anh nói được, chứ còn cỡ tuổi của em thì anh nói các bạn đó sẽ không hiểu. Hoặc là do ngôn ngữ, do ngữ cảnh cũng khác nhau nữa, họ sẽ không hiểu.
Nên ở đây, một phần nữa anh muốn chia sẻ thêm nữa là, trong network của mình, sẽ có những người cao tuổi và thấp tuổi. Nhưng tuổi tác không quan trọng bằng tư duy của mỗi người. Nó có “the same” hay không, có nghĩa là gần tương đồng với nhau hay không. Nên nhỏ chưa chắc đã giỏi, mà lớn cũng chưa chắc đã giỏi.
CẦN ĐƯỢC GIÚP ĐỠ, NÓI THẲNG RA LÀ DỄ NHẤT 
[Hiền]: Thực ra thì em cũng mới làm nhân sự, nên thời gian ban đầu em cũng tập trung vào gặp gỡ, tìm hiểu những người thầy đi trước để mình học hỏi thêm kinh nghiệm, rồi đến thời gian khi em thấy em phải mở rộng, bây giờ em làm bên lĩnh vực về công nghệ thông tin, nên em hay phải nói chuyện với những người làm bên lĩnh vực công nghệ thông tin, mở rộng bên đó để em có thể tìm được những nguồn ứng viên cho mình nữa, nhưng điều mà em gặp khó khăn là khi mình càng mở rộng, càng mở rộng thì mình phải có những mắt xích, nhưng mà cái mắt xích đó còn phải phụ thuộc vào 2 bên nữa, và mình cần cho người ta thấy được lợi ích dành cho họ. Vậy thì anh có cách nào để người ta show trước rồi mình show sau được không?
[Anh Chinh]: Tức là em đang ngại là người ta nói em không biết gì, đúng không? Thế thì quay trở lại câu hỏi: mình có gì để mình cho người ta? Ngày xưa, khi anh mới ra trường, làm sao anh có thể ngồi ăn trưa nói chuyện cùng những chuyên gia hàng đầu được, mà không tốn đồng nào hết? Nhiều khi chỉ tốn một dĩa cơm khoảng 20-30 ngàn đồng là maximum. Và anh đi học hầu như anh không mất khoản phí nào hết. Thế thì anh có cái gì để anh cho họ? Anh có cái mặt. (Ý anh Chinh nói là “mặt dày” chăng?) Thông thường, khi mình nghĩ là người ta sẽ cười mình, người ta nói “con nhỏ này nó không biết, dở quá!”, cái đó là TỰ MÌNH NGHĨ thôi, chứ không có ai nói vậy, mà nếu có cũng rất ít, chỉ một số người thôi.
Thế thì ở đây mình cho họ cái gì, ngày xưa anh cho họ cái gì? Anh cho họ những bài toán mà họ chưa bao giờ gặp. Bài toán là gì? Anh đang gặp vấn đề đó, anh hỏi là anh hỏi thẳng luôn: “em bây giờ nè, đang gặp vấn đề đó đó, với kinh nghiệm của anh thì giải làm sao”? Không có ai tiếc với em về điều đó, mặc dù nhiều khi họ cũng không biết. Và anh coi họ là người thầy. Một ngày nào đó anh cũng sẽ hỏi: em ơi, chuyện này giải làm sao, anh đâu biết giải. Thực ra, về tư tưởng thì họ là người thầy, hơn nữa, mình đang cho họ cái gì em biết không? Mình đang cho họ cái trải nghiệm thực tế. Em đang cho họ một góc nhìn khác, và đừng nghĩ rằng mình hỏi điều đó là mình ngớ ngẩn. Ai cũng phải có lúc ngớ ngẩn mà! Điều quan trọng là mình có dám nói ra điều đó hay không.
Đó, ngày xưa anh làm cách như vậy đó! Khi những chuyên gia hàng đầu họ vô lớp dạy hoặc đi nói chuyện ở đâu đó, anh muốn gặp mấy ông đó là anh gặp, rồi anh nói, em muốn mời anh đi uống café, ăn trưa. Họ thường hay hỏi là: có gì không? Anh mới nói là: em có tình huống này, trong công ty em giải không được, em không biết cách làm, muốn hỏi anh. Đó cũng là một cách. Còn bây giờ tự dưng mình nghĩ: thôi, nói ra thì sợ người ta nói mình dốt – điều này làm chậm tiến trình của mình. Nếu có gì đó thì nói thẳng ra: tui cần giúp đỡ.
GÌN GIỮ NETWORK TIỀM NĂNG, KHI MÀ CHÚNG TA CHƯA CÓ BENEFIT GÌ CHO HỌ 
[Hiền]: Nhưng nếu giả sử như lúc đó mình chưa cần, nhưng mình biết là sau này mình sẽ phải liên hệ với họ, thì cách mình nói chuyện để giữ mối quan hệ với họ như thế nào?
[Anh Chinh]: Bây giờ ngoài chuyên môn, em có gì để cho họ nữa không?
[Hiền]: Em nghĩ chỉ là những câu chuyện trong cuộc sống thôi, cái cách suy nghĩ.
[Anh Chinh]: Maybe. Anh nghĩ sẽ có rất là nhiều cái. Vì ngoài công việc ra họ còn có nhiều mối quan tâm khác. Trừ chuyện tình cảm ra, nếu đã đi làm ăn thì thôi. Còn rất là nhiều thứ trên đời này có thể bàn được. Nên, theo quan niệm của anh, ông Keith Ferrazzi ổng viết 2 quyển sách đó (“Đừng bao giờ đi ăn một mình” và “Ai che lưng cho bạn”), hồi xưa ổng là người lượm banh (caddie) trong sân golf, ông không ngại làm bất cứ điều gì. Thế thì, em có dám xuất hiện ở nơi mà những người đó hay đi đến không? Anh mới nói với họ là: “anh, em đang cần có nhu cầu…” – mặc dù thực sự mình không có, thậm chí mình không có nhu cầu đó luôn – “… nhưng em muốn đi học!”. Hổng lẽ họ nói: “em mà học cái gì?!”, mà họ nói: “Sắp xếp được thì mời em đi”, hoặc chí ít là họ cho nơi, cho biết địa điểm, nơi nào cần học cần đi. Thì mình cũng giữ được relationship, mối quan hệ, và khám phá xem đằng sau công việc thì họ có những gì mà họ có thể chia sẻ được với mình. Dĩ nhiên con người thì còn nhiều trò khác nữa, nhưng chí ít là mình có thể hiện được mong muốn là mình muốn chơi với họ hay không.
Về mặt kinh nghiệm thì anh thấy rằng anh không có sợ, không có ngại điều gì hết, thậm chí anh dở thì anh nói anh dở, cái đó anh làm chưa được. Giống như hiện giờ sản phẩm các bạn cầm lên thấy cũng tạm gọi là dữ dằn đó, nhưng thực ra về mặt chuyên môn là chưa đạt. Những người làm bên chuyên nghiệp họ nhìn vô họ biết chưa đạt. Thì mình cũng chấp nhận luôn. Tại vì tui làm chưa tới, tui hông có biết mà. Thì mình lắng nghe họ xem họ nói cái gì để mình về mình sửa. Thế thì anh cho họ cái gì? Anh cho họ sự tự hào. Tại vì khi em chỉ dạy một cái gì cho ai đó, em thấy sướng lắm, có phải vậy không? Cũng giống như em về chỉ dạy cho mấy đứa em, đứa cháu ở nhà, xong rồi em sướng lắm, mặc dù chưa biết nó làm được hay không. Đó là tâm lý chung. Cho nên hãy cứ với tư thế là một người đi học. Dĩ nhiên có những cái họ phải học lại mình. Cái nào mà mình tự tin làm được thì phải hô làm cho được, vì cái đó là của mình, cái riêng của mình. Học là quá trình 2 chiều mà. Ví dụ, mình khẳng định được: em học anh điều này, anh chỉ những gì, đến nơi nào, em học được gì, tuy nhiên cái mà em có thể cho mọi người là cái này nè, khả năng em có thể làm được điều đó. Nó sẽ khác với thái độ từ từ, ngại ngùng của mình.
MỖI NETWORK PHẢI CHỌN LỌC NGƯỜI KỸ  TỪ ĐẦU 
Ngày xưa anh không có ngại bước vô chỗ nào hết. Sau này thì anh chọn lọc bạn anh chơi, nếu không thì sẽ nhiều quá, mất thời gian. Lưu ý thêm một điều nữa: THỜI GIAN. Như vậy trong thời gian này các bạn xác định mình cần network gì? Network dành cho tài chính? Hay là network dành cho sức khỏe? Hay network dành cho mua bán? Mấy cái lane (lãnh vực) đó khác nhau áh, hổng có giống nhau. Mình thì nghĩ ông này quen quen, chắc ổng bán hàng được cho mình. No, không được. Như vậy, trong lĩnh vực tài chính phải có network riêng. Trong lĩnh vực về sức khỏe phải có network riêng. Ngay cả trong lĩnh vực con cái cũng cần có network riêng. Còn nếu gom chung những người đó lại với nhau, thì theo kinh nghiệm của anh, nó hổng có ý nghĩa gì hết, chỉ mệt thêm. Nên ở đây, từng nhánh, từng nhánh, mình cần có những người tinh túy.
Còn network về kinh doanh thì lại khác. Đến một ngày nào đó, các bạn sẽ trải qua cảm giác giống như anh, thí dụ như anh thấy cái sản phẩm đó rất là hay, nhưng mà anh bán không được. Lý do là anh không có network trong ngành đó. Nếu anh muốn bán được thì anh phải thâm nhập vào trong ngành đó. Thí dụ nếu anh muốn bán yến sào thì anh phải chui vào ngành sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp. Còn ví dụ như social nó chỉ là một công cụ để hỗ trợ cho mình đi nhanh hơn thôi. Chứ không có nghĩa nó là một công cụ vạn năng. Thí dụ như anh có một nhóm bạn thơ trên facebook, một cách vô tình thôi. Anh làm những bài thơ, xong họ thấy thích, họ vô họ đọc, comment, comment, xong họ kết bạn với mình, mình kết bạn với họ, nhưng chưa bao giờ anh gặp ai, chỉ gặp đúng một anh duy nhất thôi, còn mấy người khác thì ở Long An, Cà Mau, Kiên Giang, Hà Nội… nhiều lắm. Nhưng mà cuối cùng là mình chưa bao giờ mình gặp họ hết áh. Thì thực ra cái network đó nó có chắc không? Anh thì anh không thấy chắc.
Dĩ nhiên về mặt tư tưởng thấy vui vui là được. Nhưng cái vui vui đó nó không mang lại tiền. Nên ở đây nếu có nhánh nào để relax là hoàn toàn để relax thôi, đừng quan tâm đến chuyện khác. Thí dụ như anh cũng có những bạn nhậu, những bạn đi chơi đàn hát, anh không đi dancing, anh không đi bar. Anh thích thì anh cầm cây đàn guitar rủ mọi người đi hát chung, ngồi quán nhậu hát rồi thôi, về. Và hầu như không có một cái gì liên quan đến business ở đây hết. Nhưng đằng sau đó có thể có một số người hỗ trợ mình được. Còn cái gọi là business thì là business, kinh doanh là kinh doanh.
Về mặt hệ thống, chúng ta cũng định ra các luồng, thì như vậy mình sẽ cần món nào? Ví dụ như chỗ Tâm: sức khỏe, dinh dưỡng, tâm linh – là em đang có network về mấy cái đó. Thì dần dần sau này khi em xây dựng các hệ thống kế bên nó, bán cái gì cho luồng này? Dần dần nó sẽ ra, rồi tiếp tục, tiếp tục, tiếp tục… Vậy nhiệm vụ của chúng ta là ngồi vạch ra xem mình cần những network ở chỗ nào, ưu tiên cái nào trước, giống như cái master plan về networking vậy đó. Thực ra anh nói luôn, về ngành networking, trước đây không có một đơn vị nào đào tạo về skill hết, không có đào tạo về kỹ năng, mà tự do kinh nghiệm của mỗi người hết. Anh cũng chỉ là một trong những người có kinh nghiệm thôi, chứ về đào tạo bài bản thì anh không có. Anh cũng chỉ đọc sách, anh cũng chỉ ứng dụng, chứ anh không phải là người có lý thuyết nền tảng về cái đó.
Nên, quay lại về mặt hệ thống, có một kinh nghiệm thế này: ĐỪNG QUÁ VỘI VÃ TRONG BẤT KỲ CÔNG VIỆC NÀO LIÊN QUAN ĐẾN HỆ THỐNG. Cứ bình thản, nhưng chí ít là xác định được: người này thực sự nằm trong hệ thống của mình được hay không? Cứ tiếp tục một vòng xoáy là đi tìm, đi chia sẻ, đi train. Họ làm không được, họ nhảy ra, có người khác nhảy vô. Giống như công ty vậy đó, công ty thì sẽ có người ra người vô. Hông có công ty nào mà ổn định về mặt nhân sự hết, cứ có người ra người vô, nên mới cần có bộ phận nhân sự, chứ có ai mà vô làm suốt đời đâu, làm suốt đời chỉ có một phần nào đó thôi.
Những gì anh nói chỉ là kinh nghiệm mà thôi, nhưng anh thì anh quan trọng ở hệ thống nhiều hơn là kỹ năng. Thí dụ như bây giờ sẽ có nhiều lớp mở ra về kỹ năng networking A, B, C, D gì đó. Cũng tốt thôi. Tuy nhiên nếu không có tư duy về mặt hệ thống, bạn có 5, 7 skills thì bạn cũng rớt àh. Và hiện nay các công ty họ tồn tại, họ cũng có hệ thống của họ. Họ có quy trình, cách làm việc, ứng với tình huống nào sẽ có cách xử lý tình huống đó, thì công ty đó có khách hàng. Còn những công ty nhỏ nhỏ như anh thì thời gian đầu anh tự làm hết toàn bộ. Nên khởi nghiệp cũng cực lắm, chứ không phải đơn giản. Nên dần dần mình làm mình rút kinh nghiệm từ từ. Thứ hai nữa là mình chịu nghe, nếu không chịu nghe thì cũng đuối lắm. Còn bây giờ không có ông nào đào tạo hệ thống networking là gì.
KIẾM ĐƯỢC BENEFIT TỪ NETWORK KO QUAN TRỌNG BẰNG LÀM VIỆC LÂU DÀI VỚI NHAU
Nên, quay lại công việc của mình, thực ra anh chỉ mong muốn các bạn ở chỗ là chúng ta làm sharing cái tinh thần của nó, và nó cũng là một công cụ để mở rộng network của các bạn, gia tăng tốc độ làm việc cũng như tốc độ quan hệ của các bạn, nói riêng về mặt networking hay trong cuộc sống. Chứ nó không phải là cái có thể kiếm tiền cho các bạn giàu có, nhưng chí ít là nó có thể giúp cho các bạn với anh làm việc lâu dài với nhau. Nên ở đây đừng có expect cao, mong đợi ở nhau nhiều quá. Vì nếu mong đợi cao quá thì sẽ dẫn đến tình trạng là mình chỉ lo đi săn mà không lo đi trồng. Anh muốn là chúng ta đi trồng, nghĩa là đi sharing. Tui thấy cái quyển đó hay, tui xài được, tui share cho anh chị, tui cập nhật trên blog, tui chia sẻ những câu chuyện liên quan về nó v.v… thì dần dần người ta sẽ thấy cái này cũng hay, rồi em nhấn thêm một bước nữa, ah cái này thực ra em bán, nhưng bán ở mức độ giá này thực ra hông có cao. Tức là phải có trải nhựa trước, thì mới có xe đi, còn không có trải nhựa trước, xe không có đi được.
CỐ GẮNG HÒA HỢP PHONG CÁCH SỐNG VỚI KEY PERSON 
[Thành]: Em thì em đọc cuốn “7 chiến lược thịnh vượng” của Jim Rohn thì nó có một phần liên quan đến mối quan hệ, tác giả chia sẻ là khi mình ở giữa những người chiến thắng thì mình cần học cách họ sống như thế nào, mình chơi với cùng phong cách sống của họ, mình học cách chấp nhận thưởng thức những bữa ăn giàu sang. Khi mình gặp những người mà mình cho là có phong cách sống mà mình ngưỡng mộ họ, thì mình sẵn sàng mời họ một bữa ăn tối, và trong thời gian ăn tối đó, mình coi cái cách họ ăn, cái cách họ chia sẻ kinh nghiệm. Vì người thầy, người mentor của mình họ có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng họ cũng rất bận rộn, và thời điểm tốt nhất để họ chia sẻ kinh nghiệm, vốn sống của họ là khi ăn tối. Đó là nội dung em đọc trong cuốn “7 chiến lược thịnh vượng”, trong đó nói là mình nên ăn tối với những người chiến thắng, ở giữa những người chiến thắng, hòa nhập với phong cách sống của những người chiến thắng.
[Anh Chinh]: Đó cũng là một cách họ chỉ ra. Không biết em cảm nhận sao, nhưng có một cái liên quan đến thói quen. Nguồn lực của chúng ta có đủ để thực hiện những điều đó hay không? Nên trong những người chiến thắng đó cũng cần có sự chọn lọc, và cần thêm một điều nữa là điều chỉnh cái thói quen. Thực ra cái mà anh thấy ở chỗ này là mình cần nắm bắt được những suy nghĩ của họ, chứ không phải là mình làm y như họ.
[Thành]: Hòa hợp với cái phong cách sống của họ…
[Anh Chinh]: Nói hòa hợp thì thực ra nó dễ về mặt từ ngữ, nhưng thực sự khó. Ngay cả các bạn thấy trên facebook timeline của anh, anh ngồi với rất là nhiều người, từ thành công có, thất bại có, nổi tiếng có, showbiz cũng có luôn. Thế thì anh có hòa hợp được với họ không? Chưa chắc. Mặc dù anh vẫn có style của anh, nhưng khi đi đến đó anh vẫn đúng style doanh nhân. Vậy nên điều quan trọng là mình cần nắm bắt được suy nghĩ của họ, chứ không cần làm đúng giống như họ. Những người làm kinh doanh thì họ nghĩ đơn giản lắm. Anh em mình nhiều khi học nhiều, đọc nhiều, suy luận nhiều, chứ họ thì nghĩ đơn giản lắm: cái này mua bao nhiêu, bán bao nhiêu. Hoặc thay vì anh làm chuyện này, anh sẽ nhờ người khác làm. Họ có một điều quan trọng là dám làm, chịu làm, và họ không ngại gì hết.
Ở đây cũng có một cái khó cho anh em mình: những người làm quen với kinh doanh thì thấy tiền là thấy khoái rồi, nhưng quay ngược trở lại thì số tiền họ trả cho mình thực sự có cân đối về mặt giá trị hay không? Nếu vậy thì mình đưa ra trước đi, mình không có tiền đưa ra thì mình đưa sức lực của mình ra, trí tuệ của mình ra, bán cho người ta, rồi dần dà mình tích lũy đủ tiền rồi, có chút tiền rồi mình quay ra mình đầu tư, mình làm riêng… Ngay cả ví dụ như nhìn anh, một phần nào đó anh là business man, nhưng một phần nào đó anh vẫn là người đi làm công bình thường. Làm công nghĩa là làm sao? Anh đi đến công ty người ta, anh đi dạy nghĩa là anh đi làm công đó. Anh chỉ có một mảng duy nhất thôi,  anh tạo ra để mua bán, thì gọi là business, nhưng nó vẫn còn nhỏ, vẫn chỉ mới nở trứng ra thôi.
HỆ THỐNG CHẠY ĐƯỢC MỚI  LÀ BUSINESS
Quay trở lại là, hiện nay anh vẫn làm công, thí dụ anh mua cái này anh bán cái kia thì là business đó, rồi sau này anh không mua anh không bán mà tiền vẫn vô thì đó là business. Và xung quanh anh có một hệ thống networking mà thực sự hệ thống đó gắn lại thành một công ty, một business chạy được, thì cái đó mới gọi là business. Chứ không phải business là anh khoác vô áo doanh nhân, xong anh đi chỗ này anh đi chỗ kia thì mới là business đâu. No! Mình cần nhìn rõ bản chất vấn đề. Với anh, anh rất là fair trong chuyện này đối với mọi người. Mặc dù mình đang sinh hoạt trong các hội đoàn về doanh nhân, nhưng thực sự mình vẫn đang đi làm công, chỉ có phần nào đó là business thôi. Nhiều người nghĩ mình là hoành tráng lắm, nên sinh ra ảo tưởng.
Thêm nữa là cái đó nó rất là nguy hiểm. Khi bước vào một lãnh vực, một sân chơi mà cái tầm của mình có thể chưa đủ để chơi, nên ở đây nếu mình có nền tảng vững ngay từ bây giờ, có nghĩa là nền tảng mối quan hệ bền vững ngay từ bây giờ thì các bạn nhảy vô chỗ nào các bạn cũng không mất tự tin, các bạn nhảy vô chỗ nào cũng được. Nhưng ở đây nó có một phần là, ngày xưa không có ai nói cho mình chuyện này, mình tự mình bơi từ từ từ từ, rồi cuối cùng mình nhảy vô một nơi nào đó, thì giống như Thành chia sẻ câu chuyện về “7 chiến lược thịnh vượng” ở trên, tuy người ta khuyên mình nên làm như vậy, nhưng mình đã đủ nền tảng chưa? Nhiều khi vô ngồi nghe mấy ông kia ổng nói chuyện mình ngồi mình ngớ người ra, mặc dù mình phong cách cũng giống mấy ổng.
ĐỪNG MÃI MÃI CHUẨN BỊ. LÀM NGAY VÀ LUÔN!!
Nên quay lại ở chỗ, ngoài cái việc gặp, đứng giữa những người nổi tiếng, đứng giữa những người thành công ra, thì cái phần chuẩn bị, chuẩn bị không phải là mình ngồi đó mình nghĩ, chuẩn bị là cứ làm đi. Quá trình làm là quá trình tích lũy và chuẩn bị cho tương lai của mình, chứ không phải quá trình làm là quá trình bỏ đi. Quá trình này mình làm càng nhanh thì mình chạy kịp những người lớn tuổi hơn, còn nếu quá trình này mình chạy chậm, mình sẽ không đuổi kịp những người kia, và thậm chí còn bị tụt hậu nữa. Nên quá trình làm là quá trình chuẩn bị.
Nên bây giờ không cần phải ngồi chuẩn bị nữa, làm luôn. Định hướng trong đầu xong là làm luôn. Và đừng bao giờ nghĩ rằng những công việc mình đang làm hiện tại nó không có giá trị. Ví dụ như anh thấy là nhiều bạn nhảy công ty này nhảy công ty kia, vì lương, tại chỗ đó ông sếp không tốt… Anh nghĩ, quá trình mình làm là quá trình mình chuẩn bị cho tương lai. Nếu em làm không tốt chỗ này thì em đi chỗ khác em làm cũng không tốt. Mình có thể nhìn lương, nhưng mà bây giờ, tích lũy, gói ghém được, miễn sao bạn thấy đủ. Đó gọi là, khi cây lúa đủ lực rồi, thì gió qua lại nó cũng không ngã. Còn bây giờ mình chưa vững, chưa bám rễ xong mà đòi nhảy qua đám ruộng khác, rồi mình cứ đung đưa đung đưa như vậy; và khi gặp một cuộc chơi khác lớn hơn, lúc đó bơi thì đó gọi là mất căn bản, mất nền tảng rồi thì chúng ta lại càng bơi, chúng ta lại càng khổ thôi.
Hiện nay, quay lại điểm này, nếu muốn làm bất cứ điều gì thì cần có nền tảng, cái khung của nó. Cái mà anh nói với các bạn ngày hôm nay nó là cái khung về networking. Ở đây mình muốn kiếm tiền nè, mình ở đây thì xung quanh mình có những người khác xuất hiện không? Mình nhìn vô đó là tự nhiên mình thấy được, đo được. Giống như Tâm làm master plan trên một trang giấy em vẽ ra đó, thì bây giờ em thêm vài nút nữa là, trong mảng công việc này nè, đã có đủ người giúp mình chưa? Để mình nâng lên một tầm cao mới. Rồi trong mảng sức khỏe nè, đủ người giúp mình chưa? Không đủ thì đi tìm. Mình biết họ, và họ biết mình. Rồi những vệ tinh cứ quay đều, quay đều xung quanh mình. Trừ khi nào mà mình mất năng lượng. Thí dụ như bản thân anh lâu lâu anh mất năng lượng là anh chẳng muốn làm gì hết, anh chỉ muốn nằm thôi. Nhưng rồi qua khỏi giai đoạn đó thì tự động phải trỗi dậy, đi làm tiếp. Nhưng mà đừng để cho thời gian đó kéo dài quá. Lâu lâu anh có thể nằm lỳ ở nhà một ngày, đi ra đi vô như người mất hồn. Nhưng mà xong ngày đó rồi thôi, lại tiếp tục quay trở lại làm việc.
Chứ còn không thể lúc nào mình cũng luôn luôn căng cứng, phải xả chứ. Thì đó là những kinh nghiệm của anh trong việc xây dựng hệ thống networking là như vậy. Còn để vẽ ra tờ giấy thì dễ lắm, các bạn đặt trên vòng tròn ở giữa, mình là ở tâm nè, rồi cái mảng này đủ người chưa, mảng bên này đủ người chưa, giống như cái bánh xe vậy đó, đủ thì chạy tốt, không đủ thì chạy không tốt. ĐÃ ĐỦ NGƯỜI CHƯA? Còn chuyện dạy họ gì đó thì cũng không cần thiết, họ dạy lại mình có khi hay hơn. Còn nếu mà mình có khả năng chia sẻ, khả năng hướng dẫn, dạy bảo, dạy mà người ta không nghĩ mình dạy thì rất tốt. Còn những cái chiến thuật như đi chỗ này gặp ông kia, đi chỗ kia gặp ông nọ, nó không cần thiết lắm. Là do cái nội lực của mình. Nhiều khi về mặt kỹ năng, mình đi đến đó rồi, không biết nói chuyện gì với ông đó, cuối cùng nói: “anh ơi, gặp anh em ngưỡng mộ quá trời luôn!”, rồi hết.
Thế thì phải quay lại cái nội lực của mình, những chia sẻ nào mà mọi người sẵn sàng nghe mình. Và ở đây có một ý nữa liên quan đến cái từ gọi là “quan điểm”. Mặc dù mình nhỏ, mặc dù mình ít kinh nghiệm, nhưng mình cần nói “quan điểm của em trong chuyện này là thế này…”. Hông ai trách được hết. Tại cái điều đó rất quan trọng, mặc dù quan điểm của mình nó chưa phù hợp, hổng có sao. Nhưng cái đó là cái chính kiến. Nếu các bạn nói lên được điều đó, thì các bạn đã thành công rồi. Và khi mình nói ra rồi thì ấn tượng chạy vô cái đầu ông kia. Chí ít thì mặc dù nó không nói đúng chủ đề, mặc dù nó ít kinh nghiệm, nhưng nó vẫn có giá trị gì đó. Cho nên anh muốn là, khi các bạn làm, đừng quá lo lắng về chuyện đó.
TRẢI NGHIỆM, CỦA MÌNH NÓI RA MỚI CÓ GIÁ TRỊ THUYẾT PHỤC
Còn kỹ năng kể chuyện thì nó dễ lắm. Trên mạng đầy ra đó. Nhưng chuyện đó phải là chuyện thật. Nghĩa là sao? Là chuyện đó mình đã từng trải nghiệm qua rồi. Ví dụ như các bạn mua quyển sách bí quyết trình bày của Steve Jobs về các bạn học, học xong rồi các bạn ra thực hành, người ta vẫn nói các bạn là lý thuyết. Đơn giản là áp dụng các nguyên tắc trong đó. Là thực tế nhưng khi qua tay mình nó lại là lý thuyết, thì người ta nói mình là lý thuyết. Thì quay lại, mua quyển sách về để học, mặc dù ông Steve Jobs ổng nói vậy đó, nhưng mà theo tui thì tui phải nói thế này này. Mỗi một câu nào nói ra, nó là cái của mình, tự mình đào, mình sáng tác nó ra, pha trò cho nó. Thì những câu chuyện của mình, mặc dù mình nói ít đi chăng nữa, nhưng vẫn có sự lôi cuốn. Chứ còn những kỹ thuật như là nhấn giọng, luyện thanh gì đó – cần, nhưng không có thiết (ở đây anh Chinh chiết tự 2 chữ “cần thiết”). Còn mấy cái kia nó cần hơn, vì là câu chuyện thật.
Ở đây nó có một phần gọi là story-telling (kể chuyện). Người nào kể chuyện tốt thì có sức hút tốt hơn. Thí dụ như các bạn nghe có những người họ nói chuyện rất là cục mịch. Em gặp một vài người doanh nhân đó, họ là những ông chủ, nhiều khi em gặp sếp em, em nghĩ “trời ơi, sao cái ông này ổng nói chuyện cục mịch thấy mồ mà ổng làm sếp mình!”. Nhưng mà cục mịch nó có cái duyên của nó, nó có cái giá của nó, không phải đơn giản đâu. Có những người bình thường ít nói, nhưng khi họ phát ra một câu thì tất cả mọi người đều cười. Mình không cần phải quá lo lắng về chuyện này. Mà cái chính là làm sao các bạn có thể có được những câu chuyện thật để các bạn chia sẻ, là được.
CHIA SẺ GÓC NHÌN, NHẬN RA CÁI GIỐNG VÀ KHÁC . GIỐNG THÌ PHÁT HUY. KHÁC THÌ TÔN TRỌNG
[Hiền]: Nhưng đôi khi có chuyện mà do cái cách suy nghĩ nó không có tương đồng áh anh, đâm ra cái cách chia sẻ của mình nhiều khi cũng không hướng đến người ta nữa…
[Anh Chinh]: Em cứ nói từ góc nhìn của những bạn trẻ như em. Thí dụ Tâm lớn tuổi hơn em, đi gặp em tại một event nào đó, thì tại buổi café chia sẻ chí ít cứ nói là tình cờ gặp nhau. Thì rất đơn giản thôi, em có thể chia sẻ theo góc nhìn của tụi em. Tâm với Thành nói chuyện này thực ra em nghe em biết, nhưng mà “ở góc nhìn của tụi em thì…” – em có thể bắt đầu bằng cụm từ đó, thì mọi chuyện nó sẽ khác. Và mình cũng tôn trọng họ, họ cũng tôn trọng mình. Trước đây anh cứ nghĩ mình là trẻ nhất rồi, nhưng rồi dần dần anh tiếp xúc với các bạn cỡ như Hiền nhiều hơn, thì anh thấy mình lại già quá rồi. Thực ra anh học được từ các bạn trẻ nhiều lắm, sinh tầm khoảng năm 88, 90, 91, 92, kể cả 95. Mà bây giờ anh không có sợ già nữa, sẵn sàng đi gặp.
Khi về rồi, các bạn chịu khó để ý một chút thôi, không cần lập kế hoạch chi cho hoành tráng. Để ý một chút, trong lĩnh vực này mình đã đủ người chưa? Hổng đủ thì đi tiếp tục xây. Thế giới ngày nay là thế giới của networking.
=========================
==NGUYEN DUC MINH TAM==