Tuesday, October 8, 2024

KHINH KHÍ, NHIỆT HẠCH













.
Hôm nay twitter tràn ngập tin Bắc Hàn thử thành công bom H.
Hôm nay Nhật Bản, Trung Quốc phát hiện (detect) được 2 cơn địa chấn nhân tạo (artificial earthquake) ở Bắc Hàn. Hai đợt động đất này cách nhau 8 phút. Cơn địa chấn thứ nhất có độ mạnh cấp độ 6.3 (6.3 magnitude).
Thế giới đã bỏ đơn vị đo (thứ nguyên) động đất cũ là Richter (đặt theo tên Charles F. Richter, người phát triển hệ đo sức mạnh của động đất này vào năm 1934). Hệ đo Richter (Richter Scale) không thể hiện chính xác độ mạnh của các cơn động đất lớn nên người ta nghĩ ra hệ đo động đất mà hiện nay thế giới đang sử dụng: Moment Magnitude Scale. Chữ cấp độ (magnitude) một thuật ngữ đã được dùng trong thiên văn học.
Cấp độ được tính theo logarith cơ số 10. Nghĩa là cứ tăng 1 cấp độ của thang đo, thì cường độ rung chấn mặt đất cao lên 10 lần. Tờ Wall Street Journal nói cơn địa chấn (động đất) nhân tạo ở Bắc Hàn hôm nay là Cấp độ 6.3, mạnh gấp 10 lần cơn địa chấn năm ngoái có Cấp độ 5.3 cũng do Bắc Hàn thử vũ khí hạt nhân.
Hạt Nhân, hay trước đây còn dịch là Hạch Tâm (Hạch = hạt, Tâm = nhân), là từ chữ Nuclear.
Vũ khí hạt nhân sử dụng năng lượng do các phản ứng liên quan đến hạt nhân của nguyên tử.
Lúc đầu công nghệ kém, người ta dùng năng lượng phân hạch (nuclear fission), tức là một hạt nhân nặng (nucleus of an atom ) phân chia (split) ra thành các hạt nhân nhẹ hơn, quá trình phân hạch này tạo ra năng lượng rất lớn. Quả bom ném xuống Nhật là bom phân hạch, vì thế gọi là bom A (A-bomb). A là viết tắt chữ Atom, tức là nguyên tử.
Sau đó công nghệ phát triển, người ta sử dụng năng lượng nhiệt hạch (thermonuclear), hoặc còn gọi là hợp hạch (nuclear fusion), tức là hai hoặc nhiều hơn hạt nhân nguyên tử (atomic nuclei) nhe hợp nhất với nhau để thành một hoặc vài hạt nhân nguyên tử (và hạt hạ nguyên tử: subatomic particle) nặng hơn; quá trình này giải phóng rất nhiều năng lượng. Bom Hydro (H-Bomb), còn được dịch là bom khinh khí (khinh=nhẹ, như khinh khí cầu), là vì bom này sử dụng công nghệ nhiệt hạch và sử dụng đồng vị nguyên tử hydro.
Điều thú vị là phân hạch và hợp hạch (nhiệt hạch) là các phản ứng hạt nhân trái ngược nhau, nhưng trong bom khinh khí lại có cả hai phản ứng này.
Trong một quả bom nhiệt hạch  (H-bomb) thường phải có một quả “bom” phân hạch (A-bomb) để tạo ra một vụ nổ sơ cấp. Năng lượng của vụ nổ sơ cấp sẽ kích hoạt vụ nổ thứ cấp sinh ra nhiều năng lượng hơn nữa. (Lý do là phản ứng hợp hạch – tổng hợp hạt nhân –  chỉ xảy ra ở điều kiện nhiệt độ cực kỳ cao trong khoảng thời gian đủ lâu, chỉ có năng lượng tạo ra từ một vụ nổ nguyên tử mới tạo ra được điều kiện như vậy).
Lò phản ứng hạt nhân nhiệt hạch, tiếng Anh là thermonuclear reactor, lớn nhất mà chúng ta từng biết, chính là Mặt trời. Năng lượng mà mặt trời, cũng như các ngôi sao cấp độ cao (high magnitude star), đang phát ra chính là năng lượng của phản ứng hạt nhân nhiệt hạch.
Quả bom nguyên tử (A bomb, phân hạch, nuclear fission) Mỹ ném xuống Nhật năm 1945. Khoảng 7 năm sau, năm 1952, Mỹ mới thử nghiệm thành công phản ứng nhiệt hạch (thermonuclear). Trung Quốc cũng làm được bom khinh khí (H-bomb, nuclear fusion) năm 1967. Nhưng để thu nhỏ phản ứng nhiệt hạch đủ để gắn làm đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo thì rất khó.
Vụ thử của Bắc Hàn hôm nay được coi là một bất ngờ, năm ngoái New York Times còn có bài rất dài phân tích Bắc Hàn không thể làm được việc này. Có khả năng đây sẽ là biến cố ngoại giao lớn đối với nước Mỹ nói chung và tổng thống Trump nói riêng. Ta hãy đợi xem Trump sẽ làm gì. Với những gì đang xảy ra ở Myanmar, Thái Lan, Bắc Hàn, và có thể sắp tới là trong lòng Trung Quốc nữa, rất có thể Việt Nam, nói đúng hơn là miền nam Việt Nam sẽ trở thành một nơi náo nhiệt trên bến dưới thuyền. Nhưng trước mắt, cần phải rút được cái gai ra khỏi mắt nước Đức.
📖
BOM NHIỆT HẠCH TSAR BOMBA 
Ngày 30/10/1961 Liên Xô đã cho nổ quả bom Tsar (Sa hoàng) tại quần đảo Novaya Zemlya, Bắc Băng Dương. Thế giới chứng kiến vũ khí hủy diệt khủng khiếp nhất từng được kích nổ trong lịch sử loài người.
 .Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ tiếp tục nghiên cứu bom nhiệt hạch từ những năm 1950 (trước đó Liên Xô cũng đã thử thành công bom nguyên tử vào năm 1949). Cuộc Chiến tranh lạnh bắt đầu với việc chạy đua chế tạo bom hạt nhân. Ngày 1/11/1952, Mỹ khởi động chiến dịch Ivy Mike với việc thử quả bom nhiệt hạch đầu tiên. Quả bom này không thể thả từ trên không được, vì nó quá nặng, tổng thiết bị lên đến 82 tấn, riêng quả bom là 54 tấn. Toàn bộ thiết bị này đặt trên hòn đảo  Elugelab, Thái Bình Dương. Vụ nổ thành công, giải phóng năng lượng 10,4 megaton (10,4 triệu tấn TNT), sức công phá gấp 800 lần quả bom nguyên tử Litte Boy thả xuống Hiroshima. Sau vụ nổ, hòn đảo Elugelab gần như đã biến mất hoàn toàn.
Trong cuộc chạy đua, Liên Xô cũng không chịu kém cạnh, năm 1953, họ cũng đã thử thành công quả bom nhiệt hạch do họ sản xuất. Nhưng vấn đề bây giờ là bom nhiệt hạch chưa thể thả từ trên không, nghĩa là chưa có thể dùng để tấn công lãnh thổ địch. Đến tháng 11/1955, Liên Xô thả thành công một quả bom nhiệt hạch từ máy bay ở một vùng hẻo lánh ở Siberia, quả bom nhiệt hạch này rất nhỏ, đương lượng khoảng 1,6 megaton (bằng 123 quả bom Little Boy). Với việc bị Liên Xô thúc đít ồ ạt như thế, Mỹ cũng phải chạy đua, tháng 5/1956, họ thử thành công một quả bom nhiệt hạch được thả từ trên không bằng máy bay B52 xuống quần đảo san hô Bikini ở Thái Bình Dương. Quả bom này to hơn quả của Liên Xô rất nhiều, đương lượng nổ lên đến 15 megaton (15 triệu tấn TNT). Chiến tranh lạnh vẫn diễn ra quyết liệt, đến năm 1960, kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô đã bị Mỹ bỏ xa, chỉ trong vòng hai năm, số đầu đạn hạt nhân của Mỹ đã tăng từ 7.500 lên 18.600. 
Đứng trước tình thế bị Mỹ qua mặt, Tổng bí thư của Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev quyết định thúc đẩy việc nghiên cứu vũ khí nhiệt hạch siêu mạnh để lấy lại sự cân bằng với Mỹ. Ông tuyên bố kế hoạch chế tạo loại bom nhiệt hạch với sức nổ tương đương 100 triệu tấn TNT để “đưa người Mỹ trở lại thực tế”.4 nhà vật lý hạt nhân Victor Adamskii, Yuri Babaev, Yuri Smirnov và Yuri Trutnev được giao nhiệm vụ thiết kế và chế tạo một quả bom nhiệt hạch 3 tầng chỉ trong vòng 15 tuần. Quả bom mang định danh AN602, biệt danh là “Bom Sa hoàng” (Tsar Bomba). Mặc dù Khrushchev yêu cầu quả bom 100 megaton nhưng theo tính toán, nếu phát nổ nó sẽ gây ra phóng xạ lan đến cả những vùng đất khác trên thế giới. Vì vậy, Tsar được giảm đương lượng nổ xuống còn 50 megaton để đảm bảo an toàn.
9h sáng ngày 30/10/1961, một máy bay ném bom Tu-95-202 cất cánh từ bán đảo Kola với quả Tsar Bomba, bay cùng nó là một chiếc Tu-16A làm nhiệm vụ nghiên cứu vụ nổ. Điều khiển chiếc TU-95 là thiếu tá Andrei Durnovtsev. Quả bom nặng 27 tấn, lớn tới mức các phi công Tu-95 phải tháo cửa khoang bụng để có chỗ lắp bom. Cả hai máy bay đều được sơn phản quang trắng đặc biệt để hạn chế hư hại do nhiệt.
Tsar Bomba được kích nổ lúc 11h32 ngày 30/10/1961, nó được thả từ độ cao 10.500 m, dự định cho nổ ở độ cao 4.000 m trên mặt đất (4.200 m trên mực nước biển) bằng các cảm biến khí áp. Theo lý thuyết, đương lượng nổ là 50 megaton, nhưng thực thế khi thử nghiệm, đương lượng nổ của Tsar lên đến 57 megaton, mạnh gấp 3.800 lần quả Little Boy, xấp xỉ 1,4% tổng công suất phát xạ của Mặt Trời.
Quả cầu lửa do bom Tsar Bomba tạo ra có đường kính 4,6 km, có thể nhìn thấy từ khoảng cách 1.000 km. Đám mây hình nấm vươn lên độ cao 70 km và có đường kính 95 km. Trong vòng một giờ sau vụ nổ, tín hiệu radio bị nhiễu trong bán kính hàng trăm km do quá trình ion hóa khí quyển. Chấn động từ vụ nổ di chuyển quanh Trái Đất tới 3 lần. Sóng xung kích phát ra từ vụ nổ làm vỡ cửa kính và gây tiếng nổ lớn trên đảo Dikson, cách nơi thử nghiệm khoảng 800 km, ảnh hưởng đến cả Phần Lan và Thụy Điển. Vụ nổ có khả năng gây bỏng độ 3 ở khoảng cách tới 100 km.
Quả bom khủng khiếp này đã cho loài người thấy họ sẽ bị hủy diệt như thế nào với những quả bom nhiệt hạch. Tsar Bomba sau đó cũng không được biên chế vào không quân Liên Xô, do sức tàn phá khủng khiếo và đặc biệt là kích thước quá lớn, chưa kể nó không chỉ tiêu diệt kẻ địch mà diệt luôn cả chiến hữu, thậm chí hủy hoại toàn bộ trái đất. Đối với bom nguyên tử, kích cỡ nhỏ và nhẹ để có thể chứa trong tên lửa đạn đạo quan trọng hơn là tạo ra vụ nổ có quả cầu lửa lớn bằng cả thành phố.Sau vụ thử nghiệm bom Tsar, cả Mỹ và Liên Xô đều giảm bớt chạy đua vũ khí hạt nhân, bởi cả hai đều nhận ra rằng công nghệ hiện tại dư sức làm được những quả bom to hơn Tsar, vấn đề là làm ra để làm gì, hủy diệt thế giới hay sao. Tới ngày 5/8/1963, Liên Xô, Mỹ, Anh ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trên không, trong vũ trụ và dưới nước.Hiện tại, chính thức thì trên thế giới có 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân gồmMỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Parkistan, Israel, cùng với Bắc Triều Tiên. Chỉ có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo An là có bom nhiệt hạch.
Bắc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân đầu tiên năm 2006, từ đó đến nay họ đã thử tổng cộng 6 lần. Ngày 3/9/2017, chính quyền Kim Jong Un tuyên bố đã thử thành công quả bom nhiệt hạch đầu tiên trong lòng đất. Thế giới cũng ghi nhận một cơn địa chấn mạnh 6,3 độ richter xuất phát từ miền Bắc của Triều Tiên. Nếu điều đó là sự thật thì Bắc Triều Tiên sẽ thành nước thứ 6 sở hữu bom nhiệt hạch.
📖
BLOG 5 XU, BÙI AN