Wednesday, September 11, 2024

Sau này, tôi đã hiểu rằng...


 

Sau này, tôi đã hiểu rằng, thứ làm cho một người già cỗi, phần nhiều không đến từ năm tháng, mà đến từ thái độ của họ trước cuộc sống, sau khi đã nếm trải để biết nó có mùi vị gì.

Không biết bạn đã bao giờ nhận ra chuyện này chưa, mỗi gương mặt nặng nề nhăn nheo của những người có tuổi đều thể hiện rằng họ đã trải qua một cuộc đời với rất nhiều nỗi buồn.

Bạn có nhớ cảm giác cay đắng của mình khi lần đầu tiên trải qua chuyện bị phản bội không; hay là lúc nhận ra một giới hạn của bản thân và biết rằng vì nó mà ước mơ trong đời của mình sẽ không thể thực hiện được nữa; hoặc vào những lần cảm thấy cô đơn và trơ trọi, rồi vì thế mà không còn lòng tin vào những người xung quanh nữa.

Những khoảnh khắc khiến một người tự nhiên cảm thấy thời gian trôi thật chậm như thế, đều là những nỗi đau mà ký ức ghi nhớ là một lần tổn thương. Chúng kéo tụt cả cơ mặt, tạo thành những nếp nhăn, giống như những vết sẹo mà có lẽ từ giờ về sau sẽ không bao giờ lành.

Nếu như góc nhìn của tuổi trẻ về tương lai tràn đầy một thứ năng lượng phơi phới của hy vọng, thì càng già, người ta càng hiểu rõ hơn câu “cuộc đời là tổng hợp của những điều đáng buồn nho nhỏ”.

Nhưng điều thú vị là… tại sao lại có những người đến tuổi lão niên vẫn mang được tinh thần phơi phới như hồi xuân? Vì sao lại có nhiều người ở tuổi trung niên rồi mà vẫn thấy mọi thứ của mình thật ra vẫn đang ở thời kỳ phong độ nhất?

Mấu chốt chính là nằm ở thái độ của mỗi người, hay nói đúng hơn, là cách chúng ta đối mặt với những gì gọi là cuộc sống.

Để mọi người dễ hiểu, chúng ta hãy hình dung như thế này. Khi còn trẻ, chúng ta đều hy vọng sẽ đến được một nơi gọi là thành công, chắn giữa đường đi ấy, chính là một ngọn núi rất cao mang tên cuộc đời.

Tuổi trẻ, giống như mùa hè, rực rỡ, nóng nảy, sung mãn, bốc đồng, trong người luôn cảm nhận được sự cháy rực của nhiệt huyết và cả một bầu trời bát ngát của hào khí. Khi ấy, một chuyện dù là khó đến mấy, bạn cũng sẽ nghĩ rằng với sức người thì sỏi đá cũng thành cơm. Núi cao quá không leo được thì cũng sẵn sàng phá đá, đào một đường xuyên qua lòng núi.

Đoạn cuối của tuổi 20, khi phụ nữ nhận ra mình đã không còn thanh xuân, đàn ông thì ngỡ ngàng phát hiện ra ngọn núi ấy còn đồ sộ khủng khiếp đến mức nào, chỉ cần nghĩ đến thôi cũng sẽ có những lúc cảm thấy như nó đang đè bẹp mình từ trong tâm trí.

Có thể bạn đã cố leo, có thể bạn cũng đã cố phá, thậm chí là cũng đã làm hết sức. Nhưng rồi thì mọi thứ bạn nhận về đều chỉ là thất bại. Rồi cuộc đời trong mắt bạn từ ấy cũng dần dần không còn đẹp như trước nữa.

Thất bại sẽ làm ý chí lung lay. Đã lung lay rồi thì sẽ không còn sắt đá. Khi nhận ra bản thân thực sự không phải sắt đá thì dần dần sẽ hoài nghi về năng lực, từ ấy cũng không còn dám làm nữa. Đến một lúc nào đó khi kiệt quệ rồi, hoặc không còn thời gian nữa, thì sẽ nản chí.

Lúc ấy, nhiều người kết hôn, nghĩ rằng dù gì mình cũng đã làm hết sức, và coi đó là cuộc đời. Sau đó là già đi.

Nhưng với một số người khác, họ lại nghĩ rằng từ đây thử thách mới thật sự bắt đầu. Họ không nghĩ thứ thất bại mà nhiều người đã cùng chấp nhận là thứ mà họ cũng sẽ phải chấp nhận.

Sau khi đã dưỡng thương, họ nghĩ không thể dùng sức mà qua núi thì vẫn có thể kiên nhẫn mà đi đường vòng, uyển chuyển như một dòng nước và chạy vắt qua chân núi.

Đồng thời, họ không coi những giới hạn của bản thân là lý do cho tất cả mọi sự buông xuôi. Cho dù kết hôn và có con là đồng nghĩa với việc một ngày chỉ ngắn còn một nửa, thì vẫn cố làm tất cả những gì có thể trong nửa ngày ấy, chứ không yên phận mà chấp nhận cảnh dần dần tàn lụi.

Họ từ chối việc chấp nhận để bản thân trở nên buồn tẻ và nhạt nhẽo. Trong họ, vẫn còn một thứ ý chí giống như thời còn trẻ, thứ ý chí mà đã từng khiến họ nghĩ rằng mình phải làm cho cuộc đời của mình thật sự hạnh phúc.

Sống trên đời, thành công hay thất bại thật ra cũng đều chỉ là những thử thách của cuộc sống trước tâm trí con người. Thế nên mới có chuyện muốn nhìn vào nhân cách một người thì nên nhìn xem lúc gặp thời lên hương thì họ có kiêu ngạo không và lúc thất bại thì có nản chí mà buông xuôi hay không.

Đôi khi điểm mà một người coi là “đã quá đủ rồi”, mới thực sự là lúc cuộc chơi bắt đầu.

Sau này, đến lúc chuẩn bị bước vào tuổi trung niên, bất cứ ai cũng nên dành ra một khoảng thời gian để nhìn lại tuổi trẻ của mình. Nhớ lại những điều mình đã làm đúng, học lại những điều mình đã làm sai.

Rồi sau cùng, là chọn một cách sống mới, để ít nhất, là không phải sống một cuộc đời mà sau này sẽ có nhiều hối tiếc.

st