Trải qua hàng thiên niên kỷ, nhân loại vẫn chưa tìm thấy câu trả lời xác đáng cho nghi vấn: “Định mệnh có thật hay không?”. Song, trong giới hạn tri thức loài người đang có, ta biết rằng dù tin hay không tin vào định mệnh, cuộc sống vẫn cần sự nỗ lực của bản thân.
NHỮNG NGƯỜI “ĐI TRÊN DÂY”
Tôi đọc được ở đâu đó câu chuyện về cậu học trò nhỏ đã theo học với nhà hiền giả trong thời gian rất lâu. Một hôm, cậu hỏi thầy mình: “Thưa thầy, trên đời này có định mệnh hay không?”. Sau lúc trầm ngâm, thầy đáp: “Trong cuộc sống, mỗi con người đều mang theo mình định mệnh”. Đây chỉ là lời mở đầu cho cuộc mạn đàm khá dài giữa hai thầy trò về định mệnh và cách mỗi người hành xử với định mệnh của mình. Bản chất của định mệnh là gì? Ta phải làm gì với định mệnh? Đó dường như là câu đố bí ẩn mà loài người đã tự hỏi từ thuở hồng hoang.
Tôi vẫn nghĩ rằng những người làm kinh doanh theo đúng nghĩa của từ này thường ít tin vào số mệnh như cách hiểu thông thường là “số trời sắp đặt”. Thế nhưng, họ lại có thể tin vào định mệnh ở ý nghĩa và phạm vi rộng lớn hơn. Christopher Columbus chẳng hạn. Ông ấy có tin vào định mệnh không thì chẳng ai rõ, nhưng chắc chắn Colombus đã tin vào một tấm bản đồ cổ có nguồn gốc rất mập mờ, tin vào trực giác “cứ đi về phía Tây sẽ đến được Ấn Độ” của mình. Columbus không đến được Ấn Độ, bù lại ông tìm thấy cả một tân lục địa. Điều này có thể quy kết cho định mệnh hay không? Christophe Colombus không phải là doanh nhân, song ông đã làm được một thương vụ vĩ đại bằng cách thuyết phục triều đình, giáo hội, các thương gia và các thủy thủ đầu tư tiền bạc, quyền lực và sinh mạng của bọn họ cho việc thực hiện ý tưởng của ông, một hải trình không ai dám đảm bảo thắng lợi.
Người doanh nhân cũng là một kiểu Christopher Columbus trên thương trường nhiều cam go đấy! Xưa nay, doanh nhân vốn vẫn thuộc loại người khai phá và mạo hiểm, họ có thể không phủ nhận định mệnh, song chắc chắn cũng không khuất phục định mệnh. Trong cuộc sống thường nhật, hai chữ “định mệnh” thường vẫn bị gán cho những dấu hiệu cưỡng bức, những yếu tố không cải biến được. Lãng mạn và hạnh phúc thì bảo “định mệnh anh yêu em”, mà khổ sở thì than “trời kêu ai nấy dạ”. Thế nên, với những con người dám đối đầu với thử thách để thành đạt, để giàu thì định mệnh hẳn là một lực lượng không quá nhiều uy hiếp. Về chuyện này, một nữ doanh nhân rất thành đạt hồi thập niên 90 đã nửa đùa nửa thật nói với tôi: “Người kinh doanh ai lại đầu tư vào một món hàng nếu đã biết chắc là thua lỗ?!”. Chị lại bảo: “Doanh nhân thường rất giỏi làm những việc khó như… đi trên dây, kinh doanh trong những tình thế mà người bình thường chỉ thấy bất trắc. Con người như vậy ai còn quanh quẩn với vấn đề định mệnh có tồn tại hay không?!”
NHƯ BÓNG CHIM BAY…
Không phải ai trong chúng ta cũng đủ mạnh dạn tuyên bố “tôi không tin vào định mệnh”. Trong tất cả những việc phát sinh từ sự hiện hữu của mỗi con người trên mặt đất này, người ta luôn tìm thấy những câu chuyện về định mệnh, nhiều tới nỗi đủ để ta tranh biện cả đời. Ta hãy quay về Việt Nam để nghiền ngẫm công trình ngôn ngữ vĩ đại trong kho tàng văn học của dân tộc mình là Truyện Kiều. Hai chữ “định mệnh” lòe lòe trong đó. Nguyễn Du viết: “Cho hay muôn sự tại trời. Trời kia đã bắt làm người có thân” và đó là một đặc điểm chung của cái vẫn được chúng ta gọi là định mệnh. Ta thường chỉ nhận ra cái định mệnh ấy khi việc đã hoàn tất, đã xem như không thể thay đổi, không thể làm lại được nữa. Nói theo cảm quan của một hành giả Phật giáo Tây Tạng, nó như cái bóng của con chim đang bay, không thấy được. Và, chỉ khi con chim đó hạ xuống, đậu lại cuối đường bay, cái bóng ấy mới hiện ra. Nhà hành giả mệnh danh đó là “Nghiệp” của đời. Thế nhưng, nếu con đường tu phật đạo có thể giúp nhận ra và tác động vào “nghiệp” thì con đường phàm nhân có phương cách gì để ứng xử với định mệnh (nếu nó thật sự tồn tại)?
Hãy chỉ nói về người phụ nữ và định mệnh của họ. Thực tế khá thú vị là người Việt từ xưa đã rất ưa chuộng dùng hình ảnh người phụ nữ (thường nhuốm màu đắng cay, sầu bi) như một biểu tượng của ý niệm về định mệnh. Một thời, định mệnh có sức uy hiếp rất lớn tới cuộc đời người phụ nữ Việt, số phận của họ được đặt trên cán cân cùng “hạt mưa sa, hạt vào đài các, hạt ra cánh đồng”. Người ta có khuynh hướng không thấy dấu hiệu của định mệnh trong những thứ vẫn xảy ra mỗi ngày, chẳng hạn như việc dựng vợ gả chồng. Thế nhưng, trong quyết định đời thường này lại không chứa đựng một câu chuyện lớn về đời người với một hằng số của định mệnh hay sao? Cái hằng số đó có giá trị bằng các quyết định và các lựa chọn. Nói như Claude Lévi-Strauss, định mệnh, với tư cách truyện kể của đời người, vốn không hề có tính “tiền định” hay “nhất thành bất biến” mà là một lịch sử lũy tích, sự cộng dồn của những thành công hoặc thất bại của một cá thể.
Nữ doanh nhân tôi nói đến ở trên vốn là một cán bộ KCS trong một tổng công ty nhà nước. Chị nhận làm thêm công việc điều tra thị trường cho một hãng bia và ngạc nhiên nhận ra tập mẫu phỏng vấn người tiêu dùng với cả trăm câu hỏi trong đó là một kho vàng tri thức hướng dẫn kinh doanh, đưa đến cho chị những gợi ý về cách tiếp cận thị trường hoàn toàn mới. Chị khởi nghiệp từ buổi tối gần như chỉ ngẫu nhiên ngồi nghiền ngẫm kết quả của một tuần đi phỏng vấn thuê như thế. Chuyện của chị tựa như câu nói “Khoảnh khắc bạn đưa ra quyết định (quan trọng) cũng là lúc định mệnh của bạn được hình thành”. Có lý lắm chứ, định mệnh thật sự nằm ở trong chính mỗi người!
st