Thursday, April 6, 2023

Thời gian khách quan và thời gian chủ quan


Một nhà văn Pháp viết rằng người đang ngủ là người nắm giữ quanh mình dòng chảy của thời khắc, trật tự của tháng năm, và theo bản năng, điều đầu tiên anh ta làm khi tỉnh giấc là kiểm tra xem bây giờ là mấy giờ. Thời gian, theo đó, là một thành phần cơ bản làm nên sự ổn định của thực tại, mà không có nó, ta sẽ rơi vào trạng thái mông lung kiểu “tôi là ai, đây là đâu”, phải vậy không?

Nhưng phải chăng chính thời gian, như nhiều người vẫn thường nói, cũng chỉ là một chiều thứ tư của không gian, khi mà câu hỏi “bây giờ là mấy giờ” buộc ta phải tham chiếu đến một múi giờ cụ thể trên trái đất, và ngày tháng thì liên quan đến vị trí của trái đất trên quỹ đạo của nó, cũng như từ trước khi có đồng hồ, người ta xác định sáng trưa chiều tối theo vị trí của mặt trời? Khi cần một hình ảnh để minh họa thời gian, ta cũng thường dùng một đường thẳng tương tự như trục số mà ở đó số 0 là hiện tại, và càng đi về âm vô cùng là càng ngược về quá khứ, càng đi tới dương vô cùng là càng xuôi đến tương lai. Hoặc công nghệ làm phim cũng cho ta ấn tượng rằng chuyển động của mình có thể bị phân chia thành 24 khung hình trong một giây, cũng tức là lúc một giây trước mình đang đứng ở tư thế này thì một giây sau mình lại đứng ở tư thế khác. 

Đó là những cách hiểu thông thường về thời gian, vốn có giá trị trong khoa học, như để tính vận tốc hoặc quãng đường trong bài tập vật lý cơ học cổ điển, cũng có giá trị trong đời sống xã hội, như để ta và đồng nghiệp xác định thời điểm bắt đầu một cuộc họp. Bởi vì tất cả chúng ta đều chia sẻ chung một cái thực tại khách quan mà ở đó, thời gian với người này cũng giống như thời gian với người kia. Một phút mặc niệm là một phút mặc niệm. Ngay cả khi với người này nó có thể là một phút của rất nhiều cảm xúc, với người kia nó có thể là một phút hoàn toàn thờ ơ, tính theo đồng hồ, nó vẫn cũng chỉ là một phút.

một góc ở Rosaria Books and Coffee

Nhưng nếu ta nghĩ về thời gian theo cách khách quan này, như một thứ có thể đong đếm bằng giây bằng phút, thì thực tại chúng ta chỉ là một tập hợp những lát cắt đặt kề nhau. Ở đó, chúng ta của một giây trước chỉ là một tồn tại biệt lập, khép kín, không liên hệ gì tới chúng ta của một giây sau. Điều này làm tôi nhớ đến chia sẻ của một cô bạn, rằng khoảnh khắc gặp gỡ của hai tâm hồn có thể chỉ diễn ra trong một sát na, và ngay khi ta ý thức được cái giây phút đó, nó đã trôi qua rồi. Theo đó, các lời khuyên trong sách tự lực kiểu “quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy sống trong hiện tại” về cơ bản là bất khả thi, vì ngay khi ta sửa soạn để sống trong hiện tại thì cái hiện tại đó đã thành quá khứ. Cũng theo cách hiểu này, từ ngoài nhìn vào, chúng ta sẽ chỉ là một hình ảnh trong thước phim có thể bấm nút tạm dừng hay tua lại, vô hồn và rời rạc, trong khi điều này đi ngược lại hoàn toàn với cảm nhận bên trong của chúng ta về thời gian. 

Trong cảm nhận bên trong, hiện tại và quá khứ là một liền mạch, một hoàn chỉnh, hiện tại mang bóng dáng của quá khứ và quá khứ thẩm thấu vào hiện tại. Có ai sống mà lại đi đếm từng tiếng tích tóc của đồng hồ? Thời gian khách quan chỉ là một cái nền mà ở đó sự sống diễn ra. Sự sống không phải là một kế tục đều đặn, máy móc của các đơn vị định lượng, mà là một chuyển tiếp các sự kiện tình cảm, tri giác, ý thức hoặc gắng sức. Lúc đó, cùng một lượng thời gian khách quan, nhưng với có khi mọi thứ diễn ra thật chậm, cũng có khi mọi thứ diễn ra thật nhanh. Khi chờ đợi, thời gian trôi chậm. Khi làm bài thi, thời gian trôi nhanh. Có những ngày nhiều biến cố xảy ra, ta nói đó là một ngày dài, như 30 tháng 4 năm 1975 với Duyên Anh là “Sài Gòn ngày dài nhất”, cũng có khi với Trịnh Công Sơn, đó là một “ngày vui con nước trôi nhanh”. Mấy chục năm cuộc đời trong tù sẽ thật lâu, nhưng khi nhìn lại thấy chỉ như một giấc mộng. Một số người hút cỏ nói rằng trong lúc phê mọi thứ trôi thật chậm. Tích xưa kể chuyện Từ Thức lạc cõi tiên, sống ở đó một năm mà khi trở về trần thì đã ba đời trôi qua. Có khi đó cũng là một ẩn dụ về trải nghiệm “chơi đồ” nào đó chăng? Ngồi thiền luôn là một thách đố với những kẻ bận rộn; họ không thể hiểu nổi sao người ta có thể dành ra một tiếng chỉ để ngồi im không làm gì. Nhưng theo một số lời kể lại, trong cái khoảnh khắc không làm gì đó, có khi họ đã băng qua hàng triệu năm từ thưở hồng hoang đến nền văn minh cơ khí, hoặc chìm vào một cõi tịch diệt vô cùng. Nên các trải nghiệm khải thị tôn giáo luôn gây cho tôi một tò mò ghê gớm, làm sao mà chỉ sau một đêm, đột nhiên một người hoài nghi lại trở thành một tín đồ thuần thành, như thể họ đã sống một cuộc đời. Trong phim Inception, có những người già đến một tầng hầm trả tiền để ngủ, vì trong giấc ngủ vài tiếng đó, họ có thể sống lại một cuộc đời. Nếu không may lạc vào Limbo, tầng sâu nhất của giấc mơ, thời gian sẽ là vĩnh hằng, và khi tỉnh dậy, bạn sẽ là một đầu óc già nua trong một cơ thể trẻ trung, với trước mặt là một cuộc đời để sống. Nó sẽ gây lẫn lộn thực tại với giấc mơ, và trong tình huống xấu nhất, giống như nhân vật của Marion Cotillard trong phim, bạn sẽ nhảy lầu vì nghĩ rằng cái chết sẽ làm mình thức giấc. 

Cảm giác về nhanh và chậm nói trên là dấu hiệu của một ý niệm khác về thời gian: chủ quan và không đo đếm được. Thời gian chủ quan không phải là thời gian đếm bằng giây bằng phút, mà là một diễn trình của các trạng thái tâm lý. Theo đó, quá khứ không phải là một thứ bị đóng gói, khép kín, không thể chạm tới, mà nó hòa làm một với hiện tại theo nghĩa là chúng ta luôn luôn có thể hồi tưởng lại một cảm giác, một hình ảnh, một âm thanh đã từng trải nghiệm ngày hôm qua hay nhiều năm về trước. Từ ngoài nhìn vào, chúng ta không còn là đứa trẻ ngày nào, nhưng ở bên trong, chúng ta luôn có thể nhớ lại cái cảm giác khi còn là một đứa trẻ. 

album này có track Time khá hay: “And then one day you find ten years have got behind you. No one told you when to run, you missed the starting gun”

Trong thời gian chủ quan, du hành thời gian không cần đến một cỗ máy trong ngăn kéo bàn học, mà nhiều khi chỉ cần một mẩu bánh Madeleine. Như Marcel Proust trong Đi tìm thời gian đã mất, chỉ với miếng bánh Madeleine nhúng trong chén trà nóng một ngày đông lạnh đã trở lại ký ức những ngày ở Combray. Đó là ký ức bất tự giác. 

Trong thời gian chủ quan, cái phút giây gặp gỡ của hai tâm hồn từng có không biệt lập, xa cách với hiện tại mà nó trở thành một phần của chúng ta. Nghĩa là, trên bàn tay này đã có bóng dáng của những cầm nắm hay vuốt ve thân mật, và cả những thiếu vắng, lẻ loi; đôi chân này đã đi qua những đất đai bùn lầy hay khô nẻ, những bậc thềm hoa cương hay những đỉnh đồi nhiều cây trái. Chúng ta không phải là những lớp da thịt già nua vô giá trị, mà bên trong nó là một linh hồn đã băng qua khổ đau, hạnh phúc. Hiện tại không phải là một bức ảnh đứng yên, và mình không cần phải cùng nhau đóng băng, vì trong mỗi chúng mình hôm nay đã có cái hồ hởi trước một cuộc hẹn, cái băn khoăn trước một quyết định, cái cái giận dữ trước một bất công, cái dằn vặt trước một lỗi lầm, cái bàng hoàng trước một tai nạn, hay cái sung sướng trước một món quà, mà chỉ cần hồi tưởng lại, tất cả sẽ trở về vẹn nguyên như chưa từng băng qua ngày tháng. 

Chính một cách tiếp cận rất riêng tư như vậy về thời gian lại là một bổ trợ cần thiết vào thực tại. Chúng ta không thể bị giản lược thành một tồn tại thuần túy vật chất bởi khoa học hay chỉ là một cỗ máy vận hành theo giờ giấc công sở. Cần có những ý niệm siêu hình kiểu thời gian chủ quan hay linh hồn, con người mới là một điều quý giá. Một người yêu viết lách hẳn là một người có khuynh hướng thiên về đời sống bên trong, theo đó, thời gian chủ quan lại càng là một khái niệm quan trọng. 

(nhattuantrinh's wordpress)

-----

 Đây là một bài tập làm văn của mình ở lớp tập làm văn của Rosaria Books and Coffee, tuần đầu tiên về chủ đề Thời Gian. Nhân tiện, mình cũng muốn mời những ai quan tâm đến blog mình nếu có hứng thú thì đến quán cà phê này và gặp gỡ mọi người ở đây. Biết đâu bạn sẽ thích.