Tuesday, January 9, 2024

THẢM TRẠNG CỦA ĐÀN BÀ




Vì cái tình yêu vị tha ấy của người đàn bà mà họ phải luôn luôn suốt đời tùy thuộc người khác, những người mà họ yêu thương.


Nhưng cũng chính cái lòng yêu vị tha ấy là một trở ngại to tát cho đời sống an ninh và vật chất của người đàn bà.


Ta nên biết: ích kỷ là một thiên tánh tự vệ của muôn loài để giữ gìn mạng sống của mình. Thiếu nó, không khác nào đi trên con đường tối mà thiếu ánh sáng của bóng đèn. Tánh ích kỷ là một cái khô khan, cằn cỗi, xấu xa, hẹp hòi… Nhưng không có nó ta khó sống. Vì nó là sự khôn ngoan, sự bảo vệ quyền lợi và bảo vệ cái sống còn của mình.


Vì vậy, người đàn bà riêng mình không thể bảo vệ được đời sống của mình, mà phải cần đến người đàn ông. Đây là thảm kịch thứ nhất của người đàn bà. Trừ khi nào người đàn bà mà có tánh đàn ông, thì họ mới có thể không cần đến người đàn ông mà thôi. Cho nên, hễ là người đàn bà hoàn toàn đàn bà, thì họ không thể sống một mình, mà phải lệ thuộc người đàn ông hoàn toàn đàn ông mới được.


Tình yêu của người đàn bà thường lại mâu thuẫn với quyền lợi của họ.


Dục vọng của người đàn ông thường là những dục vọng ích kỷ: họ tìm thế lực, tiền bạc, địa vị, sự sung sướng xác thân v.v… Họ có thể đạt được mục đích ấy một cách dễ dàng và trực tiếp.


Trái lại, dục vọng của đàn bà là những dục vọng vị tha. Muốn đạt được mục đích của họ, người đàn bà không có một phương tiện nào chắc chắn cả. Sự yêu thương của kẻ khác, của những người sống một bên mình họ. Ngay như một sự sanh ra mà có diễm phúc được cha mẹ yêu thương, được làm một việc gì may mắn… cũng thường là do sự ngẫu nhiên đưa đến. Người ta thường bảo: “Trâu tìm cột, chứ có đâu cột lại tìm trâu”. Người đàn bà, dù là người sống tự do bậc nào cũng đâu phải được tự do lựa chọn người bạn trăm năm của mình, mà chính là mình “bị người ta lựa chọn”. Người đàn bà không thể với ý chí, với hoạt động, với công phu hay việc làm của mình mà chinh phục được tình yêu của người chung quanh, nếu tự những người ấy không thương mình. Tình yêu đâu có mua chuộc được, tình yêu là một cái gì không vụ lợi… Đối với người đàn bà mà tình yêu là tất cả lẽ sống của đời mình thì sự hên xui của số mạng phải chăng là một thảm kịch não nề!


Nhưng cũng chưa hết… Thảm kịch của người đàn bà đâu phải chỉ ở ngần ấy việc mà thôi.


Đặt để cái trung tâm của lẽ sống mình nơi kẻ khác, ở những kẻ ngoài mình mà sự ham muốn không giống mình mà quyền lợi cũng không giống mình, dĩ nhiên người đàn bà lại bị hãm vào một tình thế bi thảm nhất, là không làm sao dung hòa được khát vọng của mình với quyền lợi của mình.


Quyền lợi là gì? Phải chăng là những lợi ích cho mình, đem đến cho mình thêm sức khỏe, tiền bạc, danh vọng, vui sướng, hạnh phúc… Người đàn ông thì đeo đuổi theo công danh, tiền bạc, sắc đẹp, ăn ngon ngủ kỹ… Những cái đó là những khát vọng của người đàn ông, hễ một khi họ thâu đoạt được những nguyện vọng ấy, thì họ cảm thấy được sung sướng, hạnh phúc ngay vì đã được thỏa mãn. Danh vọng, tiền bạc, địa vị… làm tăng thêm uy thế họ; ăn ngon ngủ kỹ làm tăng được sức khỏe họ… Còn đối với người đàn bà đâu phải đó là sanh mạng của họ? Họ cần nhất là yêu thương và được yêu thương, được chăm nom săn sóc những người chung quanh và được chính mình tạo nên sự sống… Đó là tất cả những khát vọng thiết tha của họ, nền tảng của những sự sướng khổ của họ… Nhưng, khát vọng ấy lại luôn luôn đi ngược quyền lợi riêng của họ.


Lợi gì cho người đàn bà khi phải có con? Có con thì phải thức đêm thức hôm mà săn sóc, suốt đời đau khổ lo âu… Có con thì có tăng thêm gì sức khỏe, tiền bạc, danh vọng cho mình nữa không? Trái lại, có con là cả một cái gì càng làm cho con người của mình càng ngày càng thêm kém sút…


Lợi gì cho người đàn bà khi phải lìa bỏ tổ ấm của mẹ cha để về nhà chồng. Nơi nhà cha mẹ, từ lúc lọt lòng đến lớn… được cha mẹ nưng niu như trứng mỏng, chiều chuộng yêu thương; người đàn bà phải bỏ nó mà đi theo một người đàn ông lạ nào, không chút tình cốt nhục, cũng không hiểu mình là ai… để vào một gia đình khác mà chắc chắn người ta sẽ không bao giờ đối đãi với mình một niềm âu yếm không bờ bến như tình nghĩa mẹ cha và anh em cật ruột của mình. Chắc chắn những quyền lợi mà mình đã hy sinh khi bước chân về nhà chồng như sung sướng tự do, nhàn rỗi ngây thơ và lắm khi danh tiếng địa vị xã hội của mình… người chồng có thể bù đắp được chút nào hay không? Lắm khi bị chồng hất hủi sau khi đã chán chường… và gia đình của chồng coi mình như kẻ thù đi “ăn chực” tình yêu… Thử hỏi, những quyền lợi thực tế mà người đàn bà đã hy sinh ấy có được đền đáp chút nào hay không?


Lợi gì cho người đàn bà khi phải lo lắng cho con cái, lo cho nó được nên vai nên vóc, để rồi phải sống một mình trong thương nhớ, nhất là trong cái tuổi mà mình cần phải yêu thương và được yêu thương… hơn lúc nào cả. Tình cảnh của một bà mẹ yêu con tha thiết từ nhỏ đến lớn không một phút rời con, mà bấm bụng phải để cho con mình bước chân ra đi… về một gia đình xa lạ… là cả một cái thảm kịch cay chua nhất của một người đàn bà.


Nếu lấy về phương diện quyền lợi của người đàn bà mà nói, tôi quả quyết người đàn bà không bao giờ dung hòa được lòng khao khát yêu đương của mình đối với quyền lợi ích kỷ và thiết thực của mình. Nhưng mà người đàn bà thật là đàn bà lại sẵn lòng hy sinh tất cả quyền lợi ấy để thỏa mãn cái thiên tính khao khát yêu đương của mình, vì đó là tất cả cái hạnh phúc của mình mà thôi.


Thật ra, nếu đem những quyền lợi ích kỷ của người đàn bà mà so sánh, cân nhắc với hạnh phúc vị tha của họ, thì cũng khó biết được cái nào là chánh đáng.


Có nhiều người đàn bà bị lôi cuốn trong cái ảo vọng tìm khoái lạc hạnh phúc ích kỷ bằng cách lo phục vụ quyền lợi của họ như người đàn ông… Họ đã hy sinh cái tâm hồn phụ nữ của họ, từ bỏ sứ mạng thiêng liêng của một người mẹ, của một người vợ, của một nạn nhân của tình yêu, của một tâm hồn khao khát yêu thương cho kẻ khác… để lăn mình vào con đường chánh trị, tranh đấu cho địa vị, quyền tước, danh vọng tiền bạc, đi tìm hạnh phúc cá nhân để có được một thanh danh như người đàn ông. Phụ nữ ngày nay phần nhiều đều có cái cao vọng. Nhưng rồi một khi họ thỏa mãn được những khát vọng vị kỷ ấy, họ đã được phú quý, danh vọng, tự do… họ lại cảm thấy họ đã “thả mồi bắt bóng”. Giữa những tiếng hoan hô của quần chúng, giữa lúc họ đã thực hiện được những cao vọng “phỉ chí nam nhi, tung hoành bốn cõi”, họ đã thỏa được mộng “tang bồng” … thì họ cảm thấy trong tâm hồn có một cái gì trống rỗng… lạnh lùng. Họ cảm thấy họ thiếu sự yêu đương và được yêu đương. Cái chân hạnh phúc của họ là ở trong tình mẫu tử, ở trong tình yêu của những người chung quanh họ, chứ không phải ở nơi những bả vinh hoa phú quý ấy.


Thêm nữa, cái thảm trạng của người đàn bà như thế cũng chưa phải là hết. Lòng yêu vị tha của họ chẳng những không thuận với quyền lợi ích kỷ của họ mà còn bắt họ phải xung đột với tình thương của những người thân yêu của họ nữa.


Cha, chồng, con cái… mà họ thương yêu, mỗi người lại có một bản tính khác nhau, mỗi người lại có những điều ham muốn đòi hỏi khác nhau, thường lại xung đột nhau… Làm một bà mẹ dễ gì mà dung hòa được lòng thương đối với mỗi đứa con. Làm vợ, làm con, làm em… thì cũng dễ gì điều hòa tình yêu mình đối với cha mẹ, đối với anh em!


Những người thân yêu của mình, họ lại đòi hỏi nơi mình những đức tính và phận sự khác nhau.


Lúc chưa cưới… thì họ đòi hỏi nơi mình phải được đầy vẻ duyên dáng mỹ miều, ngây thơ và vụng dại… Người tình nhân bao giờ cũng muốn cho mình dễ dãi ngu dại để mà họ dễ bề lợi dụng… Họ rất ghét kẻ khôn lanh và nhiều kinh nghiệm… Nhưng đến khi họ cưới mình rồi, thì trái lại, họ đòi hỏi mình phải đứng đắn trang nghiêm, biết lo lắng cho nhà cửa, làm bếp giỏi, giúp đỡ mọi nặng nhọc, như kẻ tôi đòi, nghĩa là phải là một người già kinh nghiệm, khéo léo và hy sinh. Tình yêu đầu phải là mục đích đời người của người đàn ông. Người vợ cưới rồi, đối với họ, không còn phải là người tình nhân nữa, mà là một người bạn đường, một kẻ đỡ gánh nặng và bao hàm tất cả công việc nội trợ. Thế là người đàn bà phải chịu đựng và phải biết chiều theo những đòi hỏi ích kỷ ấy.


Đối với con, cũng như thế. Lúc còn nhỏ, nó đòi hỏi bà mẹ phải luôn luôn ở một bên không được rời nửa bước, để mà an ủi, dỗ dành, săn sóc nó từng li từng tí… Nhưng vài năm sau, khi đứa trẻ ấy lớn lên, nó lại đòi hỏi bà mẹ phải để nó tự do, đừng can thiệp gì đến đời sống nó nữa. Nó không muốn nghe mẹ khuyên lơn hay săn sóc và lo lắng đến nó nữa: nó muốn sống tự do một mình. Đứa trẻ ấy đòi hỏi có lý lắm, thế nhưng bà mẹ đã quen chăm nom, săn sóc con từ thuở bé, làm gì bỗng dưng lại có thể bỏ con mà tuyệt không còn lo nghĩ gì đến nó nữa được không? Ôi! Cả một cái gì bạc bẽo, bội ân… lẽ ra phải làm tê tái những tâm hồn vị tha nhất; thế mà người đàn bà vẫn nhẫn nại và yêu thương… yêu thương mãi…


Tóm lại, nào đâu phải vì ác ý của người đàn ông hay luật lệ khắt khe của người đời bày ra để đày ải người đàn bà phải uốn mình chiều theo dục vọng kẻ khác, phải hy sinh cho kẻ khác… Nhưng thực ra, chính cái bản năng khao khát tình yêu của người đàn bà mà tạo hóa đã phó cho để thực hiện sứ mạng thiêng liêng cao cả của họ, khiến họ luôn luôn như bị:


Ma đưa lối, quỷ dẫn đường,

Lại tìm vào chốn đoạn trường mà đi.


Đâu phải chỉ lo cải tạo chế độ xã hội là đủ để mưu hạnh phúc cho người đàn bà, mà ta phải giáo dục người đàn ông thế nào để họ hiểu được tâm sự của người đàn bà, hiểu để mà thương và có trách nhiệm giúp cho người đàn bà thoát khỏi những nỗi khổ tâm mà suốt đời họ phải âm thầm chịu đựng.


Một ông cha sáng suốt, biết yêu quý con gái mình vì đã hiểu nỗi lòng thầm kín của con, thì không bao giờ ông lại lo lắng vì sự bất công không bênh vực được quyền lợi của con mình đối với quyền lực của người chồng. Điều mà ông ghê sợ nhất cho đứa con yêu quý của ông là chỗ ngây thơ vụng dại của nó trong sự nhận xét sai lầm tâm lý của người đàn ông và nhân thế sẽ gây cho nó sau này bao nỗi chua cay thất vọng. Ôi! Nếu đứa con gái của ông mà hiểu rõ con người đàn ông được như ông… thì ông sẽ yên lòng biết bao về tương lai hạnh phúc của nó!


Địa vị của xã hội ngày nay, tựu trung cũng giống hoàn cảnh của ông cha này. Xã hội mà muốn mưu hạnh phúc cho người đàn bà thì cần thiết nhất là lo giáo dục người đàn ông cũng như người đàn bà, soi đường chỉ nẻo cho họ hiểu nhau để tránh những nỗi đau lòng vì hiểu lầm nhau và gây cho người đàn bà những đau khổ vô ích thêm vào các thảm trạng vô cùng bi đát mà ta đã thấy trước đây.


Người đàn bà có nhiều đặc tính rất xa người đàn ông.


Chỉ vì tưởng lầm rằng đàn ông cũng như đàn bà, tâm tính đôi bên đều như nhau, mà phần đông cứ lấy bụng ta mà suy bụng người, nên mới có những sự hiểu lầm xô xát.


Văn sĩ André Maurois có nói: “Dù cho đôi nam nữ mong ước cuộc hôn nhân thế mấy, dù cho lứa đôi có mê luyến nhau thế mấy, và họ có thật thông minh thế mấy, thì đôi bên nam nữ đều phải cầm chắc rằng mình sẽ chung sống với người lạ và người đó sẽ làm cho họ ngạc nhiên vô cùng… Lúc ban đầu… trong khi hòa hợp nhục thể, trong cái say đắm buổi đầu, bao nhiêu nỗi khó khăn, đôi bên đều có thể chiều chuộng như tạm quên hẳn được cả… Nhưng, thời gian, sau khi người đàn bà, cũng như người đàn ông đã ráng tìm phương để thành một người khác, để họ không còn phải là người đàn bà nữa với tâm hồn riêng thực của họ, họ mới nghĩ thầm: “Mình vẫn muốn theo sát bên chàng, nhưng thế không phải. Mình sanh ra nào phải để làm như thế đâu!” Còn người đàn ông cũng sẽ nghĩ đến cái mộng riêng của mình, cái mộng “tang bồng hồ thỉ”… rồi nhớ đến kiếp giang hồ phiêu bạt như chàng Từ Hải.


Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm, yên ngựa lên đàng ruổi dong.


Thì ra khi dục tình thỏa mãn, mỗi người mới cảm thấy sự đòi hỏi của tâm hồn mình và tìm cách để trở về với cái người thật của mình: Bấy giờ họ lại vẫn thấy cô đơn lạnh lẽo và hai người vẫn là khách lạ qua đường, không ai còn hiểu ai được nữa.


Chính lúc “tuần trăng mật” đã qua, thì… lại sang qua thời kỳ hắt hủi và chán chường phải có, sau một hồi nhiệt tình quá độ… Bấy giờ là lúc “lứa đôi xung khắc”, không phải xung khắc toàn diện, nhưng xung khắc một phần nào. Họ không còn hiểu nhau được nữa; họ chỉ lấy một niềm thương lợt lạt xa cách mà chịu đựng nhau thôi cho qua cái chuỗi ngày chán nản. André Gide nói: “Xem thế, thì thấy rõ hai con người, tuy ta thấy họ vẫn chung sống một cuộc đời như nhau, vẫn cũng gọi là yêu mến nhau đấy… nhưng họ chẳng khác nào hai nước bế quan tỏa cảng…”.


Nhưng đôi khi, sự tình lại nghiêm trọng hơn và từ sự không hiểu biết nhau, hai vợ chồng lại đi lần đến sự hiềm ghét nhau.


Chung quy, bảo rằng hai tâm hồn không yêu nhau là sai, nhưng sự đau khổ của họ, là chỗ quá yêu nhau, mà không hiểu được nhau… vì tâm hồn của họ là cả hai thái cực. Vậy biết rõ tâm hồn sâu kín của đôi bên mới có thể mưu cầu hạnh phúc cho nhau được mà thôi.


Trích “Thuật yêu đương” – Thu Giang Nguyễn Duy Cần