Saturday, November 30, 2024

Một đứa trẻ lớn lên như thế nào, là do ai?

 Một đứa trẻ lớn lên như ong bướm hay ruồi nhặng, là do ai? 



Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi bên nhà bà ấy. "Tấm vải bẩn thật" - Cô vợ thốt lên. "Bà ấy không biết giặt, bà ấy vừa ngu và vừa lười". Ngày nào cũng vậy, cô nhìn bà hàng xóm phơi đồ và bảo là "hết muốn ăn, sao lại có người tệ đến thế nhỉ, bà ta đã làm hỏng bữa sáng của em".  Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: "Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?". Người chồng đáp: "Không. Sáng nay anh đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy".


Thực ra mỗi người trong chúng ta, ai cũng đều giống như cô vợ trong câu truyện kia. Chúng ta đang nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi bặm của thành kiến. Chúng ta trở nên phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mà tự mình cho là "lỗi lầm của người khác". Một điều dễ nhận diện là khi tâm trạng vui vẻ, chúng ta nhìn ai cũng thấy dễ chịu, gặp chuyện gì cũng dễ thứ tha. Chúng ta có thể mỉm cười trước những trò nghịch ngợm của lũ trẻ, đủ khoan thứ để nhẫn nại một lời nói khó nghe, những chuyện tưởng chừng khó chấp nhận, thì chúng ta cũng dễ dàng thỏa hiệp. Những lúc ấy, dường như cả thế giới đều trở nên hòa ái, mọi chuyện trôi qua một cách nhẹ nhàng. Vậy mà, chỉ cần một chút lo lắng dâng lên trong lòng, những muộn phiền về quá khứ, nỗi sợ hãi về tương lai sẽ lập tức khiến cho cái thế giới vốn đang đẹp đẽ nhường kia liền biến thành một chốn đầy những chuyện xấu xa, phiền phức. Khi ấy những tiếng hò hét cười đùa của lũ trẻ sẽ trở thành những âm thanh khó chịu, một lời nói không vừa ý dễ dàng khiến cho ta sân giận hoặc tổn thương, những chuyện nhỏ mà lúc bình thường không đáng bận tâm, bỗng trở thành một nỗi phiền não quá sức chịu đựng.

Kỳ thực, không phải là thế giới có vấn đề, hay người khác quá sai quấy, mà vấn đề nằm chính ngay nơi tâm ta. Chúng ta luôn có xu hướng nhìn những thứ mình thích, những người mình thương với cặp mắt kính màu hồng, và ngược lại, nhìn những việc mình không muốn, những người mình không ưa bằng chiếc kính tiêu cực màu đen. Do thói quen phóng đại mọi ưu điểm của những người mình thích, họ trở nên quá lung linh, quá tuyệt vời trong cảm nhận của chúng ta. Mỗi lời họ nói, mỗi việc họ làm đều khiến chúng ta xem là chân lý, ngay cả lúc họ sai, chúng ta cũng khó lòng nhìn nhận cho thông suốt. Ví như những cặp đôi khi mới yêu nhau, thì riêng đối với họ, đối phương luôn đẹp đẽ, dễ thương và toàn ưu điểm. Để rồi khi sự yêu thích bên trong mình giảm sút, thì hình tượng trong lòng cũng theo đó mà sụp đổ, rồi đi kể cho người bạn thân nghe để trút hết nỗi lòng, để tìm đồng minh. Chúng ta nhìn ra ở đối phương ngày càng nhiều lỗi lầm và khuyết điểm, thật sự là do chúng ta đang xấu xí dần dần chứ đối phương vẫn vậy. Bà hàng xóm vẫn phơi đồ giống nhau mỗi ngày, chỉ là tấm kính nhà mình đang bẩn hay sạch mà thôi. 


Khi nói lỗi ở người khác, chúng ta vô tình truyền sang người nghe những cảm xúc tiêu cực, bất an. Dòng tâm thức của chúng ta cũng trở nên lộn xộn, đầy những rắc rối y như câu chuyện mà mình đang kể. Rồi một cách rất tự nhiên, họ sẽ áp dụng đúng sự phê phán, soi xét đó trở lại cho ta. Để trẻ con nghe chuyện mình chê 1 người khác, là một cách giáo dục sai lầm lớn. Lớn lên, đứa trẻ ấy sẽ chỉ quen dòng văn học "hiện thực phê phán", điều này vô cùng nguy hiểm. Dòng văn học của người sang trọng quý phái là dòng văn học nhân ái, dòng văn học lãng mạn, dòng văn học của sự khen ngợi và yêu thương. 


Xét cho cùng, lỗi lầm (là do mình nghĩ chứ chưa chắc họ vậy) dù của ai cũng chẳng hề ảnh hưởng đến tư cách của chúng ta. Nó chắc chắn không làm cho chúng ta trở nên đẹp đẽ gì hơn khi phê phán người. Tìm lỗi của người khác, tìm điểm xấu của người khác, là tự đem rác rưởi của họ về cất trong nhà. Mỗi phút chúng ta để tâm đến chuyện không tốt, thì mất đi một phút vui vẻ không thể lấy lại. Cuộc đời này ngắn lắm, sẽ chẳng ai có khả năng và trách nghiệm níu giữ cho ta những thời khắc sinh mệnh đang vùn vụt trôi qua. Cách mà chúng ta nhìn người khác, thực chất là đang phản ánh nội tâm của chính mình. Một người đang túng thiếu sẽ thấy khó chịu với những ai dư giả. Một người sân hận sẽ luôn thấy người khác công kích mình. Một người không thành thật sẽ thấy mọi người đầy xảo trá. Người không có đức tin thì luôn nghi ngờ. Tất cả những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực đó, đều khởi sinh từ một tâm thức thiếu bình an, và tự yêu bản thân mình quá lớn, một sự giáo dưỡng ích kỷ khi còn nhỏ. Sống với ong bướm thì sẽ thấy toàn mật ngọt hoa thơm, sống với ruồi nhặng thì thấy ở đâu cũng toàn rác. Nếu bạn đang sống với 1 đứa trẻ, đừng bao giờ chê người khác, vì dù muốn dù không, chúng sẽ nghe. Và rồi lớn lên, chúng sẽ có thói quen chê người. Và điều đó khiến chúng đau khổ, không thành công về mặt sự nghiệp do không có nhiều người muốn tiếp xúc. Do năng lượng âm, năng lượng tiêu cực sẽ loại trừ mất sự hào hứng, sự vui vẻ, năng lượng dương, sự sáng tạo của người khác. Xã hội châu Á thường ít sáng tạo ở phương Tây cũng là do những tháng ngày miệt mài với dòng văn học "hiện thực phê phán", ngay cả nhận xét của thầy cô cũng đã nhuốm màu tiêu cực với câu "lời phê của giáo viên" trong bài kiểm tra. 


Nếu giáo dục 1 đứa trẻ vẫn để "lời phê" trong bài kiểm tra thì mặc định đứa trẻ ấy có gì đó kém cỏi. Bạn hãy cố gắng tìm cái hay riêng của mỗi người mà khen, không khen được thì im lặng, điều đó sẽ tốt hơn cho bạn và cho cả xã hội, cho cả loài người (bài hay sưu tầm, không rõ tác giả).


st