Monday, January 15, 2024

NGHIỆP CHƯỚNG VÀ NHÂN QUẢ CÓ KHÔNG?

 



Trong khi thiên hạ rộn rịp mua quà, tặng quà, trang hoàng nhà cửa cho những ngày sắp đến, tôi lại loay hoay lo dọn nhà. Toàn làm chuyện trái mùa. Giữa đống áo quần, sách vở ngổn ngang, tôi phải mất cả tiếng nghe một cú phone tâm sự dài từ Mỹ của một người bạn thân.


Tôi gặp David ở năm thứ nhất của đại học. Anh đến làm quen dù học khác khoa, có lẽ vì tôi là sinh viên Việt Nam độc nhất của trường, và Việt Nam đang được nhắc đến hàng ngày trên TV Mỹ. Anh đọc rộng, hiểu nhiều, theo dõi thời sự và lịch sử sâu xa. Anh quan tâm đến một giải pháp hòa bình cho Việt Nam thời đó nhiều hơn các bạn Việt của tôi. Một thanh niên trẻ, lý tường, lương thiện, chăm chỉ; tượng trưng cho những truyền thống đạo đức của Trung Mỹ. Vùng Midwest của Hoa Kỳ nơi anh sinh sống, phần lớn đời sống người dân thể hiện qua sợi giây ràng buộc chặt chẽ giữa tôn giáo, gia đình và tổ quốc. Dân Midwest là rường cột một xứ Mỹ ngây thơ nhưng năng động, là quê hương của Warren Buffett, Harry Truman và Adlai Stevenson.


Sau khi ra trường, dù hai đứa hai đường vì khác nghề nghiệp (anh là bác sĩ y khoa và giáo sư đại học ở Atlanta), chúng tôi vẫn giữ những mối liên lạc thân tình qua mails và họp mặt gia đình. Anh có thu nhập rất cao vì danh tiếng trong ngành, sống một đời coi như thành đạt và vinh hiển trong một xứ sở giàu có và cạnh tranh. Nhiều người chắc phải ghen tị với “sự may mắn của lá số tử vi” anh.


Nhưng dường như Tạo Hóa thích luật bù trừ. Tai họa giáng xuống gia đình anh liên tục. Cách đây 12 năm, bệnh ung thư cướp bà vợ thân yêu mẫu mực; rồi đứa con gái vừa ra trường dược sĩ bị tai nạn xe cộ theo mẹ về cõi xa. Đứa con trai duy nhất còn lại suy sụp với ma túy, bỏ học và sống lang thang không nhà ở New York hay đâu đó.


Qua những tai họa, anh vẫn ấp ủ lý tưởng của mình. Mỗi năm 3 tháng, anh nghỉ việc không lương để làm tình nguyện viên cho đội ngũ “Bác sĩ Không Biên Giới” (Doctors Without Border) để đến những nơi hẻo lánh nguy hiểm của thế giới chữa bệnh không công cho người nghèo. Tại Atlanta, anh thường xuyên tình nguyện cho nhiều tổ chức từ thiện từ nhà thờ và xã hội vào cuối tuần và những ngày lễ. Tóm lại, anh là mẫu người tìm niềm vui và an bình cho mình qua những hoạt động vì tha nhân.


Cách đây một năm, anh quen và yêu một bà bác sĩ người Somalia trong khi công tác qua Phi Châu. Dù 2 người đều lớn tuổi, họ dự định một đám cưới đơn giản vào hè năm nay ở Mexico. Tôi nghĩ chắc anh sẽ cuối cùng tìm được hạnh phúc trong những ngày tháng cuối đời. Nhưng định mệnh khắc nghiệt chưa buông tha anh.


Qua cú điện thoại dài cuối tuần cho tôi, anh cho biết bà vợ bác sĩ tương lai của anh còn là một nhà đấu tranh cho dân quyền của Somalia. Bà bị chánh quyền bắt giữ cách đây 1 tháng và gia đình bà vừa nhận tin là bà đã chết trong tù vì một tai nạn (?). Anh cũng không biết làm gì ngoài sự chấp nhận thường trực của người thua cuộc “Ý Chúa muốn vậy”. Tôi thì chỉ nghe và nghe. Vẫn dốt nát và băn khoăn vì những nghịch lý của cuộc đời.


Có lẽ Iris Murdoch đã phải đắng cay chấp nhận, “Định mệnh có thể được phân tích; nhưng chúng ta không thể giải thích hay thông hiểu. Chúng ta chỉ đơn thuần hiện hữu”. (Our destiny can be examined, but it cannot be justified or totally explained. We are simply here).


- Alan Phan -


🎯 Trích từ sách Góc nhìn Alan – Những bài chưa xuất bản