Wednesday, November 27, 2024

Phượng Hoàng Cổ Trấn (đi hông, đi hông?)

 


Ẩn mình đâu đó trong sự náo nhiệt của đất nước 1,7 tỉ dân, Phượng Hoàng, một thị trấn 1.300 năm tuổi được bao bọc bởi rặng núi Thiên Môn, thoắt ẩn hiện trong làn sương mù. Giữ nguyên vẹn vẻ đẹp cổ kính vượt thời gian, Phượng Hoàng cổ trấn mê hoặc và làm say đắm bất kỳ du khách nào đặt chân đến.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến mảnh đất này là cảm giác choáng ngợp bởi một xứ sở xanh mướt, từ những dốc núi bao quanh các cánh đồng đến dòng sông Đà uốn khúc vắt qua khu phố, tạo nên cảm giác nơi đây giống như một viên ngọc lục bảo khổng lồ. Nhìn từ xa, những mái nhà cổ nằm sát cạnh nhau, uốn lượn theo hai bờ sông cùng với vẻ mờ ảo. Tôi liên tưởng đến bối cảnh hoàn hảo của một bộ phim cổ trang và ngay lập tức trôi ngược về quá khứ, hòa mình vào không khí trầm lắng cổ kính đấy.

NDN_Wedsite_Where to go_01

Tên của trấn nhỏ này bắt nguồn từ loài chim huyền thoại Phượng Hoàng, vốn tượng trưng cho tuổi thọ và những điều may mắn. Tương truyền, cổ trấn được đặt theo tên loài chim này vì vào ngày nọ, một đôi chim phượng hoàng khi bay ngang đã vì cảnh sắc đẹp tựa tranh vẽ nơi đây mà lưu luyến không rời. Nhưng với những ai từng đến đây, ngắm nhìn ánh sáng lung linh từ thị trấn phản chiếu trên dòng sông Đà đều dễ dàng liên tưởng nguồn gốc tên gọi: vẻ đẹp kiêu hãnh và bất tử.

Trấn cổ ẩn hiện giữa sương mờ

Diện tích của cổ trấn thực sự không lớn. Vì thế, bạn có thể đi thăm thú hết danh thắng nổi tiếng chỉ trong vòng một ngày. Có thể kể ra vài nơi như: dinh thự Shen Congwen, dinh thự Xiong XiLing, đền thờ Dòng họ Yang, tháp cửa Đông, cung điện Trường Thọ, bảo tàng Thành cổ Phượng Hoàng… Nhưng vì là một chuyến đi theo kiểu nghỉ dưỡng, tôi chọn ở lại lâu hơn để có thể cảm nhận không khí và nhịp sống thường ngày của người dân nơi đây.

NDN_Wedsite_Where to go_03

Khác với nhiều nơi, cuộc sống của người dân tại đây không bị “thương mại hóa” khi phụ thuộc vào du lịch. Dọc bên bờ sông Đà, bạn dễ bắt gặp những người phụ nữ đang giặt quần áo bằng tay, trong khi đàn ông thì đánh cá hay chèo thuyền phục vụ khách du lịch. Tôi thường thức dậy vào sáng sớm, tản bộ trên những lối đi lát gạch đã có tuổi đời hơn một thiên niên kỷ, ngắm nhìn những ngôi nhà sàn với kiểu kiến trúc cổ kính và cảm nhận dòng chảy của thời gian. Các khu nhà trọ, quán ăn, cửa hàng lưu niệm, cà phê nối nhau san sát, tạo cảm giác ấm áp trên từng con đường nhỏ. Tôi len lỏi vào từng ngóc ngách, và khám phá ra vài ngôi nhà gỗ vẫn giữ được kiến trúc nguyên vẹn dù đã qua mấy trăm năm xây dựng.

NDN_Wedsite_Where to go_04

Đi bộ qua kha khá con đường, tôi quyết định xuống bến thuyền, khám phá cổ trấn bằng đường sông. Nhìn ở khoảng cách gần hơn, cây cầu Hồng Kiều càng thêm phần kiêu hãnh, duyên dáng với kiến trúc cầu có mái cong cùng khung cảnh huyền bí được bao phủ bởi màn sương mờ buổi sáng sớm. Chiếc thuyền trôi theo dòng sông, tôi ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của mình dưới làn nước trong vắt, đôi khi thả hồn cùng giọng hát ngân vang của bác lái đò và cảm giác thời gian như ngừng trôi ở mảnh đất này.

Nét văn hóa ấn tượng

Thị trấn cổ này là nơi sinh sống của người Miêu, người Thổ Gia và người Hán từ thời Chiến Quốc. Nơi đây còn lưu giữ lại bức tường là cương giới người Miêu, còn được biết đến với tên gọi “Vạn lý trường thành phương Nam”. Phụ nữ Miêu sở hữu vẻ đẹp tự nhiên không son phấn, họ mặc trang phục truyền thống màu xanh kết hợp khăn quàng cổ trắng. Họ thường bày bán các đồ thủ công bằng bạc, hay những tấm khăn vải được nhuộm màu, dệt in họa tiết hay in hoa làm quà lưu niệm. Vào một lần may mắn, tôi bắt gặp những cô gái Miêu vận bộ trang phục truyền thống màu đỏ bắt mắt, cầm ô đỏ, đầu đội mũ cùng các trang sức bạc. Một vài người đàn ông khiêng theo vài chiếc hộp gỗ có thắt nơ đỏ. Các cô đi theo đoàn, và trình diễn một điệu múa dù ngoài khu vực quảng trường rộng lớn. Tôi nghĩ đây là một lễ hội nào đó, hoặc cũng có thể là một nghi thức đám cưới truyền thống của họ. Có lẽ vậy!

NDN_Wedsite_Where to go_05

Mang danh là một địa danh cổ xưa, nhưng Phượng Hoàng cổ trấn đã quyết định không giữ mãi sự yên tĩnh trong suốt một ngày dài. Vào buổi tối, nơi đây hiện lên với vẻ lung linh từ các ánh đèn màu, êm đềm với những bản tình ca acoustic lãng mạn tại các quán cà phê nhạc sống. Nếu muốn thay đổi tâm trạng, bạn cũng có thể thử hòa mình vào không khí sôi động của một trong những quán bar được xây dựng dọc bên bờ sông.

NDN_where to go t11 2017

Sự quy tụ nhiều nền văn hóa nơi này còn được thể hiện ở nét đẹp ẩm thực. Nếu đã một lần đặt chân đến đây, bạn nhất định phải thử món lẩu cá cay, cùng hít hà mùi hương ấm nồng đậm vị ớt giữa bầu không khí se lạnh, ăn kèm cùng cơm trắng và các món xào. Bạn cũng có thể gọi thêm một chai Tsingtao, một loại bia phổ biến tại cổ trấn, với vị nhẹ và rất đưa vị. Mì cũng là món ăn được ưa chuộng ở đây, với nước lèo thơm ngọt vị xương và nghi ngút khói tỏa. Chỉ cần dạo một vòng quanh các con phố, tín đồ mỹ thực sẽ được thỏa mãn tất cả mọi giác quan với những món ăn tươi ngon. Sau cùng, còn gì thi vị hơn khi thả hồn với chén trà thơm ngọt bên dòng Đà Giang thơ mộng cùng sóng nước lăn tăn? Vẻ đẹp êm đềm và an yên ở Phượng Hoàng cổ trấn, hòa quyện cùng vị trà thanh sạch sâu lắng sẽ giúp chiều chuộng những tâm hồn, đi đến một miền cảm xúc tươi mới hơn.

NDN_Wedsite_Where to go_02


TIPS:
  • Bạn nên đổi dư tiền vì ở đây rất ít cây ATM và không nhận thanh toán bằng thẻ.
  • Tải app Pleco – từ điển tiếng Trung có sẵn để dễ giao tiếp hơn vì người dân thường không biết tiếng Anh.
  • Tránh du lịch vào tuần đầu tháng 5 (dịp Quốc tế Lao động), tuần đầu tháng 10 (dịp Quốc khánh Trung Quốc), dịp Tết Trung thu vì rất đông khách du lịch.
  • Hãy mặc cả để được giảm giá khi mua hàng.
  • Các món ăn ở đây thường khá cay, và nếu không ăn cay được, bạn nhớ dặn người bán “buyao rang” (tức là “đừng cho cay”).

(Business woman)