Đức tính nào được coi là quan trọng nhất để tạo nên nhân cách vững mạnh?
Người Hy lạp cổ đại cho là có bốn đức tính quan trọng. Họ xem trí là đức tính chủ đạo, đức tính hướng dẫn mọi đức tính khác. Trí là có óc phán đoán đúng đắn, giúp cho ta có thể đưa ra những quyết định mang lại lợi ích cho ta và người khác. Trí cũng giúp ta áp dụng các đức tính khác trong hành động-khi nào thì hành động, hành động ra sao, và làm thế nào để điều hòa giữa các đức tính khác nhau khi gặp xung đột; thí dụ đơn giản như khi phải thật thà nói lên sự thật làm mất lòng kẻ khác. Trí giúp cho chúng ta phân biệt sự kiện được đúng đắn, để thấy đâu là điều thật quan trọng trong đời để còn ấn định những ưu tiên cho phù hợp. Nhà đạo đức học Richard Gula đã nói: “Ta không thể làm đúng nếu trước hết ta không nhìn thấy đúng.”
Đức tính thứ hai người Hy lạp đề cao là công bình. Công bình nghĩa là tôn trọng quyền của tất cả mọi người. Quy luật Vàng bảo ta rằng hãy làm cho người khác những gì ta muốn họ làm cho ta, là một nguyên tắc của công bình được phổ cập trong mọi văn hóa và tín ngưỡng trên thế giới. Vì chính bản thân chúng ta cũng là con người, công bình cũng bao gồm lòng tự trọng, một nhận thức đúng đắn về nhân cách và quyền của chính mình. Trong các trường học, chương trình đức dục chú trọng vào tính công bình vì đức tính này bao gồm các đức tính khác trong quan hệ giữa con người với nhau như đối đãi với nhau có văn minh, thật thà, có trách nhiệm, và bao dung (bao dung không có nghĩa là chấp nhận niền tin của kẻ khác hay chấp nhận hành vi của họ, nhưng có nghĩa là tôn trọng quyền tự do suy nghĩ và hành xử sao cho không vi phạm đến quyền của kẻ khác). Mối quan tâm về sự công bình cộng với khả năng biết phẫn nộ trước những điều bất công thúc đẩy chúng ta hành xử như một công dân trong việc xây dựng một xã hội và thế giới công bình hơn.
Đức tính thứ ba, một đức tính rất thường bị bỏ quên là dũng cảm. Dũng cảm giúp cho chúng ta làm đúng khi đối diện với khó khăn. Quyết định đúng trong đời, thường là quyết định khó. Khẩu hiệu của một trường trung học đã nắm được tinh túy này như sau: “Làm điều phải dù khó thay vì làm điều dễ mà sai.” Dũng cảm, theo nhà giáo dục James Stenson, là sức mạnh nội tâm giúp ta vượt qua hoặc chịu đựng nổi những khó khăn, thất bại, bất lợi và đau đớn. Can đảm, kiên trì, nhẫn nhục, chịu đựng và một niềm tự tin vững mạnh là các diện của dũng cảm. Hiện tượng trẻ vị thành niên tự tử đang tăng vọt trong 3 thập niên qua đáng cho ta quan tâm; một trong những nguyên nhân có lẽ là các em đã không được chuẩn bị để đương đầu với những thất vọng không thể tránh khỏi trong đời. Chúng ta cần dạy cho các em biết rằng các đức tính được phát triển qua đau khổ nhiều hơn là qua thành công, và những trở lực sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn nếu chúng ta đừng dùng nó làm lý do để ngồi than thở.
Đức tính thứ tư là tự chủ. Tự chủ là khả năng kiểm soát lấy chính mình, giúp ta kiểm soát được sự nóng giận, điều hòa những nhu cầu tâm-sinh lý, và theo đuổi những ham thích chính đáng một cách chừng mực. Tự chủ là sức mạnh chống lại các cám dỗ và giúp cho ta khả năng chờ đợi–đình hoãn những khoái lạc hiện tại để tiếp tục tiến tới mục tiêu cao xa hơn. Cách ngôn có câu: “Nếu ta không cai quản được tham vọng, thì tham vọng sẽ cai quản ta.” Các hành vi thiếu thận trọng hoặc tội phạm đều nảy sinh từ sự thiếu tự chủ mà ra.
Qua các đức tính trên, người Hy lạp quả đã nói khá đầy đủ về phạm trù đạo đức, nhưng còn thiếu đức tính quan trọng thứ năm. Đó là tình yêu. Tình yêu còn hơn cả công bằng, vì tình yêu khiến cho ta cho đi nhiều hơn cái mà công bằng đòi hỏi. Tình yêu là sự sẵn lòng hy sinh cho kẻ khác. Tất cả các đức tính quan trọng của con người, như thông cảm, trắc ẩn, tử tế, bao dung, phục vụ, trung thành, ái quốc, và tha thứ, tạo nên đức hạnh của tình yêu. F. Washington Jarvis viết trong cuốn sách “Với Yêu thương và Khấn nguyện” rằng: “Tình yêu–một tình yêu vị tha không đòi hỏi đáp đền là nguồn lực mạnh nhất trong vũ trụ. Ảnh hưởng của tình yêu đến kẻ nhận cũng như người cho là điều không thể đo đếm được.” Tình yêu là một đức hạnh mang tính cách đòi hỏi và khắt khe. [Bởi vì] Nếu ta thật sự tuân theo lời răn quen thuộc “Hãy yêu láng giềng của ta như thể yêu ta,” chắc chắn ta sẽ cố gắng không truyền đi nhừng tin đồn nhảm hay chỉ trích họ, vì biết rằng chính ta cũng cảm thấy khó chịu khi kẻ khác nói về ta như vậy.
Thái độ tích cực là đức tính quan trọng thứ sáu. Nếu ta có thái độ tiêu cực trong đời, thì ta là gánh nặng cho chính ta và người khác. Nếu ta có thái độ tích cực, thì ta là một tài sản của chính ta và cho người khác. Hy vọng, phấn khởi, linh động, và óc hài hước là những thuộc tính của một thái độ tích cực. Tất cả chúng ta, dù già hay trẻ, cần nhớ rằng thái độ của chúng ta là do chính ta lựa chọn. Abraham Lincoln nói: “Hạnh phúc của hầu hết chúng ta là do ý tưởng của ta quyết định.” Martha Washington cũng nói: “Tôi học được từ kinh nghiệm bản thân rằng hầu hết những hạnh phúc hay đau khổ tùy vào thái độ của ta chứ không vào hoàn cảnh. Ta mang theo mầm hạnh phúc hay khổ đau với ta trên mọi bước đường.”
Chuyên Cần (hard working) là đức tính thứ bảy, một đức tính không thể thiếu được. Không thể sống trong đời mà không làm việc, và không thể nào đạt được thành quả nếu thiếu chuyên cần. Vị huấn luyện viên bóng rổ lừng danh John Wooden từng nói: ” Tôi thách các bạn có thể chỉ cho tôi một người đạt được thành quả xuất sắc trong đời họ mà không phải làm việc cật lực.” Chuyên cần gồm có sáng tạo, siêng năng, biết đặt mục tiêu và tháo vát.
Đức tính quan trọng thứ tám là liêm chính (integrity). Liêm chính là luôn tuân theo các nguyên tắc đạo đức, lương tâm, giữ lời nói, và dám bảo vệ những gì ta tin tưởng. Có đức tính liêm chính tức là “toàn vẹn,” do đó những việc ta làm luôn nhất quán trong những trường hợp khác nhau. Liêm chính khác với thành thực ở chỗ thành thực là nói thật với người khác, còn liêm chính là thành thật với chính mình. Josh Billings, một nhà văn nói: “Hình thức lừa dối nguy hiểm nhất là lừa dối chính mình.” Tự lừa dối nguy hiểm ở chỗ nó cho phép ta làm theo ý thích của mình rồi tìm các lý lẽ để biện minh cho các hành động ấy.
Lòng biết ơn là đức tính thứ chín. Văn sĩ Anne Husted Burleigh nhận xét: “Lòng biết ơn cũng giống như lòng yêu thương không phải là một cảm xúc mà là một hành động của ý chí. Chúng ta chọn xem có biết ơn không, cũng như chọn xem có nên yêu hay không.” Lòng biết ơn thường được xem như bí mật của một đời sống hạnh phúc; nó nhắc cho ta nhớ rằng ta đang cùng uống nước từ một cái giếng mà ta chưa bao giờ đào; nó nhắc ta nhớ để đếm những phước hạnh ta nhận được mỗi ngày. Anh hùng quân đội Eddie Rickenbacker khi được hỏi anh học được bài học nào lớn nhất khi trôi giạt 21 ngày trên một chiếc bè giữa Thái Bình Dương, đã trả lời: “Nếu bạn có nước uống tha hồ, thức ăn thừa mứa, thì bạn đừng nên than phiền về bất cứ điều gì nữa.”
Khiêm nhượng là đức tính cuối cùng và cũng có thể được xem là nền tảng của đời sống đạo đức. Khiêm nhượng là điều cần thiết giúp ta sở đắc những đức tính khác vì nó cho ta biết được sự bất toàn của mình mà cố gắng để trở nên người tốt hơn. Nhà giáo David Isaacs viết: “Khiêm nhượng là nhận thức được những khiếm khuyết của mình và cố gắng hết khả năng để phục vụ mà không cần đến được vinh danh hay tán thưởng.” Đại thi sĩ T. S. Eliot cũng nói: “Một nửa những điều tệ hại xảy ra cho thế giới này là do những người muốn được cảm thấy ta đây là quan trọng gây ra.” Triết gia Dietrich von Hildebrand cũng viết: “Mọi đức hạnh đều chẳng có giá trị gì hết nếu ta để lòng kiêu len lỏi đi vào-điều này xảy ra mỗi khi ta cảm thấy hãnh diện về lòng tốt của mình.” Một tác giả khác nhận xét rằng không có lòng khiêm nhượng, ta sẽ giữ những khuyết điểm của mình vì sự kiêu hãnh khiến cho ta không nhận ra chúng nữa. Lòng khiêm nhượng giúp ta nhận lấy trách nhiệm về những lỗi lầm do ta gây ra, và sửa đổi chúng. Louis Tartaglia, một bác sĩ về tâm thần, viết trong cuốn sách mang tựa đề “Không lầm lỗi! Mười khuyết điểm thường gặp trong cá tính và Ta có thể làm gì?” rằng, trong suốt 20 năm hành nghề, ông nhận ra khuyết điểm thường gặp nhất là bệnh “ghiền phải là người đúng.” Ông hỏi: “Có khi nào bạn nhận ra là lại đang thảo luận về sự bất đồng ý ngay cả khi chuyện đó xong lâu rồi, chỉ để chứng minh là mình đúng?” Chìa khóa để xây dựng đức tính trong trị liệu cũng như trong đời sống là lòng khiêm nhượng để thay đổi.
(st)