Cha mẹ hiện đại thường có thói quen dùng công nghệ như bật điện thoại hoặc ipad cho trẻ xem để giúp chúng bình tĩnh lại, chịu nghe lời hay ăn hết bữa cơm. Nhưng cách này về lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhận thức và sự phát triển của con trẻ.
Vậy đâu là phương pháp giúp xoa dịu bé yêu mà không cần sử dụng đến công nghệ như màn hình tivi, điện thoại hay máy tính bảng? 7 cách đơn giản sau đây có thể giúp ích cho cha mẹ trong việc giáo dục con cái.
1. Trở thành “tấm gương” thấu hiểu của con
Đây là một kỹ thuật giúp sự lo lắng, căng thẳng của con trẻ ở mức có thể chấp nhận mà không “leo thang” thành một cơn giận dữ bộc phát. Khi con cái thể hiện hay chia sẻ một sự thất vọng nào đó, cha mẹ hãy trở thành một “tấm gương” cho con, nghĩa là lặp lại chính điều mà chúng vừa nói.
Giả sử con bạn nói rằng: “Hôm nay thầy dạy Toán cho con quá nhiều bài tập về nhà!” Thay vì chỉ “ừ hử” hay hỏi “vậy à con?”, bạn hãy lặp lại vấn đề ấy: “Vậy là tối nay sẽ có nhiều bài tập về nhà lắm đây!” Sau đó, hãy tiếp lời bằng kỹ thuật giúp trẻ tăng cường sự tự tin và tinh thần tích cực giải quyết vấn đề: “Nhưng con giỏi giải Toán mà. Mẹ tin là con có thể hoàn thành chúng nhanh chóng thôi. Mẹ sẽ giúp con nếu bài khó quá.” Cách thức phản ứng này giúp cha mẹ thể hiện rằng mình thấu hiểu và thừa nhận sự cáu gắt, thất vọng của con. Vì thế, con không cần trở nên khó chịu hoặc tức giận để mong nhận được sự chú ý, quan tâm từ cha mẹ nữa.
2. Làm con “xao nhãng” bằng những trò chơi
Những lúc con trẻ khóc lóc, ăn vạ đến mức bạn nghĩ không thể giải thích hay dỗ dành con. Hãy khiến con phân tâm bằng cách làm một điều gì đó thật bất ngờ như gợi ý một trò chơi chẳng hạn. Bạn có thể tắt đèn, ca hát hoặc đặt cho trẻ một câu hỏi gì đó hoàn toàn không liên quan. Khi trẻ bị bất ngờ, con sẽ phân tâm khỏi cơn khóc và bắt đầu lắng nghe hơn. Lúc này, hãy yêu cầu trẻ chơi một trò chơi với mình, kể tên năm thứ có màu đỏ trong phòng hoặc lấy giúp mẹ một đồ vật nào đó. Cách này sẽ giúp trẻ chuyển từ việc sử dụng bán cầu não điều khiển cảm xúc sang bán cầu não suy nghĩ logic. Nhờ đó, trẻ sẽ ngừng khóc và bình tĩnh lại. Cha mẹ sẽ không cần phải sử dụng đến các thiết bị điện tử, công nghệ để xoa dịu trẻ.
3. Gửi gắm những rung động tích cực
Phương pháp này lấy cảm hứng từ bộ môn Yoga. Nó dựa trên ý tưởng rằng mọi âm thanh chúng ta tạo ra đều mang một tần số rung động và chúng sẽ có tác động lên một số vùng cụ thể trên cơ thể. Và tiếng “om” chính là âm thanh thiêng liêng xuất phát từ con tim có thể gợi lên cảm giác yên bình trong tâm hồn, mà không cần tới công nghệ.
Theo phương pháp này, mỗi khi con bạn sắp khóc, môi bắt đầu run rẩy, bạn hãy bắt đầu niệm “om”, điều đó sẽ giúp con bạn bình tĩnh lại và không rơi nước mắt. Vừa niệm, bạn có thể vừa nhìn sâu vào mắt con kết hợp lắc lư nhẹ vai của chúng. Ngoài ra, bạn có thể nắm lấy tay con và xoay nhẹ chúng theo vòng tròn. Nếu con bạn lớn hơn một chút, hãy hướng dẫn chúng cùng niệm “om” với bạn, cách này có thể mang lại hiệu quả giúp con trẻ bình tĩnh hơn.
4. Dạy con ôm theo kiểu bướm (butterfly hug)
Những cái ôm của cha mẹ là cách thức tuyệt vời nhất để trao đi tình yêu thương và giúp con trẻ bình tĩnh lại. Nhưng trong trường hợp, con trẻ cảm thấy buồn hay lo lắng những lúc không có bạn bên canh thì sao? Lúc này, bạn có thể dạy con tự xoa dịu mình bằng một cái ôm kiểu bướm. Ban đầu, nó được tạo ra để sử dụng trong liệu pháp EMDR (Eye Movement Desensitization and Reprocessing – một liệu pháp sử dụng khả năng tự nhiên của bộ não để tự chữa lành hoặc giảm các tổn thương, chấn thương tâm lý).
Mục đích của kỹ thuật ôm kiểu bướm là cân bằng các tế bào cảm xúc của hai bên bán cầu não, giúp làm dịu các cảm xúc mãnh liệt hay đau buồn. Kỹ thuật đặc biệt này đã ra đời từ hơn 30 năm trước và vẫn đang được áp dụng cho đến tận hôm nay, nó là một kỹ thuật thư giãn có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi. Bạn hãy hướng dẫn con bắt chéo hai cánh tay trước ngực sao cho đầu của hai ngón giữa ở mỗi bàn tay đặt bên dưới xương đòn, các ngón tay hướng về phía cổ. Sau đó, hãy bảo con nhắm mắt và gõ nhẹ luân phiên các ngón tay lên ngực, chậm rãi và theo nhịp trái phải, trái phải. Thực hiện như vậy ít nhất 8 vòng hoặc làm liên tục từ 30 giây đến một phút, có thể lặp lại quá trình cho đến khi cảm thấy ổn hơn mà không cần dùng tới công nghệ.
5. Dạy con hít thở đúng cách
Mỗi khi con cảm thấy bực bội, khó chịu, cha mẹ thường dạy con rằng hãy hít thở thật sâu. Nhưng liệu trẻ nhỏ có thực sự hiểu rằng thế nào là hít thở sâu không? Thay vì vậy, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ hít thở bằng bụng mỗi khi cảm thấy xúc động. Cách thức này sẽ giúp trẻ dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Nếu trẻ mới biết đi, hãy giơ lên một ngón tay và dạy trẻ tưởng tượng rằng mình đang thổi bong bóng và hít thở thật sâu theo cách ấy. Khi trẻ lớn hơn một chút, bạn có thể dạy con tưởng tượng rằng bụng mình là một quả bóng bay và con cần hít bằng mũi để làm phồng chiếc “bong bóng bụng” ấy. Bạn sẽ biết được trẻ có đang thực hiện đúng hay không khi nhìn vào chiếc bụng nở của trẻ.
Nếu các cách trên vẫn chưa hiệu quả, bạn hãy hướng dẫn trẻ giơ hai tay lên đầu tạo thành một vòng tròn lớn, như thể con là một quả bóng bay, và con cần hít vào thật sâu cho đến khi quả bóng ấy thật đầy. Sau đó, con có thể làm vỡ quả bóng bằng cách vỗ tay để không khí thoát ra ngoài. Việc hít thở sâu sẽ kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm, giúp trẻ bình tĩnh hơn. Khi con trẻ thở ra cũng sẽ giải phóng carbon dioxide giúp xoa dịu cảm xúc và loại bỏ những điều tiêu cực và khó chịu của con mà không cần tới công nghệ, điện tử.
6. Ấn huyệt đạo và làm mát xoa dịu
Nếu con vẫn quấy khóc trong khi bạn đã bế trẻ lên, hãy xoa dịu trẻ bằng kỹ thuật bấm huyệt được sử dụng trong khoa cấp cứu và chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh. Hãy dùng đầu ngón tay vuốt theo đường cong quanh vành tai của trẻ. Sau đó, hãy nhẹ nhàng chà xát điểm đó kết hợp với một lực nhấn nhất định theo chuyển động tròn từ 5 đến 10 giây.
Bước tiếp theo, hãy tiến đến vị trí nếp gấp bên trong khuỷu tay của trẻ và trượt ngón tay hướng vào trong cơ thể, nhẹ nhàng xoa điểm ấy từ 10 đến 15 giây. Thực hiện ấn huyệt và xoa bóp luân phiên giữa tai và khuỷu tay cả hai bên trái phải cho đến khi trẻ bình tĩnh lại. Cách này sẽ giúp giải phóng sự tắc nghẽn các kênh dẫn truyền năng lượng bên trong, giúp giải phóng endorphin khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Cha mẹ cũng có thể đắp một chiếc khăn ướt mát lạnh hoặc nhúng ngón tay vào nước và nhẹ nhàng chạm vào mặt của trẻ. Phương pháp này có thể giúp làm mát nhẹ nhàng cơ thể của con, làm chậm nhịp tim và giúp trẻ thoải mái, bình tĩnh trở lại mà không cần dùng tới công nghệ.
Chúng tôi hy vọng rằng, những bí quyết trên sẽ phần nào giúp bạn có được những phương pháp giáo dục trẻ một cách hiệu quả nhất. Chúng ta hãy là những bậc cha mẹ biết lắng nghe, quan tâm con cái thay vì chỉ áp đặt chúng. Sự kiên nhẫn và thấu hiểu con chính là yếu tố quan trọng hơn cả trong công cuộc định hướng và giáo dục con trẻ.
st