Wednesday, April 24, 2024

Chuyện bên dòng Vong Xuyên

 Không ai biết thật sự thế giới bên kia là có hay không, nhưng lịch sử hàng ngàn năm của các nền văn minh lớn đã có sự trùng hợp, rất thú vị cho người nghiên cứu văn hoá. Các nước thuộc văn hoá Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc…..lại có câu chuyện về Thập Điện Diêm Vương, câu chuyện dễ thương chứ không rùng rợn gì đâu. 



Nhiều truyền thuyết lắm, cái này khác cái kia chút nên cũng đừng cãi nhau. Tựu trung điểm chung là vầy. Con người sống trên quả đất, ngắn ngủi chỉ có vài chục năm, sau đó thể xác biến thành tro bụi, nhưng linh hồn vẫn còn, trừ một số người tu hành đắc đạo (đạo nào cũng được, miễn tu nghiêm túc thì đều bay về thiên đường khi trăm tuổi) còn lại linh hồn người bình thường sẽ phải xuống địa ngục. Quan hay dân, giàu hay nghèo, đẹp hay xấu gì cũng như nhau. Dưới đó, có một cái gương tên là Nghiệt Kính Đài, linh hồn nhìn vào màn hình sẽ thấy lại mình từ lúc sinh ra như thước phim quay chậm (cần thì bấm nút fwd cho tua nhanh). Coi xong thì bắt đầu luân chuyển qua các tầng địa ngục, ai làm xấu nghĩ ác thì sẽ bị hình phạt này hình phạt kia, ai làm việc thiện thì đi qua nhanh. Tới địa ngục thứ 10, gọi là Thập Điện Chuyển Luân Vương, vào khu Phong Đô để đầu thai trở về dương thế. Có linh hồn sẽ đầu thai thành người Mỹ cao to sinh ra ở New York, cũng có khi đầu thai thành người Lào hiền lành, sinh ở Pakse. Thành người xinh đẹp giỏi giang khoẻ mạnh là tuỳ phúc đức họ cho đi lúc họ sống. Còn làm việc xấu nhiều thì thành con chuột con cóc con gà…hoặc ác và xấu quá thì không được đầu thai. Dân tộc nào răn dạy nhau thực hành nhân ái văn minh hào sảng thì tương lai của dân tộc đó toàn tinh hoa tinh tú ra đời, rất xán lạn tươi đẹp.


Để qua khu Phong Đô và ngồi trong waiting list chờ đầu thai, mỗi linh hồn sẽ qua cầu Nại Hà, bắc qua sông Vong Xuyên (not Long Xuyên River in An Giang province). Dưới sông toàn rắn độc và những linh hồn buồn bã sân hận. Các vong nhìn thấy cái cầu và sông này thì sợ quá, bèn hỏi nhau “nại hà, nại hà” (tức “đi sao mày?”). Cầu Nại Hà có 3 tầng, tầng trên khô ráo, tầng giữa âm u còn tầng dưới thì vô cùng trơn trượt. Tầng trên cùng dành cho người có tấm lòng thơm thảo, mấy chục năm ở dương thế họ không tư lợi mấy cho bản thân, thương người nhiều, cứ có là cho đi, có là giúp người, trời cao đất dày ghi chép hết, nên đi qua dễ dàng. Tầng giữa khó đi hơn 1 chút, dành cho nhóm người khôn lanh, vun vén cá nhân mình trong lúc sống, không cho đi nhưng cũng không hại ai. Còn tầng dưới cùng là dành cho người tâm địa xấu, nói dối, tham lam, tư lợi, hại người để mình có lợi lộc,…Linh hồn đi 2 tầng dưới sẽ dễ bị rơi xuống sông, 1000 năm sau mới được đầu thai lại. 


Ngay trước cầu có một bà già tên là Mạnh Bà, sẽ đưa một chén canh, ai uống thì mới được qua cầu. Canh này là canh nước mắt của mình lúc còn sống được bà thu gom lại, ai lúc dương thế khóc quá khóc thì có 1 chén to đùng (grande size), ai ít khóc thì có chút éc (small size), không có topping trân châu đường đen gì. Chén canh này sẽ giúp xoá sạch bộ nhớ, format lại, không nhớ gì kiếp trước nữa. Vì quên hết quá khứ nên khi ra đời, mắt trong veo, em bé lẫn con gà con, đều trong veo. 


Nhưng không phải ai cũng chấp nhận uống chén canh Mạnh Bà, vì họ KHÔNG CHỊU QUÊN, họ coi mặt lại người mình thương yêu nhất hoặc coi lại cho được người mình ghét nhất (hoặc tò mò muốn coi mặt ai đó quá thì cũng không uống). Vong nào không uống thì sẽ xuống sông Vong Xuyên ngâm mình, chờ người kia đi qua cầu. Đã chọn nằm dưới sông để coi mặt thì 1000 năm sau mới được lên bờ và đầu thai. 1000 năm dưới dòng Vọng Xuyên, vong sẽ chứng kiến người mà muốn coi mặt đi qua đi lại cả chục lần (nhưng họ không nhìn thấy vong, kiếp người chỉ trăm năm, nên nó đi qua, đầu thai, chết, rồi lại đi qua, đầu thai, chết). 


Xưa có một cặp kia yêu lắm, nguyện không lìa xa. Hai người thường nói với nhau, “khi qua cầu Nại Hà cũng không uống canh Mạnh Bà, kiếp sau còn nhớ, kiếp sau còn mãi đi tìm”. Anh chồng chết trước, chị vợ ở vậy thủ tiết chờ. Linh hồn anh chồng khi tới gặp Mạnh Bà, tha thiết muốn Mạnh Bà giúp cho luân hồi trở về tìm gặp lại người vợ cũ, mà khổ nỗi không uống thì không thể qua cầu. Anh chồng đầu thai, lớn lên, khi cỡ 20 tuổi, một lần đi ngang qua nhà cũ thì lúc đó chị vợ đi ra, nhìn thấy liền hét lên “chàng đến tìm ta rồi”, rồi xỉu nằm sải lai dưới đất. Chàng thanh niên thấy tự dưng có bà lão tới trước mặt mình nói lời yêu đương rồi nằm dài vậy, sợ quá bỏ chạy mất (vì không muốn mang tiếng là phi công trẻ lái máy bay bà già). Chị vợ buồn quá chết, xuống gặp Mạnh Bà, tha thiết muốn nhìn lại mặt người chồng cũ. Mạnh Bà lại xúc động, bảo là “thằng này đợt này lên đó ăn chơi quậy phá lắm, không tập thể dục thể thao gì, không ăn uống healthy, không hào sảng giúp người cho đi để tăng thọ gì hết, nên nàng chờ đi, 20 năm thì gặp, nó 40 tuổi là die à”. Mạnh Bà cho phép nàng ở trên bờ, ngày ngày nhổ cỏ mọc dưới những tán hoa Bỉ Ngạn. Đúng hai mươi năm sau, anh chồng lại chết lần nữa, xuống đi ngang qua. Chị vợ đang bứt cỏ thì vứt cỏ, lao tới ôm chầm. Anh chồng không nói không rằng, gỡ tay nàng ra, ráo hoảnh uống cạn chén canh, đi qua cầu và ngồi chờ đầu thai tiếp. Nàng ngỡ ngàng, Mạnh Bà nói, con hãy quên quá khứ, hãy uống chén canh này đi rồi đi qua cầu Nại Hà mà đầu thai lại. Chuyện ở dương thế, tiền tài danh vọng ái tình, tất cả đều là phù vân. Lúc còn sống, enjoy được cái gì thì enjoy, vui vẻ được với ai thì vui vẻ, thương yêu ai được thì thương yêu, giúp ai được thì giúp, mơ ước làm gì thì cố mà triển khai đi, chớ có chần chừ, cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, ước mơ dang dở thì dáng vong dưới này không đẹp lắm (đại đa số không dám làm, ước mơ dang dở, phần lớn ma là xấu, nên có thành ngữ “xấu như ma”). Con cũng đừng làm đau khổ, khiến người khác rơi nước mắt nhiều, chén canh large size húp hoài sao hết. Còn chết rồi, là GAME OVER. Làm gì có ai hẹn được ở kiếp sau. So far, no one (đoạn này bà lão nói chêm tiếng Anh vì bà có thời gian làm cho công ty nước ngoài). 


Nàng hiểu ra, liền uống cạn, đi qua cầu, ngồi cạnh anh chồng cũ nhưng không ai nhớ ai. Bên kia bờ sông Vong Xuyên, hoa Bỉ Ngạn vẫn đỏ rực rỡ.

(source: nhungcuonsachhay)