(lâu lâu kể chuyện xưa)
Đó là một đêm lạnh cóng ở phía Bắc bang Virginia rất nhiều năm về trước. Sương xuống lạnh khủng khiếp nhưng vẫn có một cụ già đứng bên đường chờ có người cho quá giang. Không biết cụ đã đợi từ bao giờ và sẽ phải đợi thêm bao lâu nữa, nhưng cụ vẫn run rẩy đứng đó, kiên nhẫn chờ đợi.
Có rất nhiều người cưỡi ngựa đi qua nhưng ông cụ lặng im không vẫy họ. Thậm chí cụ cũng không làm gì để gây chú ý. Từng người, từng người qua chổ cụ đứng nhưng ông cụ vẫn như một bức tượng đá.
Đêm khuya dần, trời càng cứa lạnh và người qua lại thưa thớt dần. Bỗng ông cụ đứng bật dậy khi có tiếng vó ngựa ngang qua:
– Con trai, liệu con có thể cho ta đi nhờ một đoạn đường không? Đoạn này nhiều tuyết quá, ta không đi nổi nữa…
Người cưỡi ngựa ghìm cương, nhảy xuống đỡ ông cụ lên ngựa. Anh ta không chỉ cho ông cụ “ đi nhờ một đoạn đường” mà còn đưa ông đến tận nhà.
Trước khi ông cụ vào nhà, người cưỡi ngựa tò mò hỏi:
– Ông ạ, con thấy ông đã đứng ở đó từ lâu rồi. Tại sao ông không đi nhờ sớm hơn? Ban ngày nhiều người qua lại lắm mà. Tại sao ông cứ đứng chờ trong khi trời tối và lạnh như vậy?
Ông cụ nhìn vào mắt người cưỡi ngựa, và trả lời:
– Con trai, ta ở vùng này đã lâu rồi. Ta có thể nhìn vào mắt một con người và phán đoán được về người đó. Khi những người cưỡi ngựa trước đi qua, họ liếc nhìn thấy ta rồi quay đi ngay. Trong ánh mắt đó không hề có sự quan tâm hay tình cảm. Nên ta nghĩ dù ta có vẫy họ thì họ cũng chẳng để ý đâu. Nhưng khi con đi tới, từ đằng xa, con đã nhìn ta và không rời mắt khỏi ta. Trong ánh mắt đó, ta nhìn thấy sự cảm thương và lo lắng. Và ngay lúc ấy, ta biết con muốn giúp đỡ ta.
Những lời đó thật sự làm cho người cưỡi ngựa cảm động:
– Con rất cảm ơn ông đã nói những lời đó. Hy vọng rằng con sẽ không bao giờ quá bận rộn đến mức không nhìn thấy những người khác khi họ cần giúp đỡ…
Và ngay lúc đó, Thomas Jefferson quay ngựa lại về hướng Nhà Trắng.
(Thomas Jefferson là Tổng thống thứ 3 của Mỹ, người đã viết bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776)