Thursday, December 7, 2023

Một chuyện tình

 


Khi gả về nhà anh, chị mười sáu, anh lên năm tuổi. Anh là con độc đinh, cha mẹ quý hơn vàng, chỉ tiếc anh quá nhiều bệnh tật.


1. Cảnh nghèo


Ông nội ở ngoài buôn bán nhỏ, gom được tí tiền. Bà nội tin Phật, một lòng thành kính, một lần bà nội xin được một quẻ xăm giữa miếu ngụt khói hương, nói phải cưới một cô vợ hơn tuổi cho thằng cháu đích tôn thì nó mới qua được vận hạn.


Bà nội đương nhiên tin vào lời Phật dạy chúng sinh nơi khói hương vòng quanh chuông chùa ngân nga, bởi thế ông bà nội bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho anh.


Nhà chị năm miệng ăn, trông vào mấy sào ruộng bạc màu, chỉ đủ miếng cháo, mùa đông, cha chị vì muốn kiếm thêm ít đồng ra đồng vào, theo người ta lên núi đập đá, tiền chưa kiếm được, nhưng bị đá vỡ dập lưng, tiêu hết cả gia sản, bán sạch cả lương thực, bệnh không khỏi.


Hằng ngày cha chị chỉ có thể nằm trên giường, muốn chết mà chẳng chết cho. Hai đứa em trai còn chưa đủ tuổi lớn. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi ai oán của mẹ, làm những năm thời con gái của chị mang một gánh nặng tâm tư.


Vì thế bà mối đến, réo rắt: “Gả cô nhà đi, tiền thì để dưỡng bệnh cho cha, còn đỡ đần được tiền tiêu trong nhà”.


Mẹ chị lắc đầu, nào có ai muốn đẩy đứa con gái thơ dại của mình vào lò lửa? Nhưng chị xin: “Mẹ, cho con đi nhé, chỗ tiền ấy có lẽ chữa khỏi cho cha!”.


Tiếng kèn đón dâu thổi váng đầu ngõ trước ngôi nhà nhỏ của chị. Bố chị nằm trên giường tự đấm ngực mình; Con gái phải đem đổi tuổi thanh xuân, chấp nhận lấy một người chả xứng với mình chỉ vì cứu tôi và cứu gia đình này thôi ư!


Mẹ chị chảy nước mắt, tự tay mình cài lên tóc con gái cây trâm gài. Chị mặc áo đỏ đi giày thêu cúi lạy cha mình , tự buông tấm khăn đỏ che đầu mình, nước mắt lúc đó mới chảy ra, trộn phấn má hồng.


Từ đó, số phận cuộc đời chị và hôn nhân giao cả về tay một đứa con nít vô tri.


2. Cười xót xa


Bà mẹ chồng trẻ tuổi không phải là người khắt khe khó tính, bố chồng ở xa cũng chẳng cần chị tam khấu cửu bái, lạy chào dạ vâng. Anh vâng lời mẹ gọi chị là chị gái.


Hằng ngày, chị ngoài việc giúp mẹ chồng chăm ruộng rau và làm xong việc nhà, thì cắt thuốc cho chồng, sắc thuốc, may áo cho chồng, giặt giũ, cho chồng chơi, cho chồng ngủ, có lúc, anh ho suốt đêm, sốt cao, chị thức cả đêm chườm khăn hạ sốt, cho anh uống nước, uống thuốc.


Trong tim chị, chị coi anh như một đứa em trai.


Hàng xóm láng giềng gặp chị, chị thường cúi đầu lặng lẽ, không nói, vội vã đi qua. Không biết là ứng với quẻ xăm của Phật, hay nhờ chính sức mình mà anh vượt qua được bệnh tật, dưới sự chăm chút của chị, anh lần lượt chiến thắng mọi cơn bệnh tật lớn nhỏ: Ho gà, viêm màng não, lở loét v.v…


Dần dà, những tình cảm anh dành cho chị vượt quá tình cảm dành cho mẹ mình. Giữa những kẽ hở lúc bận rộn, hoặc khi anh đã ngủ say, chị thường khóc nước mắt nóng rồi thờ thẫn tự hỏi mình: “Đây là hôn nhân của mình ư, đây là chồng của mình ư?”.


Đến tuổi đi học, chị may cho anh một chiếc túi xách, dắt tay anh đến lớp. Những đứa trẻ trong và ngoài thôn thường vây lấy chị hát to: “Cô con dâu, cô con dâu, làm cái gì? Tắt đèn, thổi nến, lên giường…”


Chị không biết trong lòng mình là nỗi đau hay nỗi buồn, cúi gằm xuống, mặt đỏ lên rồi trắng bệch, trắng rồi đỏ. Một buổi tối, anh nằm trong chăn nói:


“Chị ơi, em yêu chị!”.


Chị lại là vợ. Vợ lại là chị. Chị nhìn gương mặt ngây thơ non nớt của anh, im lặng. Lần đầu tiên chị cười đau khổ.


3. An ủi nhỏ nhoi


Cha anh ở ngoài buôn bán nhiễm phải thói cờ bạc, chỉ vài ngày mà thua sạch bách bao gia sản tích cóp khổ sở lâu nay.


Sau khi bố mẹ chồng chửi bới cãi vã ầm trời, bố chồng chị dứt áo bỏ nhà ra đi, từ đó không ai gặp lại ông nữa, nghe người ta nói khi đó ông bị lính bắt đi làm phu. Lúc đó trên người mẹ chồng chị còn vài thứ trang sức, cầm đi đổi lấy vài đồng tiền.


Mẹ chồng và chị bàn nhau mua lấy ba mẫu đất. Không thể mượn người làm nữa rồi, mẹ chồng con dâu xoay ra xắn ống quần lên lội ruộng, ngày còn ở nhà chị từ nhỏ đã giúp cha mẹ làm ruộng, khổ sở gì chị cũng đã nếm trải qua. Chỉ khổ cho bà mẹ chồng chị xưa nay chưa từng phải trồng lúa bao giờ.


Một nhà vốn giàu có bỗng chốc hóa bần cùng, đàn ông bỏ đi không tăm tích, bà mẹ chồng vừa đau vừa hận, lại thêm việc làm ruộng nặng nhọc, làm bà kiệt quệ, ốm rồi không dậy nổi. Trước lúc lâm chung, bà kéo tay chị, gần như van vỉ nói:


“Nó hãy còn nhỏ dại, xin cô chăm sóc nó, nếu cô muốn ra đi, xin hãy đợi lúc nó trưởng thành”.


Chị nắm chặt tay anh. Từ đó, số mệnh của anh lại bị chị dắt đi.


Chị là người phụ nữ trọng tình nghĩa, chưa từng hứa gì, nhưng chị vẫn cùng anh như cũ. Từ đó về sau, ngay cả chính chị cũng không nhận ra mình rốt cuộc là vợ, là chị hay là mẹ của anh?


Chị quần quật không ngày không đêm, làm việc để anh tiếp tục đi học. Cuộc sống của họ trôi qua khổ nhọc nhưng bình lặng giữa tình chị em sâu nặng, tình yêu bao la như tình mẫu tử bền chặt.


Khi anh tốt nghiệp trung học thi đỗ vào một trường Đại học Sư phạm, chị thay anh thu xếp hành lý, lại một lần nữa đưa anh tới trường.


Chị nhìn cậu con trai trẻ măng vừa qua tuổi dậy thì, do chính tay mình nuôi lớn từ nhỏ đến giờ, chị chỉ dặn anh hãy cố mà học hành, ngoài ra chị không nói thêm điều gì nữa.


Nhưng anh vẫn nói: “Chị, chờ tôi quay về nhé!”.


Tim chị đập nhẹ một nhịp, nhưng mặt vẫn bình thường, có điều khóe miệng ẩn một nụ cười hân hoan rất nhẹ mà người khác khó nhìn thấy. Khóe cười ấy không phải vì câu nói của anh, mà vì những gì chị bỏ ra, đã được đáp đền lần đầu.


4. Kiếp này


Chị vẫn làm ruộng như trước, nhịn ăn nhịn mặc dành tiền gửi đi.


Hai năm đầu, nghỉ hè và nghỉ Tết anh đều về quê giúp chị làm việc. Nhưng năm thứ ba đại học, anh viết thư về nói: Chị đừng gửi tiền nữa. Và kỳ nghỉ tôi cũng không về nữa đâu. Tôi muốn ra ngoài kiếm việc làm thêm, đỡ gánh nặng cho chị.


Lúc đó chị đã 29 tuổi.


Ở quê, người như chị đã là mẹ của mấy đứa con. Người trong làng đều bảo, chị nuôi anh lớn khôn, lại còn cho anh thoát li đi học, thế coi như là đã quá tốt với anh rồi, chị già hơn anh mười một tuổi, thôi đừng chờ chồng nữa.


Bây giờ anh đã đi xa, ở ngoài thế giới bao nhiêu xanh đỏ tím vàng, biết chồng mình có về nữa hay là không về nữa!


Chị cũng không biết trong lòng mình là đang thủ tiết, giữ đạo phu thê: Dù sao thì mười mấy năm trước chị cũng là một cô dâu gả cưới đàng hoàng về nhà anh; hay là mình đang vì câu nói trước ngày anh lên đường đi xa: “Chị, chờ tôi quay về nhé!”; hay là chị đang lo âu như người mẹ không yên tâm về đứa con nhỏ của mình đang ở xa; chị cứ chờ.


Chị cứ giữ sự yên tĩnh và ít lời như mấy chục năm nay đã từng.


Cuối cùng cũng đã đến lúc anh tốt nghiệp. Anh quay về. Anh đã là một người đàn ông trưởng thành có phong cách và khí chất, dáng dấp một người đàn ông nho nhã hiểu biết.


Còn chị, dãi nắng dầm sương, gương mặt nhọc nhằn lao khổ đã sớm bay hết những nét đẹp thời trẻ, là một người đàn bà nhà quê đích thực.


Trong lòng chị chỉ còn coi anh là một đứa em trai thân yêu. Chị không dám ngờ anh đã nói với chị: “Chị, tôi đã trưởng thành, giờ chúng ta có thể thành thân!”.


Chị nhìn anh, như đang nằm mơ, chị sợ mình đang nghe nhầm. Anh cũng là một người đàn ông trọng tình trọng nghĩa như chị?


Chị cười, tự đáy lòng dâng lên miệng cười rạng rỡ, cũng để rơi xuống những giọt nước mắt đẹp đẽ nhất đời người.


5. Xin lỗi


Anh ở lại thị trấn dạy học, chị ở nhà làm ruộng. Họ có với nhau một con trai một con gái.


Sau này, anh đến khu mỏ dầu dạy học, lên chức hiệu trưởng một trường Trung học nhờ vào bằng cấp và kinh nghiệm dạy học của mình. Vì hộ khẩu, con cái vẫn để ở nhà cho chị nuôi nấng. Sau khi nhập được hộ khẩu, anh về quê đưa vợ con lên trường.


Các giáo viên trong trường đến giúp hiệu trưởng dọn nhà. Có một giáo viên bộc tuệch chạy ra nói:


“Hiệu trưởng, sao anh đón mẹ và em trai lên ở mà không đón cả chị nhà và các cháu luôn?”.


Một sự im lặng bao trùm, mọi người đều ngoái đầu nhìn chị. Lúc ấy, mặt chị sượng trân trân, không biết nên nói gì, chị cười méo mó, nhìn anh biết lỗi. Anh ngoái đầu nhìn chị, nói với tất cả mọi người với giọng chắc nịch:


“Chị các chú đây. Có cô ấy mới có tôi ngày hôm nay, thậm chí cả tính mạng tôi”.


Chị nghe anh nói, mắt chị dâng lên toàn là nước mắt.


6. Năm tháng như bài ca, tình yêu như ngọn lửa


Bây giờ chị đã bảy mươi hai, vì làm việc nặng nhọc quá nhiều, sức khoẻ kém, bệnh phong thấp làm chị đi tập tễnh. Anh sáu mươi mốt, đã về hưu từ lâu.


Hai năm nay họ dọn về khu nhà này ở, nếu hôm nào trời không mưa gió, hoặc ngày quá lạnh, đều có thể gặp bóng dáng họ ở khu sân chơi, bồn hoa; chị nắm gậy chống, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước một về phía trước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc như thế, ân cần như thế.


Những người biết chuyện của họ đều nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ tình đầy đi dọc một kiếp người. Anh nói:


“Cô ấy mang cho tôi sinh mệnh, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành nửa cuối đời tôi chăm sóc cô ấy”.


Anh dắt tay chị, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười, đẹp như nét mây chiều êm ái nơi chân trời mùa hạ


Nguồn và ảnh sưu tầm


(st) 

Sunday, November 12, 2023

Vì sao chó không cần sống lâu như con người

 Tôi là bác sĩ thú y và được mời đến khám bệnh cho Belker, chú chó 10 tuổi thuộc giống Irish Wolfhound. Vợ chồng Ron và Lisa, cùng cậu con trai Shane của họ đều rất gắn bó với Belker và hy vọng phép màu nào đó sẽ xảy ra. 





Tôi đã khám cho Belker và phát hiện nó đang suy kiệt vì căn bệnh ung thư. Tôi báo cho gia đình biết là Belker không còn cứu chữa được nữa và đề nghị tiêm trợ tử tại nhà.


Khi chúng tôi đang chuẩn bị những thứ cần thiết trước khi tiêm trợ tử, Ron và Lisa nghĩ cậu bé Shane 6 tuổi cần chứng kiến quá trình này. Họ cảm thấy Shane sẽ học được một điều gì đó từ trải nghiệm này.


Hôm sau, tôi có chút nghẹn ngào khi gia đình của Belker quây quần xung quanh nó. Shane nhẹ nhàng vuốt ve chú chó già lần cuối. Cậu bé bình tĩnh đến mức khiến tôi nghi ngờ không biết nó có hiểu được chuyện gì đang xảy ra hay không. Vài phút sau, Belker bình thản trút hơi thở cuối cùng.


Shane bé nhỏ dường như đã chấp nhận sự ra đi của Belker một cách nhẹ nhàng và thông suốt. Chúng tôi ngồi lại với nhau một lúc lâu sau cái chết của Belker, tự hỏi nhau về một sự thật đáng buồn là tại sao tuổi thọ của loài chó lại ngắn hơn loài người. Shane, người đang yên lặng lắng nghe, bỗng nhiên lên tiếng, “Con biết lý do”.


Tất cả chúng tôi đều bất ngờ và quay sang cậu bé. Những gì cậu bé nói sau đó đã khiến tôi kinh ngạc. Tôi chưa từng nghe lời giải thích nào ấm áp như vậy. Nó đã thay đổi quan điểm sống của tôi.


Shane nói, “Người ta được sinh ra để học cách sống một cuộc đời tốt đẹp – chẳng hạn như luôn yêu thương và đối xử tốt với mọi người, đúng không ạ?”. Cậu bé 6 tuổi tiếp tục, “Ừm, những chú chó đã biết làm điều đó rồi, thế nên chúng không cần sống lâu như chúng ta”.

st.

Monday, October 30, 2023

GỬI BẠN ĐÔI LỜI KHÍCH LỆ CHO CHẶNG ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC



1. Có thể bạn đang rất mệt mỏi, nhưng hãy nhớ lại quãng đường đã qua, bạn đã cố gắng nhiều đến vậy, bạn nỡ lòng nào từ bỏ sao?


2. Người không tốt thì hãy sớm lãng quên. Chuyện không vui cũng đừng nghĩ nhiều nữa. Người xứng đáng thì hãy trân trọng. Cuộc đời hữu hạn, đừng hao phí thời gian và tình cảm quý giá vào những điều không đáng.


3. Không ai luôn đúng, không ai là hoàn hảo, ai cũng mắc phải sai lầm cả. Nhưng điều khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn chính là biết thừa nhận sai lầm của mình, và không bao giờ phạm phải một cái sai hai lần.


4. Cố gắng nào cũng sẽ có được những sự đền đáp tương ứng, hãy tin vào điều này. Có niềm tin mới có hy vọng. Hy vọng bạn vững tin vào chính mình, băng băng tiến về phía trước và trở thành người mà bạn muốn trở thành.


5. Có những ngày mưa, chúng ta chỉ muốn vùi mình ôm lấy những nỗi đau. Có những ngày nắng, nhưng trong lòng chỉ toàn là một màu mây ảm đạm. Sau cơn mưa trời lại sáng, sau những đau lòng, chúng ta lại thức dậy và trở nên mạnh mẽ hơn. Niềm vui là món quà, nỗi buồn cũng là một cảm xúc đáng trân trọng. Chúng ta rồi sẽ ổn, ngày mai sẽ là một ngày tươi sáng hơn.


(Chill Radio)

Tình yêu và sự tổn thương vì những kỳ vọng không được đáp ứng


Nếu nỗi thất vọng có thể mang ra đong đếm giữa mỗi người, thì nó ắt hẳn chiếm vị trí không hề nhỏ trong mối quan hệ nhân danh tình yêu…

Bạn có nhận thấy rằng hầu hết mọi người đều đặt điều kiện vào tình yêu của họ? Có người cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì những kỳ vọng được đáp trả, nhưng cũng không thiếu những người sẽ thất vọng nhanh chóng bởi niềm tin bị vỡ tan. Hầu hết mọi người khó có thể giữ vững niềm tin vào tình yêu lâu dài khi họ đã phải nếm trải thất bại và đặc biệt là khi kỳ vọng bị quay lưng. Trong những câu nói “em yêu anh nếu anh mãi mãi ở bên em”, “em yêu anh nếu anh không nhìn người phụ nữ khác”, hay “em yêu anh nếu anh cũng yêu em nhiều như vậy”…, dường như chữ “nếu” đang diễn tả một tâm hồn đang sợ hãi và ngại mở lòng. Hầu hết chúng ta lớn lên với những mộng tưởng cho tương lai luôn vượt xa thực tế hiện tại, và khi trải qua tình yêu rồi vật lộn với sự thất vọng thường xuyên, phụ nữ luôn rơi vào tổn thương bởi cảm thấy bị phản bội từ những người họ luôn nghĩ rằng có thể tin tưởng và yêu thương nhất.

Và tin chắc rằng, lý do lớn nhất khi bạn cảm thấy tan vỡ và thất vọng, là bởi vì bạn có một trái tim lớn hơn không gian phải dành cho nó và mọi thứ thuộc về bạn…

Đừng đòi hỏi sự hoàn hảo

Tình yêu luôn hàm chứa tất cả các cung bậc cảm xúc, và bạn không thể đòi hỏi nó lúc nào cũng màu hồng và nguyên vẹn như thuở mới yêu. Thất vọng là một giai đoạn mà gần như mọi mối quan hệ thân mật nghiêm túc nhất đều phải đấu tranh và trải qua. Nó có thể tấn công bất ngờ hoặc được tích đọng từ những điều tưởng chừng không quan trọng. Và rồi khi đủ lớn, nó có thể hủy hoại cuộc sống nhiều hơn tất cả những căn bệnh mà con người biết đến. Nhưng để đồng cảm và biến sự thất vọng trong mối quan hệ thành một điều gì đó có thể tồn tại một cách hữu ích cho tương lai là nhiệm vụ dường như quá khó khăn đối với các cặp đôi.

Một mối quan hệ trưởng thành và bền lâu sẽ không được bắt đầu cho đến sau khi trải nghiệm sự thất vọng. Vì vậy, đừng đòi hỏi sự hoàn hảo, nhưng hãy đòi hỏi những nỗ lực. Khi bạn yêu một người, người ấy có hoàn hảo không? Chắc chắn là không. Điều tồi tệ nhất trong tình yêu là đánh mất đi hy vọng, và sự thất vọng chính là cánh cửa sẽ mở ra lằn ranh nguy hiểm ấy. Nhưng hãy để bản thân được thất vọng trong thế giới này, hãy cho phép bản thân mình được vài lần thất vọng về con người và tình yêu trong khoảnh khắc nào đó. Bởi thế, đừng mong đợi người khác đối xử với chúng ta như cách chúng ta sẽ đối xử với họ, bạn thất vọng không phải vì họ không đủ tốt mà chỉ vì đã đặt niềm tin quá lớn mà thôi. Ai cũng đều sẽ gặp rắc rối với “sự nghiệp” yêu đương vào một lúc nào đó, nhưng hãy nhìn vào sự nỗ lực của đối phương, liệu rằng họ có đưa mọi thứ quay về điểm giới hạn vốn có và giữ lại những hy vọng bạn đang cố níu giữ. Vì vậy, xin đừng từ bỏ khi còn yêu và đừng từ bỏ vì sự nhạy cảm bản năng đã cho phép bản thân bạn thất vọng về những thứ bạn mong rằng không bao giờ xảy ra.

Chọn bản thân trước tiên

Thế hệ trẻ ngày nay là thế hệ yêu ít nhất, kết hôn muộn nhất và độc thân lâu nhất. Điều đó ắt hẳn có vô số lý do nhưng chiếm không nhỏ trong số đó ắt hẳn là sự tổn thương mà họ đã phải trải qua khi không thể đi đến “happy ending” với người yêu cũ. Nhiều người tin rằng tình yêu chỉ mang đến đau khổ, và chúng ta vẫn thường có xu hướng chạy theo đám đông và cho rằng điều này là đúng. Sau khi trải nghiệm thất vọng, bạn sẽ trách người, trách hoàn cảnh và cuối cùng là tự trách chính mình. Xin đừng, nếu đó không phải là lỗi của bạn, bạn cũng có cảm xúc và được tức giận như mọi người, sẽ có những vết sẹo hằn sâu và khiến cho quan điểm của bạn thậm chí thay đổi. Sự thất vọng có thể xé toạc gốc rễ của chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy bản thân vô cùng bất hạnh. Và bằng cách nào đó, trái tim của bạn sẽ dần thu hẹp và cảm xúc không còn ngây thơ và nồng nhiệt khi đối diện với ai đó. Bên cạnh thời gian, chúng ta phải học cách quản lý những cảm xúc như giận dữ, bi quan và bất lực.

Tất cả chúng ta đều sẽ mang theo chút tan vỡ để tồn tại trong cuộc đời này. Nhưng đừng hạ thấp kỳ vọng của bạn, tình yêu có thể từng gây ra đau đớn trong tâm hồn và sự thất vọng của tình yêu là một màu sơn riêng vô cùng khác biệt với tất cả những màu sơn khác. Đừng xóa bỏ màu sơn ấy, nhưng cũng đừng khiến nó lan rộng. Hãy giữ tiêu chuẩn của mình ở mức thoải mái và khiến bạn cảm thấy an toàn nhất, nếu bạn hạ thấp kỳ vọng chỉ để bớt cô đơn và hiu quạnh hơn, bạn đang “ngược đãi” và lừa dối chính trái tim mình. Một người thực sự yêu bạn sẽ nhìn thấy những gì thật nhất thuộc về bạn, họ biết bạn đang buồn hay vui chứ không phải vẫn vô tư an ủi bạn nhưng không hiểu nỗi đau của bạn đến từ đâu. Hãy nhớ một điều: Chọn bản thân trước khi muốn chọn bất cứ điều gì. Trên tất cả nỗi sợ hãi và không chắc chắn, hãy tin rằng bạn xứng đáng nhận được những điều tốt nhất và có hy vọng để tiếp tục nuôi dưỡng những gì thực sự có giá trị trong cuộc sống.

***

Tình yêu nên xóa đi nước mắt và mang lại những nụ cười. Nó trao quyền cho bạn trở thành người tốt nhất và mang lại hạnh phúc cho cuộc sống. Và những điều tuyệt vời cùng lãng mạn nhất sẽ luôn đồng hành với những nỗi buồn và sự thất vọng để khiến chúng ta nhận ra rằng: tình yêu đích thực luôn vượt ngoài mọi sự không hoàn hảo và giúp chúng ta hoàn thiện và trưởng thành hơn từng ngày.

st

VẼ GIÚP TA VƯỢT QUA CẢM XÚC TIÊU CỰC..!




Nếu mệt mỏi – Hãy thử vẽ những bông hoa.

 Nếu thất vọng – Hãy thử vẽ chân dung một ai đó. Chỉ cần cầm bút lên và vẽ, xấu cũng được.

 Nếu đang tức giận – Hãy thử vẽ những đường thẳng.

 Nếu cảm thấy tuyệt vọng – Hãy thử vẽ những gì ta thích nhất.

 Nếu đang bị tổn thương, đau đớn – Hãy thử vẽ và ghép các mô hình lại với nhau.

Nếu buồn chán – Hãy thử thoải mái tô các loại màu khác nhau hoặc vẽ cầu vồng.

 Nếu đang sợ hãi điều gì – Hãy thử vẽ hình một con đại bàng đang bay tạo ra chỉ bằng những dòng chữ số.

 Nếu  đang lo lắng – Hãy thử vẽ một cô búp bê xinh đẹp.

Nếu đang băn khoăn điều gì – Hãy thử vẽ những hình origami.

Nếu đang luyến tiếc điều gì – Hãy thử vẽ những đường mê cung.

 Nếu cảm thấy căm phẫn – Hãy thử vẽ những giọt nước mắt lên những miếng giấy vụn rồi thả chúng bay theo gió.

Nếu muốn tăng sức mạnh cho bản thân – Hãy thử vẽ tranh phong cảnh.

 Muốn ổn định đầu óc, tư duy – Hãy vẽ hình ô vuông.

Nếu muốn đầu óc minh mẫn trước khi đưa ra quyết định đúng đắn – Hãy thử vẽ các con sóng hoặc hình tròn.

Và nếu muốn định hình lại cảm xúc – Hãy thử tự họa bức chân dung của chính mình.

Câu cuối cùng: Đừng tin khi bạn chưa thử

st

10 THUẬT ĐỐI ĐÁP

 (Trời ơi, nghe sao mà dễ dữ vậy! làm đi rồi biết)





1. Người ghét ta: Né tránh hoặc tôn trọng nhau để “nước sông không phạm nước giếng”. Nên nhớ, xung đột chỉ đơn giản là sự khác biệt giữa các giá trị.
2. Người coi thường ta: Phớt lờ đừng để trong lòng. Nên nhớ, người giỏi đã không rảnh màng đến ta, người dưới ta mới muốn hạ ta xuống.
3. Người trách mắng ta: Đừng vội gân cổ lên cãi. Nếu họ đúng, mình không có tư cách cãi, nếu họ sai, giải thích sau cũng chưa muộn.
4. Người làm tổn thương ta: Ta vẫn cứ mỉm cười bao dung. Bởi đau khổ chẳng hóa đã trúng kế, buồn bực thì chuyện cũng đã rồi.
5. Người bán đứng ta: Hãy cảm thấy vui vì dù sao mình cũng có giá trị lớn mới được nguời khác “dùng” đến.
6. Người lừa gạt ta: Đừng thất vọng mà hãy lạc quan vì đã rút ra một bài học đắt giá về sự cả tin. Nên nhớ, “một lần bất tín, vạn lần bất tin”.
7. Người nói xấu ta: Đừng phí lời. Đã ghét thì ghét cả đường đi lối về. Cho nên, quá đáng thì hãy phản kháng, còn không “nhịn một câu sóng yên biển lặng”.
8. Người hận thù ta: Đừng lưu tâm làm gì. Nhưng đừng thôi mong hàn gắn. Nên nhớ, đời lắm chông gai, “thêm bạn bớt thù” vẫn tốt hơn.
9. Người yêu ta thật lòng: Phải trân trọng, gìn giữ bằng hết sức bình sinh. Nên nhớ, “đôi khi những điều tốt đẹp nhất chỉ đến có một lần trong đời”.
10. Người giúp đỡ ta: Cả đời không được quên. Họ giúp một, mình nên trả mười. Ngày rộng tháng dài, sống được cũng là nhờ các bậc quý nhân phù trợ.
St

4 thời điểm phụ nữ biết im lặng

 Không cần nói quá nhiều, đôi khi phụ nữ im lặng lại là phụ nữ khôn ngoan. Im lặng đúng lúc, đúng thời điểm còn giúp ghi điểm trong mắt đàn ông, khiến đàn ông vừa nể vừa tôn trọng.

Người phụ nữ khôn ngoan không chỉ thông minh, quyến rũ mà còn phải biết cách cư xử đúng chừng mực. Thế nên, có những thời điểm phụ nữ im lặng chính là “vàng” khiến đàn ông vừa nể vừa thêm yêu thương.

Im lặng để chồng có không gian riêng tư

Một người đàn bà khôn ngoan sẽ biết lúc nào cần im lặng để chồng có không gian riêng tư. Bởi ai cũng có những băn khoăn, khúc mắc trong lòng và cần có những khoảng thời gian riêng cho mình để chiêm nghiệm, suy ngẫm lại. Hơn nữa, đôi khi khoảng không gian riêng tư chính là lúc mỗi người được sống thật với chính bản thân mình nhất, được làm những điều mình muốn mà không cần bận tâm đến ai.



Vì thế, phụ nữ hãy biết im lặng khi chồng cảm thấy mệt mỏi với công việc hay khi chồng đang có mối bận tâm trong mối quan ɦệ với đồng nghiệp, với sếp. Lúc này thay vì ca thán, hỏi han quá nhiều, phụ nữ hãy cứ im lặng để chồng được nghỉ ngơi, để suy nghĩ thông suốt. Làm được điều này, tin chắc rằng đàn ông sẽ càng nể và trân trọng, yêu thương vợ hơn.

Im lặng để chồng suy ngẫm về sai lầm của mình

Khi người đàn ông làm sai, phụ nữ chỉ cần nói một lần là đủ chứ không nên càu nhàu, càm ràm mãi không dứt. Cũng đừng quá nóng giận mà nói ra những lời khó nghe. Vì như thế chỉ khiến đàn ông cảm thấy khó chịu, bực tức. Điều này có thể sẽ đẩy mối quan ɦệ vợ chồng trở nên tồi tệ hơn, khiến cả hai cùng chịu tổn thương và ấm ức.

Thay vào đó, hãy im lặng để đàn ông nhận ra cái sai của mình, tìm ra cái sai ở đâu và tìm cách khắc phục, sửa chữa. Đây chính là cách cư xử của người đàn bà khôn ngoan khiến đàn ông vừa tôn trọng vừa thêm nể phục.


Im lặng để chồng biết sợ

Đàn bà nói quá nhiều sẽ khiến đàn ông khó chịu, bực tức. Thế nhưng một người đàn bà vốn nói nhiều bỗng dưng im lặng sẽ khiến đàn ông cảm thấy lo sợ. Bởi đàn bà im lặng khiến đàn ông loay hoay, vò đầu bứt tai lo sợ đủ thứ chuyện.

Thế nên đàn ông sẽ phát điên khi vợ cứ mãi im lặng. Và lúc này họ sẽ lờ mờ nhận ra những việc mình chưa tốt, việc mình làm sai khiến vợ buồn và khó chịu. Khi hiểu ra vấn đề, chắc chắn họ sẽ cố gắng khắc phục, sửa chữa để làm hài lòng vợ, để làm vợ vui và sẽ không dám tái phạm nữa.

Bởi vậy mới nói phụ nữ không cần phải lúc nào cũng nói nhiều mà hãy biết im lặng đúng lúc, đúng thời điểm. Im lặng vừa giúp tâm tĩnh và an nhiên vừa giúp đàn ông nể sợ mà khắc phục những sai phạm, lỗi lầm của mình.

Im lặng để ra đi đầy kiêu hãnh


Khi đàn bà đã chịu quá nhiều tổn thương, quá nhiều ấm ức thì lúc này họ sẽ hoàn toàn im lặng. Bởi họ biết rằng dù có cố gắng bao nhiêu đi nữa cũng không thể níu kéo hiện tại. Họ chẳng cần phải khóc lóc, mắng chửi ầm ĩ nữa mà đã đến lúc họ mạnh mẽ và dứt khoát ra đi. Ra đi trong sự im lặng để chứng tỏ cho người đàn ông thấy rằng mình ra đi trong tâm thế của kẻ vứt bỏ đầy mạnh mẽ và kiêu hãnh.

Người đàn bà khôn ngoan sẽ biết đâu là thời điểm nên nói, đâu là lúc nên im lặng. Thế nên phụ nữ im lặng cũng cần đúng lúc, đúng chỗ mới thể hiện cái uy của mình trước người đàn ông. Để rồi đàn ông càng nể sợ và trân trọng người phụ nữ của mình hơn. Đó mới là cách ứng xử khôn ngoan của người phụ nữ hiện đại và thông minh.

st

Em không sợ bội phản, chỉ sợ người sờn lòng

 Ngày em đến trang trại nuôi hươu, tôi đã tự hứa sẽ cố gắng giữ em ở lại.



Mỗi buổi sáng, em dậy sớm, mặc chiếc áo cánh dơi rồi tung tăng cùng tôi đi chăm hươu. Chúng tôi hái cỏ, đi mua cà rốt, dọn phân. Người cười tươi, nói giỡn:

“Tự nhiên em muốn ở đây luôn, chẳng buồn về phố thị”.

“Thì ở đây với anh – Tôi cười cười, nhưng quả thật là muốn em ở thật - …nuôi hươu lấy nhung vừa đủ sống. Anh chăm em. Sáng dậy ta làm điếu thuốc, dọn phân hươu…

Em cười khanh khách. Thế rồi hôm sau em xin về phố thị. Tôi nghĩ chắc em sợ dọn phân hươu nên chuồn mất.

Ngày hôm sau, em đã có mặt tại bến xe, gọi điện:

“Kêu 500 đệ tử của anh chuyển đồ giúp em với…”


Mỗi ngày, tôi chăm hươu. Còn em thì vừa chụp ảnh cưới, nấu ăn cho tôi. Thi thoảng rảnh rỗi, em cùng tôi đi dạo giữa đàn hươu. Khóe miệng em cười tươi, gần gũi đến lạ.

Một đợt, hươu bị nhiễm bệnh, chết nhiều. Tháng đó, chúng tôi cãi nhau. Em thét lên.

“Đi ra chuồng mà ngủ với đám hươu của anh!” – Nói xong, em hậm hực đóng cửa phòng.


Tôi ra ngoài hút thuốc. Lòng tôi miên man, tự hỏi liệu người trẻ như em có chịu được sự yên bình bất trắc này. Phải chăng tôi đang giam cầm thanh xuân của em?

Chẳng biết từ lúc nào, em đừng ở sau tôi. Người vòng tay ra ôm tôi. Hơi ấm đó miên man. Em khẽ khàng.

“Dù thế nào, em vẫn ở cạnh anh. Em không sợ bội phản, chỉ sợ người sờn lòng”.

Có lẽ em nói đúng. Bình yên không tự đến, mà nó xuất phát từ tâm người.

Ảnh: @Youyouray

(lamyangphan Tumblr)

Cái đầu không khóc, chỉ có trái tim

 Tự nhiên đã không có bất kỳ sự phân biệt nào: có bao nhiêu tuyến nước mắt ở mắt nam giới cũng như ở mắt nữ giới. Nước mắt là cần thiết; nước mắt làm nên điều kì diệu. Nhưng kìm nén những giọt nước mắt là một chiến lược tinh vi để kìm nén cảm xúc. Nước mắt sâu thẳm kết nối với trái tim. Cái đầu không khóc, chỉ có trái tim. Kìm nén những giọt nước mắt là một mẹo nhỏ để kìm nén trái tim.



Bạn đã sống trong tư tưởng ngẩng cao đầu, tự cao tự đại, cho rằng cái tôi của mình rất mạnh. Bây giờ bạn đã rơi vào một hố sai lầm... Đó là những người điên ở đây. Bất kì ai cũng có thể bắt đầu khóc bất cứ lúc nào! Khóc được cho là thiêng liêng ở đây, bởi vì nước mắt trực tiếp xuất phát từ trái tim. Không có lời cầu nguyện nào đẹp hơn nước mắt.

Và không phải nước mắt chỉ đến khi bạn đau khổ, đau đớn và nỗi buồn. Đó cũng là một ý tưởng sai lầm đã được đưa ra cho bạn - rằng nước mắt chỉ đến khi bạn đau đớn. Không. Nước mắt chảy ra bất cứ khi nào bất kì điều gì đó tuôn trào - nó có thể là đau đớn, có thể là niềm vui, có thể là đau khổ, có thể là phúc lạc - bất cứ thứ gì tràn ra. Nước mắt là biểu tượng của một điều gì đó đang trào dâng.

Osho

“The Fish in the Sea is Not Thirsty”

#Osho

Friday, October 20, 2023

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

(lại hỏi câu này!...)



- Người nghèo nói: Có tiền là hạnh phúc.

- Người tàn tật nói: Đi được là hạnh phúc.

- Người mù nói: Nhìn được là hạnh phúc.

- Người điếc nói: Nghe được là hạnh phúc.

- Người bệnh nói: Mạnh khỏe là hạnh phúc.

- Người chưa chồng nói: Có chồng sẽ hạnh phúc

- Người chưa vợ nói: Có vợ sẽ hạnh phúc

- Người chưa có con nói: Có con sẽ hạnh phúc.

- Người lo lắng sợ hãi nói: Bình an là hạnh phúc

- Người xấu nghĩ mình xinh sẽ hạnh phúc

- Người lùn nghĩ mình cao sẽ hạnh phúc

- Dân đen nói: Làm quan sẽ hạnh phúc

- Người đang rất đói nói: được bữa cơm là hạnh phúc.

- Người đang buồn ngủ nói: Nếu được ngủ một giấc sẽ hạnh phúc.

- Người không có quần áo nói: Nếu có bộ quần áo đẹp sẽ hạnh phúc.

- Người không có xe nói: Có xe để đi sẽ hạnh phúc.

- Người không có điện thoại nói: Nếu có chiếc điện thoại sẽ hạnh phúc...


Thực ra con người họ thấy thiếu cái gì thì họ nghĩ rằng có nó sẽ hạnh phúc. Nhưng khi có rồi họ lại muốn cái khác và nhiều hơn nữa thành ra mãi mãi không bao giờ họ thấy hạnh phúc vì ham muốn là vô cùng thì bạn làm sao đủ sức để thỏa mãn ham muốn đây.

“BIẾT ĐỦ” và hài lòng với những gì mình có chính là hạnh phúc. Nếu bạn biết đủ thì cả khi đối diện với cái chết bạn cũng không sợ hãi vì bạn biết là sống thế là ĐỦ RỒI."

KHI NÀO SỰ BÌNH YÊN "TAN VỠ"?

 


---

Có bao giờ bạn nghe lời than phiền của ai đó về tính cách, ngoại hình hay con người bạn chưa? Họ phàn nàn vì muốn hạ bệ bạn chứ không phải cho bạn lời khuyên để bạn thay đổi tốt lên, họ ghét sự khác biệt ở bạn hay khi bạn không vừa mắt họ theo một tiêu chuẩn vô lý nào đó.


Còn bạn? Bạn đã bao giờ tự căm ghét và dày vò bản thân vì những lý do không đáng có nào chưa?


Những lời dạy là phải yêu người khác, yêu cha mẹ, anh chị em, con cái, gia đình, yêu nhà trường, xã hội, v.v. có lẽ chúng ta đã quá quen. Nhưng ta lại rất ít khi nghe ai đó bảo "Hãy yêu chính mình". Thậm chí có nhiều người còn coi việc yêu bản thân là ích kỷ, xấu xa, là ảo tưởng. Bản thân ta cũng hay động viên người khác khi thấy họ tiêu cực và gặp khó khăn, nhưng tại sao ta lại không thể động viên chính mình?


Sự thật thì vẫn là: Cơ thể mình là nơi mình trú ngụ hằng ngày, tâm hồn mình đã luôn trò chuyện với mình hằng ngày.


Nếu bạn căm ghét cái mũi của mình vì nó không được đẹp như ai đó, bạn vẫn không chối bỏ được sự thật là nhờ có nó bạn được hít thở, được sống và trên tất cả, nó là hình hài của riêng bạn. "Đẹp" thì không có tiêu chuẩn, nó có thể đổi thay theo thời gian, nhưng sự thật kia thì mãi mãi không bao giờ thay đổi.


Nếu bạn thấy khó chịu vì bị người khác cười chê khi bạn tập thiền và nói lời yêu thương, bạn vẫn không chối bỏ được sự thật là khi làm những việc đó, tâm bạn thanh thản biết bao nhiêu, hạnh phúc biết bao nhiêu. Họ cười rồi họ sẽ chóng quên, nhưng việc bạn đang dần hoàn thiện hơn, bình an hơn là điều không thể phủ nhận.


Cơ thể và tâm hồn là những điều giản dị nhất mà ta vẫn thường bỏ qua, coi là thứ tất yếu mà không hề trân trọng, cứ để mặc tất cả trôi theo sự đời. Chỉ những khi bệnh tật hay khi tuổi già ập đến thì ta có lẽ mới biết trân quý nguồn tài sản lớn lao này.


Hãy biết ơn và chăm sóc cho chính mình, luôn nhớ phải quay về bên trong để xem xem mình có đang ổn không. Vì khi chính bạn không ổn, không vừng vàng thì chẳng có điều gì là ổn, ngay cả khi mọi thứ tưởng chừng như đang ổn thì sớm hay muộn sự bình yên ấy cũng sẽ tan vỡ mà thôi.

Nguồn: Happy Academy - Học Viện Hạnh Phúc

Chìa khóa của cuộc sống bình yên nằm ở sự giao tiếp có ý thức

 

Bí quyết để có một cuộc sống bình yên và vui vẻ thật ra không quá khó khăn hoặc xa xôi như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần thay đổi cách giao tiếp của bạn một chút thôi, bạn đã đến gần hơn với đích đến của sự hạnh phúc yên vui.

    Chìa khóa của cuộc sống bình yên nằm ở sự giao tiếp có ý thức

    Sự công kích của ngôn từ

    Chưa bao giờ trong lịch sử mà ngôn ngữ có vai trò quan trọng và xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống chúng ta như bây giờ. Không chỉ tồn tại trong sách báo, thư từ như những thế kỷ trước của ông cha ta. Giờ đây, giữa mạng xã hội, YouTube, truyền hình, radio, email và tin nhắn, thế giới của chúng ta đã trở thành một cơn sóng thần biết nói. Nó hấp dẫn nhưng đồng thời cũng mệt mỏi không kém.

    Chúng ta tiếp nhận vô số những luồng ý thức không ngừng và khác nhau đến từ bạn bè, gia đình, những người quen ở xa và những người hoàn toàn xa lạ. Điều này bao gồm hầu hết mọi thứ, ngay cả những gì đang gây tranh cãi và xảy ra từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.

    Chúng ta bắt đầu có thói quen bình luận về mọi thứ trên mạng xã hội và sẵn sàng đáp trả những người khác để bảo vệ quan điểm của bản thân. Tuy nhiên, mọi thứ ngày càng quá đà khi một số bộ phận sẵn sàng xúc phạm và buông ra những từ ngữ tàn nhẫn, khiến người khác bị tổn thương mà không hề quan tâm đến cảm xúc của con người đằng sau màn hình bên kia.

    Chìa khóa của cuộc sống bình yên nằm ở sự giao tiếp có ý thức - Ảnh 1.

    Phải chăng con người đang gặp khủng hoảng truyền thông?

    Rất nhiều người đã quên mất rằng lời nói, ngôn từ cũng chính là một loại vũ khí thay vì là món quà có thể giúp chữa lành những cá thể đang bị tổn thương. Nhiều người đã quên mất rằng sự xuất hiện của ngôn từ chính là để chia sẻ cảm xúc, lòng trắc ẩn, thấu hiểu và hơn hết là sự kết nối giữa người với người. Có lẽ không nhiều người thật sự muốn tổn thương người khác nhưng không hiểu sao mọi thứ lại dần tồi tệ hơn trên mạng xã hội. Có thể do chúng ta không đối diện nhau để nhìn và quan sát cảm xúc của đối phương nên mới như vậy chăng?

    Ngôn từ phản ánh thực tế

    Tuy nhiên, tin tốt đối với việc sử dụng ngôn từ là chúng ta có thể thay đổi thực tại của bản thân.

    Bạn có thể học cách định hình bản thân là ai và lựa chọn những từ ngữ dành cho riêng mình.

    Ngôn từ của bạn sử dụng có thể thu hút người khác đồng thời cũng có thể đẩy những người xung quanh rời xa bạn.

    Ngôn từ thật sự có sức mạnh rất đáng sợ. Vì vậy, chúng ta cần tập cách sử dụng ngôn từ của mình với lòng từ bi, nhân hậu và chính trực.

    Đó chính là nghệ thuật của việc giao tiếp có ý thức.

    Vậy sao chúng ta không học hỏi về nghệ thuật giao tiếp có ý thức? Điều đó có thể tạo ra những giá trị mới. Điều đó có thể mang lại cho bạn cơ hội trở thành nhà lãnh đạo hoặc ngoại giao xuất chúng. Hãy tìm cách trau dồi cho điều này mỗi ngày.

    Chìa khóa của cuộc sống bình yên nằm ở sự giao tiếp có ý thức - Ảnh 2.

    Vậy bạn cần phải làm gì? Hãy xem xét đến ba yếu tố sau đây mỗi khi lên tiếng về vấn đề gì đó trên mạng xã hội hoặc với người xung quanh.

    - Hãy tập cách lắng nghe người khác. Trước khi nên ra ý kiến của mình, thay vì định công kích đối phương để bảo vệ quan điểm cá nhân, hãy học cách lắng nghe ý kiến của họ. Việc này không chỉ giúp giảm bớt tranh cãi không đáng có mà còn giúp bạn có cơ hội nhìn nhận vấn đề theo một cách khác.

    - Hãy tôn trọng giá trị của người khác. Có thể nhiều người có quan điểm hoặc suy nghĩ khác biệt với bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có quyền hạ thấp giá trị của họ bằng những lời nói, từ ngữ xúc phạm. Hãy tưởng tượng nếu có người khác làm vậy với bạn thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?

    - Học cách bình tĩnh. Nếu đối phương không tiếp nhận ý kiến của bạn và phản ứng gay gắt thì bạn nên làm thế nào? Hãy hít thở vào thật sâu và cho bản thân chút thời gian để bình tâm lại. Không phải lúc nào cũng nên lao vào những cuộc tranh cãi vô bổ không mang lại lợi ích gì cho cả hai.

    Sử dụng ngôn từ để chữa lành

    Nghệ thuật của việc giao tiếp có ý thức chính là dùng sức mạnh của ngôn từ để chữa lành. Tuy nhiên, trước khi tìm cách để chữa lành cho người khác, bạn cần học cách chữa lành cho chính bản thân bạn đã. Hãy học cách nói những lời này với bản thân vào mỗi sáng thức dậy, tâm trạng của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều.

    “Mình vẫn còn khoẻ mạnh.

    Mình đang sống một cuộc đời bình yên và giản dị.

    Mình có thể đối mặt với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống.”

    Tự nhủ với bản thân những điều trên sẽ dần dần thay đổi cuộc sống của bạn theo hướng tích cực nhất. Một thời gian sau bạn sẽ dần nhận ra tâm trí mình đã trở nên nhẹ nhõm và thanh thản hơn rất nhiều. Khi bạn chữa lành cho bản thân, bạn sẽ có cách để chữa lành cho những người thân bên cạnh bạn. Đó chính là điều tuyệt vời nhất mà sức mạnh của ngôn từ mang lại cho cuộc sống của chúng ta.

    Chìa khóa của cuộc sống bình yên nằm ở sự giao tiếp có ý thức - Ảnh 3.

    Tóm lại, chúng ta nên sử dụng ngôn từ làm công cụ để chia sẻ thông tin, lan tỏa yêu thương và chữa lành cho những con tim tan vỡ. Hãy sử dụng ngôn từ một cách đúng đắn vì một thế giới văn minh và tràn đầy yêu thương bạn nhé!

    Theo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị

    Monday, October 2, 2023

    HIỆN TƯỢNG CON BỌ CHÉT

     


    Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm với con bọ chét, họ đặt nó lên bàn. Khi vỗ bàn, con bọ chét vội vàng nhảy lên, nhảy lên đến độ cao gấp một trăm lần cơ thể nó. 


    Kế tiếp, người ta cho nó vào một lọ thuỷ tinh đậy nắp lại để nó nhảy thử: lần này con bọ chét đụng phải nắp thuỷ tinh. Sau nhiều lần, con bọ chét đã thay đổi độ cao của bước nhảy cho phù hợp với hoàn cảnh, mỗi lần nhảy luôn giữ một độ cao dưới đỉnh nắp. 


    Tiếp sau, người ta lại tiếp tục thay đổi độ cao của nắp thuỷ tinh, con bọ chét sau vài lần đụng phải nắp đã chủ động nhảy thấp hơn.


     Cuối cùng, khi nắp thuỷ tinh đậy gần sát, con bọ chét lúc này không nhảy được nữa. 


    Các nhà khoa học lại mở nắp thuỷ tinh ra, đặt nó lên bàn và vỗ bàn. Con bọ chét không nhảy nữa. Nó đã đổi thành “bò chết” rồi.! 


    Bọ chét biến thành “bò chết”, không phải vì nó đã mất đi khả năng nhảy, mà do nhiều lần thất bại nên tự thay đổi và hạn chế khả năng vốn có. Điều đáng buồn nhất là ở đây, khi nắp thuỷ tinh kia trên thực tế đã không còn tồn tại, nó cũng không còn đủ dũng cảm để “thử thêm lần nữa”. Nắp thuỷ tinh đã nằm trong tiềm thức của nó. Dục vọng và bản năng của hành động đã bị bản thân nó bóp chết! Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là “tự đặt giới hạn cho bản thân”.


    Có rất nhiều người chúng ta cũng giống trường hợp này. Trong quá trình sống đã gặp phải thất bại, đã học quen dần với thất bại, đánh mất tự tin và dũng khí. Từ từ họ đã tạo nên tính cách và diện mạo yếu đuối, do dự, tự ti, không dám mạnh dạn, không dám dốc sức. Khi đó họ cũng giống như "bò chết" mà thôi!


    Bài cũ đăng lại

    Sự lương thiện không cần qua sát hạch

     Sự lương thiện không cần qua sát hạch - Câu chuyện cảm động về lòng người !



    Một ngày nọ, có một người đàn ông tên là Walter Salles vào thành phố làm việc, ông đi ngang một cậu bé đánh giày khoảng mười mấy tuổi ở Quảng trường nhà ga xe lứa, cậu bé đánh giày hỏi ông :

    - " Thưa ông, xin hỏi ông có cần đánh giày không ạ ?"

    Walter cúi đầu nhìn đôi giày chưa quá bẩn của mình, ông lắc đầu từ chối. Khi walter chuẩn bị đổi tàu thì cậu bé lúng túng, ngượng ngùng, đôi mắt ánh lên sự cầu xin:

    - " Thưa ông, cả ngày nay cháu chưa ăn gì rồi, xin ông có thể cho cháu vay một chút tiền được không ạ ? Cháu sẽ cố gắng đánh giày, một tuần sau cháu sẽ trả lại tiền cho ông".


    Walter nhìn cậu bé trước mặt mặc bộ quần áo rách rưới, cả người gầy gò, thế là ông móc túi đưa cho cậu bé vài đồng xu. Cậu bé vô cùng cảm kích nói lời cảm ơn ông rồi chạy đi như bay. Khi đó walter nghĩ thầm:

    -" Lại là một thằng nhóc lừa đảo..." và rồi ông đã quên bẵng đi...


    Cho đến vài tuần sau, walter lại đi ngang qua trạm xe lửa, đột nhiên ông nghe thấy giọng nói từ xa vọng lại :

    - " Thưa ông, xin ông đợi một lát!"

    Khi đó, ông nhìn thấy một cậu bé gầy gò chạy đến đưa cho ông mấy đồng xu, lúc này walter mới nhận ra cậu bé này chính là đứa bé đánh giày đã mượn ông tiền.


    Cậu bé vừa thở hổn hển vừa nói:

    -" Cháu đã đợi ông ở đây rất lâu rồi, rốt cuộc hôm nay cũng đã trả được tiền cho ông".

    Walter cầm trong tay những đồng xu còn ướt đẫm mồ hôi của cậu bé, đột nhiên ông  cảm thấy đứa trẻ này thật đặc biệt. Thế nên bỗng nhiên ông có một suy nghĩ, ông thấy cậu bé rất phù hợp với hình tượng nam chính trong kịch bản mới của mình. Hóa ra walter là một đạo diễn và khi đó ông  đang chuẩn bị phần tiền kỳ cho bộ phim, ông đã quan sát các sinh viên của trường diễn xuất không dưới một trăm lần, nhưng đều không vừa ý.

    Lúc này, ông nhận ra rằng cậu bé này có thể là nam chính trong bộ phim của ông. Và rồi ông lấy vài đồng xu ra và nói với cậu bé rằng :

    -" Số tiền này là chính tôi muốn cho cháu,  không cần trả lại. Ngày mai cháu hãy đến Văn phòng đại diện ở Công ty điện ảnh trong thành phố tìm tôi, tôi sẽ cho cháu một niềm vui bất ngờ lớn hơn."

    Nói xong, Walter rời đi, trong lòng cảm thấy ấm áp và bắt đầu hy vọng vào cậu bé này.

    Hôm sau, bảo vệ  Công ty điện ảnh nói vói Walter rắng trước cửa có một nhóm trẻ con ăn mặc quần áo rách rưới đến. Walter vô cùng ngạc nhiên, ông đi ra cửa thì cậu bé ngày hôm qua chạy đến, vui vẻ nói:

    -" Thưa ông, họ đều cũng là trẻ mồ côi  lưu lạc không có cha mẹ giống như cháu, các bạn ấy cũng hy vọng có được niềm vui bất ngờ ạ!"

    Walter không thể nào ngờ được một cậu bé vô gia cư, nghèo khó lại lương thiện đến thế. Nhưng sau khi quan sát, ông nhận ra quả thật là có vài đứa trẻ khác trong số đó phủ hợp với vai nam chính trong kịch bản của ông hơn.


    Dù vậy cuối cùng Walter cũng quyết định chọn cậu bé đánh giày này và ông viết trong hợp đồng lý do mà ông chọn cậu bé là:

    -" Sự lương thiện không cần qua sát hạch."


    Cậu bé này chính là Vinicius de Oliveira người Brazil, cậu chủ nhỏ trong bộ phim “Central Station" hay "Central do brasil" nổi tiếng của Đạo diễn Walter Salles, bộ phim này đã được hơn 50 giải thưởng, chiến thắng giải" Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại " Quả Cầu Vàng"  1999 và còn nhận  được hai đề cử OSCAR năm đó.

    Vài năm sau, Vinicius de Oliveira cũng mở một công ty Điện Ảnh và làm Chủ tịch, anh còn viết một quyển tự truyện có tên là "Cuộc đời diễn viên của tôi".

    Trên trang bìa trong cuốn sách có dòng chữ viết tay của ông Walter :"Sự lương thiện không qua sát hạch." Và đánh giá của ông về Vinicius de Oliveira: “Vì lòng lương thiện, cậu từng đem cơ hội nhường cho ngưởi khác, cũng vì sự lương thiện ấy, cơ hội trong cuộc đời chưa từng bỏ cậu".

    (St)

    Tuesday, September 26, 2023

    NỤ HÔN



    Chiếc tàu tôi đang đi ghé vào một ga nhỏ. Lúc ấy đã gần sáng và trời vẫn đầy sao. Không khí lạnh cóng ùa vào toa khi tàu dừng và mở cửa đón khách. Toa tôi có thêm hai người nữa, một người đàn ông và một cậu bé.

    Cậu bé trông hơi xanh xao, phải mất một lúc mới ngồi được vào chỗ của mình sau khi len qua nhiều hàng chân người lớn. Trong khi cha cậu bé ngồi cạnh cửa ra vào, cậu bé lại ngồi cạnh cửa sổ, giữa những người trông ngái ngủ, khó tính và mệt mỏi sau một đêm không được ngủ đẫy giấc. Khi tàu bắt đầu vào đường hầm, cậu bé trượt khỏi chỗ và tôi cảm thấy tay cậu chống vào đầu gối lên một chút. Cậu bé rướn người lên, có lẽ muốn nói gì đó với tôi. Tôi cúi xuống để nghe nhưng bất ngờ thay, cậu bé hôn vào má tôi một cái!

    Lúc đó tàu ra khỏi đường hầm. Rồi cậu bé ngồi lại vào chỗ của mình và ngắm cảnh bên ngoài cửa sổ. Trông cậu rất hạnh phúc. Tôi thật sự ngạc nhiên. Sao cậu bé lại hôn một người lớn không hề quen biết trên tàu nhỉ? Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi cứ thỉnh thoảng, cậu bé lại đứng lên, đi lại, hôn vào má những người lớn ngồi cạnh cậu, từng người một.

    Bối rối, chúng tôi nhìn về phía người đàn ông. Cha cậu giải thích:

    – Cháu nó rất hạnh phúc vì khỏe mạnh trở lại và được sống. Cháu đã ốm thập tử nhất sinh rất lâu rồi!

    Chuyến tàu dừng ở ga cuối. Người đàn ông và cậu bé hòa mình vào đám hành khách. Tôi vẫn còn cảm thấy cái hôn của cậu bé trên má, cái hôn làm tôi hạnh phúc và cả băn khoăn nữa. Liệu có bao nhiêu người trưởng thành trao cho nhau những cái hôn để chia sẻ niềm vui được sống? Cậu bé đã không chỉ chia sẻ với tôi một cái hôn ngọt ngào mà còn cả những băn khoăn muốn nhắn gửi: 

    Đừng để bản thân mình “chết” trước khi tim ngừng đập.

    st

    Friday, September 22, 2023

    Ngôi nhà không tiếng nói

     


    Ngôi nhà không tiếng nói 

    🍂🍂🍂

    Ngày chị gặp gã, vẻ ngoài bặm trợn lại lầm lì không nói gì của gã làm chị sợ. Chị bụng mang dạ chửa, sắp tới ngày sinh, đường cùng phải bỏ nhà chồng ra đi, lang thang sao lại đến cái xóm nghèo ven sông này rồi ngất vì đói. Khi tỉnh dậy, chỉ thấy trước mặt bóng dáng một người đàn ông to bè đang lay nhẹ chị. Chị nhớ lúc đó mình rất hoảng hốt, dùng hết sức bình sinh mà xô ngã gã, có lẽ vì bất ngờ nên gã ngã chúi, hậm hực phủi tay đứng dậy rồi bế thốc chị lên, đưa về nhà gã. Chị tỉnh dậy lần thứ hai đã thấy mình nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp nhưng được cẩn thận lót phía dưới một miếng đệm mỏng có vẻ cũ. Gã lại tiến đến trước mặt chị, chìa ra cho chị một tô cháo nóng và huơ tay thúc chị ăn, còn mình thì bỏ ra bậu cửa mà ngồi. Kể từ lúc ấy, chị hiểu gã là một người cục mịch nhưng chân thành.

    Chị cứ thế mà ở lại nhà gã, định bụng tới ngày sinh rồi lúc đó sẽ cảm ơn và rời đi, chứ lúc đó còn yếu quá. Gã khá tâm lý, cứ sáng gã đi làm, về chỉ loay hoay nấu bữa trưa ăn vội rồi đi, đến tối mịt mới về rồi cứ lăn ra ngáy pho pho. Ban đầu chị nghĩ gã vốn xem chị không tồn tại nhưng sau mới biết gã muốn chị tự nhiên, đừng quan tâm tới gã đang ở đó.

    - Đứa trẻ trong bụng tôi là con gái. Tôi và chồng cưới nhau đã lâu mới có mụn con này, nhưng chồng tôi lại là độc đinh…

    Gã đang châm dở bình trà chợt dừng lại, nhìn ra phía khoảng sân tối đang phơi mớ khoai lang mới thu chiều nay, rồi vỗ mạnh ngực mình một cái. Căn nhà vẫn như thế, vốn không tiếng nói, thi thoảng chỉ có tiếng chị kể một câu chuyện nào đó hoặc hỏi điều gì đó khuấy động sự tĩnh lặng. Từ bấy, chị để ý mỗi khi gã đi làm về luôn mang về một thứ gì đó, khi thì rau xanh, mớ đậu, khi lại là mớ trái cây có múi… Gã vào chúng rồi lại chỉ vào bụng chị. Chị hiểu gã mang chúng về để tẩm bổ cho chị và đứa trẻ. Chị cũng không hiểu sao mình lại tin tưởng người đàn ông này và cứ tưởng cuộc sống sẽ êm đềm thế cho tới khi chị nghe mấy đứa nhóc hàng xóm ghẹo gã khi thấy gã đi pha nước cam buổi sáng cho chị.

    - Anh câm có vợ.

    Lúc đó, ánh mắt của gã và chị bắt gặp nhau trong khoảnh khắc và cả hai đều vội quay đi.

    Chị ngượng ngùng nghĩ tại chị gã mới bị trêu chọc còn gã lại có ánh mắt của kẻ có lỗi và cả sự mặc cảm gã không nói được, điều mà ban đầu chị nghĩ là do gã vốn lầm lì…

    Ba tháng sau, chị sinh bé, do sinh non nên chị ngất lên ngất xuống mấy bận. Những lúc chị tỉnh táo là thấy bộ dạng hớt hải của gã bế thốc chị trên tay, mồ hôi đầm đìa ú ớ với bác sĩ. May mà mẹ tròn con vuông. Ngày chị xuất viện, căn nhà vốn yên tĩnh bắt đầu rộn ràng bởi tiếng trẻ quấy khóc, nhưng gã có vẻ vui, gã bế và chăm bé còn khéo hơn chị dù chỉ là những tiếng ê a không rõ lời. Khi đứa trẻ bắt đầu cứng cáp chị lại thôi ý nghĩ rời xa gã, một phần biết ơn, một phần tự lúc nào cách hai người đối xử với nhau cứ như gia đình khiến chị dù không muốn một danh phận nhất định, nhưng vẫn mong được ở lại đây. Nhưng rồi xóm giềng bắt đầu điều tiếng, ai cũng biết chị từ xa tới, bụng mang dạ chửa… Suy nghĩ mãi chị quyết định rời đi, chị muốn cho gã có một hạnh phúc riêng, cũng không muốn gã vướng bận mình. Khi gã tìm thấy chị, chị đang đụt mưa, cơn mưa ngăn bước chân chị và kéo hai người gần lại. Người gã ướt sũng, đôi mắt đỏ hoe, gã cầm bức thư chị để lại vò nát, hai tay đấm ngực thùm thụp …

    Vì chị vốn yếu nên khi gã tìm được chị mang về, chị sinh bệnh cảm rồi cứ thế nằm liệt giường, một mình gã chăm nom bé, lại ẵm đi xin sữa khắp xóm. Lúc đó chị mới hiểu được tấm chân tình mà gã dành cho chị đôi khi không cần phải nói ra.

    Từng ấy năm trôi qua hai người vẫn cứ ở vậy với nhau, không một ràng buộc danh phận, chị cũng dần hòa đồng và giúp gã thân thiện hơn với bà con lối xóm.

    - Do ảnh không nói được, lại lớn xác nên cục mịch, chứ ảnh tốt lắm...

    Đời là vậy, đôi khi người ta ít khi chịu dừng lại để hiểu một con người, việc gì cũng phải chờ nói ra rồi mới ngẫm. Mà gã, vốn có nói được đâu! Cũng có không ít người khuyên chị đi bước nữa, vì chị vốn xinh đẹp, cũng có nhiều người nhòm ngó, sao lại ràng buộc đời mình với một người câm. Nào ngờ những lời đó gã âm thầm nghe được. Gã thức trắng đêm nhìn trăng trên thềm nhà. Gã quyết định bỏ đi, gã xếp đồ, vén màn hôn lên trán con bé lần cuối như cách một người cha từ biệt một đứa con rồi nghe tiếng thở đều đều của chị, gã quay bước đi.

    - Mình đi đâu vậy? - Bóng chị mờ bên khe cửa nhìn gã đang rảo bước ra sân vào một đêm sáng trăng. Như biết gã định làm gì, chị cương quyết - Nếu mình định đi, mình cứ đi, rồi tôi sẽ đi tìm mình như những năm trước mình đã đi tìm tôi vậy.

    Tự nhiên gã bật khóc nức nở như đứa trẻ chạy đến ôm chị. Nhiều năm trước, chị ra đi vì sợ vướng bận gã, và giờ đến gã cũng như thế với chị. Hai người dành cho nhau một tình cảm không nói thành lời, nhưng cả hai đều nhận ra đó là sợi dây gắn bó nhau cả cuộc đời. Lòng chị đột nhiên ấm nồng khi ôm gã. Đây cũng là cảm giác của gã năm ấy, cảm giác lo lắng khi tưởng như mất đi một người mình lỡ thương.


    LÊ HỨA HUYỀN TRÂN.

    Tuesday, September 19, 2023

    CỦA CHO




    1. Ngày ấy anh chị còn nghèo lắm. Hai vợ chồng với 2 đứa con, nhà rách đến độ chả mua nổi cái khóa cửa. 

    Tờ mờ sớm chị chổng mông đạp 1 xe thồ nặng rau muống suốt từ điếm 31 dưới Tứ Hiệp vào phố bán. Anh thì ốm đau suốt, chỉ quanh quẩn ở nhà.

    2. Bữa ấy mưa rét, chị lại hâm hấp sốt nên đạp tới ngang cái chùa nhỏ ở Thanh Trì thì sa sẩm mặt mày, đành tựa xe vào tường chùa đứng thở cho đỡ choáng. 

    Nghe tiếng kẹt cửa, rồi có bà sư ở trong thò đầu ra xem. Ngó thấy chị ăn vận phong phanh rét run, thương tình mang ra  ly trà đường gừng nóng và mấy bộ quần áo cũ, chắc của khách thập phương bố thí.

    Tối về, chị giở ra soạn, bỗng phát hiện ra trong túi 1 cái quần cũ có tờ ... 100 đô la. 

    Số tiền không nhiều, nhưng với chị nó là khoản vốn đủ để thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu: đó là mở một hàng bún đậu mắm tôm vỉa hè.

    3. Chừng tuần sau thì anh chị mò lên phố, chọn tạm đoạn phố vắng ở Hàng Trống làm điểm mở hàng. 

    Thiên hạ bán 2.000 đồng một suất bún đậu, thì anh chị chỉ bán 1.200 đồng, lại chăm chút nên chả mấy mà khách đông nườm nượp. Chị ngồi rán đậu mỏi tay, anh tíu tít bưng bê lau dọn, cô con gái nhỏ thì cắm mặt ngồi rửa bát trong cái xô nhựa.

    Bán hàng được bao tiền, anh chị tích cóp mua hết đất để trồng rau muống. Tư duy của kẻ bán rau thì chỉ ước có thật nhiều đất để trồng rau, chứ có ai nghĩ đến lúc giá đất lên ào ào, anh chị nghiễm nhiên thành người giàu có. 

    Rồi cứ mua đi bán lại, chả mấy mà tài sản đã vào hàng cự phú, lưng vốn phải đến trăm tỉ.

    4. Tròn 20 năm thì anh chị tổ chức quay lại báo ơn ngôi chùa nhỏ ngày xưa. 

    Theo sau xe Lexus 570 của anh chị là 3 xe tải to chở đầy gạo, thực phẩm chay cùng mâm cúng lợn quay, gà, xôi, trái cây ê hề...làm xôn xao ngôi chùa nhỏ.

    Bà sư già năm xưa ra tiếp, ngỡ ngàng. 

    Chị kể lại câu chuyện cũ, đồng thời xin phép bà cho chị tổ chức một chương trình từ thiện, chia quà phát lộc cho người nghèo ngay tại chùa trong vòng 1 tháng. Sẽ làm rất hoành tráng, mọi chi phí chị xin trang trải tất.

    Nghe đến đó, bà sư già lắc đầu, xua xua tay:

    - Cái người đã bỏ tiền vào trong mấy bộ quần áo đó, nhà chùa cũng chẳng biết là ai. Và có lẽ họ cũng không muốn thiên hạ biết mình là ai. Của cho không bằng cách cho. Nhà chùa xin cảm ơn.

    Đoạn, bà tiễn khách và kêu người đóng cửa chùa.

    5. Chị đứng chết trân trước 2 cánh cửa gỗ nhà chùa đóng chặt, lớp sơn nâu đã bạc phếch. 

    Đành gạt nước mắt, quay về. 

    Nhưng chị đã hiểu mình phải làm gì rồi.

    6. Nhà chùa vẫn đem cho quần áo cũ cho người cần nó. 

    Có 1 khách vô danh nào đó vẫn gửi về quần áo đều lắm. Lạ nhất là trong mỗi bọc quần áo ấy, kiểu gì cũng sót 1 tờ 100 đô la trong túi áo hay túi quần cũ ấy

    Kẻ nghèo khó vớ được thì mừng húm tạ ơn Trời Phật. 

    Ở Chánh điện, có bà sư già vẫn thường ngày chú tâm tụng kinh với khuôn mặt và nụ cười vô thường của Đức Phật.


    Bài cũ đăng lại

    Friday, September 15, 2023

    Số người Nhật chết vì công việc ngày một tăng nhanh


    Số lượng những người Nhật chết vì việc tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Theo một thống kê được khảo sát và công bố bởi chính phủ Nhật, cứ 5 người Nhật đang đi làm thì có 1 người đang đối diện với nguy cơ chết vì việc. Người Nhật có một từ riêng để gọi nó là “karoshi”. Karoshi xảy ra ở cả phái nam và phái nữ.

    Khi người trẻ chết vì việc ngày một nhiều


    Nếu nhìn từ bên ngoài, có vẻ như thị trường lao động Nhật đang ở trong trạng thái rất tốt. Với mỗi người lao động cần việc, hiện đang có đến 1,28 việc làm, như vậy nhìn chung sẽ không ai thiếu việc, chỉ đơn giản người đó muốn làm việc gì.

    Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe như vậy đã rất thành công khi muốn tạo ra một thị trường việc làm dư thừa để kéo thêm người vào lực lượng lao động trong bối cảnh dân số giảm. Thế nhưng cùng lúc đó, luật lao động chưa chặt chẽ khiến nhiều doanh nghiệp đang cố gắng bóc lột nhiều hơn từ người lao động và điều đó dẫn đến nhiều hậu quả bi thảm.NDN_So nguoi Nhat chet vi cong viec ngay mot tang_1 

    Tính toán của Bộ Lao động Nhật cho thấy số lượng các hợp đồng đền bù cho trường hợp chết vì việc tăng lên mức kỷ lục 1.456 trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng Ba năm 2015. Người lao động trong các ngành y tế, dịch vụ xã hội, vận tải, xây dựng có tỷ lệ chết vì việc cao nhất. Hiện nay cũng chính những ngành này đang thiếu lao động trầm trọng.

    Tuy nhiên, theo chủ tịch Tổ chức bảo vệ các nạn nhân chết vì việc tại Nhật, ông Hiroshi Takahashi, con số thực tế có thể cao gấp 10 lần như thế bởi chính phủ Nhật không muốn thừa nhận thực tế. Ông Takahashi chỉ ra xét về bản chất, thời gian làm việc quá dài mỗi ngày khiến người lao động đột quỵ hoặc tự tìm đến cái chết để giải quyết bản thân, thế nhưng chính phủ lại không đưa ra biện pháp đủ mạnh để chấm dứt tình trạng đó.

    Làm luật sư đã hơn 30 năm, ông Takahashi có thừa kinh nghiệm và hiểu biết về tình trạng chết vì việc. Ông cho biết ở thập niên 1980, khoảng 95% trường hợp chết vì việc mà ông từng biết là đàn ông trung niên thế nhưng nay tỷ lệ nữ đang tăng lên, hiện đứng ở mức khoảng 20%.NDN_So nguoi Nhat chet vi cong viec ngay mot tang_3

    Hiện nay, chính phủ Nhật chưa hề có bất kỳ quy định nào về giới hạn số giờ làm việc. Theo các văn bản của Bộ Lao động Nhật, có hai hình thức chết vì việc bao gồm: bệnh lý xuất phát từ tình trạng làm việc quá mức và những vụ tự tử liên quan đến làm việc quá nhiều.

    Theo hình thức thứ nhất, nếu người lao động làm việc quá 100 tiếng thêm giờ trong tháng trước khi chết hoặc 80 giờ mỗi tháng trong hơn 2 tháng liên tục, người đó sẽ có thể đột quỵ vì làm việc quá nhiều.

    Còn trong trường hợp tự tử vì việc, cá nhân đó sẽ bị xếp vào diện thứ hai nếu làm việc thêm giờ khoảng 160 tiếng trong tháng trước khi người đó tự tử hoặc làm thêm giờ 100 tiếng/tháng trong hơn 3 tháng liên tục.

    Trong 4 năm gần nhất, tỷ lệ người tự tử vì việc tăng đến 45%, phần lớn người chết trong nhóm này thậm chí chưa đến tuổi 29.NDN_So nguoi Nhat chet vi cong viec ngay mot tang_2 

    Giới chủ Nhật có đang bóc lột thái quá?


    Thị trường lao động Nhật chia ra thành hai nhóm lao động: Nhóm người lao động thường xuyên và nhóm làm việc bán thời gian (chủ yếu bao gồm phụ nữ và người trẻ tuổi).

    Theo Bộ Lao động Nhật, ở thời điểm năm 2015, 38% người lao động Nhật đang làm việc theo diện bán thời gian, tỷ lệ này tăng 20% so với thời điểm năm 1990.

    Nhiều luật sư và học giả chuyên về thị trường lao động Nhật chỉ ra rằng nhiều ông chủ Nhật đang đưa ra chính sách thu hút lao động không nhất quán. Ban đầu, họ quảng cáo đến các ứng viên rằng họ đang tuyển các vị trí làm việc thường xuyên với giờ giấc làm việc hợp lý đi kèm nhiều chế độ đãi ngộ tốt.

    Thế nhưng sau đó khi làm việc trực tiếp với ứng viên, họ lại đưa cho ứng viên hợp đồng lao động bán thời gian với giờ giấc làm việc dài hơn và không được trả tiền làm thêm giờ, vì quá cần việc, nhiều ứng viên đã chấp nhận. Tất nhiên nhiều người sẽ phản bác rằng lẽ ra ứng viên nên từ chối công việc ngay từ ban đầu, nhưng họ đã bị lừa bởi lời hứa sẽ được ký hợp đồng dài hạn sau 6 tháng.NDN_So nguoi Nhat chet vi cong viec ngay mot tang_4

    Nhóm người lao động trẻ và phụ nữ thường đối diện với rủi ro bị lừa theo hình thức này bởi phụ nữ cũng thừa hiểu sẽ rất khó để quay lại thị trường lao động sau khi họ đã ở nhà sinh con, nuôi con đã vài năm.

    Còn theo một chuyên gia chuyên nghiên cứu về hiện tượng chết vì việc, không ít công ty còn ép người lao động sau khi đã tuyển dụng được họ bằng lời tuyên bố rằng mức lương trả cho người lao động đã tính cả 80 tiếng làm việc thêm giờ mỗi tháng, chính vì vậy người lao động sẽ phải trả lại tiền cho công ty nếu họ làm việc không đủ số giờ đó. Và theo kiểu bóc lột như vậy, mức lương tính theo giờ của nhiều người lao động còn không đạt đến mức tối thiểu theo quy định của pháp luật.

    Lực lượng lao động Nhật ngày một “teo nhỏ” suốt từ giữa thập niên 1990 khi người Nhật lười sinh đẻ, và theo lẽ thông thường, lẽ ra các công ty phải cải thiện điều kiện lao động để thu hút thêm người. Đáng tiếc điều đó đã không xảy ra, nhiều công ty trong số đó chỉ muốn lách luật được càng nhiều càng tốt, tình trạng đó dẫn đến việc dù việc làm thừa nhưng người kiệt quệ sức khỏe vì việc vẫn cứ tăng lên.

    Theo BizLive