Tuesday, February 1, 2022

 GIẢI MÃ TÊN GỌI “ÔNG BA MƯƠI”



            

Người Việt trong văn hóa ứng xử và tín ngưỡng dân gian gần gũi thiên nhiên, thường thêm lên trước tên những con vật một mạo từ. Nếu là con vật thân quen thì sẽ gọi là con như con chó, con mèo…Nếu con vật đó hàm chứa một ý nghĩa tâm linh nào đó, thì người ta thường thêm lên trước tên con vật đó mạo từ Ông hay Bà (ví như: ông Voi, bà Ngựa). Cũng theo ý nghĩa thiêng hóa đó người Việt hay gọi hổ là Ông (ông Hổ, ông Dần, ông Hùm, ông Kẹ,..)


Ông Hổ còn được gọi với tên đặc biệt là “Ông ba mươi”, một tên gọi rất thú vị, luôn  để lại nhiều thắc mắc, sự tò mò với người Việt. Về nguồn gốc tên gọi hổ là “Ông Ba Mươi”, tổng hợp lại có nhiều cách giải thích như sau:


- Xuất phát từ đặc điểm sinh học của Hổ, có giả thuyết cho rằng, có lẽ vì ông hổ có tuổi thọ không dài, trung bình Hổ chỉ sống trên dưới 30 năm, nên gọi là Ông Ba Mươi.


- Ở góc nhìn lịch sử, tên gọi Ông Ba Mươi có thể xuất phát từ tập tục cổ của người Việt, có từ thời Văn Lang, liên quan đến tín ngưỡng tế thần Xương Cuồng (ám chỉ một loài thú dữ là cọp) hằng năm vào ngày 30 Tết.


- Một giả thuyết khác xuất phát từ câu chuyện dân gian: ở một địa phương nọ, hổ gây nhiều tai họa cho người dân. Để khuyến khích việc diệt cọp, ai giết được một con cọp sẽ được thưởng 30 quan tiền, nhưng đồng thời cũng sẽ bị đánh 30 roi. Tiền thưởng sẽ trao bí mật, nhưng việc phạt bằng roi sẽ công khai, nhằm che mắt và được lòng các ông hổ. Cốt yếu để tránh được sự trả thù của Ông.


- Tên gọi Ông Ba Mươi cũng có thể bắt nguồn từ giai thoại lịch sử nhà Nguyễn, kể rằng lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy bức, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế hằng ngày mà thoát chết. Về sau, khi lên ngôi, vua Gia Long ban lệnh lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn, dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Tục truyền, vua ban lệnh cấm giết hổ, nếu kẻ nào lỡ tay giết chết thì bị phạt 30 trượng, còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là Ông Ba Mươi.


- Lại có cách giải thích khác, xuất phát từ câu chuyện thần thoại, kể rằng Phạm Nhĩ vốn là một vị thần có rất nhiều tài năng phép thuật của thượng giới, có cánh và có đôi vành tai cực lớn, bay giỏi và rất thính tai. Sau khi bị đày xuống hạ giới vì tội quậy phá, phải đầu thai thành kiếp cọp và bị cắt cả cánh lẫn tai. Từ khi xuống trần, mặc dù tài phép của Phạm Nhĩ giảm nhiều vì không còn cánh mà bay, nhưng ông vẫn giữ được một sức khỏe tuyệt trần, khiến mọi thú vật khiếp sợ, xứng với danh hiệu Chúa tể sơn lâm mà Ngọc Hoàng đã phong. Vì thế trong dân gian có câu: "Trời sinh ra hùm có vây/ Hùm mà có cánh, hùm bay lên Trời" để nhớ cuộc náo động Thiên cung của Phạm Nhĩ xưa kia! Vì đặc điểm này, ban ngày, cọp nhìn rất kém và nghe cũng rất dở, nên ít đi ra khỏi hang, nhưng ban đêm thì ngược lại. Vì thế cọp hay rình mồi vào ban đêm. Nhất là những đêm càng tối trời, tai cọp lại càng rất thính, mắt cọp lại càng sáng. Vào những đêm 30 cuối tháng và đặc biệt là đêm 30 Tết, cọp xục xạo nhiều nhất. Việc sử dụng tên gọi Ông Ba Mươi, có lẽ dân ta muốn nhắc nhở nhau hãy cảnh giác với cọp vào những đêm tối trời đó.


Tổng hợp lại các giả thuyết từ câu chuyện dân gian, giai thoại lịch sử, thần thoại đến đặc điểm sinh học của Hổ, có thể đưa đến một lý giải khác, khả dĩ tương đối thuyết phục hơn, đó là  tên gọi “Ông ba mươi” phản ánh một hiện thực của thế giới tự nhiên là “tối như đêm ba mươi”, mang ý nghĩa tượng trưng cho hàm ý sợ hãi, ghê sợ. Bởi lẽ, trong đêm tối, người ta sợ không chỉ vì con người khó nhìn (kém hơn một số con vật khác, như con mèo chẳng hạn) mà còn vì người ta sợ sự bất ngờ. Hơn nữa, theo sinh học, họ nhà Hổ đều thuộc chung họ Mèo với tên khoa học là Felix. Họ Felix có con mắt rất tinh, giữa trưa trời nắng thì con ngươi khép kín như một cái vạch ngang, nhưng càng vào nơi tối thì con ngươi chúng càng mở to và cùng với giác quan cảm ứng khác, chúng biết luồn lách tránh va chạm vào các vật rất giỏi và có khả năng gây nguy hiểm cao đối với mọi thứ, trong đó có con người. Có lẽ tâm lý sợ và lo âu bóng đêm này, nên người xưa thường chỉ vào chỗ tối để dọa với trẻ nhỏ là ông Kẹ, hoặc rõ nhất là trong dân gian ta có câu:  “Hễ ai mà nói dối ai/ Đến khi giáp Tết, ông ba mươi vào nhà!”.


Có thể nói, đây là một cách xử trí rất thông minh, khéo léo, đầy tính sáng tạo của người xưa, đạt được mục tiêu kép, vừa mang tính giáo dục, đồng thời thầm nhắc nhở những mối nguy hại đe dọa, đặc biệt là những ngày Giáp Tết, cuối năm, lấy thời điểm thiêng liêng là đêm giao thừa để đặt tên cho vật linh mà mình kính sợ được gọi bằng Ông Ba Mươi.


Trâu - Tân Sửu bàn giao thời gian cho Hổ - Nhâm Dần. Cứ đến 12 năm, hổ thời gian lại về một lần, nhưng Hổ trong nghệ thuật ngôn từ “Ông Ba Mươi” thì ở mãi với người Việt như một di sản văn hóa khó phai mờ trong ký ức.


Kính chúc Quý Bạn năm mới sức khỏe, an lành và nhiều may mắn 🙏🥰🙏


Trân trọng

Kỷ niệm đêm 30 (29 Tết – Đón Giao Thừa)

Nguyễn Hiếu Tín