Tuesday, February 15, 2022

Bàn Thiên ở Nam bộ.

(lâu lâu ôn lại tục lệ ông bà...)



Nhiều dân tộc Á Đông có bàn thờ ngoài sân nhưng ý nghĩa tâm linh thì khác nhau và ngay cả ở Việt Nam thì vùng miền cũng khác. 

Bàn Thờ ngoài trời của người Thái Lan thì thường có 2 cái . Cái lớn thì thờ Phật, cái nhỏ hơn, thấp hơn thì thờ ông bà địa chủ (giống như thờ ông địa, chủ đất...). Bàn thờ Phật thì thường chỉ bày biện dâng cúng hoa hay đĩa vàng, đĩa bạc nhưng bàn thờ nhỏ thì có cúng tượng thú (đa phần là voi, rắn), búp bê nhỏ, hay bà quắc (một vị thân). Bàn thờ nhỏ còn được cúng kiếng mỗi ngày bằng thức ăn hay chai nước ngọt. Tiếng Anh của bàn thờ này là Thailand Spirit House.


Bàn thờ ngoài trời của người Hoa ở vùng Chợ Lớn (đi qua Taiwan, Honkong và vài khu ChinaTown ở Mỹ, Pháp cũng thấy nhưng ở Trung Quốc lại không thấy) thường chỉ để sát bên cửa chính và dù được gọi bàn thờ Trời (mùng 10 tháng giêng cúng Trời) nhưng thật ra là thờ Thiên Quan (có chữ bài vị là Thiên Quan Tứ Phước).


Cũng là bàn thờ ngoài sân, nhưng bàn thờ ngoài sân của người Huế không thờ Trời mà thờ Cô cậu và một số gia đình cũng cho biết là thờ tiền chủ (chủ trước của khu đất, ngôi nhà mình đang ở) hoặc chiến sĩ trận vong. Trên Bàn thờ thường có chưng cúng cặp ngựa (trắng hay đỏ là tùy cúng ông hay bà, cậu hay cô). Các bàn thờ này chỉ thắp nhang (hương) vào ngày 1 và rằm (15 âm lịch).


Bàn thờ ngoài trời của người Nam Bộ khác với bàn thờ các vùng. Bàn Thờ ngoài trời gọi là bàn Thiên thờ ông Trời (ban đầu gọi là bàn thờ Thông Thiên theo Phật Giáo Hòa Hảo sau rút gọn) không có bài vị danh xưng. Bàn Thiên xưa là tấm ván vuông, đặt trên 1 cột cây giờ thì xây gạch đúc bê tông lót gạch men hay đá hoa cương cho sạch sẽ. Bàn Thờ luôn là hình vuông (tượng trưng cho Đất), lư nhang hình tròn (tượng trưng cho Trời), khi đốt nhang khấn vái là lòng thành thông tới Trời nên gọi Thông Thiên. Trên bàn thờ có ba chung nước, một bình hoa, đĩa trái cây , lễ vật cúng thường đơn sơ. Cách bài trí cúng kiến này là theo Đạo Phật Giáo Hòa Hảo nhưng sau thì cư dân Nam bộ cũng thờ cúng như cách này.


Ông Trời  với người Nam Bộ trở thành như một người thân,luôn thấu hiểu tâm tư, tình cảm, chứng kiến những vui buồn, những khó khăn, vất vả và sẵn sàng ra tay cứu giúp. Hễ có chuyện gì là Cầu Trời hoặc mét với Ông Trời ("Trời ơi ngó xuống mà coi", " Ăn ở sao coi cho được,  coi chừng ông Trời đoản hậu"...),  được gì cũng cám ơn Trời Phật. Nhớ ngày xưa ở với ngoại, cấm hở chuyện gì cũng "Trời ơi" là bị la. 

 

Nhiều nhà người Nam bộ, dưới đất chổ bàn Thiên cũng kết hợp thờ ông Tà mà không thờ Thổ Thần, Thổ Địa (thường Thổ Thần được thờ ở một miếu nhỏ trong cuộc đất khác hoặc đem thờ chung với Thần Tài trong nhà).  Cũng lạ, ông Tà là thần của người Khmer nhưng người Nam Bộ cũng đem về thờ như gia thần còn chính người Khmer lại không thờ tại nhà mà coi ông Tà là thần của cộng đồng (thờ ở miễu ông Tà).


Từ so sánh thấy  cách thờ cúng của dân Nam bộ có những tính cách sau

1. Trang trọng mà không trang nghiêm. Các vị Thần Phật Thánh được thờ cúng không phải trên cao vời vợi mà gắn bó như Gia Thần, Đấng Ơn Trên trong gia đình. Có chuyện gì thì cầu xin , gọi, mong như trong nhà. 

2. Cúng kiếng lấy tâm thành hơn là lễ vật quý giá đắt tiền.Chung nước cành hoa trái dừa (sản vật sẳn có) cũng  dâng cúng mà lấy tâm thành là chính nên không xem là xuê xoa đại khái.

3. Thờ cúng như văn hóa chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa và từ cư dân bản địa kết hợp với truyền thống từ cội gốc (miền Trung di dân vào  Nam) nhưng vẫn có bản sắc riêng không lẫn lộn.

4. Những ngôi nhà cao tầng, chúng cư ngày càng nhiều, không gian thờ cúng không còn chổ lâu dần những phong tục văn hóa sẽ ngày mai một đi. Ai còn giữ được cho con cháu mai sau thì giữ.

(Vuong Ngoc Long's FB)