Thursday, February 24, 2022

Ucraina-Nga, thêm 1 đòn cân não của Putin

 THÊM MỘT ĐÒN CÂN NÃO CỦA ÔNG PUTIN



Trước tình thế Ucraina bị vây 3 phía bởi lực lượng quân sự khổng lồ của Nga, lãnh đạo các nước trên thế giới, các chính trị gia lão luyện, các nhà bình luận quốc tế... đã đưa ra những nhận định khác nhau. Phần lớn nhận định cho rằng ông Putin sẽ đánh chiếm chớp nhoáng Ucraina như đã làm với Gruzia năm 2008, một số không ít thì dự đoán sẽ không có chiến tranh v..v... Chỉ đến khi ông Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập cho hai nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Lugansk vào ngày 21/2 vừa qua và đưa quân đội vào chiếm giữ dưới danh nghĩa "lực lượng gìn giữ hoà bình", thì thế giới mới thực sự hiểu ông Putin - một Peter Đại đế (Пётр Великий).


Ông yêu cầu NATO không kết nạp Ucraina vì ông không chỉ sợ NATO đưa vũ khí đến gần, chĩa vào sườn Nga, mà còn lo nền dân chủ, văn minh của phương Tây sẽ toả sáng xung quanh nước Nga, kích động dân chúng đòi thay đổi chế độ của ông đang trị vì. Vì thế mà ông tìm cách khống chế, buộc các nước xung quanh phải phục tùng, làm bức tường chắn vững chắc cho nước Nga vĩ đại. Phương Tây bảo ông xâm lược, ông bảo, Crưm và Donbass là đất Nga, nay ông lấy lại để mở đường ra biển Đen, đưa tàu bè hội nhập với thế giới, như Peter Đại đế- Tổ tiên của ông đã làm cách đây 300 năm.


   Ông không nuốt chửng Ucraina

bằng một cuộc chiến như các nước Phương Tây dự đoán, vì sợ bị nghẹn, mà ông chỉ gặm dần lãnh thổ như ăn một chiếc bánh. Ông tung hoả mù, rồi ra đòn vào chỗ không ai ngờ. Ông đặt thế giới vào sự đã rồi. Với đòn thâm độc này, ông không cho đối phương chết ngay một cách nhẹ nhàng, mà phải chết từ từ, chết trong khổ cực tột cùng của sự thiếu thốn vật chất và đau khổ tinh thần dai dẳng.

Ông mặc kệ  các nước lên án ông vi phạm luật pháp quốc tế đối với toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Vì trong con mắt của những kẻ siêu cường, luật pháp quốc tế không khác mấy tờ giấy lộn gập máy bay cho trẻ con chơi. Luật pháp quốc tế chỉ dành cho các nước yếu thế, không nơi nương tựa mà thôi. Ông không rao giảng đạo đức, học thuyết, mà chỉ hành động, đè bẹp những ai dám ngăn cản tham vọng của ông.


Còn phán quyết của LHQ ư? Chẳng có giá trị gì, khi hai trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an thì 1 bỏ phiếu trắng (TQ), còn thành viên thứ 2 (Nga) thì bỏ phiếu chống.


Ông bất chấp Mỹ và đồng minh đe doạ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm  khắc chưa từng có. Vì ông tin rằng, nếu làm thế, thế giới sẽ đói khát nhiên liệu như thế nào khi dòng dầu khí từ nước ông ngừng chảy về phía Tây âu. Mùa đông còn dài,  các nước EU sẽ rối loạn, sẽ chia rẽ khi ông ngừng cung cấp hai thứ nhiên liệu quí giá này. Không những thế, nước Mỹ đang vẫy vùng trong khó khăn do đại dịch, nay giá nhiên liệu tăng cao, càng làm kinh tế Mỹ chìm sâu  hơn trong lạm phát, suy thoái. Khi đó, liệu dân Mỹ có để yên cho ông Biden ngồi yên trên chiếc ghế tổng thống?


 Ông tự tin vì sau lưng ông đã có một siêu cường hậu thuẫn, một "hậu phương" to lớn đang đói nguyên, nhiên liệu, sẵn sàng há mồm nuốt gọn nguồn tài nguyên vô tận của ông hàng xóm đang "sa cơ lỡ vận".  Dĩ nhiên, giá cả không thành vấn đề khi không còn sự lựa chọn nào khác. Ngấm ngầm xúi thằng hàng xóm giàu có nhưng "tham bát bỏ mâm" đánh nhau, "ngư ông đắc lợi" là thế. 


   Ông thách thức Mỹ và đồng minh một cuộc đối đầu quân sự thảm khốc nếu dám đưa quân vào Ucraina can thiệp nội bộ giữa hai nước anh em cùng dòng máu Slav với nhau. Ông sẽ la làng nếu Mỹ đưa quân vào Ucraina khi Ucraina chưa phải là thành viên NATO. Còn Ucraina, dù NATO cho nhiều vũ khí, nhưng còn non yếu lắm, được mấy hơi mà dám đấu với siêu cường. Chờ thêm vài năm nữa để Mỹ và Phương Tây nuôi cho lớn mạnh, rồi hãy diễu võ giương oai. Nay thì chưa nên, vì chỉ cần một viên đạn lạc, làm thiệt mạng 1 lính Nga, ông sẽ lấy cớ, ra lệnh nghiền nát Kiev ngay lập tức. Thực lòng, ông không muốn đổ máu vì cả hai dân tộc cùng chung một tổ tiên, ngoại trừ khi Ucraina động binh trước.

   

   Ông từng cảnh báo: "Hãy để cho người Nga là người Nga" . Người Nga trọng danh dự, đề cao sự thủy chung, sống tình nghĩa. Họ chấp nhận sống nghèo còn hơn là sống nhục. Ông tin rằng, họ sẽ cùng  ông, sẵn sàng xả thân để bảo vệ danh dự cho Tổ quốc mình và sẽ ủng hộ ông thay đổi hiến pháp để ông làm Tổng thống trọn đời.

    Sau chiến tranh lạnh, tiếng nói của Nga trên trường quốc tế rất mờ nhạt. Nó chỉ khởi sắc từ khi Nga giúp Syria tiêu diệt IS. Nay bị Mỹ và đồng minh coi thường, từ chối những yêu cầu đảm bảo an ninh cho Nga (không kết nạp Ukraina vào NATO, chấm dứt mở rộng về phía đông, không triển khai vũ khí tấn công sát biên giới Nga), thì ông thà hy sinh tất cả chứ không chịu lép vế, ngồi nhìn Mỹ sắp xếp thế giới. 

    Thế là ông hành động, chấp nhận tất cả thách thức. Ông đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, mở đường cho siêu cường khác, đầy tham vọng, bắt nạt  các nước yếu thế. Ông đặt Mỹ và đồng minh vào tình thế rối ren. Nếu Mỹ và đồng minh làm ngơ, thì khác gì thừa nhận cục diện thế giới đã thay đổi, Mỹ không còn đóng vai trò dẫn dắt thế giới. Đồng thời, niềm tin của các nước, kể cả các nước đồng minh, vào Mỹ cũng sẽ suy giảm, chiến lược an ninh toàn cầu của Mỹ khó mà thực hiện được. Đó là điều Mỹ và đồng minh không muốn. 

  Có lẽ, con đường đúng đắn đi đến hoà bình lúc này là mỗi bên lùi lại một bước,  Mỹ cam kết không kết nạp Ucraina vào NATO,  Nga rút quân, còn Ucraina chấp hành nghiêm Thoả thuận Minsk.

  Hai con dê đang đi ngược chiều nhau trên một chiếc cầu hẹp, nếu cả hai cùng tiến sẽ cùng nhau rơi xuống sông.

   Hãy chờ xem, các bên sẽ đi nước  cờ nào sắp tới.

Hà Nội, 24-02-2022