Tuesday, February 8, 2022

Cưng lắm lời ăn tiếng nói miền Tây

  - Kỳ 1: Dóc bà cố ở xứ hóc bà tó



"Dzậy nữa, dzậy à, dzậy hả hôn". "Chèng  đéc ơi, gái lứa nhà ai nhìn cưng mắc chết". "Cái thằng dóc bà cố, cứ mở  miệng toàn chiện dữ thần thiên địa"...

Đó là những lời ăn tiếng nói vừa ngồ ngộ vừa  thân thương ở miền Tây sông nước Nam Bộ, mà người đi xa thì nhớ, ở gần  càng thêm thương.

Tình thiệt tui hổng phải  người Nam, mà lần gốc khoai rễ má ba đời là người miền Bắc chánh hiệu.  Quê nội tui ở làng Xuân Trường, Nam Định, quê ngoại mạn Hà Nam, nhưng ba  má tui đều được ông bà dắt vô Nam từ còn nhỏ nhóc và nhiều năm sau mới  sanh ra thằng tui giữa đất Sài Gòn. Cho nên giờ sâu thẳm tui là người  quê Bắc, nhưng nói chuyện miền Nam lại có phần rành rẽ hơn.

Gái Tầm Vu đồng xu ba đứa/ Trai Thủ Thừa cỡi ngựa xuống mua.

Ca dao Long An

Chi mà "quá xá binh thiên"

Mà  nghĩ cũng ngộ, cái lời ăn tiếng nói miền Tây cứ cà rà đeo tui mãi dù  chỉ có 15 năm dọc bưng dãi ruộng ở miệt bưng biền Long An, từ cái bận  thằng nhóc tui tóc còn "ba giá miếng dừa" lọt tọt theo ba má đi kinh tế  mới sau chiến tranh.

Xóm nghèo nhà tui về phần đa cũng  là dân miền Tây cố cựu, nhiều đời ông cố bà sơ khẩn hoang, mở xóm. Lác  đác chỉ ít nhà gốc Bắc như tui lạc vô xóm bưng này và trở thành "đặc sản  Bắc Kỳ", dù đến đời tui thì cái giọng miền Tây chắc cũng hổng khác gì  mấy thằng nhỏ nhóc nhiều đời tía má sanh đẻ miệt bưng biền này.

Nhớ  mãi lối cuối thập niên 1970 sang 1980, nhà tui ở xóm triền bưng, thẻo  đất phèn lợ giáp ranh giữa giồng ruộng và miệt bưng hoang vu ngó đâu  cũng thấy "binh thiên" cây tràm dại và trảng cỏ bàng thắt thơ ngả  nghiêng theo gió.

Sau này, theo nghề viết, lâu lâu tui  cũng đọc thấy có người viết chữ "binh thiên", nhưng từ nhỏ tui đã nghe  người quê miền Tây chất phác giải nghĩa đen "binh thiên" rõ rọt như sáu  câu vọng cổ. Binh là lính, thiên là trời.

Theo lẽ hiểu  và kính sợ của phàm nhơn thế tục thì còn gì đông hơn lính trời? Cho nên  gặp cái gì nhiều, cái gì đông thiệt là đông, bà con cứ quen miệng nói  "binh thiên". Tỉ như hỏi han nhau: "Ê mày? Tát đìa sao gồi?". "Cũng đặng  bộn, cá nhiều binh thiên". "Tối qua đoàn phim chiếu đông người coi  hông?". "Chèng đéc ơi, người đâu ra quá xá binh thiên".

Thiệt,  hổng dám dóc bà cố chớ ai có ở quê bận nghèo xác sau chiến tranh đó mới  rành rẽ cái cảnh "quá xá binh thiên" ở bãi chiếu phim là thế nào. Miệt  bưng biền, ngàn nhà chưa nổi một nhà có "cái truyền hình" (hồi đó dân  dưới đây gọi tivi là truyền hình).

Và mỗi bận có đoàn  chiếu phim lưu động trên tỉnh về thì thôi rồi tưng bừng banh xác pháo.  Loa xã báo chiếu phim rền rền cả xóm ruộng trên, bưng dưới. Sắp nhóc nhỏ  tụi tui cứ chút chút lại nhìn mặt trời chịu lặn chưa để được đi coi  phim. Còn tía má, anh chị lớn mần chuyện ruộng đồng, cũng sấp ngửa nóng  ruột cho xong, để về nhà chụm lửa nồi cơm ăn sớm mà đi coi phim.

Miệt  quê nghèo thưa thớt nhà cửa, ngày thường hiếm thấy mặt người, khó nghe  đặng tiếng nhau, vậy mà những tối có đoàn chiếu phim về, người đâu ra  đặc nghẹt cả sân ủy ban xã.

Ông già bà lão, thanh niên,  con nít lềnh khênh như đìa cá lúc sắp tát cạn, háo hức chờ tiếng máy  phát rè rè và tấm vải trắng giăng giữa hai cọc tre xuất hiện hình ảnh  những chú lính Liên Xô đánh nhau với quân Đức.

Vậy  nghen, sau này có bà con cô bác cắc cớ hỏi sao lại viết "nhiều quá xá  binh thiên", tui sẽ trả lời theo lẽ hiểu như ngọn cỏ củ khoai miệt bưng  biền này mà hổng phải lo trúng - trật từ điển. Tỉ cứ quen miệng như  thiên hạ nói "dóc bà cố", chớ lòng tui nào dám bất kính là bà cố... nói  xạo. Đừng ai khó tánh, càm ràm tui viết theo sách nào, mắc công lại bực  cái bội, ra đường ngó mặt nhau hổng đặng.

Giờ kể lại một  thủa xem phim còn vui hơn Tết đó, lối cũng trôi qua hơn 30 năm có lẻ rồi  mà sao tui vẫn nhớ rõ rọt từng chuyện tỉ như mới hôm kia hôm kìa. Đoàn  chiếu phim cũng thu vài đồng tiền qua cổng, nhưng nhiều kẻ vẫn trốn chui  trốn nhủi "coi cọp".

Tình  thiệt, thằng tui đến giờ đầu đã điểm bạc vẫn không dám lý giải nguồn  cơn chính xác tại sao bận đó dân miệt bưng biền Long An hay gọi người  coi phim trốn vé là "coi cọp" có vẻ... dữ dằn vậy. Mà hiểu theo nghĩa  đen thì hổng biết đời ông bà sao, chớ đời tía má đến tận đời tui đều  phải mua vé mới được vô Sở thú (Thảo cầm viên) Sài Gòn để coi cọp, ngó  voi, làm gì có chuyện trốn vé cho đặng.

Có người học  tiếng Tây, thử giải nghĩa "cọp" là kiểu rút gọn, biến âm của tiếng Pháp  accompagné. Nó mang nghĩa đồng hành, có thể hiểu như trẻ nhỏ dưới 12  tuổi không phải mua vé khi đi coi cinema chung với ba má...

Ừ  thì hiểu theo nghĩa nào thì hiểu, nhưng tui dám chắc như bắp dân miệt  bưng mình ở bận đó chỉ quen gọi "coi cọp" là trốn vé. Thời may ai chui  lọt hàng rào, gốc cây thì cứ tỉnh như rùi mà coi phim cho đã con mắt.  Còn bị bảo vệ phát hiện thì cứ lui cui quày quả quay ra, kiếm ngọn cây  nào đó (nếu có) để trèo lên coi mờ mờ từ xa cho đỡ ghiền.

Hóc bà tó nào chui ra?

Bảo vệ bãi  chiếu phim lưu động bận đó phần đa cũng là mấy anh du kích, công an xã.  Ai hiền "dừa dừa" thì phẩy tay đuổi ngược ra, hiền khô thì "lỡ rồi, dzô  coi luôn đi, nhưng mai nhớ hổng được chui lén nữa nghen thằng nhỏ".

Còn  anh nào nóng tánh thì vừa đuổi vừa dọa nạt: "Ê, mày chui hóc bà tó nào  đó? Ra lẹ đi, không tao bắt nhốt bây giờ". Bận đó, đám nhỏ nhóc tụi tui  đi "coi cọp" thời rủi đụng mấy ông này thì biết ngay hết đường tương  chao, liệu đàng lủi ra cho lẹ, chớ đứng đó mà ba điều bốn chuyện chi nữa  cho thêm quê chang bang, chù ụ mặt mày.

Sau này, đặng  thêm chút tuổi, nhiều khi tui vẫn mắc cười khi nhớ lại câu "Ê, mày chui  hóc bà tó nào đó?". Thủa con nít đi "coi cọp" sợ bị bắt, cứ nghĩ câu này  là chửi nặng, sau mới biết cũng nhẹ lêu bêu. "Hóc bà tó" hiểu chung  chung là nơi xa xôi, hẻo lánh. Còn với Sơn Nam, nhà văn - nhà nghiên cứu  Nam Bộ đáng kính, thì "hóc bà tó" là địa danh có thiệt ở Tiền Giang,  nơi có lạch nước nhỏ trên miệt đất thấp mà dân miền Tây còn hay gọi là  xẻo như Xẻo Bướm, Xẻo Chim, Xẻo Mù U...

Dân miệt bưng  biền nghèo xác, thủa còn mót lúa lượm khoai là vậy. Cứ nghe thiên hạ nói  lời hay hay, ngồ ngộ, rồi mình nói theo riết thành quen miệng, cắc cớ  tra tìm nghĩa xưa gốc cũ làm chi cho mắc mệt ở thời buổi chụm củi nồi  cơm sáng, đã lo lắng bữa cơm chiều có gì để bén lửa.

Xóm  triền bưng tui ở có cô Năm là người "nhiều chiện" mà đám con nít xếp re,  sợ sệt khi lỡ mần chuyện gì đó không đặng bụng, lọt mắt người lớn như  lén đi "coi cọp" chiếu phim. Lời qua tiếng lại thổi trúng lỗ tai cổ thì  thôi rồi, chỉ một hôm hai bữa thế nào cũng tới tai tía má.

Ôi  thôi, roi tre, roi trúc bầm mông ở cái xứ đất phèn đi đâu cũng thấy tre  trúc nhiều "binh thiên". Cổ hay có kiểu nói chuyện "dzậy à, dzậy nữa,  dzậy hả hôn" để bắt người khác phải tự moi hết bí mật trong bụng mình  ra, mà đám nhỏ nhóc hay lén nói cổ là người ưa "học thêm học bớt".

Sắp  nhỏ giờ nghe chữ "học thêm học bớt" cầm chắc hiểu theo nghĩa đen, nhưng  tình thiệt cái thủa lùa cơm vô miệng còn không đủ no đó làm gì học thêm  mà hiểu ra như vậy. Ý tụi tui nói cổ là người "nhiều chiện", ưa nói  thêm nói bớt cho đám nhỏ mếu máo ăn lươn nếm lịch trên mông với roi tre  của tía má.

**********

Bận nhỏ, tui đi học  hổng giỏi nhưng cũng "dừa dừa", nhứt là môn văn đặng mấy lần đi thi học  sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tía má được phen sáng láng mặt mày,  hàng xóm cũng "cưng mắc chết" thằng nhỏ.

Tuổi trẻ ngày 07/02/2022